Nguyên thủ Đức và Pháp gặp mặt giải quyết căng thẳng về chính sách năng lượng

08:28 | 11/10/2023

151 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Giữa Pháp - ủng hộ năng lượng hạt nhân và Đức - năm nay sẽ từ bỏ điện nguyên tử, chiến lược năng lượng là điểm tranh cãi chính. Chủ đề này sẽ được đem ra thảo luận trong cuộc gặp giữa hai chính phủ mà trọng tâm là cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Cuộc gặp diễn ra vào ngày 9 và 10/10 tại Hamburg (Bắc Đức).
Nguyên thủ Đức và Pháp gặp mặt giải quyết căng thẳng về chính sách năng lượng
Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Hamburg

Những mâu thuẫn về chính sách năng lượng giữa hai quốc gia này đã diễn ra thường xuyên, nhưng trở thành một vấn đề quan trọng hơn khi cuộc khủng hoảng về giá năng lượng đang làm rung chuyển châu Âu kể từ khi Nga mở chiến dịch đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022. Khi giá khí đốt tăng cao, Đức ban đầu không đồng ý thì bây giờ phải ủng hộ ý tưởng cải cách thị trường điện của Liên minh châu Âu (EU).

Các mục tiêu hầu như không gây tranh cãi: giảm hóa đơn năng lượng cho hộ gia đình và doanh nghiệp, ổn định giá năng lượng trong dài hạn, bảo đảm đủ nguồn cung, khuyến khích phát triển năng lượng không có carbon để đạt được các mục tiêu về biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, cách thức để đạt được những mục tiêu này đã làm nảy sinh một cuộc tranh luận sau hậu trường ở Brussels trong nhiều tháng giữa Paris và Berlin. "Cường độ tranh cãi giữa Pháp - Đức về vấn đề năng lượng là mới mẻ và không mang tính xây dựng", nhận xét của chuyên gia Philipp Jäger trong một bài viết cho Trung tâm Jacques Delors ở Berlin. Áp lực bổ sung đến từ việc ngành công nghiệp châu Âu đang bị đe dọa bởi giá năng lượng hấp dẫn từ đối thủ Mỹ. Năng lực cạnh tranh của Đức đang phải đối mặt với các thách thức này, nơi ngành công nghiệp chiếm khoảng 20% GDP.

Bộ trưởng Năng lượng của EU sẽ họp vào ngày 17/10 để cố gắng tìm ra sự đồng thuận, cho phép họ bắt đầu các cuộc đàm phán cuối cùng với mục tiêu là hoàn thành cải cách trong năm nay.

Năng lượng hạt nhân, điểm mẫu thuẫn chính

Ngành công nghiệp Pháp đã hưởng lợi từ giá điện rẻ trong nhiều năm. Công ty điện lực EDF quản lý 56 lò phản ứng hạt nhân của Pháp, phải bán một phần sản lượng của mình với giá rẻ theo quy định. Cơ chế này sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2025. Paris muốn tận dụng cơ hội cải cách thị trường điện châu Âu để duy trì mức giá thuận lợi.

Một trong những điểm quan trọng trong cải cách được đề xuất bởi Ủy ban châu Âu là phát triển các công cụ dài hạn như hợp đồng chênh lệch (CFD), trong đó chính phủ đưa ra mức giá cố định cho nhà sản xuất điện. Nếu giá thị trường thấp hơn mức giá cố định, chính phủ phải bồi thường nhà sản xuất. Nếu giá thị trường vượt ngưỡng, chính phủ có quyền sử dụng lợi nhuận thặng dư của nhà sản xuất để hỗ trợ hộ gia đình và doanh nghiệp.

Đối với Paris, điều quan trọng là những hợp đồng này phải bao gồm cả các nhà máy điện hạt nhân hiện có, trong trường hợp đầu tư để kéo dài tuổi thọ hoặc tăng công suất của chúng. Đức phản đối ý tưởng này, cho rằng CFD không nên áp dụng cho các cơ sở đã thu hồi vốn. Đức muốn ưu tiên đầu tư vào năng lượng tái tạo và đòi hỏi sự kiểm soát chặt chẽ hơn về việc sử dụng lợi nhuận từ CFD.

Bên lề, Pháp đã chỉ trích Đức vì phụ thuộc quá lâu vào khí đốt tự nhiên của Nga và đã tái khởi động sản xuất điện từ nhiệt than do bỏ ngỏ năng lượng hạt nhân. Đức thì nghi ngờ Pháp muốn có một ngoại lệ mang lại lợi thế cạnh tranh cho ngành công nghiệp của mình.

Thỏa thuận sẽ đi về đâu?

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố vào ngày 6/10: "Bởi vì lý trí không bao giờ nên là kẻ thù của chiến lược". Pháp có hy vọng đạt được thỏa thuận với Đức về cải cách thị trường điện.

Nhưng ngay cả khi đạt được thỏa thuận chung, cuộc đối đầu giữa hai quốc gia về năng lượng đã len lỏi vào tất cả các cuộc đàm phán hiện tại của EU về vấn đề này: Đức muốn mở rộng mạng lưới điện trên toàn châu lục để có thể nhập khẩu năng lượng, trong khi Pháp đang dựa vào chủ quyền năng lượng và sản xuất quốc gia. Pháp muốn sử dụng năng lượng hạt nhân để sản xuất hydro sạch, trong khi Đức còn đang nghi ngờ về điều này và còn nhiều vấn đề khác cần phải giải quyết.

Một bất đồng mới có thể xuất hiện với dự án của Berlin, hiện vẫn đang được thảo luận trong Chính phủ Đức, nhằm tài trợ giá điện cho các doanh nghiệp. "Chúng tôi đang tìm cơ hội để đạt được một thỏa thuận tốt hơn về các vấn đề năng lượng", một quan chức Đức, Sven Giegold nói với Financial Times vào đầu tháng 10.

Bàn luận về chính sách năng lượng của Tây Ban NhaBàn luận về chính sách năng lượng của Tây Ban Nha
Mổ xẻ chiến lược năng lượng-khí hậu của PhápMổ xẻ chiến lược năng lượng-khí hậu của Pháp
Sai lầm suốt 22 năm của Thụy Điển trong chính sách năng lượngSai lầm suốt 22 năm của Thụy Điển trong chính sách năng lượng
Lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu của Nga có phải bước đột phá trong chính sách năng lượng?Lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu của Nga có phải bước đột phá trong chính sách năng lượng?

Nh.Thạch

AFP