Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Để bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông cần huy động sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc

08:40 | 23/03/2012

983 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã có buổi nói chuyện với các cán bộ chủ chốt của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam về các vấn đề trên Biển Đông.

Từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan khi làm Tham tán Công sứ Đại sứ quán nước ta tại Liên Xô, đã góp phần vào việc giúp Việt Nam và Liên Xô ký Hiệp định về hợp tác, thăm dò và khai thác dầu khí. Trong những năm tháng làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, rồi là Phó Thủ tướng thường trực, ông luôn gắn bó với những người làm dầu khí. Vừa qua, ông đã có buổi nói chuyện với các cán bộ chủ chốt của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam về các vấn đề trên Biển Đông.

Được sự đồng ý của ông, Báo Năng lượng Mới xin lược thuật nội dung buổi nói chuyện này.

Vấn đề Biển Đông trong tổng thể sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như quan hệ quốc tế của nước ta

Mở đầu câu chuyện, ông nhiệt liệt hoan nghênh các cán bộ chủ chốt của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam quan tâm tới vấn đề Biển Đông vốn liên quan thiết thân tới hoạt động của mình. Ông gợi ý, nên đặt vấn đề Biển Đông trong tổng thể sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như quan hệ quốc tế của nước ta. Riêng về mặt ngoại giao cần phải thấy rằng, từ khi triển khai công cuộc đổi mới đến nay, nước ta đã thu được nhiều thắng lợi to lớn trên cả 3 mục tiêu hoạt động đối ngoại.

Một là, đã đẩy lùi được chính sách bao vây, cô lập nước ta, tạo môi trường quốc tế thuận lợi để phát triển kinh tế – xã hội. Thị trường được mở rộng, từ chỗ kim ngạch xuất khẩu chưa đến 1 tỉ USD (1986), năm 2011 Việt Nam đã xuất khẩu gần 100 tỉ USD. Cách đây hơn 20 năm, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chỉ khoảng trên 300 triệu USD, đến nay con số ấy đã lên đến khoảng 150 tỉ USD. Từ chỗ mất hết viện trợ nước ngoài, nay ODA lên tới trên 30 tỉ USD. Phải nói rằng, ngành Dầu khí đã đi đầu trong sự hợp tác quốc tế, trong đó Vietsopetro có công đầu, tiếp đến là các hợp đồng phân chia sản phẩm với nhiều đối tác khác trên Biển Đông. Những kết quả này đã góp phần quan trọng vào việc gia tăng “lực” và “thế” của đất nước.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan

Hai là, vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Điều này có lẽ không cần chứng minh, tất cả chúng ta và cộng đồng quốc tế đều thấy.

Và ba là, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ về cơ bản được giữ vững, trong đó có việc chúng ta đã giải quyết được hầu hết các vấn đề biên giới lãnh thổ với các nước láng giềng. Chúng ta đã ký với Trung Quốc hiệp định về biên giới trên bộ; đang tiến hành đan dày cột mốc trên biên giới với CHDCND Lào; tiến hành phân giới, cắm mốc với Campuchia.

Ở trên biển, ta đã phân định vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc, thỏa thuận khai thác chung rất có hiệu quả với Malaysia trên vùng chồng lấn; đã phân định vùng chồng lấn với Thái Lan và hiện nay, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đang thăm dò, khai thác ở đây; đã thỏa thuận với Indonesia về thềm lục địa trên vùng chồng lấn giữa hai nước.

Có thể nói đây là những thành tựu mang tính lịch sử, vì lần đầu tiên trong hàng ngàn năm tồn tại và phát triển của nước nhà, chúng ta đã đạt được những thỏa thuận quốc tế, xác định rạch ròi cương vực của nước ta ở trên bộ và trên biển, tạo thuận lợi cho việc bảo vệ, khai thác, đồng thời phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị với các nước xung quanh. Xem như vậy thì chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước ta vững chắc hơn trước nhiều chứ không phải đang bị đe dọa nghiêm trọng hơn.

Nay chỉ còn lại 4 vấn đề cần được giải quyết tiếp là xác định cửa vịnh Bắc Bộ; các vấn đề trên Biển Đông; vấn đề vùng biển với Campuchia xung quanh đảo Phú Quốc và phân định vùng đặc quyền kinh tế với Indonesia. Nếu 4 vấn đề này được giải quyết thì cương vực của nước ta rõ ràng hơn, hoàn chỉnh hơn. Riêng về tranh chấp trên Biển Đông thì hiện nay có 3 chuyện: đó là vấn đề Hoàng Sa, vấn đề Trường Sa và vấn đề vùng đặc quyền kinh tế cũng như thềm lục địa.

Mọi người đều biết rằng, Việt Nam có mặt ở quần đảo Hoàng Sa từ lâu rồi, mãi tới năm 1974 Trung Quốc mới đưa quân đánh chiếm Hoàng Sa của chúng ta, lúc đó do quân của chính quyền Sài Gòn đóng giữ và như vậy, câu chuyện Hoàng Sa trở thành tranh chấp giữa hai bên Việt Nam và Trung Quốc.

Còn ở Trường Sa thì quân đội của chính quyền Sài Gòn cũ cũng có mặt ở đây từ lâu và năm 1975, quân ta đã giải phóng, hiện nay ta đang đứng chân trên 21 đảo. Tuy nhiên, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng có yêu sách và có chân trên một số đảo, bãi đá ở đây. Riêng Trung Quốc trước đây chưa bao giờ hiện diện cả, chỉ tới năm 1988-1989 mới đưa quân xuống chiếm đóng một số bãi đá. Điều này tạo nên sự tranh chấp giữa “5 nước 6 bên”.

Còn về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thì thực ra chẳng có tranh chấp gì nếu tuân thủ Công ước của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Luật biển năm 1982. Theo Công ước, các nước ven biển đều có lãnh hải 12 hải lý tính từ đường cơ sở, có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa mà ở đó nước ven biển có quyền chủ quyền thăm dò khai thác khoáng sản; nước nào muốn thăm dò, khai thác tại vùng này thì phải được nước chủ nhà cho phép. Tuân thủ luật pháp quốc tế, chúng ta đã đăng ký với LHQ về vùng biển của mình. Nhưng ác cái Trung Quốc lại đưa ra “đường chín đoạn” mà dân ta thường gọi là “đường lưỡi bò” chiếm tới 80% diện tích Biển Đông, chẳng dựa trên căn cứ pháp lý nào cả, tạo nên sự tranh chấp trên một vùng rộng lớn, liên quan tới nhiều nước trong khu vực. Chính vì vậy, dư luận thế giới đều không chấp nhận yêu sách này.

Lập trường các nước hữu quan xung quanh tranh chấp trên Biển Đông ra sao?

Trung Quốc luôn khẳng định “chủ quyền” đối với Hoàng Sa, Trường Sa mà họ gọi là Tây Sa, Nam Sa, đồng thời yêu sách về “đường lưỡi bò” chiếm tới trên 80% Biển Đông như trên đã nói. Đây là lập trường cơ bản và lâu dài của Trung Quốc, còn việc triển khai trên thực tế thế nào thì thường tùy thuộc vào nhu cầu, khả năng, tình hình nội bộ và cục diện quốc tế cũng như quan hệ đối ngoại của Trung Quốc.

Để thực hiện điều đó, Trung Quốc tiến hành nhiều biện pháp, qua theo dõi có thể thấy đại thể theo 6 hướng sau: Một là, ra sức tuyên truyền nâng cao ý thức về biển trong nhân dân. Hai là, củng cố cơ sở pháp lý: Năm 1982 thông qua Luật lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, năm 1996 tuyên bố đường cơ sở, năm 1998 thông qua Luật về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, năm 2001 thông qua Luật quản lý và sử dụng biển, năm 2009 thông qua Luật bảo vệ đảo và đăng ký “đường lưỡi bò” ở LHQ. Ba là, tăng cường sức mạnh quân sự và hoạt động của các lực lượng chấp pháp như hải giám, ngư chính… trên Biển Đông. Bốn là, tăng cường sự hiện diện thực tế, nhất là ở Hoàng Sa như xây dựng sân bay, bến cảng, phát triển du lịch… Năm là, thường xuyên tuyên bố vùng cấm đánh bắt hải sản, cản phá hoạt động của Petrovietnam mà vụ cắt cáp tàu Bình Minh 02 là một ví dụ điển hình, ép các công ty nước ngoài không được hợp tác làm ăn với Petrovietnam trên Biển Đông. Sáu là, hoạt động ngoại giao, trong đó hay nêu chủ trương “gác tranh chấp, khai thác chung”, không quốc tế hóa, chỉ giải quyết song phương chứ không đa phương…

Nhân đây phải nói rằng “khai thác chung” không phải là cái gì mới, chính Petrovietnam cũng đã “hợp tác khai thác” với các công ty của hàng chục nước. Từ 1992 ta và Malaysia hợp tác khai thác rất yên ổn và hiệu quả, vấn đề chỉ là phải trên cơ sở tôn trọng tôn trọng quyền chủ quyền của nước ven bờ theo Công ước luật biển 1982 mà thôi. Còn thương lượng thế nào thì rõ ràng là trên vấn đề chỉ liên quan tới hai nước, như Hoàng Sa, thì tiến hành thương lượng giữa Việt Nam và Trung Quốc, còn về Trường Sa hay vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thì đương nhiên phải giữa các bên hữu quan chứ?

Lập trường của các nước ASEAN là mong muốn duy trì hòa bình, ổn định, tìm giải pháp thông qua đàm phán ngoại giao, tiến hành hợp tác khoa học, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học… các nước đều mong muốn có quan hệ tốt với Trung Quốc. Điều này thể hiện rõ trong các Tuyên bố Manila 1992, Tuyên bố về cách ứng xử trên Biển Đông (DOC) năm 2002 giữa ASEAN với Trung Quốc và trong những nỗ lực hiện nay xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC) với Trung Quốc. Đương nhiên lợi ích của của các nước liên quan trực tiếp và không trực tiếp có khác nhau, nên cách hành xử cũng có những nét khác nhau. Riêng Phillipines gần đây có đưa ra sáng kiến về việc thiết lập Khu vực hòa bình, hữu nghị, tự do và hợp tác với nội dung đại thể là phân rõ đâu là vùng có tranh chấp, đâu không, nơi không có tranh chấp thì hợp tác khai thác.

Lập trường của Mỹ bao gồm 3 nội dung: giải quyết tranh chấp bằng thương lượng hòa bình; Mỹ không đứng về bên nào cả và nhất là phải bảo đảm an toàn hàng hải. Các nước lớn khác như Ấn Độ, Nga, Nhật Bản cũng quan tâm và đều nhấn mạnh yêu cầu duy trì hòa bình, ổn định, giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng.

Ta nên ứng xử thế nào?

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, ông không ở tư thế đưa ra kiến nghị gì cụ thể, chỉ xin chia sẻ vài suy nghĩ về cách tiếp cận vấn đề.

Bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ luôn là quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của bất cứ quốc gia nào. Hơn thế nữa, Biển Đông lại có ý nghĩa sống còn đối với nước ta, có tới 28/63 tỉnh thành của nước ta nằm trên bờ Biển Đông với dân số 23 triệu người, tức khoảng 30% dân số cả nước; diện tích vùng biển thuộc nước ta đúng theo luật quốc tế gấp hơn 3 lần diện tích đất liền; kinh tế Biển Đông đóng góp tới gần 50% GDP đất nước.

Duyệt binh ở đảo Trường Sa Lớn (ảnh tư liệu)

Tuy nhiên nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ lại nằm trong tổng thể hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hai nhiệm vụ đó như hai cánh của một con chim, phải làm sao giữ cho cả hai cánh lành mạnh thì mới đỡ được thân hình con chim để có thể bay lượn trên bầu trời. Muốn vậy, ta cần đưa tranh chấp vào bàn đàm phán và đây cũng là xu thế chung của thế giới ngày nay. Không có hòa bình, ổn định thì làm sao nước ta có thể phát triển, củng cố sức mạnh để bảo vệ độc lập, chủ quyền? Không có ổn định thì Petrovietnam làm thế nào để có thể hoạt động suôn sẻ được? Mặt khác, hoạt động của PetroVietnam cũng trực tiếp đóng góp vào việc khẳng định chủ quyền của nước ta trên Biển Đông đúng theo luật pháp quốc tế.

Với cách nhìn như vậy, Thỏa thuận 6 điểm giữa ta và Trung Quốc được ký kết nhân dịp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Trung Quốc tháng 11 năm ngoái là một thành tựu quan trọng. Trong thỏa thuận đó, hai bên đã đồng ý kiên trì đàm phán để giải quyết thỏa đáng trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước luật biển năm 1982, nếu tranh chấp liên quan đến nước khác thì hiệp thương với các bên liên quan. Thỏa thuận đã được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, cán bộ nhân viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam nên nghiên cứu, tìm hiểu cho kỹ, góp phần thực hiện Thỏa thuận này.

Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, để giải quyết các vấn đề “quốc gia đại sự”, chúng ta luôn sử dụng “bảo bối” huy động sức mạnh của cả dân tộc. Trên vấn đề Biển Đông cũng vậy, chúng ta cần làm cho toàn dân quán triệt và nâng cao ý thức về biển đảo, góp phần bảo vệ và khai thác có hiệu quả và bền vững tài nguyên trên biển, thông tin kịp thời cho nhân dân được biết về diễn biến trên Biển Đông và chủ trương, kế sách của Đảng và Nhà nước ta. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cũng nên quán triệt tinh thần này, tìm cách thích hợp để làm cho toàn thể cán bộ, nhân viên, công nhân trong Tập đoàn hiểu rõ Luật biển, tình hình và ý nghĩa lớn lao của công việc mà họ gánh vác.

Một mặt chúng ta cần kiên trì tinh thần độc lập, tự chủ trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông, mặt khác cần kiên trì chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa, tranh thủ tối đa sự đồng tình và ủng hộ của dư luận quốc tế đối với lập trường chính nghĩa của ta nhưng không mơ hồ, ảo tưởng, không để rơi vào cục diện đối đầu, mặc cả giữa các nước.

Nếu chúng ta là nông dân thì Biển Đông là ruộng

Đối với ngành Dầu khí, Biển Đông thực sự là cốt lõi nên hoạt động khai thác dầu khí trên Biển Đông được những người lao động Dầu khí coi là lĩnh vực công tác sống còn của Tập đoàn. Cho đến thời điểm hiện nay, PVN đang theo đuổi hết sức tích cực chiến lược phát triển của Tập đoàn và triển khai các hoạt động dầu khí trên Biển Đông, đặc biệt là các vùng nhạy cảm. PVN cũng đã trình Chính phủ kế hoạch khai thác dầu ở một số vùng nhạy cảm và đang chờ Chính phủ chỉ đạo. PVN đang triển khai những hoạt động dầu khí từ vùng cửa vịnh đến vùng tiếp giáp thềm lục địa với Indonesia. Người làm Dầu khí sẽ vừa khai thác, vừa bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông cho đất nước.

(Ý kiến của Tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu tại buổi nói chuyện)

Đức Chính

ghi