Nguyên nhân nào khiến nguồn vốn nước ngoài chậm trễ được giải ngân?

18:50 | 28/07/2020

186 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Theo Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nguồn vốn nước ngoài có nhiều đặc thù, khác biệt so với nguồn vốn khác của ngân sách nhà nước, thực tế triển khai trong các năm qua cho thấy việc giải ngân kế hoạch đầu tư công nguồn vốn nước ngoài gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Năm 2020 là năm cuối cùng để cả nước cùng nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ còn lại của toàn bộ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 được giao, bao gồm việc tập trung đẩy mạnh giải ngân kế hoạch đầu tư công nguồn vốn nước ngoài năm 2020.

Vụ Kinh tế đối ngoại cho hay, nguồn vốn nước ngoài có nhiều đặc thù, khác biệt so với nguồn vốn khác của ngân sách nhà nước (NSNN), thực tế triển khai trong các năm qua cho thấy việc giải ngân kế hoạch đầu tư công nguồn vốn nước ngoài gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Điều này dẫn đến tỷ lệ giải ngân cả nước của nguồn vốn này trong các năm qua còn thấp, nhìn chung chưa đạt được các mục tiêu đặt ra (trung bình chỉ đạt 3-5% trong 6 tháng đầu các năm qua và chỉ đạt khoảng 60-70% kế hoạch hàng năm).

nguyen nhan nao khien nguon von nuoc ngoai cham tre duoc giai ngan
Tỷ lệ giải ngân cả nước của nguồn vốn nước ngoài trong các năm qua còn thấp

Theo số liệu giải ngân của Bộ Tài chính tại văn bản số 7764/BTC-ĐT ngày 25/6/2020 về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn NSNN lũy kế 5 tháng năm 2020 và ước thực hiện 6 tháng năm 2020: Lũy kế giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài năm 2019 kéo dài sang năm 2020 từ đầu năm 2020 đến ngày 31/5/2020 là 1.436,816 tỷ đồng; ước giải ngân từ đầu năm đến ngày 30/6/2020 đạt 1.973,129 tỷ đồng.

Một số cơ quan chủ quản đạt tỷ lệ giải ngân cao so với trung bình chung cả nước gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Lào Cai, Ninh Bình… Tuy nhiên, bên cạnh đó một số cơ quan chủ quản có tỷ lệ giải ngân thấp gồm: Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thái Nguyên, Quảng Ninh…

Một số cơ quan chưa giải ngân được kế hoạch vốn nước ngoài được giao năm 2020 (tỷ lệ 0%): Kon Tum, Quảng Ngãi, Bến Tre, Cần Thơ, Long An, Vĩnh Long…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, tổng kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2020 giải ngân trong 6 tháng đầu năm trên thực tế có thể cao hơn do thông tin về số liệu giải ngân theo báo cáo của Bộ Tài chính hiện còn chưa có tính cập nhật cao, còn có độ trễ nhất định về thời gian do chưa phản ánh đúng số vốn nước ngoài giải ngân thực tế theo khối lượng thi công tại hiện trường của các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

Nguyên nhân giải ngân chậm được giải thích là do công tác chuẩn bị dự án sơ sài, nhiều dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi phải thực hiện điều chỉnh dự án (tổng mức đầu tư, gia hạn thời gian thực hiện, phạm vi dự án, thiết kế chi tiết các hạng mục xây lắp...), gia hạn, điều chỉnh Hiệp định vay.

Ngoài ra, do tính sẵn sàng của các dự án còn thấp gây vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư; công tác lập, giao, phân bổ điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm còn chậm, chưa sát với tiến độ thực hiện và nhu cầu của các dự án; vướng mắc về thủ tục kiểm soát chi, giải ngân, rút vốn.

Bên cạnh đó, vướng mắc về quy trình, thủ tục và khác biệt giữa chính sách, quy trình, thủ tục của Việt Nam và nhà tài trợ; các điều kiện đối ứng của phía Việt Nam còn thiếu, chưa được chuẩn bị đầy đủ, kịp thời; năng lực tổ chức thực hiện dự án chưa đáp ứng yêu cầu... cũng được xem là những nguyên nhân ngăn trở việc thực hiện giải ngân nguồn vốn này.

Đức Minh

nguyen nhan nao khien nguon von nuoc ngoai cham tre duoc giai ngan6 tháng đầu năm không cấp mới bảo lãnh cho dự án vay vốn nước ngoài
nguyen nhan nao khien nguon von nuoc ngoai cham tre duoc giai nganVốn vay nước ngoài đã giải ngân khoảng 712 triệu USD
nguyen nhan nao khien nguon von nuoc ngoai cham tre duoc giai nganKhông sử dụng vốn vay nước ngoài để nộp thuế