Nguy cơ chiến tranh thương mại leo thang

11:00 | 08/06/2018

2,903 lượt xem
|
Kể từ ngày 1-6-2018, thép và nhôm của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Trung Quốc và EU bán sang thị trường Mỹ sẽ bị đánh thuế theo các mức khác nhau. Những đòn trả đũa đang được tính toán và nguy cơ chiến tranh thương mại leo thang khó tránh khỏi.

Lý do khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định tăng thuế nhập khẩu đánh vào thép và nhôm là để “bảo vệ đất nước và người lao động Mỹ”. Nhưng nhà sử học François Durpaire (Đại học Cergy Pontoise) lại có cái nhìn sâu xa hơn khi cho rằng, Tổng thống Trump tung đòn đánh vào Liên minh châu Âu (EU) với hy vọng “chia để trị” hòng giành được một thắng lợi quan trọng với cử tri Mỹ 5 tháng trước bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Bruxelles trả đũa, áp thuế vào những mặt hàng Mỹ sản xuất tại những bang mà người dân đã ồ ạt bỏ phiếu ủng hộ ông Trump. Nhưng ở Nhà Trắng, Donald Trump chờ đợi các thành viên trong EU bị chia rẽ, các biện pháp trả đũa nhắm vào Mỹ sẽ không đi tới đâu. Như vậy ông Trump chứng minh với cử tri rằng, ông mới là người bảo vệ quyền lợi của dân Mỹ. Điều này rất quan trọng khi Mỹ sắp bầu cử giữa nhiệm kỳ trong một vài tháng nữa.

nguy co chien tranh thuong mai leo thang
Biếm họa về việc Mỹ đơn phương áp thuế nhôm thép với EU và các đồng minh khác

Chính sách bảo hộ của chính quyền Tổng thống Trump đã gây phản ứng dữ dội trên khắp thế giới, từ cả phía các nước đồng minh lẫn không đồng minh. Ngày 1-6, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Jean-Claude Juncker cho biết: “Đó là một ngày buồn cho thương mại toàn cầu. EU không thể khoanh tay đứng nhìn. Do vậy, chúng ta cần phải đưa vụ tranh chấp này ra trước WTO và thông báo các biện pháp đáp trả. Những gì Mỹ có thể làm thì chúng ta cũng có thể thực hiện đúng y như vậy”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron xem quyết định của Tổng thống Donald Trump là một “sai lầm” và “bất hợp pháp”. Canada là một trong những quốc gia đầu tiên đã có những biện pháp đáp trả cụ thể, thông báo áp thuế khoảng 12,8 tỉ USD lên hàng hóa của Mỹ. Tương tự, Mexico cũng đánh thuế lên nhiều sản phẩm của Mỹ, trong đó có một số loại thép, trái cây và phó mát.

Thủ tướng Đức Angela Merkel lo lắng vụ việc có thể dẫn đến “leo thang xung đột, gây tổn hại cho toàn thế giới”. Bộ trưởng Kinh tế Đức cho biết, EU có thể xem xét việc kết hợp phản ứng của mình với Canada và Mexico.

Riêng với Trung Quốc, cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh và Washington đã diễn ra trước khi Mỹ áp thuế nhập khẩu mới đối với nhôm và thép của phần còn lại thế giới. Mặc dù Trung Quốc và Mỹ đã đạt được một số tiến bộ trong đàm phán nhằm giảm chênh lệch cán cân thương mại giữa hai bên nhưng 10 ngày sau khi tạm ngưng cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh, ngày 29-5-2018, Nhà Trắng ra thông cáo cho biết lịch trình áp dụng các biện pháp trừng phạt đã dự kiến đối với Trung Quốc: Mỹ sẽ áp đặt mức thuế 25% lên tổng cộng 50 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc.

Danh sách các mặt hàng nhập khẩu liên quan sẽ được chốt lại từ nay cho tới ngày 15-6-2018. Đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ cũng bị hạn chế, các chi tiết cụ thể sẽ công bố vào cuối tháng 6 và được áp dụng không lâu sau đó. Để chống lại việc đánh cắp sở hữu trí tuệ, trong cùng thời hạn trên, Mỹ cũng muốn áp đặt việc kiểm soát nghiêm ngặt hơn đối với các mặt hàng xuất khẩu được cho là chuyển giao công nghệ quan trọng cho Trung Quốc. Ngay sau thông cáo của Mỹ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, Trung Quốc sẵn sàng chiến đấu nếu Washington tìm kiếm một cuộc chiến tranh thương mại.

Một ngày sau khi Mỹ thông báo áp mức thuế mới, tại Hội nghị Bộ trưởng tài chính G7 diễn ra ngày 2-6 tại Canada, đại diện Mỹ đã bị cô lập hoàn toàn. Tại hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Canada Bill Morneau đã phản ánh với đồng nhiệm Mỹ Steven Mnuchin bằng những lời lẽ cứng rắn. Cùng đứng về phía ông Mnuchin còn có các đồng nhiệm từ 6 nước đối tác (Đức, Pháp, Italia, Anh, Canada, Nhật Bản). Theo nhận định của Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire, Hội nghị Bộ trưởng tài chính G7 lần này “thực chất là G6 + 1, Mỹ một mình chống lại tất cả, tạo nguy cơ mất ổn định cho nền kinh tế toàn cầu”.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso cũng cho rằng, việc Mỹ áp thuế nhôm, thép là “rất đáng tiếc”. Tuy nhiên, Tokyo hiện chưa quyết định đưa hồ sơ lên WTO hay không.

Ủy viên châu Âu phụ trách thương mại, bà Cecilia Malmström, cảnh báo: “Mỹ đang chơi một trò chơi nguy hiểm”. Mục tiêu của việc ra mặt cô lập Mỹ tại Hội nghị Bộ trưởng tài chính G7 lần này, theo ông Le Maire, là “giúp chính quyền Mỹ có lý trí trở lại”.

Hệ quả từ quyết định đơn phương của Mỹ sẽ ra sao?

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker: “EU không thể khoanh tay đứng nhìn. Những gì Mỹ có thể làm thì chúng ta cũng có thể thực hiện đúng y như vậy”.

Chuyên gia kinh tế Nathalie Janson, giáo sư của Trường Đại học Rouen, Pháp, đánh giá: “Một trong những quy luật của thương mại quốc tế là mọi loại thuế đều ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Mức độ tác động đến người tiêu dùng phụ thuộc vào khả năng doanh nghiệp có bán hàng đắt hơn hay không, tức là thuế được tính vào trong giá các sản phẩm sử dụng nhiều thép, nhôm. Thế nhưng, cạnh tranh trên thị trường thép, nhôm rất mạnh. Tuy phải đối mặt với giá thành cao, doanh nghiệp cũng không thể đưa chi phí bổ sung này (tức là thuế) vào giá bán, như vậy người tiêu dùng sẽ không chịu tác động. Đương nhiên, trong trường hợp này, lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng và về lâu dài, sẽ tác động đến công ăn việc làm, triển khai các hoạt động sản xuất. Như vậy, quyết định tăng thuế sẽ gây tác động lớn”.

Về tác động đến kinh tế toàn cầu, theo giới chuyên gia, phần lớn tăng trưởng của kinh tế thế giới tùy thuộc vào các hoạt động giao thương. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) liên tục khuyến cáo Nhà Trắng tránh dùng các biện pháp bảo hộ làm phương hại tới tăng trưởng của toàn cầu và của bản thân nước Mỹ.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho rằng, chính sách thương mại của Nhà Trắng buộc EU đáp trả bằng cách đánh thuế các mặt hàng của Mỹ được người tiêu dùng châu Âu ưa chuộng. Danh sách này bao gồm từ quần Jean Levi's đến rượu Whisky hay xe máy Harley Davidson. Tổng trị giá hàng Mỹ bị EU “phạt” ước tính lên tới 3 tỉ euro. Biện pháp trả đũa của EU có thể có hiệu lực sớm nhất từ ngày 20-6.

Theo chuyên gia Sébastien Jean, thuộc Trung tâm Nghiên cứu viễn cảnh và thông tin quốc tế (CEPII), bản chất của các biện pháp trả đũa là không ai biết khi nào sẽ dừng lại. Chỉ biết rằng, các đòn ăn miếng trả miếng sẽ đẩy thương mại toàn cầu vào một vòng xoáy nguy hiểm. Trả đũa có nghĩa là tấn công vào những điểm nhạy cảm của đối phương, thường là những lĩnh vực đang hoạt động rất tốt. “Sự leo thang này có thể dẫn đến một cuộc chiến thương mại tai hại cho tất cả các bên, nhưng hiện giờ chưa đến mức đó. Nguy cơ thực sự là cách thức Mỹ hoàn toàn dựa vào sức mạnh đơn phương, có thể phá vỡ các khung luật pháp mà cho đến nay vẫn giúp giải quyết những tranh chấp thương mại”, ông Sébastien nhận định.

Ngoài tác động về kinh tế, thương mại, quyết định đơn phương của Mỹ đã phá hoại nguyên tắc tự do thương mại của WTO, làm cho quan hệ đồng minh suy yếu, gây khó khăn cho Washington trong việc tìm kiếm sự ủng hộ của họ sau này. Báo Le Monde tự an ủi rằng, thái độ của Washington cũng có cái hay, đây là cơ hội để các thành viên EU chứng tỏ tinh thần đoàn kết và sự vững chắc của toàn khối.

D.H

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc