“Người mẹ” mang ánh sáng cho trẻ khiếm thị

07:00 | 20/11/2013

1,743 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với hơn 100 học sinh chuyên biệt Trường Nguyễn Đình Chiểu (Q. Hai Bà Trưng – Hà Nội), dù đôi mắt của các em không nhìn thấy gì, nhưng vẫn học tập và cảm nhận được hơi thở của cuộc sống tươi đẹp, bởi ở đó có những giáo viên hết lòng vì học trò. Họ như những người mẹ hiền gìn giữ và mang lại ánh sáng cho những đứa con thơ.

Bỏ trường mẫu giáo đến với trẻ khiếm thị

Vào dịp kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam, chúng tôi đến với lớp 1A1 (một lớp dự bị để chuẩn bị được lên lớp 1), trong lớp có 11 học sinh khiếm thị, em bị nhẹ nhất thì nhìn thấy mờ mờ, em bị nặng nhất thì không nhìn thấy được.

Gặp cô giáo Nguyễn Thúy Ngà đang trong giờ dạy môn thủ công, cô Ngà bảo rằng môn thủ công là một trong ba môn chính trong sự nghiệp làm giáo viên tại trường này (cùng với các môn định hướng, lao động phục vụ bản thân), tuy nhiên để cho từng trẻ học được, làm được thì không dễ dàng chút nào.

Là một giáo viên gắn bó với trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu từ khi mới thành lập, cô Nguyễn Thúy Ngà chia sẻ: "Nhà trường có những phương pháp riêng để tạo môi trường bình đẳng và tuyệt vời nhất cho các học sinh khiếm thị. Các bé nội trú lần đầu xa gia đình khá nhút nhát, nhưng chỉ sau một thời gian sống cùng các bạn là hòa nhập được ngay. Học sinh khiếm thị của chúng tôi không hề tự ti mặc cảm mà ngược lại còn rất tích cực tham gia mọi phong trào, kể cả thể thao, văn nghệ”.

Cô giáo Nguyễn Thúy Ngà - giáo viên trường Nguyễn Đình Chiểu.

Cô giáo Thúy Ngà về công tác tại trường Nguyễn Đình Chiểu tới nay đã tròn 29 năm, có thể nói là một trong những giáo viên bám trụ với nghề lâu nhất trường (trường Nguyễn Đình Chiểu được thành lập năm 1982, năm 1983 cô Ngà về dạy các học sinh khiếm thị).

Quãng thời gian đó cũng để cho cuộc đời của một nhà giáo có nhiều duyên nợ với nghề, ngay từ khi mới nhận công tác chính bản thân cô cũng không lường trước được những khó khăn đến với mình.

Tốt nghiệp Trường Sư phạm mẫu giáo Cửa Bắc (nay là Trường trung cấp Sư phạm mẫu giáo Hà Nội), chuyên ngành của cô hoàn toàn không dính dáng chút gì tới trẻ khiếm thị hay khuyết tật.

Còn nhớ, thời gian đầu về trường làm giáo viên, mỗi năm phải đi học, đi bồi dưỡng kiến thức do các thầy trên Viện Khoa học giáo dục về giảng. Suốt từ năm đó đến năm 2000 không một năm nào là không đi học nghiệp vụ về trẻ khiếm thị. Cô Ngà khoe rằng, nếu tính chứng chỉ các loại có lễ xếp hàng cao bằng đứa trẻ con để ở nhà vì mỗi năm phải học để cập nhập được tình hình của trẻ khiếm thị.

Nói về lí do chọn đến với trường chuyên biệt này, cô Ngà chỉ khiêm tốn “Được dạy và đào tạo cho các em thiệt thòi là mình thấy vui, bản thân các em đã không được như người khác, điều đó chính là điều khiến mình nghĩ mình phải làm gì đó cho các em. Và quyết định bỏ dạy mẫu giáo để đến với các em”.

Nghề giáo không được nóng vội

Để dạy được những trường hợp chuyên biệt là những trẻ em khiếm thị này, điều khó khăn nhất đối với một người thầy là làm sao cho các em tập trung. Có tập trung mới tiếp thu được bài.

Lớp cô Ngà năm 2012 có tất cả 16 học sinh khiếm thị, các em có những tính cách khác nhau, ngay cả trình độ tư duy, nhận biết cũng rất khác nhau. Điều đầu tiên phải dạy cho các em các cầm bút viết chữ nổi như thế nào cho đúng, kinh nghiệm 29 năm đứng lớp là cho học sinh quan sát bút trước, quan sát bằng cách cho các em sờ vào lõi bút, miệng thì nói nhưng tay phải làm.

Công việc này đòi hỏi người thầy phải kiên trì, có học sinh chậm nhận biết phải mất tới 2 giờ đồng hồ mới cầm được bút. “Nếu các cháu cầm bút đúng thì vừa viết đẹp vừa viết nhanh, nếu cầm sai tư thế chữ sẽ bị nghiêng và điểm thấp”, cô Ngà nói.

Ngoài việc truyền thụ kiến thức, cô còn tận tình giúp đỡ các em trong cuộc sống.

Cô Ngà tâm sự rằng, trước kia sĩ số mỗi lớp chỉ từ 4-8 học sinh, việc dạy các em dễ dàng hơn bây giờ. Ngay như năm nay với 16 em, mỗi tiết cô giáo quay như chong chóng cũng không kịp để dạy cho các em hiểu bài.

“Bạn thử nghĩ xem, với từ 4-8 học sinh/lớp kết quả học tập sẽ vừa ý với mình, nhưng hiện giờ đang quá tải. Có những tiết tiếng Việt cô giáo giảng lần thứ 2 mà các con vẫn chưa hiểu, lần thứ 3 phải đến từng bàn, với những bàn 2 con hiểu hết còn đỡ, đằng nay có con hiểu, con không, cô giáo lại phải dạy lại, với 16 em như thế thì cô giáo rất vất vả. Nhưng vất vả đó bọn mình đã quen rồi, đã xác định là nghề nghiệp và quan trọng hơn là lòng thương các con để làm sao các con được lên lớp là vui”, cô Thúy Ngà chia sẻ.

Quả thực, điều khiến cô Ngà vui nhất là những khi kết thúc năm học các con được lên lớp, kết thúc mỗi tiết học các con hiểu bài. Đó là những niềm vui giản dị nhất.

Cô chia sẻ: “Dạy các con ở đây có nhiều con đáng thương lắm, có con hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ mất sớm, nhà ở xa. Cũng xuất phát từ tình thương, mình đã làm mẹ nên mình biết, dạy các con với mức độ hết sức của mình để mong sao hết năm học các con lên lớp một cách chắc chắn, để các con từng bước trưởng thành vững vàng”.

Cô Ngà còn cho biết, nếu trẻ được tiếp cận với chương trình can thiệp thì sẽ có ảnh hưởng rất tốt, lúc này các cháu có thể tự phục vụ được càng sớm nên số tuổi cao vào lớp 1 ít dần đi. Nếu được can thiệp sớm thì các cháu biết được nhiều hoạt động như về chữ, định hướng di chuyển, cha mẹ có định hướng sớm, các cháu nhập trường tiếp thu được ngay. Trước đây có những cháu hai năm mới được lên lớp 1, phải học lớp dự bị suốt, nhưng bây giờ việc phải học hai năm ở lớp dự bị ít dần.

Thêm vào đó, cô Ngà đưa ra lời khuyên: “Trẻ bình thường vốn đã cần sự song hành của bố mẹ, trẻ khiếm thị còn có những khó khăn, hạn chế hơn, thế nên để trẻ tiến bộ nhanh, tiếp thu nhanh thì bố mẹ cũng phải học cùng với trẻ và phải chăm chỉ ôn luyện cùng trẻ. Nếu bố mẹ nào “lười”, phó mặc con cho các cô giáo, cho nhà trường thì trẻ rất khó tiến bộ được”.

Nhã Anh