Người "cướp cơm" Hà bá

15:09 | 22/09/2012

2,248 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Đó là ông Ngô Văn Tám, người nhiều năm chuyên làm cái việc mà những ai mới nghe lần đầu cũng phải rợn người nổi gai ốc. Nếu có một cuộc thi nào diễn ra để xác lập kỷ lục thì tin rằng, lão ngư này chắc chắn sẽ “rinh” ngôi vị quán quân. Bởi theo tôi được biết, đến thời điểm hiện tại ở nước ta chưa có một người hành “nghề” vớt xác nào vượt qua con số kỷ lục về thời gian và số lượng người đuối nước do ông vớt được. 73 năm vớt xác, cứu người, ông không nhớ nổi mình đã vớt và cứu sống bao nhiêu người, nhưng theo nhẩm tính sơ sơ của ông thì cũng hầu hạ được ngót nghét 600 người là cái chắc.

10 tuổi đã làm nghề vớt xác

Tôi đã từng được đọc, học và nghe giảng dạy về “Tùy bút sông Đà” của nhà văn Nguyễn Tuân. Đà Giang được miêu tả hùng vĩ và rùng rợn bao nhiêu như trong tùy bút của nhà văn Nguyễn Tuân ngày đó thì nay vẫn còn là nỗi ám ảnh và khiếp đảm cho bao thế hệ người dân nơi đây. Những con nước, lưu vực sâu hoắm và xoáy như muốn “ngoạm”, ăn tươi nuốt sống và nhấn chìm tất cả những ai bén mảng đến. Đứng trên cây cầu Hòa Bình phóng tầm mắt ra xa, dòng sông trong xanh hiền hòa đến thơ mộng, thấp thoáng những chiếc thuyền đánh cá, xóm vạn chài xơ xác sống quây quần, lác đác từng vùng nhỏ. Lẫn trong xóm vạn chài này có một lão ngư mấy chục năm qua chuyên hành “nghề” vớt xác, cứu người, đó là ông Ngô Văn Tám. Hỏi thăm nhà ông “Tám xác” không khó, bởi lẽ dân trong vùng không ai là không biết ông. Theo chỉ tay của dân vạn chài, tôi nhanh chân tìm đến nhà ông trước khi mặt trời khuất bóng. Tôi gọi ông Tám liền mấy câu, từ chiếc thuyền nhỏ, một lão ngư tóc bạc trắng chui ra, tôi là Tám đây, anh gặp tôi có việc gì? Vài câu chào hỏi xã giao, ông Tám chèo chiếc thuyền nhỏ qua bờ đón khách sang nhà nói chuyện.

Lão ngư Lê Văn Tám hơn 70 năm vớt xác, cứu người

Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi trong căn nhà chật chội chưa đầy 15m2 với những tấm lưới đánh cá đủ kích cỡ và những chùm lưỡi câu treo la liệt. Tôi buông câu hỏi hồn nhiên: “Ở đây chắc nhiều cá to nên phải dùng nhiều lưỡi câu sắc và dài như thế này hả bác?”. Lão ngư chẳng nói chẳng rằng chỉ nhỏn nhẻn cười rồi xuống bếp nhấc ấm nước đang sôi lên pha ấm chè mời khách. Như đoán được ý tôi đang tò mò, chờ đợi muốn biết về công dụng những chùm lưỡi câu sáng bóng treo trên vách nhà, ông Tám điềm tĩnh ngồi khoanh chân xuống sàn ván, rót chén nước chè xanh đặc quánh ông bảo: “Lưỡi câu dùng để câu xác người đó chú ạ, nó theo tôi gần hết cuộc đời rồi đó!”.

Ngược dòng thời gian, ông Tám kể cho chúng tôi nghe về cái “duyên” khiến ông phải gắn mình với “nghề” câu vớt xác hơn nửa thế kỷ khi đầu còn để tóc ba chỏm. Ông Tám sinh năm 1927 tại xã Thái Hòa (Ba Vì, Hà Nội), nghề chài lưới tính đến đời cha mẹ ông cũng ngót nghét ba đời. Thuở nhỏ, hằng ngày cậu bé Tám đã từng được theo cha rong ruổi khắp vùng sông nước để đánh bắt tôm, cá. Vốn là dân vạn chài chính gốc, sống cạnh dòng sông nên hầu như những đứa trẻ ở đây sinh ra, lớn lên đã trở thành những tay bơi lội “chuyên nghiệp” và Tám cũng nằm trong số đó. Kể về cái “duyên” trời định để rồi từ đó nó gắn với ông cả cuộc đời: “Năm đó tôi mới lên 10, trong một buổi chiều đông lạnh giá trên bến sông Trung Hà (xã Vạn Yên, Ba Vì), khi cả nhà đang ăn bữa cơm trưa thì nghe mọi người lao xao có đò chở người bị chìm, trên đò có 11 người phần đông là phụ nữ. Đang ăn dở bát cơm, tôi liền tức tốc mang theo chùm lưỡi câu vốn nhà hay dùng để đánh cá lao vội ra nơi chiếc thuyền bị lật. Trời buốt giá, người xem đông như  kiến nhưng không một ai chịu nhảy xuống dòng sông nước chảy xiết để cứu người”. Dù chỉ là tia hy vọng có người còn sống sót, cậu bé Tám mặc chiếc quần đùi bơi ra đúng chỗ chiếc thuyền bị lật úp để vớt những thi thể xấu số. Ông Tám bảo: “Dù cố gắng cũng không thể cứu sống họ được nữa, nhưng mình không nhanh là nước sẽ cuốn xác trôi mất, tôi bơi giỏi nên lúc đó chẳng sợ gì cả”. Tám lao người xuống dòng sông, người trên bờ cầm một đầu dây thừng để khi nào vớt được người tử nạn thì kéo vào, cậu bé vật lộn với dòng nước đục ngầu và hành trình ngụp lặn tìm xác. Lần lượt 7 người được ông vớt lên và kéo vào bờ. Sợ những thi thể xấu số chưa vớt được nằm lại khúc sông hoặc có thể bị nước cuốn đi, Tám bắt đầu quăng những chùm lưỡi câu nhọn và sắc tiếp tục công việc tìm kiếm. Dòng sông rộng lớn, nước từ thượng nguồn đổ về ngày một nhiều. Tám cùng với mọi người giăng lưới đón đầu, khoanh vùng để dễ dàng cho việc tìm kiếm. Vốn là con nhà “nghề” nhưng cũng phải đến 21 giờ cùng ngày 4 thi thể còn lại mới được cậu bé Tám câu được. Chuyện cậu bé Tám vớt xác làng trên xóm dưới ai ai cũng biết, cũng từ đây, dường như “nghiệp” đã mang vào thân, hễ ở đâu có người đuối nước là ở đó Tám có mặt.

“Kỷ lục” khó phá

Mưu sinh bằng nghề chài lưới trên sông nước lênh đênh, ngược xuôi nay đây mai đó. Thuyền là nhà, bến đỗ là quê hương, hằng ngày ông cùng gia đình phải chứng kiến biết bao cảnh đau lòng từ những người có người thân bị hà bá cướp đi, càng đau xót hơn khi những người xấu số không tìm thấy xác. Ông Tám bảo: “Cứu người là để phúc cho con cho cháu, thấy người gặp nạn mà không cứu là có tội, lương tâm mình dày vò cắn rứt, lòng không được thanh thản chú ạ!”. Tôi hỏi, ông có nhớ là mình đã cứu và vớt được bao nhiêu người trong hơn 70 năm làm cái “nghề” nhiều người cho là ghê sợ này không? Ông Tám thản nhiên: “Chú hỏi thế làm sao mà tôi nhớ nổi”. Ông không nhớ rõ ràng và chính xác là ông đã vớt và cứu sống bao nhiêu người nhưng theo ông nó cũng phải ngót nghét trên dưới 600 người.

Dụng cụ ông Tám dùng để câu xác là những chùm lưỡi câu

Ngược xuôi rong ruổi khắp nơi, đất như chọn lấy người, sông Đà là điểm dừng chân cuối cùng và lâu năm nhất của đại gia đình ông. Từ bao giờ sông Đà mang tên dòng sông “định mệnh”, trở thành nỗi ám ảnh của cư dân nơi đây. “Ngày nào cũng có người chết, tôi đi vớt xác người như vớt những cành củi khô trôi từ thượng nguồn về xuôi sau những trận mưa lớn”, ông Tám cho biết. Còn nhớ như in ngày đặt chân đến dòng sông này lần đầu tiên, ông Tám đã phải chứng kiến vụ chìm đò vào ban đêm trên khúc sông thuộc xã Hợp Thịnh, chỉ cách chỗ thuyền nhà ông đỗ chừng nửa cây số. Tiếng người hò hét náo động cả một khu, những ánh đèn pin chiếu sáng, tiếng chó sủa inh tai khiến ông đứng ngồi không yên, lòng như có lửa đốt. 12 học viên của Trường Thanh niên Lao động Hòa Bình (tên gọi hồi đó) cùng đi sang bờ bên kia xem chiếu phim trên một chiếc thuyền nhỏ, chiếc thuyền bị quá tải nên lật úp. Biết có chuyện không hay đang xảy ra, ông Tám nhổm dậy vội giật lấy bộ đồ câu rồi nhanh chân xuôi dòng đến đó. May mắn 6 người kịp thời được ông cứu sống, 6 người còn lại được ông đưa lên bờ nhưng hết cơ may sống sót.

Người đời, phận sông nước thường có quan niệm là khi đã gắn đời mình với nghề sông nước thì dù cho người thân của mình gặp nạn trên sông cũng không được tự tay cứu vớt, bởi một lẽ thường tình cho rằng, “thần sông” sẽ trả thù bằng cách lần lượt cướp đi những người thân nhất của họ. Nếu nói như thế thì có lẽ cả đại gia đình ông Tám bây giờ chắc chẳng còn một ai nữa. “Tôi không nghĩ như vậy, con người ta sống chết là có số cả rồi, mình cứ sống đúng với đạo lý, giúp được ai cái gì thì quý cái đó. Đấy mới là bí quyết giúp mình sống lâu” - lão ngư cười khì.

Chuyện vớt xác, cứu người với ông Tám giờ như cơm bữa. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, khi có thông tin về người chết, không nề hà, ông Tám đều tức tốc đến nơi với hy vọng còn nước còn tát. Mùa hè đến, tình trạng đuối nước hay xảy ra nhiều nhất, bởi liên quan đến hoạt động tắm và bơi lội, nhiều trẻ nhỏ hiếu kỳ khi thiếu sự chăm sóc của người lớn thường đến những ao hồ, sông suối nên tai nạn đuối nước là điều không tránh khỏi. Kể đến đây ông Tám trầm tư, ngậm ngùi thay cho giới trẻ hôm nay: “Có ngày ở cây cầu này phải đến mấy người nhảy cầu, may mắn phát hiện sớm thì còn kịp cứu sống. Bọn trẻ giờ sướng quá hay sao mà không thiết sống nữa”.

Hai vợ chồng sống vui tuổi già

Phải nói ông là người có rất nhiều kinh nghiệm trong việc vớt xác, hiếm khi ông “câu trật”. Ông Tám chia sẻ kinh nghiệm: Vớt phải nhanh chóng khoảng tầm 5-7 phút từ khi nạn nhân chìm thì may ra mới cứu được, nếu quá 45 phút thì cơ hội sống lại hầu như không có. Khi việc trục vớt không có hiệu quả nữa thì ông mới tiến hành việc quăng câu chùm, câu vướng trên diện rộng. Những tử thi không tìm kiếm được thường thì mùa đông sau 2 ngày sẽ nổi, mùa nắng là một ngày một đêm.

Ông Tám đưa đôi bàn tay chai sạn, da nhăn nheo, sần sùi run run cẩn thận buộc lại từng sợi dây ở mỗi chiếc câu bằng đồng sáng loáng, mỗi một lưỡi câu dài khoảng 8cm, mỗi chùm câu có từ 300-400 lưỡi được buộc chặt bằng những sợi dây dù tổng hợp. Lưỡi câu được buộc theo chiều dài của dây, mỗi một lưỡi câu cách nhau tầm 20cm. Việc bố trí các lưỡi câu và khoảng cách như vậy là nhằm mục đích khi câu xác (kéo như kéo lưới) tỉ lệ những lưỡi câu móc lên áo quần của nạn nhân sẽ cao hơn. Ông Tám nói như để minh chứng khoảng thời thời gian ông làm cái nghề này: “Loại thép đồng này tốt thật, mới đó mà gần ngót thế kỷ rồi, dây dù có độ bền đến mấy cũng phải thay đi thay lại nhiều lần rồi”.

Với những ai có lòng tham, xem việc vớt xác là một hình thức kinh doanh trên những người chết thì với lão ngư Ngô Văn Tám là ngược lại. Với ông cứu người là trên hết, cần làm và nên làm. Nhìn cảnh người nhà mất đi người thân mà lòng ông trĩu nặng tâm tư. Hơn 70 năm hành nghề nhưng ông Tám không đòi tiền của một ai, có người thấy ông vất vả ngày đêm cũng chỉ muốn trả ơn ông nhưng không phải ai ông cũng lấy. Nhiều lần ông mang tiền trả lại cho người ta bởi lý do đơn giản chỉ là “tôi làm việc nghĩa”.

Nặng lòng đời người, đời mình

Mặt trời khuất dần sau ngọn núi cao phía đầu nguồn sông Đà nhưng những câu chuyện mà lão ngư kể cho tôi nghe chưa đi vào hồi kết. Càng về sau như muốn “hút”, níu giữ chân tôi vì những nỗi ám ảnh nhiều lần ông muốn dứt lìa khỏi “nghiệp” nhưng dường như không thể.

Cây cầu Hòa Bình trở thành nỗi ám ảnh

Hơn 70 năm vớt xác, cứu người, nhưng có một chuyện mà bây giờ mới biết về ông là chưa một lần ông dùng một dụng cụ bảo hộ nào cho đôi bàn tay trần bằng da bằng thịt và tấm thân gầy. Những tử thi chưa quá 24 giờ thì tử khí tác động trực tiếp lên con người, gây ảnh hưởng đến sức khỏe còn có phần hạn chế. Nhưng có những tử thi được tìm thấy sau thời gian một tuần thì hầu như đã bị phân hủy, thối rữa bốc mùi nồng nặc. Anh Nguyễn Xuân Hòa, một người dân cạnh dòng sông Đà, người đã nhiều lần chứng kiến cảnh Ngô Văn Tám dùng chính bàn tay trần không đeo bảo hộ, không có khẩu trang miệng, dùng tay gom từng khúc xương, nhặt từng mảng thịt của một tử thi. Điều kỳ lạ người “dị nhân” ấy chưa một lần nghe ai bảo là ốm đau. Cũng chính vì chủ quan, trong một lần tương tự ấy ông Tám ốm liệt giường thập tử nhất sinh. Sau lần hú vía ấy nhưng ông vẫn xem thường. 

Ngần ấy năm với ông, vui thì ít mà buồn thì nhiều. Ông kể cho tôi nghe về chuyện đau lòng mà ngay chính bản thân ông cũng không thể ngờ đến. Ông Tám rơm rớm nước mắt: Đó là vào năm 2000, ông như đứt từng khúc ruột khi nghe tin đứa cháu họ bị chết đuối ngay chính trên khúc sông này. Chuyện đời thật oái oăm, nhưng đó là sự thật, sự thật mà khi nhìn vào ruột gan bầm tím. Ông không ngờ cái việc mà hằng ngày ông đều tự nguyện làm cho người dưng nay phải làm cho những người thân máu mủ của mình: “Tôi không làm thì ai làm”. Việc trục vớt đứa cháu không thành, cuộc tìm kiếm đi vào vô vọng. Phải mất hơn 1 tuần ông Tám mới tìm thấy đứa cháu xấu số bị cát vùi lấp. Nhắc lại câu chuyện, ông như muốn quên nó đi vĩnh viễn nhưng chẳng thể nào quên được. Ngày đầu tiên cứu vớt nhưng không được, tối đến, trong giấc ngủ, hình ảnh đứa cháu lại hiện về với ông, những câu chuyện ngày thường mà chú cháu vẫn hay ngồi với nhau nay lại được tái hiện lại. Tiếng khóc thảm thiết, tiếng kêu cứu liên hồi của đứa cháu tội nghiệp, lời trách mắng phận ông Tám làm cái nghề này nhưng ngay đến cả đứa cháu cũng không đưa được nó về, để nó một mình trong đêm tối lạnh lẽo nơi dòng nước.

Mỗi lần chợp mắt là một câu chuyện về đứa cháu, ông Tám không sợ nhưng không hiểu sao lại linh thiêng và kỳ lạ đến thế. Nửa đêm bật dậy không ít lần ông Tám làm cho cả nhà phải một phen khiếp sợ. Người nhễ nhại mồ hôi, ông bình tĩnh thắp nén hương khấn vái và hứa sẽ đưa cháu về với gia đình. Sau một tuần đào bới lòng sông, đứa cháu của ông mới được tìm thấy.

Với ông Tám, những cuộc chuyện trò với bóng ma trong đêm là chuyện thường. Vợ ông bảo, nhiều lần khuyên ông già rồi nên từ bỏ cái nghề ấy đi nhưng ông chẳng chịu nghe. Năm nay ông Tám đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy nhưng ông vẫn còn khỏe mạnh, ngày rảnh thì đan lưới, tối đến lại chèo chiếc thuyền đi kiếm con cá con tôm lấy tiền mua gạo. Cuộc sống túng bấn, thiếu thốn trăm trường nhưng ngày ngày người dân tổ 4, phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình vẫn thấy đôi vợ chồng sống vui tuổi già không ham lợi. 5 người con có nếp có tẻ của ông đều đã yên bề gia thất, họ không dư giả về kinh tế nhưng gia đình êm ấm. Ông Tám vui hơn khi mình vẫn còn khỏe mạnh, đám cháu nhỏ nội ngoại ngày ngày lại quây quần, quấn quýt bên ông.

Hà Văn Long

(Năng lượng Mới số 157, ra thứ Sáu ngày 21/9/2012)