Ngọn lửa giữa rừng xanh

09:52 | 09/03/2017

287 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhôn Mai - vùng đất xa xôi và gian khó của huyện vùng cao Tương Dương (Nghệ An) là nơi thử thách bản lĩnh và tâm huyết của những thầy cô giáo lên đây “gieo chữ”. Và đây cũng là nơi chắp cánh cho những mối tình nảy nở và đơm hoa...

Lần nào lên Nhôn Mai, chúng tôi cũng đều tìm đến khu nhà tập thể Trường THCS BT thăm vợ chồng người bạn thân - thầy Bùi Văn Phương (SN 1980) và cô Phạm Thị Thu Hương (SN 1982). Tính đến nay, cặp vợ chồng này đã 14 năm “gieo chữ” nơi vùng đất gian nan và cách trở này. Tình yêu của họ là cả một câu chuyện dài với đầy đủ những cung bực cảm xúc. Hai người gặp và yêu nhau nơi giảng đường Trường Đại học Đà Lạt (Lâm Đồng), Phương học trước Hương một khóa. Phương sinh ra và lớn lên ở xã Diễn Đồng (Diễn Châu); nhà của Hương ở vùng biên giới Châu Khê (Con Cuông), nơi có dòng khe Choăng thơ mộng.

Phương mến cô gái miệt rừng bởi sự dịu dàng trong lời nói và nét duyên trên ánh mắt, nụ cười; còn Phạm Thị Thu Hương ấn tượng với vẻ gần gũi, thân thiện và hiền lành của chàng trai miệt biển. Thời sinh viên nhiệt tình và sôi nổi nhưng cũng có lúc không tránh được nỗi buồn và cô đơn trong cảnh sống xa nhà hay những ưu phiền ngày thường gặp phải. Những lúc như thế, Hương đã có Phương ở bên, tình cảm của đôi bạn trẻ ngày thêm gắn bó. Không thể kể hết những kỷ niệm đẹp thời sinh viên, về những chuyến píc-ních cùng bè bạn, những lần dạo chơi ở phố hoa, đồi thông Hai Mộ hay thung lũng Tình Yêu. Đó là nguồn động lực giúp hai người vượt qua thử thách và sóng gió cuộc đời.

ngon lua giua rung xanh
Vợ chồng Bùi Văn Phương - Phạm Thị Thu Hương và bé Thùy Dương (ảnh nhân vật cung cấp)

Năm 2002, Phương ra trường, thời điểm ấy để liên hệ một công việc đúng chuyên môn đã rất khó khăn nên phải về quê tìm nghề tay trái kiếm sống. Năm sau, Hương cũng hoàn thành khóa học, đúng lúc ấy huyện Tương Dương tuyển giáo viên, hai người cùng ngược rừng lên xét tuyển. Tin vui đến, cả hai người đều trúng tuyển và được phân công về công tác tại Trường THCS Nhôn Mai, một xã vùng biên, cách trung tâm huyện ngót 80 cây số, phải đi thuyền ngược sông Nậm Nơn gần một ngày đường rồi tiếp tục cuốc bộ. Nghe vậy, mẹ Hương ôm lấy con gái mà khóc, một mực khuyên nên ở nhà chờ cơ hội khác, bởi không thể yên tâm khi con gái dạy học ở chốn thâm sơn cùng cốc, khí hậu khắc nghiệt, đường xa cách trở... Nhưng rồi, vì tương lai, sự nghiệp và cả tình yêu, Hương quyết định lên đường.

“Lần đầu ngồi thuyền ngược sông lên Nhôn Mai mất gần một ngày trời, qua hàng trăm con thác lớn nhỏ, thuyền chênh chao, nước té ướt hết quần áo, em đã khóc đòi về. Anh Phương ngồi bên nắm chặt tay và an ủi, động viên em mới vững lòng đi tiếp” - Thu Hương chia sẻ. Từ đó, hai người gắn bó với vùng Nhôn Mai, tuổi thanh xuân đã hiến trọn cho mảnh đất biên cương xa xôi và gian khó này.

Qua 14 năm công tác, 11 năm chung sống dưới một mái nhà, Hương và Phương đã có được nhiều quả ngọt. Con gái đầu lòng Bùi Thị Thùy Dương năm nay lên 9 tuổi, bé trai Bùi Biên Cương vừa chào đời được hơn 1 tháng. Hương được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, Phương là giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Vợ chồng là đồng nghiệp, cùng dạy một bộ môn nên có điều kiện hỗ trợ nhau trong công việc và trở thành “đôi bạn cùng tiến”. Và không thể nhớ hết bao nhiêu cô cậu học trò được vợ chồng Phương - Hương gieo niềm tin yêu cuộc sống để vượt lên hoàn cảnh, góp phần xây dựng quê hương. “Ngần ấy năm nơi sơn cùng thủy tận này, chỉ có tình yêu, tình nghĩa vợ chồng bền chặt và tình thương dành cho học trò mới đủ sức bám trụ” - Bùi Văn Phương tâm sự.

Cũng ở Nhôn Mai, cặp vợ chồng Kha Văn May (SN 1978) và Kim Thị Minh (SN 1980) được bà con người Mông và Khơ Mú hết lời ca ngợi và yêu mến, vì họ đã hơn 10 năm cống hiến tuổi xuân cho sự nghiệp trồng người nơi rừng xanh, núi đỏ này. Ngày xưa, gần 15 năm trước, hai người học cùng lớp ở trường sư phạm, thầy May quê ở xã Tam Đình (Tương Dương), cô Minh quê xã Đồng Văn (Quế Phong). Đều sinh ra và lớn lên nơi bản làng vùng cao với bao vất vả và nghèo khó, hơn ai hết May và Minh hiểu rõ những thiệt thòi và thiếu thốn của các em nhỏ nơi đây. Rồi được sinh hoạt cùng tổ, những giao lưu kiến thức và tập văn nghệ đã đưa hai người gần nhau hơn, sự gắn bó và đồng cảm cũng ngày thêm bền chặt. Và tình yêu đến lúc nào không ai hay, chỉ biết những ngày nghỉ không được gặp nhau lòng thấy bồi hồi, nhung nhớ.

ngon lua giua rung xanh
Vợ chồng Kha Văn May - Kim Thị Minh

Hồi ấy, bạn bè cùng lớp phần lớn nghĩ rằng, tình yêu sinh viên sẽ rất khó đến đích hôn nhân, bởi áp lực về việc làm sau khi ra trường ngày càng đè nặng. Nghe vậy, May và Minh có lúc không tránh được nỗi hoang mang, nhưng rồi họ tin ở sự chân thành và đồng cảm. Cầm tấm bằng tốt nghiệp, Minh theo người yêu về nộp hồ sơ ở huyện Tương Dương và cả hai được phân công về Trường Tiểu học Nhôn Mai. Lên đây, Kha Văn May và Kim Thị Minh cùng đăng ký về dạy điểm trường bản Thằm Thẩm, một trong những bản xa và khó khăn bậc nhất của xã vùng biên này và chẳng bao lâu sau họ thành vợ, thành chồng. Đây là điểm giáp ranh giữa xã Nhôn Mai của huyện Tương Dương và xã Tri Lễ của huyện Quế Phong, nghĩa là hai xã nơi “cùng trời, cuối đất”. Bên này là đất Tương Dương (quê May) bạt ngàn đồi núi, ở bên kia (quê Minh) là thăm thẳm rừng xanh, từ vị trí tiếp giáp ấy về nhà của hai người đều gian nan, cách trở. Đường đi lúc ấy chỉ là một lối mòn nhỏ khúc khuỷu và cheo leo, ngày mưa trơn như đổ mỡ, quanh năm sương mù chắn lối. Khí hậu vô cùng khắc nghiệt, mùa đông rét thấu xương, có những hôm không khí nặng đến ngộp thở.

Bản Thằm Thẩm lúc ấy mới có hơn 10 hộ người Khơ Mú và Mông sinh sống, quanh quẩn chỉ mấy nóc nhà lèo tèo nằm thấp thoáng giữa rừng sương. Những đứa trẻ sinh ra ở nơi đây mọi thứ đều thiếu thốn, từ bữa cơm, quần áo đến sách vở, bút mực. Nhìn cảnh những em nhỏ lấm lem, mặc quần áo sờn rách đến trường, thầy May và cô Minh không ngăn nổi những dòng nước mắt, những kỷ niệm tuổi thơ ùa về, hai người giáo viên trẻ ấy nắm chặt tay nhau, rồi ôm chúng vào lòng. Cử chỉ ấy thể hiện sự quyết tâm và gắn bó lâu dài với Thằm Thẩm, với công việc “gieo chữ” rất đỗi nhọc nhằn ở nơi đây. Bởi các bậc phụ huynh luôn mải miết với nương rẫy, việc học hành của con cái phó mặc tất cả cho các thầy, cô. Những năm đầu, cả bản chỉ hơn 10 học sinh, gần đây con số này đã lên tới gần 30 nên phải dạy lớp ghép. Vợ đảm nhận các lớp 1-2 và 3, chồng đảm nhận lớp 4-5, bao năm kiên trì và bền bỉ, thầy May và cô Minh đã giúp trẻ em Thằm Thẩm thoát được cảnh mù chữ, có những em sau này theo học lên THCS và THPT.

Hơn 10 năm “cắm” bản và “gieo chữ” ở Thằm Thẩm, vợ chồng Kha Văn May và Kim Thị Minh đã thành người của bản làng. Thầy cô đã mua đất và dựng một ngôi nhà nhỏ ở gần điểm trường, tham gia sinh hoạt cùng dân bản, hiểu rõ phong tục của người Khơ Mú và người Mông ở nơi đây. Hai đứa con ngày càng khôn lớn và ngoan ngoãn, luôn biết chăm lo và nghe lời bố mẹ, tổ ấm nhỏ bé ấy luôn ăm ắp tiếng cười. Con đường Tây Nghệ An nối các huyện Quế Phong - Tương Dương - Kỳ Sơn đã thông tuyến, bản Thằm Thẩm đã có đường lớn đi qua, cuộc sống đang dần khởi sắc, niềm hạnh phúc của gia đình thầy May hòa chung với niềm vui bản làng, quê hương.

Chốn rừng xanh biên cương này không chỉ có vợ chồng thầy Phương - cô Hương và thầy May - cô Minh, mà còn nhiều thầy cô khác đã xây dựng hạnh phúc lứa đôi. Đó là thầy Nguyễn Đức Sơn (Đô Lương) và cô Moong Thùy Dương (Con Cuông); thầy Lê Văn Tú (Anh Sơn) và cô Cao Thị Thu Hoài (Đô Lương); thầy Vi Văn Cường và cô Lô Thị Mơ (Tương Dương)... Vì thế, có người gọi Nhôn Mai là “điểm hẹn tình yêu”.

Trần Công Kiên

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc