Ngoại giao… gấu trúc

14:00 | 23/04/2013

1,004 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trong mắt các nhà bảo vệ môi trường, gấu trúc là biểu tượng của cuộc đấu tranh bảo vệ những loài động vật trên đà diệt chủng. Còn đối với các nhà chức trách Bắc Kinh, những con gấu với hai màu đen trắng này lại là một công cụ ngoại giao vô cùng hữu ích.

Thủ tướng Canada, Stephen Harper đã không khỏi tự hào sau khi đạt được thỏa thuận với Trung Quốc để mượn 2 chú gấu trúc trong thời gian 10 năm kể từ đầu năm 2013. Ottawa coi đây là dấu hiệu thân thiện giữa hai nước cho dù là hằng năm Canada sẽ phải chi ra 1 triệu USD để được mượn 2 con gấu trúc đó. Dư luận Canada cũng tỏ ra hài lòng khi thấy quan hệ với Bắc Kinh đang được sưởi ấm lại sau vụ Ottawa chỉ trích chế độ Bắc Kinh vi phạm nhân quyền hay tố cáo Trung Quốc ăn cắp thông tin mật trong lĩnh vực công nghiệp.

Thủ tướng Canada Stephen Harper (trái) được Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tiếp đón trong chuyến thăm Trung Quốc ngày 9/2/2012

Ngoại giao gấu trúc bắt đầu từ thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước. Những chú gấu trúc nổi tiếng nhất là Hsing-Hsing và Ling-Ling mà Chủ tịch Mao Trạch Đông gửi tặng Tổng thống Mỹ Nixon năm 1972. 2 năm sau, Thủ tướng Anh Edward Heath về nước với 2 chú gấu cho vườn thú London, Ching-Ching và Chia-Chia.

Sau trận động đất sóng thần tàn phá Nhật Bản hồi năm 2011, Thị trưởng thành phố Sendai Emiko Okuyama đã đề nghị Bắc Kinh cho mượn một cặp gấu trúc lớn về nuôi tại vườn thú Yagiyama ở thành phố này nhằm mang lại niềm vui cho trẻ em vùng Tohoku. Thế nhưng 1 năm sau đó, chính sách ngoại giao gấu trúc đã bị trì hoãn do căng thẳng leo thang giữa Nhật Bản và Trung Quốc liên quan tới chủ quyền trên nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư. Hơn nữa, hiện nay cư dân thành phố Sendai cũng không còn mặn mà với món quà này từ phía Trung Quốc.

Đây không phải là lần đầu tiên loài vật đáng yêu này trở thành nạn nhân của những tranh cãi về ngoại giao. Hồi tháng 6-2012, Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara tuyên bố rằng chú gấu trúc mới sinh ở vườn thú Ueno Tokyo được đặt tên là Sen-sen hoặc Kaku-kaku, ám chỉ tên gọi Senkaku mà Nhật Bản đặt cho nhóm đảo đang tranh chấp trên biển Hoa Đông mà phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Theo thỏa thuận với Bắc Kinh, khi gấu con tròn 2 tuổi, Tokyo sẽ giao chú về cho Trung Quốc. Thế nên ông Ishihara Shintaro mới mỉa mai rằng: “Khi đặt tên chú gấu là Sen-sen hoặc Kaku-kaku và trả nó về cho Trung Quốc thì nước này sẽ được thỏa mãn ước mơ kiểm soát quần đảo Senkaku”. Nghe vậy, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi mới điên tiết tuyên bố: “Dù Nhật có đặt cho con gấu tên gì đi nữa thì thực tế chúng đều là của Trung Quốc. Tương tự như thế, khi họ có đặt cho quần đảo tên gì khác đi nữa ngoài cái tên Điếu Ngư thì thực tế nó cũng thuộc về chúng tôi”.

Chú gấu trúc con chết sau đó 6 ngày, nhưng xác nó vẫn được bảo quản trong tủ đá của vườn thú suốt gần 3 tháng trời. Trung Quốc vẫn giữ quyền sở hữu cặp gấu cho mượn, nhưng các quan chức Tokyo nói rằng họ chưa nhận được bất cứ ý kiến nào của Bắc Kinh về hướng xử lý xác chú gấu con này.

Tuy nhiên, dù đôi khi không chịu làm theo các yêu cầu chính thức, nhưng gấu trúc Trung Quốc vẫn tỏ ra là công cụ chính trị quan trọng. Dần dà, quá nhiều gấu trúc rời khỏi Trung Quốc tới mức các nhà bảo tồn bắt đầu phàn nàn về “cuộc di cư” kiểu này với lập luận việc vận chuyển gấu trúc giữa các nước khiến sức khỏe của loài vật quý hiếm này bị nguy hại. Hiện Trung Quốc chỉ có 1.600 con gấu trúc tồn tại trong môi trường hoang dã, rất ít gấu trúc được đưa ra khỏi Trung Quốc, đặc biệt là nếu không phải vì mục đích nghiên cứu.

H.Phan