Nghĩa tình trong "Khúc hát người điên"

06:30 | 21/12/2022

182 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong “ngôi nhà tâm thần” bập bùng tiếng guitar và giọng hát đậm chất rock rừng âm vang. Nơi đó, khúc hát tự đáy lòng của những người điên vang lên, như thể giãi bày tình cảm với người tỉnh giữa mênh mông cao nguyên.
Nghĩa tình trong "Khúc hát người điên" Nghĩa tình trong "Khúc hát người điên"
Anh Tư Phước với nụ cười sảng khoái đầy viên mãn Sự khắc khổ, lam lũ của chị Hạc khi một mình phải chăm sóc hơn 120 người tâm thần

Trong ngôi nhà tâm thần của vợ chồng anh Hà Tư Phước (56 tuổi, thôn Ia Rôk, xã Chư H’drông, TP Pleiku, Gia Lai), chàng trai 32 tuổi tên Joan (quê Kon Tum) chỉnh lại dây đàn, rồi cất giọng hát một tình khúc của nhóm nhạc Bức Tường. Cả trăm người trong “ngôi nhà tâm thần” người thì lặng im lắng nghe, người thì giơ tay múa theo giai điệu... Joan hát rất hay, mang trong mình chất hoang dã của đại ngàn Tây Nguyên đầy gió và nắng hoang hoải, đầy mưa và những nỗi niềm...

Không chỉ có Joan, những người khác như Minh, De, Nam hay Nghĩa “nhạc sĩ”, nếu không ở nơi này thì chẳng mấy ai nghĩ họ là người tâm thần. Ở đó, họ vẫn nói chuyện với nhau như những người tỉnh táo. Nhiều người ngày ngày vẫn đi chăn bò, làm cỏ vườn cà phê, nấu nướng cho tất cả mọi người. Khi đến giờ ăn, họ biết chờ được phát đồ ăn, họ biết dọn gọn chén bát vào rổ để người khác mang đi rửa. Chiều chiều, họ lại cùng nhau ca hát.

Nghĩa tình trong "Khúc hát người điên"
Những người bệnh khi về với vợ chồng anh Hà Tư Phước đều trở nên ngoan hiền và không còn quấy phá như trước

Có một điều lạ, ấy là những người bệnh ở đây đều rất ngoan, rất biết nghe lời “ba Phước”, “mẹ Hạc”, như cái cách họ nói về hai vợ chồng anh Tư Phước. Ở nhiều bệnh viện tâm thần, hay các trung tâm điều trị người tâm thần khác, việc người bệnh quậy phá, gây rối hay tự làm tổn thương mình diễn ra thường xuyên. Nhưng ở đây, điều đó không xảy ra. Dường như trong thế giới riêng của mỗi người ở đây, họ đều biết và thầm cảm ơn vợ chồng anh Tư Phước.

Nghĩa tình trong "Khúc hát người điên"
Joan (áo xám, người Ba Na, quê Kon Tum) là “chàng ca sĩ đặc biệt” với chất giọng hay khiến nhiều người thích thú

Có lẽ, bằng tất cả tấm lòng và tình yêu thương của mình, vợ chồng anh Tư Phước đã mở ra một cánh cửa mới cho những con người ấy bước vào. Khi cuộc đời họ ngỡ như bế tắc, họ đã bị gạt ra khỏi đời sống sau tất cả những nỗi dày vò của quá khứ, để họ một lần nữa như được tái sinh, sống vui vẻ hơn.

Trong ngôi nhà tâm thần ấy, có lúc cao điểm lên tới hơn 170 người cùng sống. Bây giờ, số lượng người bệnh hơn 120 người và việc chăm sóc cho hơn 120 con người ấy quả là một điều phi thường. Tư Phước sinh năm 1966, là con út trong gia đình nghèo có 7 anh chị em ở TP Pleiku, học đến lớp 5 đã phải nghỉ để bươn chải với cuộc sống. Năm 18 tuổi, Tư Phước học nghề lái xe tải. Trên những chuyến đi dài từ Nam ra Bắc, anh gặp bao cảnh đời, phận người éo le. Giữa xô bồ cuộc sống, Tư Phước luôn nhớ về bài học lòng yêu thương con người mà người mẹ hiền hậu đã răn dạy từ thuở nhỏ.

Nghĩa tình trong "Khúc hát người điên"
Trong ngôi nhà tâm thần này, nhiều người bệnh tự chăm sóc lẫn nhau. Chị Ngọc Trinh đang đút thức ăn cho ông cụ 82 tuổi

Gần 20 năm rồi, khi anh Tư Phước đón người bệnh đầu tiên về nhà mình để nuôi. Khi ấy, căn nhà bằng gỗ ván ọp ẹp là nơi để tình yêu thương vượt mọi ranh giới bắt đầu trỗi dậy. Tình yêu thương ấy đã cảm hóa được người con gái Bình Định là Huỳnh Thị Hạc về làm vợ anh, tình yêu ấy đã khiến những người bệnh không còn phá phách mà dần ngoan ngoãn hơn, tình yêu ấy đã khiến những người hàng xóm láng giềng từ nghi ngờ, xa cách đã hiểu và thông cảm hơn, để rồi khi cơ quan chức năng xuống kiểm tra, phát hiện anh nuôi dưỡng nhiều người bệnh tâm thần đã bắt anh phải dẹp bỏ trại tâm thần tự dựng lên này, chính những người hàng xóm láng giềng đó đã viết đơn để cho anh được giữ lại trại tâm thần, khi họ thấy những “đứa con không bình thường” níu áo Tư Phước không muốn rời đi. Tình yêu vượt mọi ranh giới trong ngôi nhà nhỏ ấy đã khiến chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng xúc động và cảm kích, tạo điều kiện cho anh được nuôi dưỡng thêm nhiều người tâm thần khác nữa.

Nghĩa tình trong "Khúc hát người điên"
Những người bệnh sống cùng nhau chan hòa, tự phân chia đồ ăn

Gần 20 năm là chuỗi ngày đầy khốn khó và thử thách. Tư Phước bảo, anh thương vợ vì một mình phải quán xuyến tất cả. Anh ngày ngày chạy xe tải chở thuê để kiếm tiền, còn mọi việc ở ngôi nhà tâm thần này đều một tay chị Hạc lo liệu. Hằng ngày, lúc giặt giũ, nấu ăn cho hơn 120 bệnh nhân, lúc lại lo cho 2 đứa con đang tuổi ăn tuổi học, ngoài ra, chị còn phải làm mấy sào cà phê để lấy tiền nuôi người bệnh.

Hơn 120 con người này khi chưa vào đây là những bệnh nhân không kiểm soát được hành vi của mình. Có người bệnh nặng đến mức tự hủy hoại thân thể, có người từng bị gia đình ruồng bỏ. Đặc biệt, có 12 người từng mang án giết người... Nhưng tất cả họ khi về với vợ chồng anh Tư Phước đều trở nên ngoan hiền, không còn quậy phá. Anh Tư Phước kiên nhẫn tập cho mọi người biết tự tắm giặt, quét dọn, biết chào hỏi, không xé rách quần áo của mình...

Nghĩa tình trong "Khúc hát người điên"
Ngày ngày, chị Hạc chăm lo từng bữa ăn cho hơn 120 người bệnh

Bây giờ, những người tâm thần không còn phải sống cùng vợ chồng Tư Phước trong căn nhà gỗ ọp ẹp nữa. Ngoài số tiền hai vợ chồng tích góp được bao nhiêu năm nay, anh vay mượn thêm đem ra xây nhà cho người tâm thần ở. Xây xong nhà, Tư Phước càng làm lụng nhiều hơn để vừa nuôi cả nhà vừa trả nợ.

Từ Bắc vào Nam, bất cứ gia đình nào muốn gửi người thân bị tâm thần, hai vợ chồng anh Tư Phước đều chào đón. Hiện tại, để nuôi hơn 120 miệng ăn, mỗi ngày hết hơn 50kg gạo, hết cả trăm gói mì tôm và nhiều thực phẩm khác. Những thứ khác như áo quần, thuốc thang thì không biết bao nhiêu mà kể. Biết được việc làm của vợ chồng anh, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh thường xuyên qua lại hỗ trợ vật chất. Trạm xá xã nhận trách nhiệm lên tỉnh xin thuốc về chuyển lại cho vợ chồng anh để người bệnh uống.

Anh Tư Phước xin ra Đà Nẵng học những lớp cơ bản về y tế và chăm sóc bệnh nhân tâm thần. Anh được Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP Pleiku giúp hoàn thành Đề án thành lập cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc và chữa bệnh cho người tâm thần. Nhiều năm tiếp nhận và chăm sóc người tâm thần, vợ chồng Tư Phước rất am hiểu các triệu chứng, nguyên nhân của mỗi bệnh nhân để đưa ra những phương pháp điều trị phù hợp. Nhờ những nỗ lực của vợ chồng anh Tư Phước, có những người đã được trở về với gia đình, có người xin ở lại tổ ấm này để cùng giúp những người khác làm dịu “cơn bất ổn” bằng trái tim nhân hậu với tình yêu thương không ranh giới.

Chiều muộn, trong “ngôi nhà tâm thần” ở dưới chân núi Hàm Rồng, tiếng guitar vẫn vang lên cùng những tiếng hát của người tâm thần tỏa đi miên man trong gió cao nguyên...

Tiêu Dao