Nỗi đau ở làng điên (Bài 1)

06:30 | 24/03/2014

1,713 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam có những ngôi nhà thấp lè tè chạy quanh núi Đọi, dân từ bao đời nay nép mình vào triền đá mà mưu sinh. Dưới chân núi Đọi có đền Cô Chín nổi tiếng linh thiêng và có lời đồn đại rằng, tại cô quở trách nên xã có lắm người phát điên, phát rồ. Lời đồn dân gian thôi thì chả nói làm gì, nhưng xã này có lắm người điên là sự thực. Đã điên loạn lại còn kiệt nghèo, chứng kiến mà xót xa.

Năng lượng Mới số 306

Bài 1: Ba bố con cùng điên

Người đàn bà đau khổ

Nhà anh Lê Thế Bình ở xóm Cộng Hòa nằm sát chân núi Đọi. Ngôi nhà ấy được dựng lên từ năm 1988, khi anh Bình vẫn còn là người tỉnh táo. Anh Bình người thấp đậm, năm nay 55 tuổi mà da dẻ đã tóp teo như trái táo tàu khô. Trước anh Bình khỏe nổi tiếng trong vùng, chuyên nghề đánh đá thuê kiếm sống. Ở Đọi Sơn thì đá là “đặc sản”, người ta cứ men vào núi Đọi rồi dùng xà beng, dùng mìn nhể đá ra đem bán. Qua nhiều năm, núi Đọi vẹt đi, cây cổ thụ trên núi cũng được đốn xuống làm cột nhà, cánh cửa. Phần đất mà anh Bình dựng nhà bây giờ trước cũng là nằm trên phần đất của chân núi, lại ở sát vách đền Cô Chín.

Gia đình anh Bình là gia đình có lắm người điên nổi tiếng trong vùng. Vợ chồng anh Bình cùng hai đứa con trai, tổng cộng nhà có 4 người mà có đến 3 người điên. Chỉ còn nhõn chị Thuận, vợ anh là tỉnh táo. Mấy bà lão hàng xóm ngó nhà chị Thuận mà thở dài thườn thượt: “Thương cái Thuận, sống cùng mấy bố con tâm thần chắc rồi nó cũng lại tâm thần theo mất thôi”.

Anh Lê Thế Bình trước căn nhà tồi tàn của mình

Rồi lại tiếp: “Trước đây, hồi thằng Bình còn trẻ, chăm chỉ khỏe mạnh lắm, phải mỗi tội ít nói, lầm lì và đôi lúc chập chập cheng cheng khác người. Thế nên 30 tuổi đầu mà chẳng lấy được vợ. May sao gặp được cái Thuận, cũng là quá lứa lỡ thì, ghép thành đôi, dựng ngôi nhà sinh sống”.

Anh Bình lấy vợ, rồi bươn chải lên Thái Nguyên xẻ gỗ thuê. Được dăm ngày thì anh nổi điên, giời lạnh căm căm, anh lột hết quần áo, trần truồng nhảy cẫng trong rừng. Nhóm thợ cùng làng hãi quá ôm nghiến anh lại liền bị anh cầm đá choảng vào đầu. Anh bị trói bằng dây thừng, quấn chăn đem lên xe “dẫn giải” về quê. Trong người anh như thể có lửa đốt, lúc nào cũng đòi xé quần áo. Giữa mùa đông, anh nhảy xuống ao tắm ùm ùm, lên bờ còn nhặt cả mảnh chai mà nhai. Thế rồi anh tìm cách trốn nhà đi hoang, cứ lẩn thẩn ở dọc đường, nhặt được bã mía, tóp thuốc đều bỏ vào mồm.

Cứ mỗi lần như thế, chị Thuận lại khóc lóc nhờ người làng tìm bắt trói lại đưa anh về. Về rồi anh lại xổng nhà trốn đi. Có bận anh đi biệt tích đến 3 tháng, nghe đâu anh đi bộ xuống tận Tiền Hải, Thái Bình. Cứ dặt dẹo ăn đường ngủ chợ thế mà anh chẳng chết và chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào mà anh biết đường tìm về. Về làng với râu tóc, quần áo như người rừng, chị Thuận trông thấy anh suýt lăn đùng ra ngất.

Sau bận ấy, chị Thuận quyết tâm giam anh ở nhà rồi hết lòng chạy chữa cho anh, đông tây y kết hợp… cúng. Rồi anh cũng dần tỉnh. Rồi họ cũng sòn sòn liên tiếp sinh ra hai đứa con trai.

Hai đứa con anh, cháu Lê Thế Hòa, sinh năm 1992 và cháu Lê Thế Hiệp, sinh năm 1994 đẹp đẽ khác thường. Sinh ra chúng đều mạnh khỏe, khoai sắn thôi mà nhẵn nhụi tươi tắn lắm. Nhưng hỡi ôi, khi các cháu 15, 16 tuổi thì đều lần lượt phát điên, cái kiểu điên giống y như bố chúng. Nghĩa là cũng nóng giần giật trong người rồi xé quần xé áo, đập xoong nồi, bát đĩa loảng xoảng trong nhà. Nhìn hai đứa tráng niên, da dẻ trắng nõn, xé quần áo nhồng nhỗng chạy ngoài đường đến là rùng rợn. Chị Thuận lại ống thấp ống cao đi lùng bắt hai đứa. Bắt trói được cháu Hiệp đem nhốt về nhà rồi tiếp tục đi tìm cháu Hòa. Hòa về rồi thì Hiệp đã lại phá khóa trốn mất.

Có khi cả 3 bố con cùng phát điên, chị Thuận phải sắm khóa to, lấy cây gỗ chèn vào cánh cửa nhốt ba bố con trong đó để đi làm đồng. Đến tối về nấu cơm đưa qua cửa sổ, chị không dám mở vì trong cơn điên, một trong ba người có thể túm tóc chị mà đấm mà tát bất cứ lúc nào. Chỉ đến lúc nào họ dịu cơn một chút, chị mới dám mở cửa lùa cả ba người ra sân giếng mà tắm táp, thay quần áo. Đến cữ điên là lại biết ý lùa vào nhà rồi khóa cửa.

Chị Thuận, người duy nhất tỉnh táo trong gia đình có 3 người điên

Hằng tháng, chị Thuận xuống trạm y tế xã lấy thuốc và lĩnh tiền chế độ cho 3 bố con. Chị vừa là bác sĩ, vừa là ôsin, vừa là vợ, vừa là mẹ của cả 3 người điên ấy đã ngót chục năm nay.

Hôm tôi đến, anh Bình và cháu Hòa vừa được uống thuốc, cơn đã dịu lại, đang thơ thẩn chơi ngoài sân. Chị Thuận vừa đi làm cỏ lúa về, bập vào câu chuyện là rấm rứt khóc. Những giọt nước mắt của người đàn bà nông dân đã hơn chục năm chưa được một giấc ngủ yên, chưa một ngày được nếm mùi hạnh phúc nghe mà cứ lành lạnh.

“Thằng Hiệp lên cơn điên trốn đi biệt tích cả tháng nay, không biết là đi đâu. Nghe có người bảo gặp nó lang thang ở chùa Phổ Minh dưới Nam Định nhưng chẳng biết thế nào. Tôi cố nhốt giữ nó rồi mà chẳng nhốt được, nó khỏe lắm, nhấc hẳn cánh cửa ra mà bỏ trốn. Có lần nó còn tìm cách khoét vách, đập dỡ tường nhà để trốn. Đến nước ấy thì tôi chẳng thể làm gì được nữa. Sao số tôi khổ thế này”, chị Thuận nấc lên.

Tôi hỏi: “Thế chị có định đi tìm cháu không”. Chị Thuận bảo: “Tôi chẳng sức nào mà đi tìm nó nữa, còn hai bố con thằng Hòa ở nhà thì ai canh giữ. Thôi thì mong ông giời thương xót cho nó đừng chết, đi chán đến khi tỉnh biết tìm đường mà về nhà với mẹ. Đêm nào tôi cũng thấp thỏm, ngủ không yên chỉ sợ cháu về không gọi được cửa đi mất thì tôi mang tội.

Nhiều lúc tôi chỉ muốn uống một bát thuốc sâu để chết đi, có lần cầm bát thuốc sâu lên định uống rồi nhưng lại bỏ xuống. Mình chết thì dễ, thì sướng thân mình đấy, nhưng còn ba bố con nó ai chăm. Nhưng cứ thế này thì không sống nổi, có lúc cạn nghĩ tôi chỉ muốn cả bốn người cùng chết, cho kết thúc cảnh sống này”.

Nghe chị Thuận nói tôi rùng mình sởn da gà. Nhìn căn là lụp xụp, xộc mùi xú uế với những người điên quanh quẩn bất chợt gào rú đấm đá mà hãi hùng kinh sợ.

Ai thương người điên?

Thế nhưng, gia đình chị Thuận chỉ là một trong nhiều gia đình có người bị tâm thần ở xã Đọi Sơn. Có người tâm thần bẩm sinh, có người sinh ra tỉnh táo rồi đến ngưỡng nào đó là mắc bệnh. BS Nguyễn Anh Phương, Trạm phó Trạm Y tế xã Đọi Sơn nhăn nhó: “Cả xã bé toen hoẻn mà có đến hơn 30 người bị tâm thần”.

Con số mà BS Phương đưa ra chỉ là con số có trên hồ sơ. Nghĩa là, đó chỉ là những trường hợp có hồ sơ của Sở Y tế tỉnh Hà Nam để cấp phát thuốc hằng tháng. Còn vô số những trường hợp tâm thần nhưng gia đình không khai báo, không làm hồ sơ. Và còn vô số những trường hợp tâm thần thể nhẹ hoặc bị động kinh mà các gia đình đang cố tình giấu giếm. Giấu vì họ sợ mang tiếng, vì sợ nhà mình có “mả điên” không ai dám dây vào. Giấu để cố công chạy chữa, mong cho con cái họ khỏi bệnh để còn lấy vợ, lấy chồng, xin được việc làm. Giấu như thể giấu đi nỗi đau đang rình rập đổ ụp xuống gia đình họ bất cứ lúc nào.

Tôi có thể khẳng định rằng, bất cứ ai dù lạnh lùng đến mấy, khi nghe kể và chứng kiến hoàn cảnh sống của bất cứ người điên nào ở Đọi Sơn sẽ đều xót xa, thương cảm. Chẳng hiểu có quy luật gì hay không nhưng đa phần gia đình của người điên ở đây đều nghèo túng. Cái nghèo cái khổ hình như làm con người bơn bớt tình thương đi thì phải. Vì nghèo vì khổ, túng bấn mà bệnh tâm thần của nhiều người được coi như số phận. Thuốc thang thì tắc tộ, lúc có lúc không. Khi phát hiện ra người thân của họ bị tâm thần, họ thây kệ, coi như người đó đã chết, muốn đi đâu thì đi, muốn sống thế nào thì sống. Người tỉnh còn mải miết mưu sinh, kiếm miếng cơm mà bỏ vào mồm thì lấy đâu ra những hy sinh cho người điên!?

(Xem tiếp kỳ sau)

Vũ Minh Tiến

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps