Nỗi đau ở làng điên (Bài cuối)

07:00 | 30/03/2014

2,859 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những người mắc bệnh tâm thần đương nhiên họ chẳng thể nào tự chữa bệnh cho mình được. Sức khỏe của họ hoàn toàn phụ thuộc vào người thân. Trong khi cố công tìm hiểu nguyên nhân, có lẽ chúng ta nên quan tâm đặc biệt đến những bệnh nhân tâm thần ở đây. Nó không hẳn là trách nhiệm, càng không phải là quy định, mà nó là tình thương yêu và lương tri của những người tỉnh.

>> Nỗi đau ở làng điên (Bài 1)

 

Năng lượng Mới số 307

Bài cuối: Trách nhiệm của người thân

Kể cả ngày không hết

Tôi đến nhà chị Lụa, 30 tuổi, một người điên… nổi tiếng ở Đọi Sơn. Nhà chị Lụa ở cuối làng Đọi Trung, xuyên qua những con đường đất, um tùm cây cối. Gọi là nhà thôi chứ thực ra đó chỉ là túp lều được dựng tạm lên bằng buồng bạt cũ cùng dăm cột gỗ lung lay. Chị Lụa điên loạn đang sống cùng người mẹ già trong đó. Người mẹ già quanh năm đi ăn xin để nuôi báo cô đứa con điên loạn!

Túp lều của chị Lụa “điên” đóng cửa im ỉm mấy ngày nay. Hỏi những người hàng xóm quanh đó thì được biết, chị Lụa đã bỏ đi mấy ngày nay, đi đâu thì không ai rõ, chỉ biết dặt dẹo lang thang đầu đường xó chợ, ai cho cái gì thì ăn, nhặt được cái gì thì bỏ vào mồm cái đó. Cả bà Vần, mẹ Lụa, cũng đeo bị, chống gậy đi ăn xin từ mấy hôm nay rồi.

BS Nguyễn Anh Phương, Trạm phó Trạm Y tế xã Đọi Sơn

Nghe người làng nói, Lụa còn trẻ, tuy nhận thức chỉ như đứa trẻ lên 3 nhưng lại phốp pháp, trắng trẻo. Ở những cung đường lang thang, điên loạn hết mức kia, Lụa từng bị người ta lợi dụng rồi làm trò đồi bại. Chuyện người điên bị xâm hại, chính tôi cũng nghe kể rất nhiều. Cách đây ít năm, có cô gái người Thái, tên là Lò Thị Mí ở tận đất Đà Bắc, Hòa Bình, bị tâm thần nhưng đẹp như bông hoa dại. Mí dạt xuống Hà Nội, bị cánh thợ xây, xe ôm giở trò đồi bại và lần lượt mang bầu đến mấy lần. Mang bầu, đẻ rồi đem cho, cứ như thế và đến giờ không còn ai nghe nói đến cô gái này nữa.

Chuyện người điên ở đất này có kể cả ngày cũng chả hết. Ở xóm Đọi Tín có anh Bùi Văn Chuyển mắc chứng tâm thần thể trầm cảm. Anh Chuyển rất sợ người lạ lại gần, cứ thấy bóng ai đến là anh chạy mất. Đêm đêm, anh thường ra cổng nghĩa trang của xã ngồi nói huyên thuyên một mình ở đó, đến sáng thì người đi làm đồng không còn thấy anh ngồi đó nữa. Cảnh sống của anh Chuyển thì vô cùng khó khăn. Hiện anh sống một mình trong ngôi nhà ở giữa cánh đồng, bố đã mất, mẹ già hiện đang ốm liệt giường, phải nhờ chị Vóc là chị gái của anh Chuyển chăm sóc. Nhà chị Vóc ở cách đó 3 cây số, hằng ngày chị vẫn đem cơm xuống cho anh Chuyển ăn. Nhưng phần vì cũng nghèo túng, phần vì mẹ già còn nằm liệt đó nên bữa đực, bữa cái. Anh không thuốc thang gì, cứ dặt dẹo sống qua ngày.

Lại còn anh Trần Văn Tám, bị thần kinh 20 năm nay sống với mẹ già; chị Trần Thị Miến là người điên không người thân thích, sống một mình; anh Trần Văn Đông, từng là cán bộ công an mỗi khi phát cơn là dữ dội đánh người, hung hãn như con thú hoang. Bệnh tâm thần ở Đọi Sơn chẳng loại trừ ai, từ già đến trẻ, từ nam đến nữ, ai chỉ nghe chuyện đã thấy thương tâm.

Giải mã nguyên nhân

BS Nguyễn Anh Phương cho biết, theo chính sách chung, mỗi bệnh nhân tâm thần, gia đình báo cáo, lập hồ sơ và được Quỹ Bảo trợ xã hội tỉnh trợ cấp cho 270.000 đồng một tháng. Thuốc uống thì miễn phí, mà nếu không có danh sách thì thuốc uống cũng chỉ mất cỡ chừng mấy chục nghìn đồng mà thôi. Người được uống thuốc đều thì bệnh có thể còn thuyên giảm, kiềm chế được những cơn chấn động, còn nhiều người đang bị chính gia đình họ bỏ rơi. Trong số những bệnh nhân mà Trạm Y tế xã Đọi Sơn đang quản lý thì toàn là ở mức độ từ F20.0 trở lên, nghĩa là đã rất nặng. Còn những người bệnh có tình trạng bệnh nhẹ hơn thì chưa được gia đình thông báo nên không có thông tin gì về họ.

Đền Cô Chín dưới chân núi Đọi

Tôi đặt vấn đề rằng, những bệnh nhân tâm thần dạng thể “hiền lành” thì chẳng nói làm gì, nhưng với những bệnh nhân thuộc thể “hung dữ” thì mỗi khi họ lên cơn là đập phá và có thể rất dễ gây tai họa cho người khác. Anh Phương cho rằng, việc khống chế người điên và cả việc đi viện chữa bệnh hay uống thuốc hoàn toàn phụ thuộc vào nguyện vọng của gia đình. Một khi gia đình họ ruồng bỏ hoặc cố tình làm ngơ không quan tâm đến những người điên ấy thì chẳng ai làm gì được cả. Bệnh nhân tâm thần không thể tự đi viện hoặc tự xuống trạm y tế xã mà xin thuốc uống được.

Chúng tôi cũng đã cố công tìm hiểu nguyên nhân trước tình trạng tỷ lệ bệnh nhân tâm thần nhiều như vậy ở Đọi Sơn. Có người cho rằng, do nguồn nước bị ô nhiễm, có người thì lại cho rằng có gì đó liên quan đến tâm linh. Ở chân núi Đọi có đền Cô Chín ngự tọa trăm năm, nổi tiếng linh thiêng. Những người sống quanh núi này vì miếng cơm mà dỡ đá phá núi động đến quỷ thần nên bị quở trách, làm cho điên loạn. Như nhà anh Bình thì nhiều người cho rằng, do ngày trước anh phá núi làm nhà, động đến đất thiêng nên nhà anh bị quả báo nặng nhất.

Sau tất cả những lời lý giải xoay quanh vấn đề tâm linh, người dân thôn Đọi Nhất nghi ngờ nguyên nhân môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi các lò gạch luôn trong tình trạng nhả khói và khí độc nên dẫn đến tình trạng này. Nhiều người dân địa phương bức xúc cho biết, 4 lò gạch rất gần khu dân cư nên khi đốt lò, khói bay mù mịt biến cả một vùng dưới chân núi Đọi thành chảo khói bụi. Đặc biệt là những ngày có gió Tây Nam, khói và bụi từ các lò gạch cứ thế bám quyện chặt từ tối đến sáng, hết ngày nọ đến ngày kia... khiến vùng quê này chưa một ngày bình yên.

Ngoài việc ô nhiễm không khí là nguồn nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nước từ các sông quanh khu vực, thậm chí cả trong bể nước mưa của một số hộ gia đình đều bị bụi gạch bám đỏ ngầu. Tại thôn Đọi Nhất, ngoài số lượng người bị tâm thần, số lượng người chết vì ung thư phổi cũng rất cao. Theo tổng kết, từ năm 2000 đến nay số người chết và đang bị ung thư phổi lên tới hàng chục người.

Người dân thôn Đọi Nhất mong muốn các cấp thẩm quyền, các ngành chuyên môn về địa phương để khảo sát nguyên nhân gây bệnh ung thư cũng như bệnh tâm thần để thôn mình không phải là làng điên - làng chết có lẽ là ước muốn lớn nhất của người dân nơi đây

Sau nhiều lần người dân kiến nghị, năm 2006 chủ lò gạch đã phải bồi thường cho người dân 186 triệu đồng vì gây thiệt hại hoa màu. Mới đây, chủ lò gạch tiếp tục phải bồi thường 48 triệu đồng vì gây cháy lúa quanh khu vực... Có ý kiến cho rằng, sở dĩ thôn Đọi Nhất có nhiều người điên cũng một phần do các lò gạch gây ra. Thực tế đã chứng minh, mỗi khi các lò gạch nhả khói tỏa vào nhà dân cả tuần, thậm chí hàng tháng trời là thời điểm các bệnh nhân tâm thần phát cơn cuồng loạn...

Có lẽ vì sợ bản thân hay gia đình sớm muộn cũng sẽ bị tâm thần nếu còn ở trên đất của thôn Đọi Nhất nên hiện nay hàng chục nóc nhà trong thôn bị bỏ hoang. Các chủ hộ đã chuyển đi nơi khác để được an toàn.

Đương nhiên, những câu chuyện tâm linh quanh đền Cô Chín thì bảy phần hư, ba phần thực chẳng thể cho đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này ở Đọi Sơn. Trong khi cố công tìm hiểu nguyên nhân, có lẽ chúng ta nên quan tâm đặc biệt đến những bệnh nhân tâm thần ở đây. Nó không hẳn là trách nhiệm, càng không phải là quy định, mà nó là tình thương yêu và lương tri của những người tỉnh.

Vũ Minh Tiến

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps