Nghề thợ điện - nghề hiểm nguy

13:30 | 08/09/2020

2,527 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - “Gắn bó với nghề điện, bất kỳ thợ điện nào cũng có ít nhất một lần bị điện giật..." - anh Phạm Quốc Chín (Đội Quản lý điện 1, Công ty Điện lực Thường Tín, Hà Nội) tâm sự về công việc của người thợ điện. Hơn 20 năm gắn bó với nghề, hơn ai hết, anh hiểu rất rõ những vất vả, nguy hiểm của nghề.

Anh Chín cho hay, mỗi lần vào ca trực, các thành viên trong đội phải chạy ngược chạy xuôi khắp nơi để khắc phục sự cố lưới điện cho khách hàng. Nhiều hôm, mải làm, các anh bỏ cơm là chuyện thường. Để chứng minh điều mình vừa nói, anh Chín tạo điều kiện cho chúng tôi theo chân các anh để tìm hiểu tận tường công việc vất vả, nguy hiểm của những người thợ điện.

Vất vả…

Anh Nguyễn Thế Hải - cán bộ Đội Quản lý điện 1 cho biết, làm nghề này cực lắm. Bất kể đêm hay ngày, cứ nơi nào người dân báo bị mất điện là chúng tôi phải đến ngay. Nói rồi, anh kể lại những tình huống bất ngờ, gây nguy hiểm trong lúc làm việc mà người thợ điện nào cũng xem đó là nỗi bất an.

Nghề thợ điện nghề hiểm nguy
Thợ điện kéo đường điện mới.

“Trên trụ điện bây giờ đâu chỉ có mỗi dây điện. Khi đang sửa điện mà bất ngờ cáp viễn thông có tín hiệu kết nối, người thợ sẽ bị điện giật. Tuy không nguy hiểm tính mạng, nhưng sẽ làm giật mình và dễ buông tay té ngã” - anh Hải nói.

Anh Hải còn cho biết, nhiều hôm đi làm gặp những tình huống như khách hàng cho địa chỉ ảo, hay khi nhân viên đến tìm mà không có ai ở nhà hoặc điện đã được kết nối nhưng khách hàng không báo lại…, khiến các anh phải vắt sức mà chạy. Chưa kể mỗi lần gió lớn, cây cối bị đổ đè lên dây điện hoặc mái tôn, biển hiệu quảng cáo rơi làm đứt đường dây…, toàn đội phải tăng cường lực lượng để khắc phục kịp thời những sự cố và cảnh báo người dân về sự nguy hiểm, để họ tránh xa những đoạn mạch điện bị hở.

Cận kề rủi ro

Theo chân thợ điện, chúng tôi nhận thấy, mỗi khi đến vị trí cột trụ, điều đầu tiên các nhân viên ngành điện làm là phát quang cây xanh, bụi rậm để giữ khoảng cách an toàn. Có lẽ vậy, đã có không ít người phải nhập viện vì bị ong đốt, rắn cắn.

Nghề thợ điện nghề hiểm nguy
Làm việc không kể ngày đêm...

Anh Lê Văn Tuấn - Đội trưởng Đội 5 (Công ty Điện lực Thường Tín) cho biết: “Đi làm ở những nơi cây cối um tùm và ruộng, vườn bỏ hoang, bị ong chích, giẫm rắn bị cắn… hầu như ai cũng từng trải”.

Nói rồi, anh Tuấn chỉ tay vào những chiếc máy tời nặng 600-700 kg rồi ví von: “Mỗi lần nghe đến việc “kéo pháo”, anh em trong đội ai cũng ngán. Chỉ với khoảng cách chưa đầy 1km, nhưng cả chục người kéo chiếc máy tời hơn 1 tiếng mới tới chân trụ.

Mấy vật dụng ở đây cái nào nhẹ cũng phải 50-60 kg, đi đường bằng phẳng đã khó, huống chi dùng sức người kéo qua địa hình khó. Công việc vất vả nên chuyện cơm, nước ngay bên cột trụ với cánh thợ điện là chuyện bình thường.

Anh Đào Duy Tiệp - Đội trưởng Đội Quản lý điện 1 chia sẻ thêm: "Những người thợ điện chúng tôi đôi khi giống như những nghệ sĩ xiếc, bởi họ phải đu người làm việc giữa trời chỉ với cọng dây an toàn và chiếc ghế nghiệp vụ. Nếu nhìn từ xa, họ chẳng khác nào những chú chim nhỏ đang gồng mình giữa trời và hiểm nguy có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, nếu trật lỗi nhỏ trong thao tác kỹ thuật".

Anh Tiệp bày tỏ trăn trở, cái nghề thợ điện mang lại ánh sáng cho mọi người, nhưng nếu bất cẩn ít giây thì chính sinh mạng của người thợ điện coi như vụt tắt. Trong câu nói của anh, vẫn còn nhiều lắm những diễn đạt khó thành lời về những nỗi vất vả, nguy hiểm của người thợ điện. Tuy nhiên, khi ánh đèn từ đô thị tới các vùng quê được thắp sáng, bao nhiêu muộn phiền của họ dường như được nén lại. Và ở đó, chỉ còn những nụ cười và những giọt mồ hôi lấm tấm trên lưng áo của những người thợ điện...

Ông Đào Duy Chiến - Phó giám đốc Công ty Điện lực Thường Tín cho biết: “Những công nhân ngày ngày làm việc trên trụ điện luôn phải đối diện với những nguy hiểm rình rập, như: Điện áp cao, té ngã khi leo cao..., công việc lại không theo giờ giấc nhất định. Vì vậy, những người yêu nghề và làm việc với tinh thần trách nhiệm cao mới có thể bám trụ lâu dài. Để đảm bảo an toàn lưới điện và nhanh chóng khắc phục sự cố về điện, hàng năm chúng tôi đều có những đợt tập huấn nâng cao nghiệp vụ và trang bị thêm những thiết bị bảo hộ an toàn lao động cho nhân viên yên tâm làm việc, giảm thiểu những tình huống đáng tiếc xảy ra”.

Điện miền Trung đã mạnh!
Những “con đường ánh sáng” vượt bão
Bộ đồng phục màu cam
Niềm vui của người thợ điện
Những người giữ ánh sáng
Thợ điện vùng cao xứ Nghệ trong “chảo lửa” nắng hè
Công nhân điện - nghề lắm nỗi gian truân

Xuân Hinh