Nghệ nhân 'xẩm tàu điện' cuối cùng đất Hà thành

11:47 | 11/11/2013

1,647 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đã gần tuổi xưa nay hiếm, sức khỏe suy giảm nhiều, thế nhưng hễ nói đến xẩm thì nghệ nhân ấy như được tiếp sức. Tiếng nhị cất lên réo rắt, ông hát mê say, ký ức sống cùng những làn điệu xẩm đối với ông vừa huy hoàng vừa xen cả đắng cay… Ông là Nguyễn Lưu Gia, nghệ nhân xẩm tàu điện cuối cùng ở Hà thành.

Duyên nghiệp

Đặt chân tới làng Phú Đô (Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội) hỏi về ông Gia mù hát xẩm chắc không ai là không biết. Cái tiếng của ông được nhiều người biết đến cũng bởi vì khả năng hát xẩm hay đến nỗi kiếm được vợ trẻ hơn cả 20 tuổi.

Ở tuổi thất thập cổ lai hy, ông Gia vẫn say sưa với xẩm

Ngày nay khi những chuyến tàu điện Hà Nội đã là quá khứ “vang bóng một thời” và những người hát xẩm trên tàu điện năm xưa không còn mặn mà với cái nghề nhiều hờn tủi ấy, thì nghệ nhân Nguyễn Lưu Gia vẫn miệt mài theo đuổi theo cách riêng của mình.

Đã gần 70 tuổi nhưng giọng hát của ông vẫn ngọt ngào như còn đương tuổi trai tráng… Có một điều ít ai biết, ông Gia chính là người duy nhất được công nhận là nghệ nhân hát xẩm tàu điện - pho sử sống về hình thức âm nhạc bình dân được ưa chuộng nhất những năm 1960 - 1980.

Khi có người đến để tìm hiểu về nghề hát xẩm mà thế hệ trẻ hôm nay chẳng mặn mà, ông Gia phấn khởi lắm, những ký ức xưa như ùa về. Ông Gia bồi hồi: “Tôi đến với nghề hát xẩm cũng là cái duyên, cái nghiệp. Tôi không chọn xẩm mà xẩm chọn tôi và theo tôi đến hết đời”. Vốn bị mù hai mắt từ nhỏ do gặp phải bệnh tật. Lớn lên, cậu bé Gia không thể tự làm việc để nuôi sống được bản thân mình. Và rồi, dường như nghề hát xẩm đến với ông, đưa cuộc đời ông chuyển sang một trang mới.

Ông Gia đến với xẩm như là một định mệnh gắn bó với cuộc đời hẩm hiu và bất hạnh của mình. Lúc sinh ra cậu bé Gia vốn là một đứa trẻ khỏe mạnh, thông minh và ham học hỏi, bố mẹ ông vì thế quyết tâm cho cậu bé đi học mặc dù gia cảnh bần hàn. Với ước muốn trở thành một thầy giáo, Nguyễn Lưu Gia chăm chỉ học tập và luôn đạt những thành tích cao.

Nhưng cuộc đời không phải bao giờ cũng bằng phẳng, năm ông Gia học hết lớp 10/10, sau một trận ốm thập tử nhất sinh mà gia đình lại không có tiền đưa con đi chữa trị, đôi mắt của ông dần mờ đi và trở nên mù hẳn. “Lúc đó tôi như người mất hết niềm tin và chẳng còn thiết sống nữa. Nhưng vì thương bố mẹ tôi đã nghĩ lại và quyết tâm làm lại từ đầu” – ông Gia tâm sự.

Ông Gia bắt đầu tìm đến học chữ nổi và để tìm lại niềm vui trong cuộc sống ông theo học lớp hát cải lương do trường Nghệ thuật sân khấu mở. Với năng khiếu bẩm sinh là giọng hát truyền cảm và dễ đi vào lòng người, ông luôn được đánh giá cao hơn so với các học viên khác. Cuộc sống với biết bao thăng trầm, một người mù như ông lại càng gặp nhiều khó khăn, để mưu sinh ông xin đàn hát cho các đoàn hát lớn với đồng lương hợp đồng ít ỏi.

Năm 1960, trong một lần dạo chơi ở hồ Hoàn Kiếm, ông Gia gặp một cụ ông cũng bị mù như mình đang rải chiếu cạnh bờ hồ và ngồi hát xẩm. Tiếng đàn nhị và giọng hát của cụ sao mà hay đến thế, làm cho bao người qua lại không thể không chú ý. Ông Gia cũng bị cuốn hút vào trong những giai điệu và lời ca ấy. Ông mải mê ngồi nghe và cảm nhận cho đến khi buổi chiều tàn. Ông cụ hát xẩm thấy chàng trai trẻ bị mù mê đàn hát nên bảo cậu hát thử và cũng chính cái lần “hát thử” ấy đã gắn bó ông với nghiệp hát xẩm này.

Từ khi được người thầy hát xẩm Nguyễn Văn Nguyên (cụ trùm Nguyên - một người hát xẩm nổi tiếng thời bấy giờ) nhận làm học trò, ông Gia đã theo gót “ sư phụ ” học hát khắp Hà Nội và một số tỉnh miền núi phía Bắc. Hai thầy trò đã đi khắp nơi, họ mang tiếng hát phục vụ đông đảo bà con, đi đến đâu tiếng hát của hai thầy trò cũng được người dân đón nhận, kính trọng.

Khi người trò ấy đã thành thạo, thuần thục những làn điệu xẩm thì cụ Nguyên đã cho phép ông tách ra hát riêng với lời dặn đinh ninh: “Hát xẩm hay không phải một sớm một chiều là làm được. Muốn hát hay, con phải yêu nó như con, xẩm phải thấm vào máu thịt thì mới rót được vào lòng người”. Ông Gia nghe vậy thì năn nỉ xin ở lại nhưng cụ Nguyên đã quyết nên hai thầy trò đành tạm biệt trong nước mắt.

Thân phận của những kẻ hát rong

Ngày xưa những người hát xẩm thường xin lên các chuyến tàu điện để hát kiếm tiền, dần dà dân gian quen với hình ảnh này nên gọi là “xẩm tàu điện”. Điểm chung của những người hát xẩm tàu điện hầu hết đều bị mù như ông Gia, đều là những người nghèo khó, không nhà cửa, được xếp cùng hạng với ăn mày đôi khi còn bị chửi bới, xua đuổi.

Với lời ca và cây đàn, trong suốt những năm tháng đó ông Gia lang thang trên các tuyến tàu điện, chàng trai trẻ lúc ấy với hành trang một cây đàn, một chiếc gậy và một chiếc túi nhỏ đeo ngang hông bắt đầu kiếp hát rong để mưu sinh.

Cuộc đời hát xẩm của ông gắn liền với những chuyến tàu và những nơi ông đặt chân đến trải dài khắp ba miền Bắc, Trung, Nam. Theo như lời ông thì ở đâu có đường tàu thì nơi đó có mặt ông và cũng chính vì vậy nên ông quen biết nhiều đồng môn hát xẩm, trao đổi với nhau những làn điệu mới. Ông đã từng vào Nam ra Bắc nhiều lần nên học hỏi được nhiều điệu cải lương, điệu hò của các vùng miền.

Nghệ nhân Nguyễn Lưu Gia - người hát xẩm tàu điện cuối cùng đất Hà Thành

Trong suốt quãng đời hát xẩm của mình, ông Gia gắn bó với những chuyến tàu điện ở Hà Nội. Bắt đầu từ bài Xẩm tàu điện, ông thuộc hơn 2/3 các điệu xẩm phù hợp với khung cảnh như điệu Xẩm chợ,  Xẩm Huê Tình, Xẩm Ba bậc, Xẩm Thập ân, Xẩm xoan …

Việc hát rong trên các chuyến tàu hay những lúc đi hát ở các bến xe, ga tàu, trên các con phố của ông Gia được xem như nghề hành khất. May mắn lắm mỗi ngày cũng chỉ kiếm được độ 2 - 3 đồng, đủ cho hai bữa ăn nên ông Gia phải tằn tiện lắm mới đủ sống.

Những người mê ông hát thường là những người dân lao động, mà họ thì nghèo. Những ca từ trong bài xẩm luôn chất chứa nỗi niềm của một ai đó. Lời xẩm khiến cho người nghe vơi đi những nỗi buồn, nỗi suy tư hay quên đi những buồn phiền, mệt nhọc trong cuộc sống.

Những ngày tháng hát trên tàu điện cũng là những ngày tháng buồn tủi, cơ cực. Đã có lúc, nghệ nhân Nguyễn Lưu Gia muốn thôi cái nghề được cho là bạc bẽo ấy. Thế nhưng, nhớ lời người thầy dặn là dù có gặp bất cứ hoàn cảnh khó khăn cùng đừng bao giờ bỏ nghề. Vậy là, người nghệ sĩ mù ấy lại tìm niềm vui và niềm tin trong những ca từ của lời hát xẩm để sống chết với nghề.

Khi xã hội phát triển, dần dần, người ta không còn nghe được tiếng xẩm của ông Gia nữa. Ông Gia quay trở về với cuộc sống thường nhật với bao bề bộn, lo toan. Gần đây, Trung tâm Văn hóa âm nhạc nghệ thuật Việt Nam đã cất công đi tìm những người từng hát xẩm trên tàu điện, khôi phục lại loại hình văn hóa dân gian một thời. Ông Gia được phong là nghệ nhân hát xẩm, được xem như một "pho sử sống về Xẩm tàu điện".

Chia tay nghệ nhân hát xẩm cuối cùng ở Hà Thành, chúng tôi còn nhớ mãi hình ảnh người đàn ông mù có mái tóc bạc cầm chiếc đàn nhị ngồi điềm tĩnh, đưa đôi tay khéo léo trên dây đàn và cất lên những lời ca của một thời chưa xa...

Nguyễn Hoan

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc