Ngày tết, vua cúng lễ thế nào

07:23 | 05/02/2019

927 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày tết là ngày người Việt cũng như người Á Đông nói chung nhớ về ông bà, tổ tiên, các nghi tễ cúng tế diễn ra dày đặc suốt từ trước đến sau tết. Với các vị vua trong cung đình, nghi lễ còn phức tạp hơn dân gian nhiều.

Cúng lễ suốt 4 ngày tết

Tết trong cung phải diễn tiến theo những nghi thức được triều đình ấn định trong sách hướng dẫn nghi lễ, thường được gọi là sách “Hội điển sự lệ”. Các nghi lễ đều được Khâm Thiên giám chọn ngày và diễn ra theo sự sắp đặt của bộ Lễ.

ngay tet vua cung le the nao

Mâm cỗ giao thừa (ảnh minh họa)

Về nghi lễ cúng tế ngày xuân của các vua thời Lý trở về trước, hiện không khảo cứu được. Còn ở thời Trần, Phật giáo thịnh hành, nhiều nghi lễ triều đình trong ngày tết có liên quan đến Phật giáo. Từ ngày 28 tháng Chạp, vua thường cùng các quan tế đền Đế Thích (Thần Indra) ngoài thành Thăng Long. Đêm giao thừa, vua thường mời nhà sư vào Đại Nội tụng kinh và làm lễ Khuna (lễ đuổi ma quỷ).

Mùng Một tết, sau khi vua nhận lễ bái hạ của con cháu và quan tướng buổi sáng, vua Trần thường đến cung Trường Xuân, hướng về các lăng tổ tiên ở Thiên Trường phía Nam làm lễ vọng bái.

Sang thời Lê, theo một tư liệu về nghi lễ cúng tết do Hội đồng dòng họ Lê tại Thanh Hóa lưu giữ, thì vào ngày mùng một tết, các vua Lê cũng thực hiện nghi lễ cúng bái tổ tiên ngay tại điện Kính Thiên, rồi mới tiến hành nhận nghi thức chúc thọ của hoàng tộc và trăm quan.

ngay tet vua cung le the nao

Trong 4 ngày tết, Thái miếu, nơi thờ các vị vua trước và tổ tiên Lê Thái Tổ, cũng luôn đỏ đèn với các nghi lễ thờ phụng. Lễ vật cúng các bậc tiên vương ở Thái Miếu gồm 375 bát gạo nếp, 45 bát gạo tẻ, dầu, mật, mắm, muối... và mỗi ngày tết đều dâng 20 mâm cỗ để cúng. Ở Điện Chí Kính, nơi vua thiết triều, lễ vật cũng có 240 bát gạo nếp, 36 bát gạo tẻ… các cung miếu khác ở trong triều mỗi ngày phải chuẩn bị 65 mâm để cúng.

Theo bộ sử triều Nguyễn “Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục”, dưới thời hậu Lê, vào dịp tết, vua đều cùng bá quan văn võ đến yết Thái miếu để ghi nhớ công ơn tổ tiên, sau đó mới về cung mặc áo trắng coi chầu, cho dàn nhạc nổi lên điệu Bình Ngô phá trận và nhận biểu mừng thọ của các quan, chúc muôn họ no đủ, đất nước thái bình.

Chi tiết nghi lễ cúng tết của vua triều Nguyễn

Sang thời Nguyễn, do lăng mộ tổ tiên (các chúa Nguyễn, các vua trước) đều ở ngay ngoại thành kinh đô Phú Xuân, nên từ giữa tháng Chạp (tức là tháng 12 âm lịch), hoàng cung triều Nguyễn thường tiến hành lễ chạp mã tổ tiên. Dẫn đầu đoàn thường là các vị Tôn Thất đức cao vọng trọng thay mặt nhà vua, cùng các vị quan đầu triều.

Từ ngày 30 đến mùng Ba tết, Thái miếu (thờ các chúa Nguyễn), Thế miếu (thờ các vua Nguyễn) và điện Phụng Tiên (thờ toàn thể các bậc tổ tiên và các phu nhân), luôn bày cỗ bàn để dâng cúng, hương khói nghi ngút. Mỗi lần cúng có tới 32 món ăn… Đồ cúng do bếp Ngự thiện của nhà vua nấu hoặc từ sản vật của các địa phương dâng về kinh thành.

ngay tet vua cung le the nao

Lễ vật cúng các bậc tiên vương ở Thái Miếu gồm 375 bát gạo nếp, 45 bát gạo tẻ, dầu, mật, mắm, muối

Theo bộ Đại Nam thực lục, thời vua Minh Mạng, nhà vua đã ban dụ rằng: “Hằng năm gặp tiết Chính đán ở các miếu, có lệ tiến và gia tiến các hạng mâm giấy vàng bạc và hòm giấy, kho giấy, đã tiết thứ chuẩn bị thành quy thức. Nay, chuẩn định trước bàn mỗi vị tiên đế 1 bộ đồ mã cửu long, áo hoàng bào, đai ngọc. Các vị hoàng hậu mỗi vị 1 bộ đồ mã cửu phượng, áo nữ bào hài, đai ngọc, đều có khăn bịt chân tóc, xiêm, giày hài và hòm đựng tùy đủ. Đến ngày tất niên, bày biện để thờ”.

Trong ngày tất niên (30 tết), triều Nguyễn sẽ cử hành lễ Cáp hưởng, là lễ mời vong linh các vị tiên đế về cùng “ăn tết” với triều đình. Đích thân nhà vua sẽ đến Thái miếu hoặc Thế miếu làm chủ lễ. Triều Nguyễn quy định những năm Tý, Dần, Thìn, Ngọ, Thân, Tuất, vua thân hành đến Thế miếu làm lễ. Năm còn lại Sửu, Mão, Tị, Mùi, Dậu, Hợi, vua tới Thái miếu làm chủ tế. Các Hoàng tử, hoàng thân sẽ thay vua tế ở các miếu khác.

Để tiễn năm cũ, triều Nguyễn làm lễ Trừ tuế ở các miếu thờ tổ tiên. Trước đó, phủ Tôn Nhân hội bàn với bộ Lễ dâng sớ xin cho hoàng tử, hoàng thân đến các miếu để được kiêm sung việc tế. Trống điểm canh năm hôm đó, hữu ty bày đặt cỗ bàn gồm 3 mâm cỗ nấu hạng nhất: trâu, dê, lợn đều 3 con, 3 mâm xôi hạng lớn, 5 mâm quả bánh, 20 gói nem thịt luộc hạng nhất, 5 gói nem thịt hạng nhì, 4 đôi bánh chưng, một đôi vàng bạc, hương đèn và các hạng lễ phẩm ở các miếu đều đủ cả. Lúc này, biền binh đã bày hàng lỗ bộ, nghi trượng, nhã nhạc ở hai bên tả hữu trước sân miếu, hoàng tử, hoàng thân đều mặc áo thêu con mãng xà, chia đến các miếu đứng chờ làm lễ. Lễ Tuế trừ tế một tuần rượu và không có văn khấn.

ngay tet vua cung le the nao

Triều Nguyễn tổ chức tế Giao vào mùa xuân hằng năm (trong ảnh là lễ tế đàn Nam Giao được tổ chức tại đàn Nam Giao thuộc phường Trường An, thành phố Huế)

Tuy nhiên, đến lúc giao thừa, triều Nguyễn làm lễ Trừ tịch, lại cúng tổ tiên toàn bằng cỗ chay. Sách “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ”, quyển 237, chép rằng: “Lễ Trừ tịch (giao thừa) Triệu miếu (thờ Triệu tổ của nhà Nguyễn là Nguyễn Kim), Thái miếu, Hưng miếu (thờ cha mẹ vua Gia Long), mỗi miếu trà quả 1 mâm hạng nhất. Thế miếu bàn chính, trà quả hạng nhất 2 mâm. Bàn tả, bàn hữu, mỗi bàn trà quả hạng nhất 1 mâm. Thờ phụ ở Thái miếu, Thế miếu gồm 25 bàn, mỗi bàn trà quả hạng ba 1 mâm, 3 bàn cúng Thổ ông trà quả hạng ba 1 mâm”.

Vào thời khắc đón năm mới đến, các vị hoàng tử, hoàng thân đã được phân công nhiệm vụ sẽ đến các miếu làm lễ cúng giao thừa. Quan văn, quan võ Ngũ phẩm trở lên lần lượt theo sau bồi tự.

Sáng mùng Một và mùng Ba tết, nhà vua lại đến các miếu thân làm lễ mời tổ tiên ăn tết. Mỗi lễ trong ngày mồng Một và ngày mồng Ba tết là 6 mâm hào soạn hạng nhất, mỗi án 2 mâm. Còn ở chánh án Tả miếu, Nguyên miếu thì ngày mùng Một và mùng Ba gồm 1 mâm hào soạn hạng nhất. Ngoài ra, trên bàn thờ mỗi án còn có 2 bình rượu ngon, 2 hộp trầu cau, nem chả, trà quả phẩm... Nghi thức tế của ngày mùng Một là làm lễ 3 tuần rượu và không có văn khấn.

Còn ngày mùng Hai, lễ phẩm cúng tổ tiên của các vua triều Nguyễn được tiến thêm 100 tờ vàng mã, 250 tờ tiền giấy bạc. Khác với ngày mùng Một và mùng Ba tết, trong buổi tế này có văn khấn. Thường thì khi các vua triều Nguyễn thực hiện lễ cúng tổ tiên xong, sẽ đốt pháo giấy. Tuy nhiên, từ năm Tân Mão (1831), vua Minh Mạng đã cho đình chỉ việc vì cho rằng “không phải là tỏ rõ ý nghiêm kính”.

Ngày mùng Ba tết, sau khi thực hiện các nghi thức tế tự, các vua triều Nguyễn cho chuẩn định đem các thứ hương trầm, bạch đàn, các loại giấy vàng, giấy bạc, trộn đều, rồi bỏ vào lư đồng đốt. Với một số lượng vàng mã lớn được lưu lại từ ngày 30 tết ở các nơi thờ tự, hoàng cung triều Nguyễn đã cho đúc thêm 4 con thú đồng đặt ở dưới thềm, gian giữa Thái miếu và Thế miếu, mỗi nơi 2 con để phục vụ cho lễ hóa vàng cầu âm phúc.

Lễ tế Giao: Tế trời đất cùng các tổ tiên nhà vua

Ngoài tế lễ tổ tiên, ngày xuân năm mới, các vua nước ta cũng thường thực hiện nghi lễ tế trời đất ở lễ tế Giao. Đàn tế Giao nước ta lập ra từ đời nhà Lý, đến đời Lê đã trùng tu lại.

ngay tet vua cung le the nao

Lễ chay được dùng để lễ tế Giao thời Lê

Trên đàn tế giao, hợp tế các thần Hiệu Thiên Thượng Đế, Hậu Thổ Địa Kì; thứ đến hai bên tả hữu là Thừa Tướng đường, hai bên hành lang thì tế thần Đại Minh và Dạ Minh cùng các vị tinh tú ở trên trời. Tất cả các vị thần kỳ, các vị đế vương đời trước đều được bày hàng để tế theo vào đấy.

Theo ghi chép của tác giả Phạm Đình Hồ trong tập ký sự “Vũ trung tùy bút”, thì lễ tế Giao về đời Lý, đời Trần đều không thể xét được. Còn từ đời Lê, cứ trong ba ngày Tết Nguyên đán, vua sẽ chọn ngày nào tốt thì làm lễ tế Giao. Từ lúc nhà Lê trung hưng trở về sau, quyền chính về cả chúa Trịnh, vua Lê chỉ ngồi giữ hư vị, duy có lễ tế Giao cùng ngày thi Hội, vua mới trực tiếp chủ trì.

Trên đàn tế Giao thời Lê, bày lễ chay tam tài (tức cùng trời, đất và thần nhân) cùng hoa quả chuối tiêu, còn đôi bên tả hữu hành lang, thì theo thứ tự giảm bớt dần, đồ lễ không có châu báu, không sát sinh. Lúc tế thì đặt chỗ đứng của nhà vua ở giữa ngự đạo trong điện đình, chỗ đứng của chúa Trịnh thì xích về bên tả ngự đạo, rồi đến chỗ đứng của quan Tiết chế. Các quan từ nhị phẩm trở xuống thì ở ngoài lần cửa thứ hai. Lúc tế rất giản lược, chỉ có lễ thượng hương rồi đọc tờ tấu, trước sau lạy 8 lạy mà thôi.

Từ khi Thịnh Vương Trịnh Sâm cầm quyền chính, thì lúc tế Giao, chúa Trịnh không dự làm bồi tế nữa. Khi mẹ vua Lê Hiển Tông là bà Huy Nhuận Hoàng Thái hậu mất, nhà vua phải cư tang, mới sai quan Thủ tướng Nguyễn Hoãn vào thay làm mệnh bái. Đến năm sau, chúa Trịnh Sâm tự vào nhiếp tế.

Sang triều Nguyễn, sau khi lên ngôi đã cho xây dựng đàn Nam Giao và đến năm 1807, tiến hành lễ tế Giao đầu tiên và cùng với việc tế trời và đất, thì đã rước chúa Tiên Nguyễn Hoàng thăng phối. Thời gian đầu, triều Nguyễn tổ chức tế Giao vào mùa xuân hằng năm. Nghi lễ tế Giao thời Nguyễn khác thời Lê, khi dùng lễ tam sinh (ba loại gia súc trâu (hoặc nghé), dê, lợn), lập sở Tể Sinh ở cạnh đàn tế làm nơi giết mổ các con vật cúng tế và chế tạo nhiều đồ tế tự quý giá bằng ngọc, vàng, đá quý để phục vụ nghi lễ.

Theo lời chiếu của vua Đồng Khánh nói với quần thần năm 1888 thì: “Đời xưa cứ mỗi năm làm đàn Giao, tế Trời Đất chín lễ, bản triều tế Trời Đất, phối hưởng tổ khảo, mỗi năm một lễ, chép ở tự điển, rất là to lớn, long trọng”.

Đến năm Thành Thái thứ 2 (1890), triều đình định lại 3 năm tế Giao một lần vào các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu. Nghi lễ này được duy trì cho đến năm 1945, khi chấm dứt chế độ phong kiến Việt Nam

L.T.L

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.