Ngày cuối nhận hồ sơ ĐH, CĐ 2013: Học sinh giỏi vẫn chọn kinh tế

10:32 | 23/04/2013

912 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Ngày 22/4 là hạn cuối theo quy định của Bộ GD-ĐT về việc thu hồ sơ của thí sinh (TS) dự thi ĐH-CĐ 2013.

Chen lấn trong ngày cuối

Trong ngày cuối cùng của đợt thu hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ 2013, nhiều điểm trường trở nên nhộn nhịp, chen lấn xô đẩy. Tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, mặc dù đã gần cuồi giờ chiều nhưng vẫn còn hàng trăm thí sinh đứng chen chúc chờ nộp hồ sơ. Cách tổ chức thu nhận của trường khá chuyên nghiệp, dùng loa gọi thí sinh để giảm cảnh chen lấn, số lượng cán bộ tuyển sinh khá đông làm việc liên tục nhưng khả năng giải quyết số thí sinh muốn nộp nồ sơ trong ngày quả khó thực hiện.

Thí sinh chen lấn nộp hồ sơ tại trường ĐH Công nghiệp Hà Nội.

Thạc sĩ Mai Quốc Thế, chuyên viên phòng đào tạo phụ trách công tác tuyển sinh cho biết, đến thời điểm hiện tại trường đã thu được 2.600 hồ sơ dự thi vào đại học và 3.200 hồ sơ đăng kí dự thi vào hệ liên thông cao đẳng lên đại học chính quy, thì thí sinh dự thi nộp trực tiếp tại trường đến ngày cuối cùng giảm hơn một chút so với năm ngoái.

Riêng 2 ngày cuối cùng là ngày mà các thí sinh đến nộp hồ sơ dự thi nhiều nhất, trường phải tăng cường nhân lực cũng như làm việc với cường độ cao nhất để phục vụ công tác tuyển sinh này. Các ngành học mà thí sinh lựa chọn nhiều là ngành, Công nghệ kỹ thuật điện tử và ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử viễn thông – ông Thế cho biết.

Theo ông Thế, không chỉ thí sinh khu vực Hà Nội đến trường nộp hồ sơ trực tiếp mà nhiều thí sinh ở xa như Nghệ An, Bắc Giang, Yên Bái, Ninh Bình, Nam Định… đã đến trường để nộp hồ sơ dự thi.

Lý giải hiện tượng thí sinh tăng đột biến, theo ông Thế là do năm nay là năm đầu tiên có quy định thí sinh tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng dưới 36 tháng thi liên thông phải thi cùng thí sinh thi ĐH. Vị chuyên viên phòng đào tạo còn cho biết thêm: “Trong tổng số hồ sơ trường thu được, tính sơ bộ chỉ có khoảng 2.600 hồ sơ ĐH, còn lại đến trên 3.000 là hồ sơ liên thông”.

“Chuyển hướng” Sư phạm

Ông Trần Mạnh Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng (Hà Nội), cho biết số hồ sơ thí sinh nộp trực tiếp tại học viện khoảng hơn 500 bộ, ít hơn năm trước gần 500.

Phân tích số liệu hồ sơ tuyển sinh của Trường THPT Việt Đức cũng cho thấy, số hồ sơ của học sinh nộp vào các ngành ngân hàng, tài chính năm nay giảm hẳn. Nếu như mọi năm, hồ sơ thi khối kinh tế chiếm khoảng 50% thì năm nay ước chừng chỉ khoảng 20%. Tương tự, tại Trường THPT Trần Nhân Tông, số hồ sơ dự thi vào ngành kinh tế giảm khoảng 30% so với năm 2012.

Số lượng hồ sơ nộp vào các ngành Sư phạm đã tăng lên.

Lãnh đạo Phòng Đào tạo Trường ĐH Hà Nội cũng xác nhận số lượng thí sinh nộp hồ sơ trực tiếp tại trường đông hơn năm ngoái. Đến nay, trường nhận được 1.000 bộ, cao hơn cùng thời điểm năm trước.

Học sinh lựa chọn khối ngành sư phạm có xu hướng tăng lên. Ví dụ, Trường THPT Yên Hòa, Q.Cầu Giấy, nếu năm trước, cả trường chỉ có 10 hồ sơ đăng ký vào sư phạm thì năm nay số hồ sơ đã tăng lên vài chục bộ. Tuy nhiên, những trường phổ thông có đông học sinh đăng ký dự thi vào ngành sư phạm là những trường có chất lượng đầu vào không cao.

Ông Lê Hữu Lập, Phó giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông, cho hay trung bình mỗi ngày trường nhận khoảng hơn 300 hồ sơ, phần lớn thí sinh chọn khối ngành kỹ thuật, khối ngành kinh tế, quản trị đã giảm. “Đó là sự dịch chuyển đáng mừng, thể hiện được hiệu quả của việc tư vấn tuyển sinh ở cơ sở cũng như định hướng ngành nghề của Bộ GD-ĐT”, ông Lập cho biết.

Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó hiệu trưởng ĐH FPT, thông tin: “Kết quả khảo sát 30.000 học sinh các trường THPT khu vực phía bắc mà trường này tiến hành cho thấy, tỷ lệ học sinh lựa chọn ngành tài chính - ngân hàng vẫn thuộc tốp đầu nhưng đã giảm so với năm 2012. Tỷ lệ lựa chọn dự thi khối ngành này chiếm khoảng 17-18% trong tổng số các ngành nghề. Trong khi đó, so với năm 2010, số thí sinh đăng ký theo học ngành này chiếm tới 2/3 chỉ tiêu”.

Theo lãnh đạo một số trường THPT danh tiếng ở Hà Nội, học sinh tuy không rầm rộ thi vào các ngành kinh tế như các năm trước, nhưng đa số vẫn chọn những trường như: ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Bách khoa... Nghĩa là, tuy có thể giảm về lượng nhưng về chất thì xu hướng chủ đạo học sinh giỏi vẫn vào kinh tế.

Khánh An (th)