Ngành tài chính - ngân hàng thiếu nhân sự chất lượng

16:45 | 01/05/2013

1,397 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Để đáp ứng hoạt động kinh doanh trong bối cảnh toàn cầu hóa, hệ thống tài chính – ngân hàng đang rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là quản trị viên cao cấp.

Đó cũng chính là vấn đề đặt ra cho các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực, cho ngành tài chính ngân hàng trong thời gian tới: làm thế nào để phát triển nguồn nhân lực vừa đủ tài và vừa đủ tầm?

Hạn chế trong đào tạo nguồn nhân lực

Theo đánh giá của ngân hàng nhà nước, tỉ lệ đào tào trong ngành ngân hàng cao hơn các ngành khác. Tuy nhiên, tỉ lệ đào tạo chuyên ngành lại thấp hơn so với các lĩnh vực khác. Cụ thể, nhân lực có trình độ cao học ngân hàng 1,35%, ngành khác 1,75%.

Ngành tài chính ngân hàng vẫn được đông đảo bạn trẻ lựa chọn

 

Thực tế qua nhận định của các chuyên gia, thì nguồn nhân lực ngành ngân hàng hiện nay vẫn câu nói cũ là “vừa thiếu lại vừa yếu”. Khối kiến thức bổ trợ như tin học, ngoại ngữ yếu; kiến thức ngành, giao tiếp hạn chế.

Tại các ngân hàng nhỏ, các chi nhánh còn thiếu đội ngũ chuyên gia, quản lý vĩ mô, nghiên cứu dự báo, xây dựng chiến lược phát triển hệ thống ngân hàng. Nguồn nhân lực phục vụ cho việc tái cấu trúc ngân hàng, chính sách tiền tệ, thanh tra giám sát chưa đáp ứng yêu cầu.

Phần lớn các ngân hàng khi nhận cử nhân vào làm việc, họ phải mất 3 đến 4 tháng để đào tạo lại mới có thể đáp ứng công việc. Tổng hợp các nhận xét của nhiều giám đốc ngân hàng lớn thì kiến thức tổng quát của sinh viên được đào tạo trong các trường đại học – cao đẳng còn yếu, không nắm vững luật các tổ chức tín dụng, quy trình vận hành một chuỗi các khâu trong hệ thống tài chính – ngân hàng.

Đáng buồn là hiện nay, hầu hết các sinh viên khi còn trên ghế nhà trường không được tiếp cận với thực tế nên không ít tân cử nhân khi vào vị trí công việc không biết bắt đầu từ đâu, các thao tác lúng túng, hiệu năng công việc không cao. Trong một chừng mực nhất định, những việc trên đã làm hạn chế tính năng động sáng tạo trong công việc được giao.

Đó là hậu quả của việc tiếp thu kiến thức từ nhà trường nặng về mặt lý luận, thiếu thực tiễn vì chính sách, chế độ luôn thay đổi. Nhưng sinh viên chưa kịp nắm bắt, nên giữa lý thuyết và thực tế có khoảng cách quá xa và mất nhiều thời gian mới có thể dung hòa được.

Hướng đi nào cho nhân sự ngành tài chính - ngân hàng?

Vấn đề cốt lõi để giải quyết vấn đề trên là phải gắn kết chặt chẽ giữa các điểm đào tạo với các tổ chức tài chính – ngân hàng trên cơ sở đảm bảo lợi ích hợp pháp của hai bên. Lợi ích lớn nhất của sự phối hợp này là các ngân hàng có được nguồn nhân lực đạt chất lượng phù hợp với yêu cầu phát triển của ngân hàng.

Tại hội thảo khoa học "Cơ chế điều hành lãi suất của Ngân hàng Trung ương và Nhu cầu nguồn nhân lực cao cấp ngành Tài chính - Ngân hàng", PGS.TS Đào Duy Huân đưa ra hướng giải quyết: “Hàng năm, căn cứ vào nhu cầu nguồn nhân lực bổ sung cho từng vị trí, các ngân hàng sẽ “đặt hàng” với các trường Đại học/Học viện và đề ra yêu cầu rõ ràng, các cơ sở đào tạo sẽ có thêm kinh phí từ những đơn đặt hàng để cải thiện cơ sở vật chất”.

Làm được việc này, các ngân hàng sẽ có được nguồn nhân lực chất lượng cao theo yêu cầu của chính mình, các cơ sở đào tạo khẳng định mình, nâng cao uy tín với xã hội và có điều kiện thu hút đầu vào các học sinh giỏi để đáp ứng đầu ra cho từng chuyên ngành.

PGS.TS Đào Duy Huân đề xuất: “Các trường nên tạo điều kiện để các sinh viên tiếp xúc với ngân hàng khi có nhu cầu tuyển dụng, vừa giúp sinh viên nắm bắt được những yêu cầu về kỹ năng cần có trong cộng việc, vừa khắc phục khuyết điểm về kiến thức”.

Chiến lược đào tạo nguồn nhân lực phải có chính sách và bước đi cụ thể cho từng giai đoạn, trước mắt phải đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực cho hoạch định chính sách, đội ngũ tác nghiệp phục vụ cho hội nhập và hợp tác quốc tế. Đồng thời thường xuyên cập nhật kiến thức mới, chương trình đào tạo cụ thể để cho ra đời nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu thị trường.

 

Nguyễn Hiển