“Ngành giao thông sẽ đổi mới hơn nữa, quyết liệt hơn nữa”
Năng lượng Mới số 293
PV: Thưa Thứ trưởng, xin ông có thể cho biết những kết quả nổi bật và những mặt còn tồn tại của ngành giao thông vận tải trong năm 2013?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Năm 2013, ngành giao thông vận tải triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự thống nhất cao và nỗ lực khắc phục khó khăn của cán bộ, công nhân viên (CBCNV)ngành giao thông đã hoàn thành nhiệm vụ trên tất cả các mặt công tác. Đặc biệt, năm 2013 là năm thứ hai liên tiếp tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí và số người chết vì tai nạn giao thông xuống dưới 10.000 người. Công tác quản lý đầu tư xây dựng, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông được tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực.
Trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản đã khắc phục một số tồn tại như: phân bổ vốn đầu tư dàn trải, quy mô và suất đầu tư chưa hợp lý. Tổng số vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước đến năm 2013 đạt khoảng 117.000 tỉ đồng của 48 dự án BOT, đồng thời đã huy động được hơn 80.000 tỉ đồng của 26 dự án. Trong đó, ngành đã huy động cho các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên khoảng 50.000 tỉ đồng. Bộ Giao thông Vận tải cũng chú trọng vấn đề tái cơ cấu, cổ phần hóa, tiết giảm chi phí các tổng công ty. Bộ đã thực hiện cổ phần hóa 45 doanh nghiệp, trong đó có 11 doanh nghiệp có quy mô lớn như Tổng Công ty Hàng không Việt Nam và 10 tổng công ty do Bộ quyết định thành lập theo đúng kế hoạch.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường
Tuy nhiên, công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh vận tải dù đã được tăng cường nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Chất lượng dịch vụ vận tải đã được cải thiện nhiều so với các năm trước, nhưng một số khâu dịch vụ tại các bến xe, nhà ga tiếp tục phải chấn chỉnh để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của hành khách. Trật tự an toàn giao thông tiếp tục có chuyển biến tích cực, tuy nhiên tình hình tai nạn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp, kiềm chế tai nạn giao thông chưa thật sự bền vững, số người chết vì tai nạn giao thông chỉ giảm nhẹ, nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng vẫn còn xảy ra...
Mặc dù, Bộ đã đẩy mạnh huy động vốn ngoài ngân sách Nhà nước với khối lượng lớn nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ cho các mục tiêu xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đã đề ra. Hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong ngành đã có chuyển biến tích cực, sản lượng và doanh thu tăng so với cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn, chưa bảo đảm đủ việc làm cho người lao động, tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội vẫn còn...
PV: Năm vừa qua, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông được đánh giá là có hiệu quả. Có được kết quả này là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, tai nạn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là tai nạn nghiêm trọng. Bước sang năm mới 2014, Bộ Giao thông Vận tải đã có những biện pháp gì để hạn chế và đảm bảo trật tự an toàn giao thông?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhiều giải pháp đồng bộ, năm 2013 tai nạn giao thông trên cả nước đã giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương - PV). Đây là năm thứ hai liên tiếp có số người chết dưới 10.000 người. Tuy nhiên, có thể thấy, số vụ, số người chết và số người bị thương còn ở mức cao. Các vụ tai nạn giao thông, Bộ đều xác minh và tìm ra nguyên nhân cũng như đề ra các hướng xử lý nghiêm. Có thể thấy, địa phương nào tổ chức tốt việc đảm bảo an toàn giao thông, tuyên truyền, vận động tốt người dân thì ở đó sẽ thực hiện nghiêm minh và giảm tai nạn giao thông.
Nhằm hạn chế và đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong năm 2014, ngành giao thông vận tải sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp trước mắt và lâu dài để kiềm chế tai nạn giao thông trên cả ba tiêu chí. Mục tiêu giảm từ 5-10% số vụ tai nạn, số người chết, bị thương do tai nạn giao thông so với năm 2013. Năm an toàn giao thông 2014 sẽ được gắn với chủ đề “siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng xe”.
Năm 2014, Bộ sẽ chú trọng tăng cường giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, đưa giáo dục an toàn giao thông vào các cấp học. Đồng thời tổ chức cưỡng chế, thực thi pháp luật và đưa đầu tư hạ tầng giao thông vào chương trình mục tiêu ưu tiên quốc gia. Tổ chức hệ thống cấp cứu trên các quốc lộ để kéo giảm tai nạn giao thông một cách hiệu quả và mang tính bền vững... Riêng đối với hai thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh, các giải pháp đồng bộ để giảm ùn tắc giao thông vẫn được tiếp tục thực hiện mạnh mẽ nhằm đạt được hiệu quả rõ rệt và mang tính bền vững cao.
PV: Năm 2013, ghi nhận ngành đã thực hiện nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng, siết chặt hoạt động vận tải thông qua các hành động như đích thân Bộ trưởng Đinh La Thăng đến tận công trường để đốc thúc tiến độ và quyết định “trảm tướng” ở các dự án giao thông. 7 Thứ trưởng đi “vi hành” 63 tỉnh, thành về hoạt động vận tải. Vậy sang năm tới, Bộ sẽ tập trung vào lĩnh vực nào của ngành?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Phương châm hành động của toàn ngành giao thông vận tải năm 2014 là “Đổi mới hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, chất lượng hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, tăng tốc hơn nữa, phát triển hơn nữa”.
Toàn ngành sẽ phấn đấu tăng trưởng bình quân 6% về tấn hàng hóa và 7% về lượt hành khách so với năm 2013. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm chất lượng các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên và các dự án trọng điểm. Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng thực hiện xuyên suốt các chủ đề giao thông 2014 như: “Siết chặt quản lý các ban quản lý dự án, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát”; “Siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”.
Tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai trước ngày thông xe
Trong năm 2014, Bộ sẽ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa Việt Nam; Trình Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam; Trình Chính phủ Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam; Tổng kết 8 năm thực hiện Luật Đường sắt để xem xét, kiến nghị sửa đổi, bổ sung; Tập trung hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng các đề án thuộc chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Tiếp tục đẩy mạnh công tác tổ chức thực hiện, tuyên truyền và phổ biến, giáo dục pháp luật, rà soát, hợp nhất văn bản để kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, ban hành mới các quy định cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp, người dân...
PV: Xin Thứ trưởng cho biết những định hướng, giải pháp lớn của ngành để vượt qua, tiếp tục đưa ngành phát triển trong năm 2014?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Trong năm 2014, ngành giao thông vận tải sẽ hoàn thành và triển khai thực hiện có hiệu quả “Đề án Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”; Đồng thời triển khai thực hiện tái cấu trúc thị trường vận tải, phát huy thế mạnh của từng phương thức và kết nối giữa các phương thức vận tải. Nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp vận tải Việt Nam, giữ vững thị trường trong nước, nâng cao thị phần vận tải xuất nhập khẩu. Tập trung cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải trên tất cả các lĩnh vực, ưu tiên trước hết là đổi mới phương thức bán vé, bảo đảm phục vụ nhu cầu của nhân dân...
Bên cạnh đó, ngành sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về vận tải, trong đó tập trung trước hết là việc thực thi công vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan này. Không ngừng đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra theo hướng kiểm tra phối hợp với tuyên truyền, vận động thực thi pháp luật trong các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hoạt động kinh doanh vận tải, đặc biệt là trong vận tải đường bộ và đường thủy nội địa. Tăng cường phối hợp thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong quản lý hoạt động vận tải, phấn đấu từng bước lập lại trật tự vận tải và giảm cả ba tiêu chí về tai nạn giao thông.
UBND TP HCM và Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (CII) tổ chức khánh thành cầu Sài Gòn 14 giờ ngày 15/10
Thực hiện có hiệu quả đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Bộ sẽ tập trung nguồn lực phát triển nhanh hơn kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Sử dụng hiệu quả vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Khai thác và sử dụng có hiệu quả vốn ODA và nguồn vốn vay thương mại ưu đãi. Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp hơn để huy động các nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước đầu tư, phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông trên tất cả các lĩnh vực. Tiếp tục thực hiện công tác tăng cường quản lý đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ thông qua việc rà soát danh mục đầu tư, phân bổ vốn đầu tư cho từng dự án đúng tiêu chí. Tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách và trái phiếu.
Năm nay cũng là năm đẩy nhanh tiến độ công trình, đặc biệt các công trình trọng điểm như Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên, các dự án đường cao tốc: Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, đường nối sân bay Quốc tế Nội Bài đến cầu Nhật Tân; Nhà ga hành khách quốc tế T2... Ngoài ra, phải chú trọng đến công tác quản lý chất lượng thông qua việc nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể tham gia dự án, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm định, kiên quyết xử lý các vi phạm. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đáp ứng nhu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Xử lý nghiêm các đơn vị chậm trễ trong công tác quyết toán dự án hoàn thành theo quy định. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn vốn, nhất là Quỹ Bảo trì đường bộ. Tiếp tục đẩy mạnh việc phân cấp, xã hội hóa công tác khai thác, bảo trì hạ tầng giao thông trên tất cả các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa. Tăng cường công tác quản lý và kiểm soát tải trọng xe, quản lý hành lang đường bộ và kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện quyết liệt tái cơ cấu theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt. Đặc biệt là tái cơ cấu Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam. Hoàn tất các thủ tục chuyển 10 công ty mẹ của các tổng công ty thuộc Bộ sang hoạt động theo loại hình công ty cổ phần. Hoàn thành cổ phần hóa Công ty Mẹ - Tổng Công ty Hàng không Việt Nam theo đúng kế hoạch. Phối hợp với các tổng công ty thực hiện xử lý tài chính để chuyển các doanh nghiệp đã mất vốn chủ sở hữu thành công ty cổ phần. Chỉ đạo Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh hoàn thành đề án chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Thực hiện giám sát đặc biệt đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thua lỗ, lựa chọn một số chuyên đề để thực hiện giám sát trực tiếp, như: Việc thực hiện chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội đối với người lao động trong doanh nghiệp; chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý tài chính, quản lý vốn tài sản tại doanh nghiệp; chấp hành các quyết định của chủ sở hữu, nghị quyết của hội đồng thành viên, điều lệ doanh nghiệp; tập trung nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp thuộc Bộ tương xứng với nguồn lực được giao. Đảm bảo cho doanh nghiệp Nhà nước làm tốt vai trò là công cụ góp phần điều tiết vĩ mô, định hướng sự phát triển, tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác cùng phát triển.
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hành chính và chuyên ngành giao thông vận tải về các mặt, như: chất lượng công trình giao thông; an toàn thi công; an toàn lao động; chấp hành các điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải; công tác đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ tại các cơ sở đào tạo, đặc biệt là lái xe khách và xe tải nặng; chống tiêu cực trong công tác đăng kiểm phương tiện; kiểm tra việc chấp hành chế độ quy định của Nhà nước trong công tác quản lý tài chính, quản lý chi ngân sách; bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ban Bí thư và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ...
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Khởi công 35 công trình giao thông lớn trong năm 2014 Tại Báo cáo kết quả công tác năm 2013 của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy, ngành giao thông đã khởi công 78 công trình giao thông trọng điểm và đã hoàn thành 46 công trình. Nổi bật là dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cảng Lạch Huyện... Về kế hoạch năm 2014, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phấn đấu khởi công 35 công trình, dự án. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ sẽ tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ công trình, đặc biệt các công trình trọng điểm như các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên, các dự án đường cao tốc: Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cầu Nhật Tân, nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không Nội Bài… |
Việt Hà (thực hiện)
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Thủ tướng: "Ai làm tốt thì giao việc"
-
Thủ tướng: 3 kiến tạo để chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm
-
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thông điệp chính sách tại Hội nghị P4G Việt Nam 2025