Ngành điện trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế (Bài 2)

06:48 | 14/12/2013

1,059 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong quá trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được Nhà nước giao vai trò chính đảm bảo sản xuất, cung ứng điện cho phát triển kinh tế và nhu cầu xã hội

EVN trên lộ trình tái cơ cấu

Theo Quyết định số 1782/QĐ-TTg ngày 23/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Điện lực Việt Nam giai đoạn 2012-2015, EVN có ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh mua bán điện năng; chỉ huy điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối điện năng trong hệ thống điện quốc gia; xuất nhập khẩu điện năng; đầu tư và quản lý vốn đầu tư các dự án điện. Mục tiêu của Đề án là đảm bảo Tập đoàn Điện lực Việt Nam có cơ cấu hợp lý, Tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện; cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích cho xã hội và quốc phòng an ninh; nâng cao sức cạnh tranh, bảo đảm hiệu quả sản xuất kinh doanh; hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, cung ứng điện cho nền kinh tế và nhu cầu xã hội.

Trong đó, ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh mua bán điện năng; điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối và phân bổ điện năng trong hệ thống điện quốc gia; Đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện theo quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia. Đề án cũng nêu rõ: Tập đoàn phải tổ chức lại sản xuất kinh doanh, tiến hành tái cơ cấu các đơn vị thành viên để thực hiện chuyên môn hoá, phân công, hợp tác không dàn trải, phân tán nguồn lực, tránh cạnh tranh nội bộ. Đến hết năm 2015 phải hoàn thành việc thoái vốn đã đầu tư vào các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán để tập trung mọi nguồn lực cho ngành nghề kinh doanh chính.

Điện chính là lực lượng vật chất quan trọng trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Và để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ trên, Tập đoàn đã và đang đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp, tập trung vào các nội dung như: Sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý điều hành; Sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy chế quản lý nội bộ, tăng cường  kiểm soát nội bộ; Hoàn thiện quy chế về công tác cán bộ, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường trách nhiệm, quyền hạn và chỉ đạo của EVN đối với người đại diện phần vốn của EVN tại doanh nghiệp khác; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và thực hiện các giải pháp tăng năng suất lao động, giảm chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh; Kiện toàn tổ chức của các tổ chức đảng, đoàn thể trong EVN, đảm bảo lãnh đạo và tổ chức thực hiện thống nhất, hiệu quả các nhiệm vụ của Tập đoàn.

Trên tinh thần đó, sau 1 năm thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu theo Quyết định của Thủ tướng, Tập đoàn đã hoàn thành xây dựng Chiến lược phát triển của EVN giai đoạn 2012-2015, định hướng tới năm 2020 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chiến lược phát triển của EVN gắn liền với tái cơ cấu Tập đoàn nhằm tập trung các nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ trong các năm sắp tới. Về xây dựng phương án tổ chức lại sản xuất kinh doanh, phương án tái cơ cấu các doanh nghiệp thành viên. Trong đó, Tập đoàn đã tổ chức lại khâu sản xuất điện với kết quả thành lập 03 Tổng Công ty Phát điện 1, 2, 3 hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV.

Hiện nay ba Tổng Công ty đã hoạt động tương đối ổn định. Các doanh nghiệp thành viên đã xây dựng đề án tái cơ cấu của từng đơn vị  phù hợp với nội dung nhiệm vụ tái cơ cấu EVN giai đoạn 2012-2015. Tập đoàn đã phê duyệt đề án Tái cơ cấu của 6 đơn vị gồm: Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng công ty Điện lực miền Trung, Tổng công ty Điện lực miền Nam, Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội và Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh. Từ nay tới 2015 các Tổng Công ty phải sắp xếp, ổn định mô hình tổ chức của các đơn vị trực thuộc, thoái vốn đã đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính để tập trung nguồn lực vào lĩnh vực truyền tải và phân phối điện.

Trong lộ trình tái cơ cấu mà EVN đề ra tới năm 2015, Tập đoàn xác định sẽ hoàn thành thoái vốn đã đầu tư vào các doanh nghiệp, lĩnh vực không thuộc ngành nghề kinh doanh chính theo đúng các quy định của Nhà nước, đảm bảo công khai, minh bạch, bảo toàn vốn. Riêng trong năm 2013, mặc dù thị trường tài chính vẫn khá ảm đạm nhưng EVN đã tích cực tìm kiếm các đối tác để đàm phán thực hiện chuyển nhượng vốn góp tại các CTCP thuộc diện thoái vốn theo chỉ đạo của Chính phủ.

Về tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp, Tập đoàn rà soát lại toàn bộ hệ thống quy chế quản lý nội bộ, nghiên cứu các nội dung cần thiết để sẵn sàng cần sửa đổi bổ sung cho phù hợp với các Nghị định của Chính phủ sắp ban hành về Điều lệ EVN, Quy chế tài chính của EVN. Tập đoàn đã hoàn thành xây dựng và ban hành định mức chi phí cho các đơn vị. Tiến hành xây dựng hệ thống thang bảng lương mới của Tập đoàn phù hợp với các chế độ chính sách tiền lương mới. Hoàn thành kiện toàn cơ cấu tổ chức cơ quan Tập đoàn và các đơn vị thành viên, các Ban quản lý dự án. Ban hành mới Quy chế cán bộ và quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu, ban hành Quy chế quản lý người đại diện phần vốn tại các doanh nghiệp khác.

Tái cơ cấu nền kinh tế là một chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ đề ra, và để thực hiện thành công tiến trình này, Tập đoàn phải phấn đấu vượt qua những khó khăn thách thức, trong đó nổi bật lên hai thách thức lớn: Thứ nhất là giá điện hiện nay chưa thật sự chuyển theo cơ chế thị trường, còn bao cấp cho nhiều đối tượng, chưa tạo được động lực thu hút đầu tư vào phát triển điện lực cũng như thúc đẩy sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Thứ hai là Tập đoàn cần nhu cầu vốn rất lớn để đáp ứng nhiệm vụ đầu tư phát triển nguồn điện và lưới điện được Chính phủ giao cho Tập đoàn trong giai đoạn từ nay tới năm 2020 (bình quân mỗi năm khoảng 4 tỉ đô la Mỹ).

Thay lời kết

Trong quá trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, EVN được Nhà nước giao với vai trò chính đảm bảo sản xuất, cung ứng điện cho phát triển kinh tế và nhu cầu xã hội; chịu trách nhiệm chính trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng điện lực; giữ vai trò nòng cốt trong quá trình hình thành phát triển thị trường điện cạnh tranh; là lực lượng vật chất quan trọng để nhà nước thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, cung cấp dịch vụ công ích cho xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh. Tập đoàn cam kết với Đảng, Chính phủ và nhân dân sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình để góp phần vào thực hiện thành công mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế của nước nhà.

Là Tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang tích cực thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu tái cơ cấu về ngành nghề kinh doanh, về đầu tư, về quản trị doanh nghiệp và bước đầu đã đạt được một số kết quả quan trọng. Xác định rõ tái cơ cấu là nhiệm vụ cấp thiết, Tập đoàn quyết tâm vượt qua những khó khăn để thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Chính phủ về việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước.

Thanh Ngọc