Xung quanh sự cố máy biến áp 500kv Hiệp Hòa (Bắc Giang):

Ngành điện lại bị quy kết ác ý

07:00 | 14/06/2014

906 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những ngày gần đây, trên các phương tiện truyền thông đã xuất hiện thông tin cho rằng, ngành điện đang cố tình che giấu sự cố máy biến áp 500kV Hiệp Hòa (Bắc Giang). Nghiêm trọng hơn, một số tờ báo còn đặt nghi vấn giữa 2 sự cố liên tiếp ở máy biến áp AT1 và AT2 tại Trạm Hiệp Hòa không phải là ngẫu nhiên, đồng thời cho rằng, ngành điện vì tham rẻ nên phải nếm “trái đắng”. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Báo Năng lượng Mới, những thông tin và suy diễn trên hoàn toàn không có cơ sở, chỉ là những quy kết ác ý, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh của ngành điện.

Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ngày 14/5/2014, máy biến áp 500kV-900MVA AT1 Trạm biến áp 500kV Hiệp Hòa bị sự cố pha A phải tách ra khỏi vận hành, máy biến áp AT2- 900MVA thứ 2 vận hành bình thường cung cấp điện cho phụ tải. Nhưng đến ngày 21/5/2014, máy biến áp AT2 trạm biến áp Hiệp Hòa tiếp tục bị sự cố pha B phải tách ra khỏi vận hành khiến việc cung cấp điện cho một số tỉnh  phía bắc như Phú Thọ, Vĩnh Phúc… trong đó có Hà Nội ít nhiều bị ảnh hưởng.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, để góp phần đảm bảo cung cấp điện cho thành phố Hà Nội, cũng như các vùng lân cận, ngay trong ngày 21/5, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) đã chỉ đạo Công ty Truyền tải điện 1 huy động mọi nguồn lực để tổ chức thí nghiệm, kiểm tra các pha không bị sự cố của 2 máy biến áp, lựa chọn các pha đảm bảo tiêu chuẩn vận hành, vận chuyển pha C AT2 lắp thay Pha A AT1 (bị sự cố ngày 14/5) và đưa máy biến áp AT1 trở lại vận hành vào buổi trưa ngày 23/5/2014 (sau 2 ngày bị sự cố). Với sự cố tại máy biến áp AT2, Tổng Công ty đã thực hiện theo chỉ đạo của EVN, điều chuyển máy biến áp 500kV-900MVA từ Trạm biến áp 500kV Mỹ Tho ra thay thế cho máy biến áp AT2 Hiệp Hòa, dự kiến cuối tháng 6/2014 NPT sẽ hoàn thành việc lắp đặt, thí nghiệm, nghiệm thu và đóng điện đưa vào vận hành máy biến áp AT2.

Ghi nhận của EVN cho thấy, sau sự cố ngày 14/5, phụ tải phía 220kV vẫn được cấp điện từ thủy điện Tuyên Quang và Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại về thanh cái 220kV của Trạm Hiệp Hòa. Phía 500kV, công suất  từ Nhà máy Thủy điện Sơn La được cấp điện về thẳng Trạm biến áp 500kV Hòa Bình và Nho Quan, vì vậy việc cung cấp điện trên toàn hệ thống không bị gián đoạn.

Trạm biến áp Hiệp Hoà

Tuy nhiên, những nỗ lực trên của ngành điện đã không được ghi nhận và phản ánh kịp thời đến người dân, thay vào đó, một số tờ báo đã nhìn nhận sự cố này như là “hệ quả tất yếu” mà ngành điện phải gánh. Họ cho rằng, ngành điện vì tham của rẻ nên đã chọn thiết bị của nhà thầu Trung Quốc, và việc các sự cố xảy ra khi thời hạn bảo hành vừa hết ít ngày là có “vấn đề”… Rồi thì họ suy luận rằng, ngành điện đang bị “động”, bị phụ thuộc công nghệ vào các nhà thầu, đặc biệt là nhà thầu Trung Quốc nên thời gian khắc phục sự cố sẽ kéo dài, chất lượng điện cung ứng tại nhiều địa phương vì thế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thậm chí họ còn cho rằng, sự cố máy biến áp 500kV Hiệp Hòa sẽ tác động xấu đến hoạt động sản xuất - kinh doanh tại địa phương, trong đó có Bắc Ninh với nhiều khu công nghiệp, thu hút hàng trăm doanh nghiệp cả trong và ngoài nước đang hoạt động.

Nghiêm trọng hơn, không chỉ suy diễn sai lệch về sự cố máy biến áp 500kV, có bài báo còn đặt nghi vấn về việc đấu thầu, lựa chọn nhà thầu cung cấp thiết bị cho ngành điện.

Trước cáo buộc này, trao đổi với báo chí, đại diện của EVN khẳng định: Đây hoàn toàn là những ý kiến suy diễn ác ý, thiếu cơ sở khoa học. Các máy biến áp do nhà thầu xây lắp được thực hiện lắp đặt theo đúng sự giám sát và hướng dẫn của các chuyên gia, riêng các hạng mục đấu nối các đầu cuộn dây lên sứ máy biến áp do các chuyên gia trực tiếp thực hiện. Toàn bộ quá trình thí nghiệm, nghiệm thu, đóng điện đã được tổ chức tiến hành theo đúng quy định, không có hiện tượng bất thường nào xảy ra. Quá trình vận hành cho đến trước thời điểm xảy ra sự cố đã được thực hiện quản lý theo đúng quy trình, quy định và hướng dẫn của nhà sản xuất. Tập đoàn cũng đã có kế hoạch vận hành, dự phòng hệ thống điện với hiệu quả cao nhất, khai thác tối đa các nguồn nhiệt điện than và nhiệt điện khí đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn phục vụ phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, không để các sự cố ngoài ý muốn, cũng như không có chuyện lựa chọn công nghệ không đủ quy chuẩn, tất cả đều qua đấu thầu minh bạch và đối tác kinh doanh tin cậy.

Phó tổng giám đốc EVN NPT Vũ Ngọc Minh cũng cho hay, ngoài 2 máy biến áp tại Trạm biến áp 500kV Hiệp Hòa, hiện nay, có 2 máy biến áp 500kV và 1 máy biến áp 220kV của Xian XD sản xuất đang vận hành trên lưới điện truyền tải. Cụ thể: Có 2 máy biến áp 500kV-450MVA lắp đặt tại Trạm biến áp  500kV Sơn La đóng điện từ năm 2010 cho đến nay, máy biến thế vẫn cấp điện an toàn, ổn định, đảm bảo chất lượng cho Trạm 220kV Sơn La và Việt Trì, công suất mỗi máy trung bình tải 200MW; 1 máy biến áp 220kV-250MVA lắp đặt tại Trạm biến áp 220kV Trảng Bàng đóng điện từ 2009, cấp điện an toàn, ổn định cho trạm 110kV Trảng Bàng, Khu công nghiệp Trảng Bàng, Củ Chi, Đức Huệ… với công suất trung bình tải 150MW.

Được biết, dự án đầu tư xây dựng công trình Trạm biến áp 500kV Hiệp Hòa được thực hiện theo Quyết định số 397/QĐ-EVN-HĐQT ngày 25/5/2007. Nguồn vốn đầu tư bằng nguồn vay tín dụng từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và vốn đối ứng trong nước gồm vốn vay trong nước và vốn đầu tư xây dựng của EVN. Dự án được EVN giao Ban Quan lý dự án các công trình điện miền Trung (AMT) quản lý triển khai, thời gian thực hiện từ năm 2007 đến 2010; Công ty Tư vấn xây dựng điện 1 là đơn vị tư vấn thiết kế. Hồ sơ mời thầu “Gói thầu số 1, lô 1.1 cung cấp máy biến áp tự ngẫu và các phụ kiện máy biến áp” do Công ty Tư vấn xây dựng điện 1 lập, đã được EVN NPT phê duyệt Hồ sơ mời thầu tại Quyết định số 137/QĐ -NPT ngày 23/2/2014; Hình thức đấu thầu: Đấu thầu rộng rãi quốc tế; Loại hợp đồng: Hợp đồng trọn gói; Nguồn vốn: ADB; Sau khi xét thầu AMT đã lựa chọn được nhà thầu Gói thầu số 1, lô 1.1 là nhà thầu liên doanh Xian XD Transformer Co Ltd và Công ty TNHH Đại Hoàng Hà. Báo cáo kết quả xét thầu được ADB thông qua ngày 29/4/2010.

Trạm biến áp 500kV Hiệp Hòa được đầu tư xây dựng theo Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030, theo đó, Trạm biến áp 500kV Hiệp Hòa là trạm nút có nhiệm vụ truyền tải công suất của các nhà máy thủy điện phía tây bắc (Sơn La, Lai Châu…) và các nhà máy điện khu vực đông bắc (Nhiệt điện Quảng Ninh, Mông Dương…) để cấp điện cho 1 phần phụ tải phía bắc thủ đô Hà Nội và các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, do thiết kế để đáp ứng quy hoạch tầm nhìn đến năm 2030 nên máy biến áp 500kV Hiệp Hòa được chọn công suất 900MVA, trước mắt truyền tải công suất cho Nhà máy Thủy điện Sơn La. Vì vậy, từ khi đóng điện đến nay (từ tháng 11/2011), cả 2 máy biến áp 500kV Hiệp Hòa đều vận hành mang tải ở mức dưới 30-40% công suất định mức.

Sau khi xảy ra sự cố máy biến áp tại Trạm 500kV Hiệp Hòa, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia đã thông báo cho Nhà thầu cung cấp thiết bị Xian XD Transformer Co Ltd vào ngày 29/5 vừa qua, Nhà thầu Xian đã cử chuyên gia sang Việt Nam xem xét thực tế để phân tích xác định nguyên nhân gây sự cố máy biến áp.

Thanh Ngọc