NFSC: Cầu nội địa suy giảm tạo lực cản tăng trưởng
Bản đánh giá chỉ ra sự ổn định cần thiết của môi trường kinh tế vĩ mô – yếu tố tiên quyết để theo đuổi các mục tiêu năm 2013 - kể từ khi Chính phủ đưa ra một loạt gói giải pháp cuối năm 2012. Ngoài lạm phát đã được kiểm soát ở mức thấp (CPI tháng 7 tăng hơn so với tháng trước (tăng 0,27% so với tháng 6) và tăng 7,29% so với tháng 7/2012, bình quân 7 tháng tăng 6,81% so với cùng kỳ), niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với kinh tế Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Biểu hiện là mức độ rủi ro tín dụng quốc gia được đo lường bởi hệ số CDS đã giảm mạnh từ mức trên 300 điểm của cùng kỳ năm ngoái xuống quanh mức 220 điểm ngày 23/7.
Sản xuất bị ảnh hưởng theo chiều hướng chững lại
Theo tính toán của NFSC, nếu chưa tính đến việc điều chỉnh giá do nhà nước quản lý và tác động chính sách, theo dự báo của NFSC trong các báo cáo trước, lạm phát năm nay chỉ ở mức 5. Trong khi đó, dư địa để thực hiện mục tiêu lạm phát thấp hơn năm ngoái (6.81%) còn khoảng trên 4% cho những tháng cuối năm, tương ứng với mức 0,76%/tháng.
Thị trường tài chính tiền tệ tiếp tục được cải thiện, mức độ rủi ro giảm bớt tạo yếu tố ổn định hơn cho kinh tế vĩ mô. Lãi suất ngân hàng giảm nhiều so với cuối năm 2012; cùng với đó, thanh khoản của hệ thống được cải thiện tốt hơn nhiều so với giai đoạn trước (hệ số LRD – cho vay/tiền gửi tiếp tục giảm); tỷ giá tuy có biến động trong một thời gian ngắn sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá chính thức nhưng chủ yếu là do yếu tố tâm lý.
Tăng trưởng kinh tế có một số dấu hiệu chuyển biến nhưng vẫn ở mức thấp và đối mặt nhiều khó khăn để có thể đạt mục tiêu cả năm là 5.5%. Sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì xu hướng tích cực, chỉ số IIP 7 tháng đầu năm tăng 5,2%, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái (4,8%). Đặc biệt, khu vực công nghiệp chế biến chế tạo có mức tăng trưởng khá, đạt mức 5,8% so với 4,3% cùng kỳ. Cùng với đó, chỉ số hàng tồn kho so với cùng kì năm trước đã giảm đáng kể xuống mức 8,8% (tại thời điểm 1/7/2013) so với mức 21,5% tại thời điểm đầu năm 2013.
Sau động thái điều chỉnh tỷ giá chính thức 1% của NHNN vào ngày 28/6, thị trường ngoại hối vẫn có những biến động khá mạnh. Tuy nhiên, đây chỉ là những “dư chấn” tâm lý của đợt điều chỉnh trên. Bên cạnh đó, cũng có một số nguyên nhân khác gây tác động nhẹ đến thị trường như: Nhu cầu cân bằng, điều chỉnh trạng thái ngoại hối của các NH TMCP và các doanh nghiệp; Các nhà đầu tư nước ngoài điều chỉnh danh mục đầu tư và chốt lời (tính từ tháng 6 đến nửa đầu tháng 7, nhà đầu tư nước ngoài đã rút xấp xỉ khoảng 450 triệu USD trên thị trường trái phiếu cũng như khoảng gần 100 triệu USD trên thị trường cổ phiếu). Tuy nhiên, theo nhận định của NFSC, sự biến động này chỉ mang tính nhất thời, cung - cầu ngoại hối trên thị trường trong những tháng cuối năm vẫn ổn định, dự trữ ngoại tệ tiếp tục tăng khá.
Bên cạnh đó, tình hình phát triển doanh nghiệp đã bước đầu có những cải thiện. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đã bắt đầu tăng so với cùng kỳ những tháng gần đây, số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động quay trở lại hoạt động cũng tăng dần qua từng tháng.
Dù vậy, mục tiêu tăng trưởng cả năm 5.5% vẫn là thách thức lớn đối với nền kinh tế. Với kết quả GDP 6 tháng đầu năm tăng ở mức 4,9%, tương đương với cùng kỳ năm 2012 (4,93%), tăng trưởng GDP của Việt Nam đang ở mức thấp so với nhiều năm trở lại đây khiến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm ở mức 5,5% sẽ gặp nhiều khó khăn. Theo đánh giá của NFSC, nguyên nhân chính khiến tổng cầu suy yếu là do tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt thấp. Theo đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 6 tháng đầu năm 2013 chỉ đạt 29,6% GDP, thấp hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm 2012 (34,5% GDP). NFSC cho rằng, thời gian còn lại trong năm, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo điều hành để đảm bảo mục tiêu tổng vốn đầu tư xã hội tăng khoảng 12-14% so với 2012.
Theo một đại diện của NFSC: Công tác điều hành chính sách trong giai đoạn tới cần tiếp tục kiên định với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô nhằm củng cố niềm tin của thị trường và các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, trong những tháng cuối năm, cần ưu tiên hỗ trợ sản xuất và tăng trưởng một cách hợp lý, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong nước thông qua việc đẩy nhanh các gói chính sách hỗ trợ một cách kịp thời, đồng bộ và đủ liều lượng,
"Chúng ta cần xét trên nền tảng kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát tốt và còn dư địa nhất định cho việc tiếp tục điều chỉnh giá (giá điện, than, dịch vụ công) theo nguyên tắc thị trường và áp dụng tỷ giá linh hoạt. Tuy nhiên, khung thời gian từ nay cho đến cuối năm không còn nhiều nên cần phải có lộ trình điều chỉnh cụ thể, liều lượng thích hợp và thời điểm cũng cần phải tính toán hợp lý để tránh dồn dập, gây ảnh hưởng tâm lý cho thị trường" - vị này chia sẻ quan điểm.
T.L
-
[VIDEO] Định hướng chính sách kinh tế - đối ngoại năm 2025, cơ hội và thách thức đối với Petrovietnam
-
[PetroTimesTV] Petrovietnam tổ chức tọa đàm kinh tế vĩ mô quý II/2024
-
Kinh tế - xã hội 2 tháng đầu năm đạt nhiều kết quả tích cực
-
Tạo niềm tin đầu tư sẽ “kích hoạt” thị trường khởi sắc
-
Năm 2024, nhà đầu tư cần lưu ý những yếu tố gì khi tham gia chứng khoán?
-
Tin tức kinh tế ngày 18/4: Thương mại Việt Nam - Lào lập kỷ lục trong quý I/2025
-
Thị trường vàng tăng "nóng", Phó Thủ tướng chỉ đạo khẩn
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 18/4: Mỹ tiếp tục trừng phạt ngành dầu mỏ Iran
-
Kỳ vọng và lo ngại của ngành dầu khí Mỹ dưới thời ông Trump
-
Tin tức kinh tế ngày 17/4: Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trở lại vị trí số 1