Lạm dụng thuốc ho có chất gây nghiện trong học đường

11:49 | 09/11/2013

1,832 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ năm 2010, nhiều trường học ở TP HCM phát hiện học sinh lạm dụng thuốc tân dược (Recotus) có chất gây nghiện đã tạo nên tình trạng hoang mang, lo lắng trong phụ huynh học sinh và cả cộng đồng xã hội. Sự việc là tiếng chuông cảnh báo về quá trình quản lí thuốc tân dược có chất gây nghiện ở nước ta hiện nay.

Tình trạng học sinh tại một số trường trên địa bàn TP HCM sử dụng thuốc ho Recotus được đề cập tại buổi báo cáo với đoàn công tác Liên bộ GD&ĐT, Y tế, Công an về “Công tác phòng chống lạm dụng thuốc tân dược trong học sinh” của Sở GD-ĐT TPHCM diễn ra sáng 8/11/2013.

Lờ đờ... trong lớp

Trong năm học 2009 – 2010, lãnh đạo của nhiều trường như THCS Trần Quốc Tuấn (quận 7), Quang Trung (quận 4), Ngô Sĩ Liên (quận Tân Bình) phát hiện học sinh trong trường nghiện sử dụng thuốc Recotus.

Sự việc được quan tâm nhiều nhất xảy ra vào năm 2011, tại trường THCS Bình An (quận 2), trong giờ học có một học sinh lớp 8A2 có biểu hiện nôn ói. Sau đó, 12 em học sinh cùng lớp 8A2, 1 học sinh lớp 8A3 và 7 học sinh lớp 8A4 có biểu hiện tương tự. Khi nhà trường phát hiện, điều tra thì các em học sinh đều cho biết là sử dụng thuốc ho Recotus do một bạn cùng lớp 8A4 mua sử dụng (tại một nhà thuốc khu vực ngã tư đường Trần Não, quận 2) và mua giúp cho một học sinh khác cùng trường ở lớp 8A2 20 viên (2 vỉ, 8000 đồng/1 vỉ) sử dụng và chia cho học sinh trong lớp uống.

Lứa tuổi THCS có nhiều biến động về tâm lý, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình (Ảnh minh họa)

Cũng trong năm học 2011-2012 tại trường THCS Khánh Hội A (quận 4) khi giám thị nhà trường phát hiện nhiều học sinh ngủ gật trong lớp. Qua điều tra sơ bộ của Ban giám hiệu, phát hiện khoảng 50 học sinh trong trường đã mua thuốc ho Recotus về uống và đã có gần 30 em học sinh thừa nhận đã uống loại thuốc này. Thậm chí, có em còn uống một lần 6 đến 7 viên. Hệ quả khi vào giờ học, các em có sử dụng loại thuốc này đã ngủ gật ngay tại lớp.

Sau đó, ngày 30/9/2013 tại trường THCS Tăng Bạt Hổ (quận 4), giáo viên nhà trường đã phát hiện 7 học sinh nữ cất giữ 2 vỉ Recotus (hơn 20 viên) trong cặp. Các em cho biết, trong những lần ngồi ở quán nước trước cổng trường, các em bị một nữ sinh đã nghỉ học dụ uống thuốc Recotus sẽ có cảm giác lạ, gây hưng phấn, không lo sợ khi trả bài trên lớp, không sợ giáo viên.

Mới đây, vào ngày 25/10/2013 tại trường THCS Lữ Gia (quận 11), giám thị nhà trường đã phát hiện nhóm học sinh lớp 8 có gương mặt lờ đờ, nói năng lắp bắp không kiểm soát được hành vi của mình, nghi ngờ các em có sử dụng thuốc kích thích nhà trường đã kiểm tra cặp của các em và phát hiện 2 vỉ thuốc ho Recotus. Trong 2 vỉ Recotus tìm thấy thì có một vỉ đã uống gần hết.

Cùng thời điểm này, tại trường THCS Lê Quý Đôn (quận 1) dù chưa phát hiện học sinh dùng thuốc có chất gây nghiện, song các em học sinh truyền tai nhau về việc bị bạn bè rủ rê dùng thử thuốc ho có chất gây nghiện…

Cần phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường

Qua các trường hợp lạm dụng thuốc ho Recotus có chất gây nghiện chủ yếu ở là học sinh ở bậc THCS gây nên nhiều lo lắng cho gia đình, nhà trường trong thời gian qua thì bà Trần Thị Kim Thanh – Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo TPHCM cho rằng, ở lứa tuổi các em học sinh THCS có nhiều biến động về tâm lý, rất dễ bị tổn thương hoặc dễ bị lôi kéo vào những trò nguy hiểm. Một số học sinh tìm đến các loại thuốc này có thể do các em không chia sẻ được cảm xúc với ai nên tự đi tìm cách riêng.

Mặc khác, khi uống loại thuốc này với liều cao sẽ tạo cảm giác thoải mái, hưng phấn nên các em cứ tìm đến thuốc mà không đủ hiểu biết về những tác hại sau này của thuốc, hoặc biết nhưng vấn bất chấp hậu quả.

Do đó, giai đoạn ở lứa tuổi này, người lớn, nhất là các bậc phụ huynh học sinh cần có sự quan tâm, yêu thương các em, chia sẻ những khúc mắc trong cuộc sống với các em. Nhưng đôi khi các bậc cha mẹ vì điều kiện mưu sinh mà ít quan tâm đến sự phát triển tâm sinh lý của con mình thì cũng dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc cho các em.

Cần có khuyến cáo cụ thể của Bộ Y tế

Giải pháp hiện nay là bên cạnh công tác tuyên truyền cho học sinh không sử dụng thuốc tùy tiện khi chưa có chỉ định của bác sĩ, nhà trường cần phổ biến đến phụ huynh về vấn đề này, để cùng phối hợp ngăn chặn, kiểm soát không để các em sử dụng thuốc Recotus quá liều. Các đơn vị trường học cần biết rõ về tình trạng này để có biện pháp phối hợp với cơ quan chức năng ngoài nhà trường phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

Một viên thuốc ho Recotus có chứa dextromethorphan HBr 30mg là dẫn xuất của morphin, nếu người dùng lạm dụng thuốc có thể gây hậu quả lâu dài, lệ thuộc vào thuốc (Ảnh: T. Thanh)

Trong khả năng của mình, ngành giáo dục chỉ có thể phát hiện, tuyên truyền chứ không có chuyên môn ngành y. Trong khi công tác này đòi hỏi phải có biện pháp đồng bộ giữa ngành y tế, công an và ngành giáo dục.

Bà Trần Thị Kim Thanh cũng đề nghị ngành y tế cần có một hướng dẫn thật cụ thể, khoa học trong việc hướng dẫn việc sử dụng thuốc như thế nào cho đúng. Nếu coi Recotus là một biệt dược thì phải có văn bản ban hành các nhà thuốc chỉ bán khi có đơn của bác sĩ, tuyệt đối không bán cho trẻ dưới 18 tuổi cũng như phải có biện pháp xử lý các nhà thuốc làm sai quy định nói trên.

Thuốc ho Recotus được cảnh báo khi dùng quá liều có thể gây tử vong. Tuy nhiên, theo ông Bùi Đức Phong, Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế cho hay, đến thời điểm hiện tại ngành y tế vẫn chưa có một nghiên cứu nào cụ thể để có thể liệt thuốc ho Recotus vào loại thuốc gây nghiện. Nên hiện nay, Recotus được các nhà thuốc vô tư bán mà chưa có sự quản lí chặt chẽ của các cơ quan chức năng.

Sắp tới, sẽ kiến nghị với Bộ Y tế nên đưa những thuốc có tác dụng gây nghiện, trong đó có Recotus vào danh mục thuốc bán theo toa có chỉ định, kê đơn của bác sĩ chứ không bán thỏa mái như hiện nay. Đồng thời sẽ đưa ra chế tài xử lý mạnh đối với các hiệu thuốc bán không đúng theo quy định.

 

Thiên Thanh