Hung thủ vụ Cát Tường đã lừa dối cơ quan điều tra?

12:59 | 05/08/2014

102,462 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tại cơ quan công an, bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường và bảo vệ Đào Quang Khánh đều khai nhận, sau khi chị Lê Thị Thanh Huyền tử vong tại Thẩm mỹ Cát Tường, chúng khênh xác lên ô tô rồi đưa đến Bệnh viện Bưu Điện. Khi đến cổng bệnh viện, Tường thấy có nhiều người, nên sợ không dám đi vào mà dừng lại ngoài đường và sau đó đưa lên cầu Thanh Trì ném xuống sông Hồng phi tang…

>> Tìm thấy xác nạn nhân vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường

Vì sao nạn nhân tử vong...?

Sáng ngày 18/7, tại bến đò Vân Đức (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội), người dân vạn chài phát hiện một thi thể trong trong túi nilon và được bao bọc một lớp bê tông. Nhiều đặc điểm nhận dạng giống với nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền mất tích vào ngày 19/10/2013.

Ngay sau đó, Công an huyện Gia Lâm đã tiến hành trưng cầu giám định điều tra tại Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an). Viện Khoa học Hình sự đã công bố kết quả giám định ADN và xác định đó là xác của chị Lê Thị Thanh Huyền. Cơ sở của kết luận từ việc lấy mẫu ADN của bà Nguyễn Thị Hiền là mẹ của nạn nhân và xác định xác người phụ nữ được phát hiện tại bến đò Vân Đức. Sau khi giám định và so sánh với mẫu mà cơ quan điều tra trưng cầu giám định, kết quả cho thấy có mối quan hệ cùng huyết thống.

Liên quan đến việc tìm thấy xác chị Lê Thị Thanh Huyền, nạn nhân trong vụ án Thẩm mỹ Cát Tường, trao đổi với  PetroTimes, Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

Thẩm mỹ Cát Tường.

Theo Luật sư Nguyễn Anh Thơm, hiện cơ quan điều tra đã khởi tố 2 bị can này về hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt và vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác. Riêng Đào Quang Khánh bị khởi tố thêm tội danh trộm cắp tài sản.

Nếu thi thể phụ nữ trôi sông được phát hiện vào ngày 18/7/2014, đúng là thi thể của chị Huyền thì đây là một nỗ lực không mệt mỏi của gia đình nạn nhân trong suốt thời gian qua và cùng với sự vào cuộc của các cơ quan pháp luật cũng như toàn xã hội sau gần 10 tháng kể từ ngày xảy ra vụ án.

Khi cơ quan điều tra xác định được đúng chị Huyền thì đây là một bằng chứng quan trọng nhất của vụ án. Thi thể nạn nhân là căn cứ pháp lý để cơ quan điều tra xác định nguyên chị Huyền tử vong. Từ đó xác định đúng tội danh mà các đối tượng gây ra.

Làm rõ kẻ nói dối

Trở lại tình tiết của vụ án, sau khi chị Huyền chết vào chiều ngày 19/10/2013, đến 23h30 cùng ngày, Tường cùng một số nhân viên đưa thi thể chị Huyền lên xe ô tô đưa đến Bệnh viện Bưu Điện. Khánh đi xe máy và cầm túi xách của chị Huyền theo xe ô tô. Khi đến cổng Bệnh viện Bưu Điện, Tường thấy có nhiều người, nên sợ không dám đi vào mà dừng lại ngoài đường. Thấy vậy, Khánh nói với Tường rằng: “Không đưa xác chị Huyền vào bệnh viện nữa mà ném xác xuống sông”.

Nghe nhân viên bảo vệ nói có lý nên Tường đồng ý lái xe ô tô chở xác chị Huyền đi phi tang. Khánh đi xe máy của chị Huyền chở chị Nguyễn Thị Hằng (vợ Tường) theo sau.

Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh.

Tường lái xe đi theo đường Trần Khát Chân - Kim Ngưu - Lạc Trung - Minh Khai - cầu Vĩnh Tuy đến đường Cổ Linh (phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) thì Khánh đi xe máy vượt lên. Khánh ra hiệu cho Tường dừng xe lại. Khánh bỏ xe máy và túi xách của chị Huyền ở vỉa hè rồi cùng Hằng lên xe ô tô. Chị Hằng can ngăn chồng không được vứt xác chị Huyền, nhưng Tường không nghe mà tiếp tục lái xe đi ra quốc lộ 5 lên cầu Thanh Trì.

Thấy không có người qua lại, Tường và Khánh khiêng xác chị Huyền ra khỏi xe ô tô, đi qua giải phân cách giữa xe ô tô và xe máy rồi thả xác nạn nhân xuống sông Hồng. Như vậy, ngoài Khánh và Tường tham gia ném xác chị Huyền xuống sông, thì còn có người thứ 3 chính là Hằng. Tuy nhiên, người phụ nữ này lại được bỏ qua.

Nạn nhân đã bị Tường và Khánh ném xác xuống sông Hồng nên trong quá trình điều tra không có thi thể để làm rõ nguyên nhân chết. Cơ quan công an chỉ xác định nạn nhân bị tử vong trong quá trình làm phẫu thuật thẩm mỹ qua lời khai của bị can, nhân chứng. Do đó, nguyên nhân dẫn tới chị Huyền tử vong chưa được làm rõ.

Câu hỏi đặt ra là, quy trình và phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ của Tường gây nguy hiểm đến tính mạng cho chị Huyền hay không? Chị Huyền chết trước hay sau khi bị phi tang dưới sông. Ngoài ra, quy trình pha thuốc, phương pháp làm phẫu thuật của Tường dẫn tới nạn nhân bị tử vong thì do vi phạm ở công đoạn làm dẫn tới nên cần thiết phải làm rõ để có căn cứ xử lý  theo đúng tội danh.

Như vậy, có thể thấy rằng, Tường đã có thời gian tính toán rất kỹ các khả năng xảy ra sau khi nạn nhân đã chết. Mấu chốt của vụ án, xác định tội danh cho Tường chính là xác nạn nhân. Thế nên, Tường đã không từ bất cứ thủ đoạn nào nhằm phi tang đến cùng xác chị Huyền.

Có một thực tế rằng, từ kết quả giám định ADN, xác phụ nữ phát hiện tại bến đò Vân Đức và diễn biến vụ án Thẩm mỹ Cát Tường cho thấy, Tường và Khánh cùng những người tham gia ném xác chị Huyền đã lừa dối cơ quan điều tra. Toàn bộ lời khai của những người này tại cơ quan công an không hề có chí tiết nào đề cập đến “bê tông”. Thế nhưng xác người phụ nữ phát hiện tại bến đò Vân Đức lại được bao bọc một lớp bê tông.

Theo Luật sư Nguyễn Anh Thơm, cơ quan chức năng cũng nên làm rõ hành vi đổ bê tông lên xác chị Huyền, lời khai gian dối của các bị can và đội ngũ y bác sĩ Thẩm mỹ Cát Tường nhằm xác định rõ, truy tố đúng người đúng tội.

 

Thiên Minh - Minh Tiến