Nên lùi thời điểm tính lương hưu mới

14:01 | 08/11/2017

1,666 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nâng cao đời sống cho người lao động không chỉ là mục tiêu trực tiếp đối với công đoàn các cấp mà đó còn là chính sách của Đảng và Nhà nước. Nghĩa là đời sống của người lao động phải ngày một nâng lên. Nhưng với cách tính lương hưu mới hiện nay thì mức lương người lao động được hưởng khi về hưu sẽ thấp hơn so với những người về hưu trước năm 2018.

Do đó, một đề xuất mới nhất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) rất được người lao động quan tâm và mong đợi. Đó là việc xin lùi thời hạn tính lương hưu mới.

Đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là dừng thực hiện khoản 2, Điều 56 luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) về cách tính lương hưu từ 1-1-2018. Bộ LĐ-TB&XH cũng đã có văn bản trình Chính phủ các phương án để xử lý vấn đề này, trong đó có phương án tạm thời chưa thực hiện điều khoản trên và lùi tới năm 2022 mới thực hiện.

Giải pháp này trước hết là đảm bảo được nguyên tắc: Không để lao động nữ thiệt thòi, thực hiện có lộ trình, đảm bảo có đóng BHXH có hưởng, tạo điều kiện cho Quỹ BHXH ổn định và phát triển bền vững, không tạo ra những bức xúc trong xã hội.

Tuy nhiên, vấn đề này phải chờ Chính phủ thảo luận, Thủ tướng cho ý kiến sau đó mới trình Quốc hội, hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua rồi mới thực hiện.

nen lui thoi diem tinh luong huu moi
Tại một điểm chi trả lương hưu

Theo cách tính lương hưu tại Khoản 2, Điều 56, Luật BHXH, nữ 55 tuổi nghỉ hưu từ 2018 phải có đủ 30 năm đóng BHXH mới được hưởng tối đa 75%, trong khi trước 2018 chỉ cần đủ 25 năm.

Lao động nam nghỉ hưu năm 2018 phải đủ 31 năm đóng BHXH, nghỉ năm 2019 phải có đủ 32 năm, nghỉ năm 2020 phải có đủ 33 năm, nghỉ năm 2021 phải đủ 34 năm và nghỉ từ năm 2022 trở đi phải đủ 35 năm đóng BHXH mới được hưởng tỷ lệ tối đa là 75% (so với trước năm 2018 thì chỉ cần có đóng đủ 30 năm BHXH).

Với cách tính này, lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 sẽ hưởng lương hưu thấp hơn người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017.

Như vậy, cả nước sẽ có khoảng 110.000 lao động nghỉ hưu từ 2018, trong đó có khoảng 50.000 lao động nữ. Theo cách tính trên thì nam thiệt ít hơn vì nam có lộ trình 5 năm, còn nữ thì tính ngay. Vấn đề này cũng cần phải xem lại về mặt luật pháp, tức là quy định về bình đẳng giới đã không được thực hiện. Bởi cùng là lao động, có thời gian cống hiến, đóng bảo hiểm và nghỉ hưu theo quy định, tại sao nam giới thì có lộ trình 5 năm mà nữ giới lại không? 50.000 lao động nữ nghỉ hưu sẽ có khoảng 21.000 người bị thiệt, trong đó khoảng 4.000 người bị thiệt nhiều nhất, khoảng 5-10% lương hưu.

Mấy tuần nay, dư luận xôn xao, nóng cả nghị trường về trường hợp cô Trương Thị Lan, giáo viên Trường Mầm non Lê Duẩn (xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh). Sau 37 năm công tác, cô Lan chỉ nhận được mức lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng. Những tưởng đây đã là mức lương hưu thấp nhất rồi nhưng BHXH Việt Nam đã khẳng định: Đó chưa phải là mức lương hưu thấp nhất!

Hiện nay, cả nước đang có 3.228 người hưởng lương hưu dưới 1,3 triệu đồng/tháng và nhóm hưởng lương hưu thấp hơn lương cơ sở không phải chỉ có giáo viên mầm non. Đó là đối tượng cán bộ phường, xã, thị trấn không chuyên trách, họ có mức đóng BHXH chỉ trên mức lương cơ sở và nếu thời gian đóng BHXH chỉ 20 năm, tỷ lệ hưởng của họ là 55%. Trong thời gian tới, khi áp dụng chính sách BHXH mới thì tỷ lệ lương hưu của họ cũng chỉ dao động 55%-60% nên chắc chắn là mức hưởng lương hưu của họ cũng sẽ rất thấp.

Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cũng có mức đóng thấp nhất, bằng mức lương cơ sở. Trong khi đó, theo quy định của Luật BHXH năm 2014, từ ngày 1-1-2016, mức lương hưu của đối tượng này thấp nhất, sẽ bằng mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn, tức khoảng 700.000 đồng/tháng. Đây cũng chính là mức lương hưu thực nhận của họ bởi theo quy định, người tham gia BHXH tự nguyện và cán bộ xã, phường, thị trấn không chuyên trách, không thuộc đối tượng được bù cho bằng mức lương cơ sở như giáo viên mầm non.

Ông Phạm Lương Sơn - Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam thừa nhận: "Cô giáo làm việc 37 năm, đến khi nghỉ hưu chỉ được nhận lương 1,3 triệu/tháng quả là bất công và không ai bằng lòng". Ông cũng mong đây là dịp để các cơ quan, ban, ngành cần nhìn thẳng vấn đề về đóng - hưởng BHXH, từ đó có thể ban hành chính sách đảm bảo mức sống cho người lao động khi về hưu.

Thực trạng nêu trên cần phải được giải quyết sớm bởi đó là quyền lợi hợp pháp của người lao động. Tính toán đúng mức lương hưu cho người lao động với mục tiêu nâng cao đời sống thì không thể năm sau nhận mức tiền thấp hơn năm trước. Đồng thời, cách tính cũng phải trên tinh thần bình đẳng xã hội, bình đẳng giới. Không thể để 50.000 lao động nữ bị thiệt thòi khi nghỉ hưu với số tiền lương còm cõi. Giãn thời điểm áp mức lương hưu mới là phù hợp nguyện vọng của đông đảo người lao động.

Bùi Đức

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc