Nền kinh tế đang lệ thuộc vào nước ngoài
Đây là những cảnh báo mà các chuyên gia kinh tế và nhà khoa học đưa ra tại buổi tọa đàm khoa học "Vấn đề độc lập tự chủ trong hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam" diễn ra tại TP HCM ngày 15/10.
Xuất khẩu của nước ta đang đến từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương, thách thức phát triển của Việt Nam là khó tránh khỏi bẫy thu nhập trung bình và lệ thuộc bên ngoài ngày càng nặng. Đó là lệ thuộc nhập khẩu hàng hóa đầu vào, nên nhập siêu "trường kỳ"; lệ thuộc xuất khẩu khi Việt Nam bị thua ngay cả ở những mặt hàng có thế mạnh như gạo, cà phê. Doanh nghiệp khu vực trong nước yếu đi thấy rõ, cả doanh nghiệp nhà nước, tư nhân.
Sau 6 năm gia nhập WTO, kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng giảm, bất ổn vĩ mô tăng. Khu vực kinh tế nội địa yếu đi nghiêm trọng, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng lên. Trong đó, FDI thể hiện ở những dự án đầu tư cực lớn, thay đổi kim ngạch XNK. Chẳng hạn như Samsung chỉ sau 2 năm đầu tư vào Bắc Ninh, kim ngạch xuất khẩu đã chiếm đến 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đây là điểm nghẽn của nền kinh tế mà nếu không có chiến lược nhằm để tạo nội lực quốc gia thì không thể bảo đảm một nền kinh tế độc lập, tự chủ. Do đó, cần thiết phải tái cơ cấu nền kinh tế để lột xác đi lên, trong đó có cải cách hệ thống ngân hàng, tái cơ cấu đầu tư công, phải tạo lập cấu trúc kinh tế mới, xây dựng các tập đoàn kinh tế quốc gia tư nhân đẳng cấp quốc tế.
Đồng tình với ý kiến này, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, chỉ ra những nguy cơ mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt. Đó là hàng loạt doanh nghiệp trong nước phá sản, nhiều công ty trong nước phải bán một phần hoặc toàn bộ cho nước ngoài; hàng vạn công nhân thất nghiệp; sản xuất giảm sút, hàng hóa nước ngoài tràn vào nước ta ngày càng nhiều và lấn át hàng Việt …
“ Một thực tế dễ dàng nhìn thấy hiện nay là nội lực của nền kinh tế chúng ta còn yếu và thiếu một kế hoạch chiến lược rõ ràng nên không tranh thủ được các yếu tố ngoại lực để tăng thêm sức mạnh cho nền kinh tế. Điều này thể hiện rõ trong việc nhiều công ty liên doanh với nước ngoài bị áp lực của phía nước ngoài muốn chi phối hoặc thâu tóm công ty trong nước. Đó còn là nền công nghiệp phụ trợ yếu nên thhu hút FDI từ nước ngoài ngày càng khó khăn hơn” - bà Bình nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng nguy cơ tụt hậu xa hơn so với thế giới và khu vực của nền kinh tế Việt Nam là rất rõ. Trong hai năm 2011 và 2012, Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp hạng nền kinh tế Việt Nam giảm 16 bậc, xuống hạng 75, thấp nhất kể từ khi Việt Nam được xếp hạng. Trong 12 nhóm chỉ tiêu đánh giá, Việt Nam tụt hạng ở 9 nhóm và chẳng có nhóm nào vượt hạng 50, phần lớn cận kề hạng 100.
Thùy Trang
-
[E-Magazine] Giải pháp nào để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trong các quý tiếp theo?
-
Giá dầu thế giới có thể giảm tới mức nào?
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng