Mỹ ra tối hậu thư đe dọa trong tranh chấp năng lượng với Mexico

14:52 | 29/03/2023

639 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chính quyền Biden dự kiến sẽ gửi đến Mexico một thông điệp “hành động ngay hoặc nếu không” trong những tuần tới để cố gắng phá vỡ tình thế bế tắc trong tranh chấp thương mại năng lượng giữa Mỹ và Mexico, khi lưỡng đảng ngày càng yêu cầu Mỹ cứng rắn hơn với nước láng giềng phía nam.
Mỹ ra tối hậu thư đe dọa trong tranh chấp năng lượng với Mexico
Lãnh đạo các nước Mỹ - Mexico - Canada

Động thái này cho thấy căng thẳng giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Mexico, Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador, đang ngày càng leo thang.

Do Tổng thống Obrador quyết định rút lại chính sách mở cửa thị trường điện và dầu mỏ ở Mexico cho các đối thủ cạnh tranh nước ngoài nên dẫn đến tranh chấp thương mại.

Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ dự kiến sẽ đưa ra “đề nghị cuối cùng” cho các nhà đàm phán Mexico để mở cửa thị trường cũng như chấp nhận sự giám sát chặt chẽ hơn, 3 người quen thuộc với các cuộc đàm phán nói với Reuters. Mặt khác, Mỹ sẽ tìm cách triệu tập một hội đồng giải quyết tranh chấp độc lập theo khuôn khổ Thỏa thuận Mỹ - Mexico - Canada (USMCA)

Mỹ và Canada đã yêu cầu bắt đầu đàm phán giải quyết tranh chấp với Mexico vào tháng 7/2022. Theo các quy định của USMCA, nếu tranh chấp không được giải quyết sau 75 ngày, họ sẽ triệu tập một hội đồng giải quyết tranh chấp và giao cho một bên thứ 3 phân xử vụ việc.

Nếu ban hội thẩm ra phán quyết chống lại Mexico và Mexico vẫn không khắc phục vấn đề thì Washington và Ottawa có thể áp đặt hàng tỷ USD thuế quan đối với hàng hóa của Mexico.

Nhà Trắng hy vọng tránh leo thang căng thẳng thương mại với Mexico do Mỹ đang tìm kiếm sự hỗ trợ về vấn đề nhập cư bất hợp pháp và buôn bán ma túy. Nhưng qua nhiều tháng đàm phán vẫn không đạt được tiến triển, Chính phủ Mỹ cũng không còn nhiều lựa chọn hạn chế công kích hơn, các nguồn tin nói với Reuters.

Tình trạng xung đột leo thang dẫn đến những rủi ro đáng kể cho Tổng thống Biden vì ông dự kiến sẽ khởi động chiến dịch tái tranh cử trong những tuần tới và sẽ phải đối mặt với những luồng chỉ trích từ các đảng viên Cộng hòa về cách xử lý vấn đề nhập cư bất hợp pháp và buôn bán ma túy. Tổng thống Biden cần sự giúp đỡ của Mexico để kiểm soát biên giới sau khi dỡ bỏ mọi hạn chế về Covid-19 vào ngày 11/5/2022.

Một quan chức giấu tên người Mỹ bày tỏ sự thất vọng ngày càng tăng vì tiến độ đàm phán chậm. “Chúng tôi muốn thấy tiến triển rõ ràng về vấn đề này và giải quyết những lo ngại do các đội đàm phán đưa ra”, quan chức này cho biết.

Người phát ngôn Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) từ chối bình luận về các cuộc tham vấn năng lượng với Mexico, nhưng đại diện Thương mại Katherine Tai đã ám chỉ khả năng leo thang căng thẳng trong một phiên điều trần của Ủy ban Tài chính Thượng viện vào thứ Năm tới.

“Chúng tôi đang đề xuất với Mexico các biện pháp riêng biệt và cụ thể mà Mexico phải thực hiện để giải quyết những lo ngại trong yêu cầu tham vấn của chúng tôi. Đây vẫn là một vấn đề còn tồn đọng”, bà Tai nói.

Bà còn nói thêm, “chúng tôi biết rằng tất cả các công cụ của USMCA đều phục vụ một mục đích chung”.

Các công ty dầu mỏ của Mỹ, như Chevron và Marathon Oil, cũng như các công ty năng lượng mặt trời và năng lượng gió, đã phải vật lộn để xin giấy phép hoạt động ở Mexico trong những năm gần đây.

Động thái này diễn ra chỉ vài tuần sau khi USTR tăng cường một tranh chấp thương mại khác với Mexico về kế hoạch cấm sử dụng ngô biến đổi gen làm thực phẩm, đồng thời yêu cầu mở những buổi tham vấn chính thức. Tranh chấp năng lượng là một bước tiến trong cơ chế thực thi của USMCA.

Chính quyền Biden khẳng định Tổng thống Obrador ưu tiên cho Công ty dầu mỏ nhà nước Petroleos Mexicanos (Pemex) và Công ty điện lực quốc gia Comision Federal de Electricidad (CFE), gây phân biệt đối xử với các công ty Mỹ.

“Tôi nghĩ rằng bạn sẽ thấy ngày càng có nhiều người tìm kiếm bước tiếp theo để tạo nhóm nhanh chóng”, một phụ tá quốc hội cho biết, lưu ý rằng Quốc hội Hoa Kỳ đã không còn đủ kiên nhẫn trong các cuộc đàm phán.

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Ron Wyden từ Oregon, kiêm Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện, nói với bà Katherine Tai rằng Mexico “không xem trọng” các nghĩa vụ của mình trong USMCA, thể hiện qua việc loại bỏ các công ty năng lượng tái tạo của Mỹ trên đất Mexico.

“8 tháng đã trôi qua. Các nhà sản xuất năng lượng sạch của Mỹ vẫn đang chờ Mexico phê duyệt. Theo tôi, đã đến lúc nói đủ và leo thang tình hình này thành một vụ giải quyết tranh chấp thực sự”, ông Wyden nói.

Giá trị nhập khẩu hàng hóa của Mỹ từ Mexico đạt tổng cộng 455 tỷ USD vào năm 2022, so với mức xuất khẩu hơn 324 tỷ USD, mức thâm hụt thương mại kỷ lục là 130,5 tỷ USD, theo dữ liệu của Chính phủ Mỹ.

Mexico: Dự luật cải cách thị trường điện gây tranh cãiMexico: Dự luật cải cách thị trường điện gây tranh cãi
Mỹ-Mexico thảo luận về chính sách năng lượngMỹ-Mexico thảo luận về chính sách năng lượng
Tranh chấp năng lượng Mỹ - Mexico: Vấn đề khó giải quyếtTranh chấp năng lượng Mỹ - Mexico: Vấn đề khó giải quyết
Eni công bố một khám phá mới ngoài khơi MexicoEni công bố một khám phá mới ngoài khơi Mexico

Nh.Thạch

AFP