Mỹ “bỏ rơi” Ba Lan một mình trong ván bài với Gazprom?

10:38 | 14/06/2021

|
(PetroTimes) - Về lý thuyết, phía Ba Lan có thể thay thế nguồn cung khí đốt của Nga trong vòng 2-3 năm tới, nhưng điều này phần lớn sẽ phụ thuộc vào nhà cung cấp Gazprom.
Mỹ “bỏ rơi” Ba Lan một mình trong ván bài với Gazprom? “bỏ rơi” Ba Lan một mình trong ván bài với Gazprom?
Baltic Pipe

Hai sự kiện gồm hoàn thành nhánh thứ nhất của đường ống khí đốt North Stream 2 và việc Đan Mạch thu hồi giấy phép xây dựng đường ống khí đốt Baltic Pipe của Ba Lan đã cho thấy mong muốn của Mỹ trong việc củng cố quan hệ hợp tác với Đức và liên minh xuyên đại tây dương. Về lý thuyết, phía Ba Lan có thể thay thế nguồn cung khí đốt của Nga trong vòng 2-3 năm tới, nhưng điều này phần lớn sẽ phụ thuộc vào nhà cung cấp Gazprom. Trợ lý Văn phòng Thủ tướng Ba Lan Andrzej Dera cho biết, sự trùng hợp của hai sự kiện nêu trên không phải là ngẫu nhiên. Song song với động thái thu hồi giấy phép xây dựng đối với dự án Baltic Pipe của Ủy ban kháng nghị về môi trường và thực phẩm Đan Mạch, Ủy ban châu Âu cũng đang theo dõi tình hình triển khai dự án này và sẵn sàng tham gia vào quá trình giải quyết vì cho rằng dự án này quan trọng đối với khu vực.

Giới thương mại cho rằng, Ba Lan sẽ nhập khẩu một khối lượng lớn khí đốt từ Na Uy thông qua đường ống này sau khi kết thúc hợp đồng mua khí đốt của Nga vào năm 2022. Hiện nguồn cung khí đốt của Nga đang chiếm 60% tổng lượng nhập khẩu khí đốt của nước này.

Một số chuyên gia của 1prime chỉ ra rằng, có sự liên hệ khá đúng đắn giữa việc hoàn thành nhánh thứ nhất của đường ống North Stream 2 và những trở ngại đối với dự án Baltic Pipe. Nhà chính trị học Dmitry Galkin (Nga) nhận định, cả hai sự kiện này đều liên quan trực tiếp đến mong muốn của chính quyền Mỹ trong việc khôi phục quan hệ hợp tác chặt chẽ với đồng minh Đức càng sớm càng tốt. Rõ ràng, các kế hoạch chính sách đối ngoại của Tổng thống Biden đã trở thành những lý do chính khiến Đan Mạch đình chỉ xây dựng một đường ống mà phía Ba Lan dự kiến sẽ nhận khí đốt từ Na Uy. Như thường lệ, Đan Mạch thường hỗ trợ tích cực cho việc triển khai chính sách khu vực châu Âu của Mỹ.

Mỹ “bỏ rơi” Ba Lan một mình trong ván bài với Gazprom? “bỏ rơi” Ba Lan một mình trong ván bài với Gazprom?

Baltic Pipe là một nhánh của Northern Gate

Trong những năm gần đây, Ba Lan đã có những nỗ lực đáng kể nhằm đa dạng hóa các nguồn cung cấp khí đốt của mình. Từ năm 2023, tổng danh mục nhập khẩu LNG của các công ty Ba Lan từ Qatar và Mỹ có thể vượt mốc 9 triệu tấn (tương đương 12 tỷ m3). Dự án Baltic Pipe được cho là sẽ cung cấp khoảng 10 tỷ m3 khí đốt/năm từ Na Uy sang thị trường Ba Lan, bắt đầu từ năm 2022 - 2023. Về mặt lý thuyết, Ba Lan có khả năng thay thế nguồn cung cấp khí đốt từ Nga trong vòng hai đến ba năm tới. Tuy nhiên, chúng ta không thể bỏ qua một số dẫn chứng thực tế quan trọng.

Thứ nhất, thị trường Ba Lan là một trong số ít các thị trường ở EU được dự báo có tốc độ tăng trưởng tiêu thụ khí đốt cao, tức là nhu cầu nhập khẩu khí đốt sẽ tăng lên. Thứ hai, phía Ba Lan đã chính thức tuyên bố ý định tạo ra một trung tâm khí đốt mới tại EU. Điều này sẽ là thiển cận nếu từ bỏ hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt từ phía đông (chủ yếu từ Nga). Thứ ba, việc mở rộng cảng Swinoujscie sẽ nâng công suất tiếp nhận LNG của Ba Lan lên mức tương đương 7,5 tỷ m3/năm. Điều này có nghĩa là lượng LNG còn lại theo hợp đồng có thể được phân phối cho các thị trường khác, chứ không chỉ tiêu thụ tại thị trường Ba Lan. Theo công ty phân tích thị trường Otkrytie Broker (Nga), nhu cầu khí đốt của Ba Lan trong năm 2020 đã lên tới 18,9 tỷ m3, đồng thời sản lượng khai thác riêng của nước này chưa đến 4 tỷ m3. Theo hợp đồng với Gazprom, nước này mua 10 tỷ m3/năm và phần nhập khẩu còn lại đến từ các nguồn cung LNG trên thị trường giao ngay.

Ba Lan đang gia tăng năng lực nhập khẩu các nguồn cung LNG. Theo kế hoạch phát triển để loại bỏ dần nguồn khí đốt từ Nga vào năm 2022, chính quyền nước này đã ký với Qatar thỏa thuận về việc cung cấp 2,7 tỷ m3 LNG mỗi năm; ký với ba công ty Mỹ thỏa thuận sơ bộ về việc cung cấp 6,6 tỷ m3/năm, bắt đầu từ năm 2023. Trong trường hợp đường ống Baltic Pipe được hoàn thành, Ba Lan có thể nhận thêm 8,1 tỷ m3 khí đốt mỗi năm kể từ tháng 10/2022. Tuy nhiên, phương án này có những bất lợi và rủi ro liên quan đến việc triển khai dự án và giá khí. Ví dụ, thỏa thuận nhập khẩu khí đốt từ Qatar đã được ký kết từ năm 2018 song chưa thể triển khai do giá hợp đồng quá cao. Các đối tác Mỹ cũng chưa bắt đầu xây dựng các nhà máy tái hóa khí từ LNG ở Ba Lan. Điều này làm gia tăng rủi ro và đẩy giá khí tăng. Ngoài ra, việc tiếp cận các nguồn cung LNG khác của Mỹ cũng gặp khó khăn do thị trường châu Á - nơi có giá LNG cao hơn châu Âu, luôn hấp dẫn các nhà sản xuất LNG tại Mỹ.

Theo chuyên gia Galkin, phía Ba Lan có cơ sở thực sự để lo ngại hai sự kiện trên. Sự lo ngại này có thể không liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia mà chủ yếu liên quan đến tham vọng địa chính trị của nước này. Hiển nhiên là phía Đức sẽ không ngăn cản các công ty Ba Lan nhập khẩu nguồn khí đốt được cung cấp qua đường ống North Stream 2. Tuy nhiên, Ba Lan sẽ phải từ bỏ tuyên bố về vai trò địa chính trị độc lập ở khu vực đông Âu. Một khi đường ống North Stream 2 được đưa vào vận hành, ảnh hưởng của Đức tại khu vực đông Âu sẽ ngày càng gia tăng và lớn tới mức phía Ba Lan “không dám” công khai phản đối. Hơn nữa, mối quan tâm đặc biệt của các chính trị gia Ba Lan là việc Đức và một số nước đông Âu khác có thể cải thiện quan hệ với Nga. Điều này khiến Ba Lan có nguy cơ đơn độc trong thế đối đầu với Nga.

Trước tình hình trên, cuộc đàm phán về tương lai của hợp đồng cung cấp khí đốt Nga cho Ba Lan sẽ mang sắc thái mới. Bất chấp sự khác biệt về chính trị, xét từ góc độ thương mại thì hợp đồng có khả năng được gia hạn. Có thể áp lực giữa các bên đối với nhau trên bàn đàm phán khiến quyết định cuối cùng bị trì hoãn. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, độ tin cậy và giá cả của khí đốt Nga là lợi thế cạnh tranh tuyệt đối và cả hai bên đều hiểu rõ điều này. Bản thân Gazprom cũng không muốn đánh mất thị trường Ba Lan. Nhiều khả năng, các điều khoản trong hợp đồng sẽ được sửa đổi. Ví dụ như giá bán khí đốt sẽ được điều chỉnh linh hoạt hơn theo thị trường, lượng khí đốt theo điều khoản take-or-pay sẽ thấp hơn hoặc xây dựng liên kết với thị trường giao ngay. Tất cả sẽ rõ ràng sau khi hợp đồng hiện tại kết thúc vào năm sau.

Về tổng thể, triển vọng khí đốt của Nga trên thị trường Ba Lan sẽ phụ thuộc vào sự linh hoạt và chính sách giá của Gazprom. Hiện nay, Gazprom đang giao dịch khá thành công khí đốt thông qua nền tảng giao dịch điện tử trên thị trường giao ngay. Có khả năng những công cụ ngắn hạn như vậy có thể hấp dẫn các nhà nhập khẩu Ba Lan trong trường hợp hợp hai bên không gia hạn hợp đồng cung cấp khí đốt dài hạn.

Theo 1prime

Tiến Thắng