Mỹ bất lực trước phòng tuyến A2/AD của Nga

07:00 | 04/07/2016

1,382 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Các chuyên gia Mỹ cho rằng, hải quân nước này sẽ không vượt qua nổi phòng tuyến chống tiếp cận/chống xâm nhập rất mạnh của hải quân Nga với các vũ khí “khủng” như: tàu ngầm hạt nhân, hệ thống tên lửa bờ đối hạm và tổ hợp phòng không tầm xa S-400.

Tuyến chống tiếp cận của Nga

Tạp chí “Lợi ích dân tộc” (The National Interest) của Mỹ ngày 2/7 cho biết, nhằm ngăn chặn Hải quân Mỹ và NATO áp sát bờ biển nước mình, Nga đang xây dựng chiến lược chống xâm nhập/chống tiếp cận (A2/AD - Anti-Access/Area Denial) mạnh mẽ.

Các chuyên gia Mỹ đã nhận định rằng, để nâng cao khả năng chống tiếp cận từ xa, hải quân Nga đã tập trung xây dựng lực lượng tàu ngầm hạt nhân và thông thường rất mạnh, lấy tàu ngầm hạt nhân tấn công làm nòng cốt. Hiện đây là những vũ khí răn đe ghê gớm hơn hẳn các loại vũ khí khác.

Tạp chí dẫn tuyên bố của Phó Đô đốc Mỹ James Foggo, người chỉ huy mảng tập trận hải quân trong cuộc diễn tập Baltops-2016 của lực lượng NATO cho biết, Nga đang chế tạo những chiếc tàu ngầm tàng hình và bố trí xung quanh châu Âu làm tuyến phòng thủ chống tiếp cận từ xa.

Ví dụ như Mỹ và NATO đang quan ngại tàu ngầm hạt nhân tấn công đầu tiên K-560 Severodvinsk thuộc đề án 885, lớp Yasen hiện đang được biên chế cho Hạm đội Biển Bắc có khả năng mang theo tới 32 tên lửa hành trình tấn công mặt đất và chống hạm Kalibr.

my bat luc truoc phong tuyen a2ad cua nga
Nga đang xây dựng năng lực chống tiếp cận/chống xâm nhập rất mạnh mẽ

Vị phó Đô đốc Mỹ lưu ý rằng, tên lửa hành trình Kalibr phóng từ tàu ngầm có 2 phiên bản, loại thứ nhất là phiên bản tấn công mặt đất 3M-14 (tàu nổi là 3M-14T) có tầm phóng 2500km, còn phiên bản chống hạm 3M-54 (tàu nổi là 3M-54T) có phạm vi chống tàu lên tới 660km.

Các tàu ngầm hạt nhân Nga có thể mang cả Kalibr 3M-54 và tên lửa hành trình chống hạm siêu vượt âm P-800 Oniks với tầm phóng hơn 600km, còn các tàu ngầm thông thường lớp Varshavyanka (lớp Kilo) Nga chuyên sử dụng tên lửa 3M-54.

Các tàu ngầm hạt nhân và tàu ngầm diesel-điện Nga tuần tiễu trên biển, kết hợp với các tiêm kích hạm và tiêm kích đánh biển, cùng các tàu hộ vệ và tàu khu trục hạng nặng, hình thành lớp phòng thủ chống tiếp cận từ xa siêu mạnh, sẵn sàng hủy diệt các tàu sân bay Mỹ và biên đội tàu hộ tống chúng từ vài ngàn đến hàng chục ngàn km.

Chuyên viên phân tích Elerik Fritz từ Trung tâm Phân tích Hải quân (Center For Naval Analyses, CNA) nhận xét rằng, sau tuyến chống tiếp cận này sẽ đến tuyến chống xâm nhập với 2 loại vũ khí chính là hệ thống tên lửa bờ đối hạm Bastion-P và hệ thống tên lửa phòng không S-400.

my bat luc truoc phong tuyen a2ad cua nga
Tàu ngầm hạt nhân Nga là nòng cốt của tuyến chống tiếp cận

Tuyến chống xâm nhập

Bastion-P là một tổ hợp tên lửa bờ đối hạm trang bị tên lửa chống hạm tầm xa có tốc độ siêu âm vượt âm P-800 Oniks (mã GRAU là 3M55, NATO định danh là SS-N-26), có tầm phóng hơn 600km, gấp đôi so với phiên bản xuất khẩu là tên lửa P-800 Yakhont của hệ thống K-300P Bastion-P.

Mỗi tổ hợp Bastion của Nga có phạm vi bao phủ dải bờ biển hơn 1000km (gấp đôi so với phiên bản xuất khẩu là 600km), có thể kết nối với các hệ thống phòng thủ bờ biển khác như hệ thống tên lửa bờ đối hạm Bal-E (sử dụng tên lửa Kh-35UE) và các hệ thống tên lửa phóng loạt.

Ở lớp phòng thủ này, các hệ thống phòng thủ bờ biển sẽ được sự hỗ trợ của các tàu tên lửa và thậm chí là cả trực thăng tấn công Ka-52K, với các tên lửa Kh-35UE, Kalibr… có tầm phóng từ 300-660km, giúp Nga có thể tiêu diệt nốt các biên đội tàu sân bay, trước khi chúng áp sát bờ biển Nga.

Nếu các tiêm kích hạm trên tàu sân bay Mỹ có thể xuất kích, chúng sẽ gặp phải một sát thủ ghê gớm là hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400, với phạm vi tấn công xa đến 400km và trong tương lai là hệ thống S-500 với tầm phóng tới 600km.

my bat luc truoc phong tuyen a2ad cua nga
Hệ thống phòng thủ bờ biển Bastion-P và tên lửa phòng không S-400 là nòng cốt của tuyến chống xâm nhập

S-400 có thể phóng 5 loại tên lửa có tầm bắn xa tới 400km và độ cao từ 5m-185km, hình thành một lưới phòng không đa tầm, đa lớp, kiêm luôn chức năng phòng thủ tên lửa tầm trung và tầm gần, tính năng vượt trội “người tiền nhiệm” thuộc thế hệ S-300.

Hệ thống S-400 có thể được sự hỗ trợ của các hệ thống phòng không tầm xa, tầm trung trên bờ hoặc trên hạm khác như S-300F hay Shtil, Buk, S-350… và đặc biệt là các tiêm kích đánh chặn điển hình của Nga thuộc dòng MiG như MiG-29, MiG-31, MiG-35.

Nếu lực lượng hải quân Mỹ có thể vượt qua tuyến chống tiếp cận thì họ cũng sẽ tổn thất lớn và không thể vượt qua tuyến chống xâm nhập. 2 tuyến phòng thủ rất mạnh này sẽ giúp không quân và hải quân Nga ngăn chặn thành công các biên đội tàu sân bay Mỹ và tiêm kích hạm áp sát bở biển nước mình.

Nguyễn Ngọc Toàn