Một năm sau cái chết của Osama bin Laden

14:33 | 01/05/2012

1,175 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đã một năm trôi qua từ khi Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố nhân vật khủng bố khét tiếng nhất trên thế giới Osama bin Laden, lãnh tụ mạng lưới khủng bố al Qaeda, bị tiêu diệt, nhưng nước Mỹ vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết liên quan cái chết của trùm khủng bố này.

Câu chuyện một năm trước

Nhà Trắng hiếm khi tổ chức một cuộc họp báo vào lúc muộn tối Chủ nhật trừ khi có sự kiện bất thường diễn ra. Tuyên bố bất ngờ của Nhà Trắng vào lúc 21h45 ngày 1/5/2011 về việc Tổng thống Obama sẽ có phát biểu trước truyền hình khoảng 1 giờ, gây ra sự hiếu kỳ trong nhiều người Mỹ và có nhiều giả thiết được đưa ra:

Liệu đã có bước tiến vọt nào đó trong cuộc chiến tại Libya? Vì đây là luôn là chủ đề nóng bỏng từ khi NATO tham gia cuộc chiến chống lại lực lượng của Moammar Gadhafi.

Quân đội Mỹ sắp chuyển tới một vị trí khác của thế giới Ả-rập?

Đã có một vụ tấn công khủng bố khác xảy ra?

Hay khả năng thủ lĩnh al Qaeda Osama bin Laden cuối cùng cũng bị mang ra xét xử trước công lý? Đây là tin mà người dân Mỹ đã chờ đợi gần một thập kỷ qua, kể từ khi trùm khủng bố này gây ra tội ác kinh hoàng ngày 11/9/2001.

Nhà Trắng đã không đưa ra trước các thông tin chi tiết về nội dung phát biểu của Tổng thống Obama nhưng điều này cũng đủ để mọi người cố gắng tìm cách lấp đầy những tò mò. Những suy đoán bắt đầu nở rộ, đặc biệt trên phương tiện thông tin đại chúng. Điều quan trọng gì đang diễn ra khiến nước Mỹ không thể chờ tới sáng?

Cho tới thời điểm Obama đăng đàn vào lúc 23h30, cả thế giới đã biết chính xác: “Mỹ đã chỉ huy một chiến dịch tiêu diệt thành công Osama bin Laden, thủ lĩnh của al Qaeda và là một phần tử khủng bố chịu trách nhiệm về cái chết của hàng nghìn đàn ông, phụ nữ và trẻ em vô tội”.

Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố trên truyền hình về cái chết của trùm khủng bố Osama bin Laden tối 1/5/2011

Tuy nhiên, Tổng thống Obama lại không có cơ hội là người đầu tiên công khai thông tin quan trọng này. Một giờ trước tuyên bố của Obama, thông tin đã bị rò rỉ ra bên ngoài bởi cố vấn cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld là ông Keith Urbahn, ông này viết trên mạng xã hội tweeter: “Tôi được một người đáng tin cậy thông báo rằng họ đã giết chết Osama bin Laden. Quả là quá nóng!”.

Thông tin rò rỉ đã không lấy đi nhiều thời gian để các hãng tin tức lớn đưa ra khẳng định: phần tử khủng bố bị truy nã gắt gao nhất trên thế giới đã chết, đã 8 năm trôi qua kể từ khi Tổng thống Bush tuyên bố “Sứ mệnh hoàn thành”.

Giáo sư lịch sử và quan hệ quốc tế William Keylor của Đại học Boston đánh giá: “đây là một sự kiện không thể tin nổi. Nó khép lại sự kiện 11/9”. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định “al Qaeda đã bị làm suy yếu nhiều nhưng nó vẫn tiếp tục tồn tại”.

Sau khẳng định về cái chết của bin Laden, lễ ăn mừng diễn ra khắp mọi nơi trên nước Mỹ. Rất đông người tụ tập trước Nhà Trắng, mang theo cờ Mỹ và hát vang quốc ca, cùng đứng trước ống kính truyền hình bày tỏ sự vui mừng và chúc tụng nhau. Thậm chí tại một trận đấu bóng chày đang diễn ra tại Philadelphia, cổ động viên hai đội đã cùng đồng thanh hô vang: "U-S-A, U-S-A!”

Người dân Mỹ đổ ra Quảng trường Thời đại ăn mừng, hò reo, vẫy cờ Mỹ khi nghe tin bin Laden đã chết

Lễ ăn mừng cũng được tổ chức tại Ground Zero, vị trí trước đây là tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới.

Rất nhiều người Mỹ không tin vào những gì đang diễn ra, họ thực sự vui mừng. Một cảnh sát New York đã nghỉ hưu có tên Bob Gibson trả lời truyền hình: “Tôi không bao giờ nghĩ điều này sẽ đến, khi chúng ta bắt hoặc giết bin Laden. Và cảm ơn Chúa, hắn đã bị tiêu diệt. Rất nhiều trong số chúng tôi đã phải ra đi. Nhưng điều này thực sự diễn ra và chúng tôi hết sức vui mừng”.

“38 phút căng thẳng nhất trong cuộc đời”

Vào sáng hôm sau, dư luận nước Mỹ bắt đầu có sự chuyển hướng. Khi cảm xúc bất ngờ ban đầu về vụ việc dần dịu lại, công chúng muốn biết chi tiết hơn, được nghe nhiều hơn những giải thích cụ thể về vụ việc. Làm thế nào Mỹ tìm ra được bin Laden? Tại sao hắn lại bị giết mà không phải bắt sống? Ai thực sự là người giết hắn?

Câu trả lời nhanh chóng được giải đáp, đó chính là biệt đội đặc nhiệm SEAL đã điều khiển 2 máy bay tới Abbottabad, Pakistan, nơi bin Laden đang sống tại một dinh thự 3 tầng với khoảng hơn hai chục người, đây toàn là những người thân cận, trong đó có một người đưa thư đáng tin cậy nhất. Mỹ đã lần theo dấu vết người đưa thư trong nhiều năm và cho tới tháng 9/2010, CIA đã báo cáo với Tổng thống Obama về việc bin Laden đang sống tại dinh thự này. Dinh thự có giá tới 1 triệu đô và bao quanh bởi tường cao với hàng rào thép gai, nằm ngay sát một trường huấn luyện quân sự của Pakistan.

Ngày 29/4/2011, sau vài cuộc họp với Hội đồng An ninh Quốc gia, Obama quyết định cho tấn công mục tiêu này. Trong chiến dịch kéo dài gần 40 phút, biệt đội SEAL đã vượt qua những bức tường của dinh thự và kiểm tra cẩn thận tất cả các phòng của từng tầng. Bin Laden cùng vợ được tìm thấy trong một phòng ở tầng 3 và đã bị bắn chết khi đang hoảng hốt tìm cách chốn thoát.

Điều này nghe giống như những gì diễn ra trong một bộ phim hành động của Hollywood. Và tất cả sự việc đã được ghi lại bởi camera kỹ thuật số gắn trên mũ của các thành viên của biệt đội SEAL.

Các quan chức chính quyền Mỹ xem truyền hình trực tiếp chiến dịch truy quét bin Laden tại Phòng Tình huống, Nhà Trắng

Trong một bức ảnh được công bố bởi Nhà Trắng, cho thấy Tổng thống Obama, Phó Tổng thống Joe Biden, Ngoại trưởng Hillary Clinton, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates và các quan chức Nhà Trắng khác ngồi tại Phòng Tình huống Nhà Trắng xem trực tiếp vụ đột kích. Ngoại trưởng Clinton sau đó thốt lên rằng đây là “38 phút căng thẳng nhất trong cuộc đời”.

Tranh cãi tiếp diễn sau chiến dịch

Mặc dù chiến dịch được đánh giá là thành công rực rỡ nhưng Mỹ vẫn gặp phải nhiều vấn đề nan giải liên quan tới chiến dịch này. Cuộc tập kích diến ra ngay trên lãnh thổ Pakistan, tuy nhiên Mỹ đã không hề thông báo trước cho nước này biết việc máy bay Mỹ sẽ thâm nhập lãnh thổ nước này để tiêu diệt bin Laden.

Mỹ và Pakistan đã cộng tác với nhau trong nhiều năm nhằm tìm kiếm bin Laden và tiêu diệt các phần tử cực đoan khu vực biên giới giữa Pakistan – Afghanistan. Nhưng Mỹ lo sợ việc tiết lộ trước với Pakistan có thể gây nguy hiểm cho chiến dịch của Mỹ và đánh động tới bin Laden nên đã giữ bí mật hoàn toàn về kế hoạch này. Điều này khiến Pakistan cảm thấy rất bực tức về thái độ hoài nghi của Mỹ và bị làm nhục bởi sự xâm phạm chủ quyền lãnh thổ mà không báo trước của Mỹ.

Mặt khác, các quan chức Mỹ còn tỏ ra nghi ngờ vì Pakistan không hề hay biết gì về việc bin Laden ẩn nấp tại một nơi “khá dễ phát hiện” trên lãnh thổ Pakistan. Giám đốc CIA thời điểm đó là Leon Panetta đã nói với các nghị sỹ Mỹ trong một cuộc họp kín rằng quan chức Pakistan đã “dính líu hoặc yếu kém” trong việc phát hiện ra nơi ẩn náu của bin Laden. Pakistan tỏ ra hết sức hết sức phẫn nộ với những động thái từ các quan chức trong chính quyền Mỹ và tuyên bố sẽ xem xét lại quan hệ đồng minh với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố.

Bên cạnh những rắc rối mà Mỹ phải gánh chịu do thực hiện chiến dịch một cách đơn phương trên lãnh thổ Pakistan thì việc Mỹ quyết định giữ bí mật các bức ảnh liên quan tới vụ việc cũng gây ra nhiều tranh cãi trong chính nội bộ Mỹ.

Trong cuộc tập kích, lực lượng Mỹ đã thu được 10 ổ đĩa cứng, 5 máy tính và hơn 100 phương tiện lưu trữ khác chứa đựng các thông tin bí mật về các hoạt động của al Qaeda. Lực lượng này cũng tìm thấy một vài đoạn video, trong đó có những đoạn quay bin Laden khá tiều tụy, khoác chăn, xem các hình ảnh của chính bản thân mình trên một chiếc tivi bắt sóng vệ tinh.

Thomas Mockaitis, tác giả cuốn “Tiểu sử Osama bin Laden” cho rằng: “Thực tế của việc giết bin Laden không chỉ là sự thành công to lớn mà còn làm cho hình ảnh bin Laden không còn huyền bí nữa. Họ đã cho thấy bin Laden dường như là một người mắc chứng hoang tưởng và khá là lập dị. Ông ta không phải là người vĩ đại, mạnh mẽ… mà ông ta có vẻ như mắc chứng tự yêu bản thân. Tiết lộ điều này cũng quan trọng như việc giết chết bin Laden vì nó làm giảm sự kính trọng đối với ông ta”.

Tuy nhiên, hình ảnh thật về cái chết của bin Laden như thế nào vẫn chưa được Chính quyền Obama công khai. Chính quyền Mỹ quyết định giữ bí mật các bức ảnh do việc công bố chúng có thể kích động bạo lực hoặc bị bọn khủng bố lợi dụng để tuyên truyền nhằm tuyển dụng lực lượng.

Rất nhiều người Mỹ trong đó có các luật sư phản đối quyết định này của Chính quyền Mỹ, họ cho rằng mình có quyền được xem các bức ảnh. Một vài người bày tỏ sự hoài nghi: Làm sao họ có thể tin rằng bin Laden đã chết nếu như họ không thấy bằng chứng? Thượng nghị sỹ John McCain, đối thủ của ông Obama trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2008, tuy không nghi ngờ về cái chết của bin Laden nhưng ủng hộ việc công khai các bức ảnh và đã có các cuộc tranh cãi kéo dài cả năm trời về việc công khai các bức ảnh.

Chính quyền Mỹ đã yêu cầu Tòa án Liên bang Mỹ không được công khai các bức ảnh vì lợi ích an ninh của chính nước Mỹ. Chính vì thế, ngày 27/4 vừa qua, Tòa án Liên bang Mỹ đưa ra quyết định sẽ không công bố các bức ảnh để đảm bảo an ninh cho nước Mỹ.

Bin Laden bị tiêu diệt nhưng cuộc chiến chống khủng bố vẫn chưa chấm dứt

Báo cáo tình báo của Mỹ công bố vào tháng 1 vừa qua đánh giá, cuộc chiến chống khủng bố sẽ tiếp diễn và sẽ còn nhiều khó khăn phía trước. Cái chết của bin Laden chắc chắn đã làm suy yếu sức mạnh của al Qaeda, nhưng các tổ chức thành viên bao gồm Taliban, al-Shabaab và al Qaeda tại bán đảo Ả-rập sẽ tiếp tục nuôi tư tưởng chống Mỹ. Những “con sói đơn độc” (thuật ngữ dùng để chỉ những phần tử gây ra các hành động khủng bố đơn lẻ) đang là mối đe dọa lớn, giống như những gì chúng gây ra ở Na-uy và Pháp trong thời gian qua.

Tất nhiên, mối đe dọa khủng vẫn bố tiếp diễn không phải là điều ngạc nhiên với Obama vì ông đã cảnh báo còn rất nhiều việc phải làm sau cái chết của bin Laden cách đây 1 năm. Ông đã phát biểu “cái chết của bin Laden không đánh dấu sự chấm hết nỗ lực của chúng ta. Chắc chắn rằng al Qaeda sẽ tiếp tục theo đuổi các cuộc tấn công chống lại Mỹ. Mỹ nhất thiết phải duy trì sự cảnh giác ở trong nước và bên ngoài.”

Khôi Nguyên