Một loại “cò” mới

17:26 | 07/05/2012

436 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Cò” là từ xuất hiện trong xã hội đã lâu. Từ 2 chữ “cò mồi” (để nhử, câu), “cò” chỉ những kẻ làm việc môi giới, dẫn dắt, ăn tiền của người muốn giải quyết việc gì đó hoặc mua thứ gì đó mà cần nhanh, chắc chắn được việc.

Xã hội đã nhức nhối với nạn “cò” ở khắp nơi, “chặt, chém” khách, gây mất trật tự, làm hư hỏng một bộ phận cán bộ, viên chức biến chất, tiếp tay cho các loại “cò” để ăn chia. Người dân đã quá quen thuộc với một số loại “cò” vẫn đang ngang nhiên hoạt động ngay trước mắt các nhà chức trách (cò vé xe hỏa, máy bay; cò bệnh viện, cò đăng ký xe máy, ô tô, cò thi lấy các loại bằng lái xe).

"Cò" đăng ký họat động trước Cổng trụ sở Công an huyện Hoài Đức

Thậm chí, trong một số lĩnh vực liên quan đến pháp luật cũng có “cò”: cò chạy án, chạy ra tù, chạy các dự án. Mỉa mai hơn nữa, tuy chưa phổ biến nhưng đã có “cò” chạy chức, chạy quyền, học hàm, học vị, chạy vào đại học, thưởng huân, huy chương…Tóm lại, con người trong xã hội cần gì mà không dễ tự lo thì đều có “cò” sẵn sàng, nhiệt tình “giúp”.

Gần đây, xuất hiện một loại “cò” khiến ai cũng bất bình, bức xúc. Đó là “cò”…nộp phạt hộ người vi phạm giao thông. Vừa qua, một người dân đã cung cấp cho tờ báo nọ đoạn tư liệu ghi lại toàn bộ cuộc đối thoại giữa người này với nhân viên làm nhiệm vụ ở đội thanh tra giao thông quận Ba Đình (Hà Nội).

Qua đó, thấy rõ viên thanh tra kia đã nhận của người khách vi phạm luật giao thông 50.000 đồng để…nộp phạt hộ. Khách không muốn mất thời gian đến kho bạc nộp tiền nên sẵn sàng chấp nhận trả khoản “phí” này. Hơn nữa, “cò” nộp phạt hộ lại mặc sắc phục riêng với phù hiệu đàng hoàng, nhận tiền công khai chứ không lén lút như các loại “cò” khác đã khiến người vi phạm cảm thấy mình như là không có lỗi, có phần yên tâm, thanh thản. Chỉ mất số tiền không đáng kể, lại tiết kiệm được thời gian. Quá thuận tiện. Có lẽ ai vi phạm, bị phạt, hẳn là cũng lựa chọn giải pháp thuê “cò” như vậy.

Mỗi ngày, chắc chắn phải có nhiều người vi phạm nhiều loại lỗi khác nhau. Trong một tuần, một tháng, khoản tiền các “cò” thu được từ việc nộp phạt hộ người vi phạm sẽ là bao nhiêu? Vấn đề không chỉ là việc họ đã “làm tiền” một cách không chính đáng mà chủ yếu là làm xấu đi hình ảnh của lực lượng thanh tra giao thông – những người đang được Nhà nước giao phó trách nhiệm cùng với cảnh sát giao thông xử lý mọi hành vi vi phạm an toàn giao thông, lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực này. Tuy mới chỉ là cá biệt nhưng nếu ngành GTVT Hà Nội không kịp thời ngăn chặn, xử lý thì việc làm không đàng hoàng này sẽ phát triển, gây phản cảm và phản tác dụng trong xã hội.

Ninh Bình