Một kiểu 'kinh doanh' giáo dục?

06:57 | 03/12/2015

1,499 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thông tin Trường đại học (ĐH) Kinh doanh và Công nghệ được Bộ Giáo dục & Đào tạo cho phép mở hai ngành đào tạo là y khoa và dược học đã khiến dư luận dậy sóng. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với GS Phạm Tất Dong và GS Trần Xuân Nhĩ - hai cựu cán bộ quản lý giáo dục lão thành xung quanh vấn đề đào tạo ĐH.  

Làm hết trách nhiệm hay chưa?

PV: Thưa GS Phạm Tất Dong và GS Trần Xuân Nhĩ, xin hai vị cho biết ý kiến của mình về việc này?

GS Phạm Tất Dong: Việc làm này khiến dư luận dậy sóng cũng là điều dễ hiểu. Bởi ngay từ cái tên Kinh doanh & Công nghệ đã không ăn nhập gì với ngành y, ngành dược rồi. Nhưng tôi thấy thế này, việc để một trường mở thêm bất cứ ngành nào trong thời điểm hiện tại cũng đều cần phải xem xét, chứ chưa kể đến những ngành đặc thù như y, dược. Hiện nay, ngay cả các trường chuyên đào tạo y khoa thì sinh viên ra trường vẫn chưa có việc làm, thất nghiệp nhiều, toàn phải tự kiếm việc làm ngoài. Vậy mở thêm để làm gì, nhất lại là ở những trường không chuyên sâu? Điều này thật khó hiểu!

mot kieu kinh doanh giao duc
GS Phạm Tất Dong

Thêm nữa, về việc cấp phép, tôi cũng từng làm thủ tục xin được mở trường cho Hội Khuyến học và phải chờ trên 5 năm mà vẫn không được cấp phép. Để thấy rằng, muốn được cấp phép cho một trường ĐH hay một ngành mới là rất khó khăn. Như vậy, việc cấp phép đào tạo cho ngành y, ngành dược, là hai ngành liên quan đến tính mạng con người thì cơ sở vật chất phải hết sức đầy đủ cũng như đội ngũ cán bộ phải được chuẩn bị kỹ lưỡng với trình độ chuyên sâu. Điều này, Trường Kinh doanh và Công nghệ có lẽ cũng đã chuẩn bị nhưng tôi chưa thực sự tin tưởng. Nhiều năm làm việc với các trường ngoài công lập, không phải tất cả, nhưng tôi thấy đa phần chưa chuẩn bị kỹ các phòng, ban chuyên môn, nếu có thì chỉ là để… cho có, còn lại thiên về đào tạo lý thuyết là phần nhiều. Nên để một trường ngoài ngành, đào tạo y, dược liên quan trực tiếp đến sinh mạng con người tôi thấy cần phải rất cẩn trọng.

GS Trần Xuân Nhĩ: Hiện nay, ĐH có những trường đơn ngành, chuyên ngành, đa ngành… Loại hình là như vậy, nhưng bất cứ trường nào cũng phải theo tiêu chí đáp ứng đủ những yêu cầu như cơ sở vật chất, thầy cô giáo, để có thể đảm bảo được chất lượng học sinh. Khi cơ quan quản lý xem xét họ cũng dựa trên điều kiện này, đặc biệt là với những trường đa ngành thì còn phải tính đến cả nhu cầu của xã hội. Bất kỳ trường ĐH nào cũng phải đáp ứng những điều kiện đó, thì mới được cấp phép, không có ngoại lệ nào. Với trường hợp của Trường Kinh doanh và Công nghệ khi cấp phép thì Bộ Y tế và Bộ Giáo dục & Đào tạo đồng thời phải nghiên cứu xem có đủ cơ sở vật chất, giáo sư, tiến sĩ… hay không? Nếu hội đủ thì cho phép chứ không có định kiến gì. Tuy nhiên, điều tôi muốn nhấn mạnh đó là hai bộ đã làm hết trách nhiệm hay chưa? Còn nếu anh cấp phép quá dễ dàng vì một lý do nào đấy thì khi đó mới là vấn đề đáng bàn.

mot kieu kinh doanh giao duc
GS Trần Xuân Nhĩ

Chứ hiện tại ở Việt Nam đội ngũ y tế để phục vụ người dân, vùng sâu vùng xa còn thiếu thốn rất nhiều… Vì thế, cũng nên tạo điều kiện cho các trường được đào tạo. Quan trọng là các tiêu chí đưa ra và trách nhiệm của cơ quan cấp phép chứ không phải trường. Trường có đủ điều kiện, có đủ kinh phí, đảm bảo được thì không có gì sai.

PV: Ngành y, dược lâu nay vốn đòi hỏi đặc biệt nghiêm ngặt về quy trình dạy và học, vì đây là công việc liên quan trực tiếp đến sinh mạng con người. Vậy thì quyết định này của Bộ GD&ĐT cho thấy, ngay cả một ngành quan trọng như y, dược cũng có thể bị lôi kéo vào vòng xoáy của “cơn lốc” đào tạo hiện nay?

GS Phạm Tất Dong: Việc đào tạo ĐH không phải bây giờ mới đáng báo động mà đã từ nhiều năm nay rồi. Tôi thấy dường như chúng ta đang đào tạo không theo một quy hoạch nào cả, cứ đưa ra một số chỉ tiêu, thậm chí không căn cứ vào nhu cầu để đưa ra chỉ tiêu đó. Cứ trường này được lấy bao nhiêu chỉ tiêu tuyển sinh, trường khác bao nhiêu chỉ tiêu nhưng không có những luận chứng cẩn thận nên dẫn tới thực trạng là ngành thừa, ngành thiếu. Mà chủ yếu ở đây là thừa vô tội vạ. Để rồi người chịu thiệt nhất là các em sinh viên, là phụ huynh của các em đã bỏ tiền ra cho con em họ học rồi lại hứng chịu hai chữ thất nghiệp.

Vậy lỗi do đâu? Thì ở nhiều yếu tố. Nhưng trước hết, điều mà chúng ta dường như quên mất là sinh viên vào các trường ĐH là để được đào tạo chuyên sâu. Mà đã chuyên sâu thì phải cho “ra lò” những chuyên gia, là chuyên gia thì phải được đào tạo dựa trên nền tảng nhất định. Không phải ngẫu nhiên mà mỗi trường ĐH nó lại có tên riêng của nó. Đó là lý do mỗi trường chỉ đào tạo một loại hình nhân cách. Ví dụ đào tạo giáo viên thì đào tạo thầy giáo chứ không thể đào tạo thầy thuốc được… Như vậy là “treo đầu dê bán thịt chó”.

Vậy nên một trường trước nay đào tạo những chuyên ngành chẳng liên quan gì đến y khoa mà bỗng một ngày được cấp phép đào tạo thì e rằng có uẩn khúc. Thêm nữa, trong khi chúng ta đang kêu gọi không nên đào tạo đa ngành, đa nghề trong một trường… thì nên thực hiện theo chủ trương đó. Còn việc đào tạo nhầm sân, nhất là với ngành y như thế là không thể chấp nhận được.

GS Trần Xuân Nhĩ: Trong đào tạo, chất lượng đầu ra như thế nào mới là điều đáng bàn, chứ mình nói đầu vào điểm thấp không quan trọng. Nhiều học sinh Việt Nam thi ĐH trượt, ra nước ngoài học về vẫn thành đạt. Theo tôi, chúng ta cũng đừng nên thành kiến quá khi mà nền giáo dục chúng ta đang có nhiều vấn đề ở ngay chính từ những cấp thấp nhất.

Thời đại ngày nay phải thay đổi tư duy, ở trên thế giới học sinh tốt nghiệp phổ thông có thể đăng ký đi học hầu hết các trường ĐH, nhưng đều phải kiểm tra đầu vào, miễn sao anh có đủ điều kiện và sẽ được phân hóa sau khi vào trường, rồi kiểm tra để loại bỏ hoặc bồi dưỡng để đào tạo thành sinh viên có đủ kiến thức đáp ứng như cầu xã hội.

PV: Vài năm gần đây, thực trạng của các trường ĐH ngoài công lập đã khiến dư luận vô cùng thất vọng, chưa kể đến việc nhiều trường đang trong tình trạng “chết lâm sàng”. Liệu cách cho phép mở thêm các ngành nghề “hot” có phải là động thái mới để “cứu” các trường ĐH ngoài công lập không?

GS Phạm Tất Dong: Tôi cho rằng không ai cứu được ngoài việc tự cứu mình. Ngay từ khi thành lập các trường phải biết thế mạnh của mình ở đâu chứ không phải thích thì đào tạo. Thực tế cho thấy là trường ĐH được mở ra vô tội vạ và cũng đang chết dần, chết mòn đấy thôi. Đấy là sự đào thải tất yếu của xã hội, anh không cạnh tranh được trong nền kinh tế thị trường thì anh chết là đúng rồi. Như tôi đã nói, cái tồn đọng nhất của các trường ĐH ngoài công lập ở đây là chất lượng. Hồi tôi còn công tác ở Ban Khoa giáo Trung ương Đảng, theo dõi mảng giáo dục tôi thấy rất rõ là các trường ĐH ngoài công lập, nhiều trường đào tạo kiểu cho có. Những ngành cần phải thực hành, cần máy móc hiện đại thì không mấy trường đáp ứng được, mà chủ yếu nghiêng về đào tạo lý thuyết. Đào tạo mãi thì cũng phải thừa, còn những ngành cần vượt trội thì anh lại không có vốn liếng đầu tư. Mà cái nổi trội của những trường ngoài công lập là gì? Là phải đầu tư bảo đảm cho sinh viên thực hành, tiến gần tới thực tế công việc chứ không phải chỉ trong sách vở.

Hành động cấp phép thêm các ngành “hot” cho các trường ngoài công lập của Bộ GD&ĐT khiến dư luận đặt câu hỏi, tôi cho rằng, cũng không phải không có cơ sở. Mà nói thẳng là dường như người ta đang kinh doanh giáo dục. Và việc mở trường vô tội vạ đã có hệ lụy của nó, chúng ta đang phải hứng chịu đây. Bao nhiêu cử nhân thất nghiệp ngoài kia, đã là câu trả lời!

GS Trần Xuân Nhĩ: Không nên nghĩ như thế! Thực sự thì không thể áp dụng mô hình đào tạo của thế giới vào Việt Nam nhưng nếu nói chúng ta đang loạn ĐH, đang đào tạo ra những sinh viên kém chất lượng thì cũng không hẳn đúng. Các trường không tuyển đủ sinh viên không phải lỗi ở các trường. Họ chỉ có lỗi một phần mà phần này là do cơ chế tuyển sinh. Ở Nhật nếu tính hệ thống trường ĐH/số dân còn gấp mấy lần ở ta nhưng cái quan trọng là chưa đủ điều kiện nhưng cứ cấp phép vì thế nên mới cho ra ào ào. Bây giờ thì tiến thoái lưỡng nan, phải tìm cách giải quyết.

Tôi nghĩ chính Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng đang rất đau đầu về vấn đề này, sinh ra rồi giờ không thể giết nó, nên đành phải tìm cách cứu nó. Thực ra, để nghĩ ra biện pháp giết nó thì dễ, nuôi cho nó phát triển thì khó vô cùng.

Trách nhiệm từ phía cơ quan quản lý

PV: Vậy theo ông, sai lầm trong định hướng đào tạo hệ ĐH của chúng ta hiện nay là gì, thưa ông?

GS Phạm Tất Dong: Dường như chúng ta đang làm ngược, đó là lấy định hướng từ giáo dục phổ thông mà định hướng cho giáo dục ĐH, thay vì lấy giáo dục ĐH để định hướng cho giáo dục phổ thông. Có cảm giác như chúng ta đang tiến tới phổ cập ĐH.

ĐH là gì? Nghĩa là những người học rộng. Nhưng chúng ta đang đánh mất dần ý nghĩa của hai chữ này. Quan điểm của tôi là muốn đội ngũ trí thức đủ năng lực để đổi mới đất nước thì phải có những trường ĐH tử tế. Không có trường ĐH nào kém mà đào tạo được trí thức cả. Các trường ĐH kém chỉ đào tạo được trí thức dởm thôi. Chúng ta cứ dựng lên những trường ĐH rồi cho ra những tấm bằng cũng là ĐH đấy, nhưng thực chất, chất lượng thì chỉ dừng ở mức trung cấp thôi. Vậy nên, tình trạng đào tạo ĐH hiện nay khiến người ta không còn tin tưởng vào hai chữ ĐH, không phải ai có bằng ĐH cũng đều là tri thức. Anh đào tạo bằng ĐH, rồi anh nói là đào tạo trí thức thì đấy là anh chỉ lòe dân mà thôi. Đào tạo ra trí thức thất nghiệp đầy ra thì làm sao có thể gọi là trí thức được.

Tại sao tôi cứ phải nhấn mạnh đến việc đào tạo chuyên sâu. Vì cách đào tạo ĐH của chúng ta bây giờ chú trọng về số lượng còn quên hẳn chất lượng. Chúng ta đang không có những trường ĐH đẳng cấp nên không có đội ngũ đào tạo đẳng cấp.

Nhìn vào Harvard ở Mỹ xem, đa phần các tổng thống đều bước ra từ trường đó. Hay như ở Trung Quốc thì hầu như các nhà chính trị gia đều do trường Thanh Hoa đào tạo. Còn ở Việt Nam thì sao, đào tạo toàn chạy theo thị trường, thị hiếu và không có đào tạo đặc thù, đào tạo chuyên sâu. Bây giờ giữa hàng trăm trường ĐH trên cả nước, để nói trường nào có chất lượng đào tạo tốt thì rất khó. Bởi mỗi trường một sở trường, sở đoản riêng và không thực sự nổi trội. Còn những trường chỉ giỏi phá chất lượng ĐH thì lại quá nhiều.

GS Trần Xuân Nhĩ: Vấn đề là kể cả làm thợ thì cũng phải là thợ giỏi. Cả xã hội phải hiểu rõ một người thợ giỏi thì còn gấp mấy kỹ sư tồi, y tá trưởng giỏi quý hơn bác sĩ dốt. Bạn cứ hình dung trong một mâm cơm chỉ cá, thịt không cũng không ăn nổi, phải có rau, dưa… Xã hội cũng vậy thôi. Cái này gần như một cuộc cách mạng để thay đổi về cách nghĩ, nếp nghĩ của toàn xã hội. Làm thầy cho ra thầy, thợ cho ra thợ.

Tôi thì nghĩ, nhiều ĐH có đâu? Công nhân có thể học lên ĐH, miễn sao đảm bảo đúng chất lượng. Đó là nhu cầu của con người chất lượng trong thời đại mới. Cái chúng ta cần và nên chống là thạc sĩ, tiến sĩ dỏm.

Với ĐH giờ cần xem xét ở nhiều khía cạnh chứ không phải đơn giản. Trước chúng ta đã lỡ cấp phép ồ ạt khiến nhiều trường từ cơ sở vật chất đến đội ngũ giảng dạy đều không đáp ứng đủ yêu cầu. Giờ chỉ có cách làm mọi biện pháp để khắc phục. Chính Bộ chứ không phải cơ quan nào khác phải xắn tay áo để hỗ trợ các trường đảm bảo chất lượng đầu ra. Chỉ có cách đó mới có thể giúp các trường tốp dưới sống được. Bằng không thì Bộ cũng nên can đảm làm một cuộc đại phẫu. Đành rằng tác hại rất lớn, không chỉ đơn giản là các thành viên của nhà trường mà còn ảnh hưởng đến cả xã hội, nhưng chấp nhận mất hẳn còn hơn để sống trong tình trạng dở sống dở chết. Nơi để đào tạo ra những con người có trình độ học thức không thể duy trì ở tình trạng như vậy.

PV: Vậy việc mà Bộ GD&ĐT cần làm bây giờ có phải là bắt đầu quy hoạch lại các trường ĐH theo đúng chuyên ngành, để chất lượng sinh viên được tốt hơn thay vì đào tạo tràn lan?

GS Phạm Tất Dong: Một điều nhận rõ là đào tạo ĐH của chúng ta hiện nay chưa gắn kết với các điều kiện khác như với doanh nghiệp, với nhu cầu sản xuất. Chúng ta cứ nói rằng, bộ ba sản xuất - doanh nghiệp và đào tạo cùng phát triển. Nhưng tôi thấy các trường ĐH có làm được điều đó đâu. Còn nhiệm vụ chính yếu là đơn vị nghiên cứu khoa học thì đa phần các trường  ĐH hiện nay cũng chưa đủ điều kiện. Vậy cái mà các trường ĐH đang hướng đến là gì?

Đã đến lúc phải sòng phẳng. Rồi quy định lại hệ thống ĐH cho thật ưu việt. Mà nói đúng thực tế, trường nào đào tạo vớ vẩn thì cạnh tranh xã hội sẽ “bóp chết” anh thôi. Nhiều trường ĐH đang đứng trên bờ vực phá sản đó thôi, không làm cách khác được. Anh kém thì anh tự bị đánh bật. Nhưng cách đào thải này cần thời gian và nó vô tình làm lũng đoạn thị trường ĐH hiện tại. Nên theo tôi, mạnh tay nhất bây giờ là phải từ phía cơ quan chủ quản.

Đừng có muốn là mở thêm trường, thêm ngành. Lý do mà Bộ GD&ĐT chấp nhận cho Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ được đào tạo y, dược ở đây là gì? Nếu bảo thiếu các y, bác sĩ thì hãy chỉ ra cụ thể là thiếu bao nhiêu và vì sao không tăng chỉ tiêu cho các trường đã có quyền đào tạo thay vì giao phó cho một đơn vị mới toanh, mà kết quả thì chưa biết đâu mà lần?!

GS Trần Xuân Nhĩ: Ngày nay xu hướng trường chuyên ngành, đa ngành vẫn tồn tại. Nhưng điều quan trọng nhất là nhu cầu xã hội cần đến mức nào, anh đào tạo ra chất lượng có đáp ứng được hay không? Hiện vẫn đang tồn tại một nghịch lý là các tổ chức, cơ quan vẫn cần người làm việc, nhưng sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu. Chưa kể việc phân bổ theo ngành nghề cũng có sự khập khiễng lớn.

Tôi còn nhớ có một thời gian, trường nào cũng xin được cấp phép mở khoa kế toán và hậu quả là năm nào cũng có kế toán thất nghiệp. Nhưng vấn đề này phải thẳng thắn chỉ ra trách nhiệm là do cơ quan quản lý. Chứ bản thân các trường muốn đào tạo phải có cơ quan quản lý, cấp trên cho phép thì mới làm được. Cái thẩm quyền cấp phép rất quan trọng. Nếu thực sự cơ quan quản lý có tâm, có tầm thì việc đào tạo đã không xảy ra nhiều hệ lụy như hôm nay…

 PV: Xin cảm ơn hai giáo sư về cuộc trò chuyện này!

Bộ Y tế cho biết, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ mở ngành vừa rồi là do trường liên tục đề nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo vì đã chuẩn bị các điều kiện để mở ngành. Tuy nhiên, về phía Bộ Y tế vẫn yêu cầu cần phải thành lập đoàn thẩm định liên ngành. Trên cơ sở đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế đã cử cán bộ tham gia đoàn thẩm định do một Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ Giáo dục và Đào tạo làm Trưởng đoàn. Đây là lần đầu tiên Bộ Y tế được tham gia thẩm định mở ngành đào tạo trong lĩnh vực y tế mà Thông tư số 08/2011/TT-BGDĐT ngày 17-2-2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa quy định việc này. Sau khi xem xét đề án cũng như kiểm tra các điều kiện cụ thể của trường tại cơ sở Bắc Ninh, đoàn thẩm định thống nhất trường cần bổ sung, làm rõ thêm để hoàn thiện đề án. Bộ Y tế cũng đã nêu rõ trường cần bổ sung, hoàn thiện và làm rõ một số vấn đề liên quan đến các nội dung yêu cầu về chuyên môn như: đội ngũ giảng viên cơ hữu chuyên ngành, cơ sở thực tập tại trường, bệnh viện thực hành ngoài trường và sự tham gia của các giảng viên cơ hữu chuyên ngành tại các cơ sở thực hành ngoài trường… Theo quy định hiện hành, việc xem xét và quyết định cho phép mở ngành đào tạo thuộc thẩm quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong thời gian tới, hai bộ sẽ tiến hành kiểm tra việc duy trì các điều kiện đảm bảo việc mở ngành và chất lượng đào tạo đối với các cơ sở đào tạo nhân lực y tế trong cả nước nói chung và Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ nói riêng. Trường hợp không đáp ứng các điều kiện do Bộ Y tế đề xuất, Bộ Y tế sẽ kiến nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho ngừng tuyển sinh.

 

Nhóm Phóng viên

Năng lượng Mới 479

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

(PetroTimes) - Đợt khảo sát tháng 3/2024, đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt đã ghi nhận thêm 22 hang động mới và 3 hang động khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.