Môi trường giáo dục thành… thương trường?

14:44 | 05/06/2018

269 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dư luận còn chưa “êm” trước việc Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đổi tên các trạm thu phí BOT thành trạm “thu giá” thì Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) lại thổi bùng ngọn lửa bức xúc khi đề xuất đổi “học phí” thành “giá dịch vụ đào tạo”.

Lý do mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đưa ra là để tính đúng, tính đủ các chi phí cần thiết cho hoạt động giáo dục - đào tạo, đúng quy định của Luật Giá. Theo đó, cách gọi “giá dịch vụ đào tạo” được đề xuất trong Luật Giáo dục đại học sửa đổi, được hiểu là bao gồm phí dịch vụ đào tạo, dịch vụ tuyển sinh và các khoản thu dịch vụ khác.

Người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng: Học phí là khái niệm lâu nay, giờ chuyển sang tự chủ có rất nhiều chương trình đào tạo phải tính đến chi phí dịch vụ theo Luật Giá, bảo đảm tương xứng chất lượng đào tạo. Việc tính toán toàn bộ chi phí để hạch toán theo tự chủ thì gọi là “giá dịch vụ đào tạo”.

moi truong giao duc thanh thuong truong
Học sinh nộp học phí

Đề xuất này ngay lập tức đã gặp phải những ý kiến trái chiều từ dư luận, số đông bức xúc khi “học phí” được đổi thành “giá dịch vụ đào tạo” thì trường đại học nghiễm nhiên trở thành nơi mua - bán, vô hình trung làm mất đi sự tôn nghiêm của môi trường giáo dục. Chưa kể, cũng giống như việc đổi “thu phí” thành “thu giá” BOT không chỉ đem đến sự mập mờ về khái niệm mà còn mang đến những lo lắng khi triển khai sẽ dễ phát sinh tiêu cực.

Còn các chuyên gia giáo dục băn khoăn: Việc thay đổi thuật ngữ “học phí” thành cụm từ “giá dịch vụ đào tạo” sẽ khiến người ta hiểu môi trường giáo dục đại học Việt Nam đang được biến thành thương trường.

Chia sẻ với phóng viên Báo Năng lượng Mới, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT, cho rằng: “Việc đổi khái niệm “học phí” thành “giá dịch vụ đào tạo” dễ khiến người ta hiểu giáo dục thành hàng hóa, thương mại. Điều này không phù hợp với môi trường giáo dục. Theo tôi, nếu có muốn chuyển thì nên chuyển thành “chi phí đào tạo”. Đương nhiên, quy trình thực hiện để có được mức học phí hay chi phí đào tạo cụ thể thế nào thì Bộ GD&ĐT cần phải tính toán kỹ lưỡng”.

Theo ông Khuyến, điều căn bản là chúng ta cần hiểu mục tiêu đào tạo cần ra sản phẩm gì? Mục tiêu đào tạo cao của các trường đại học hàng đầu đương nhiên sẽ khác so với các trường chỉ đào tạo ở mức trung bình. Sau khi đặt ra mục tiêu, các trường sẽ đi đến tính chi phí đào tạo. Trong đó, phải cụ thể phần do Nhà nước hỗ trợ, phần được huy động từ cộng đồng và phần chi phí tính toán cho người học.

“Học phí không thể là từ chung chung để chỉ tất cả chi phí trên, càng không thể sánh bằng hay quy đổi thành giá dịch vụ đào tạo. Bởi, nếu học phí nhiều thì người dân cũng không chịu nổi. Vậy nên, giá dịch vụ đào tạo cũng phải nằm trong ngưỡng, không thể đưa ra những giá “trên trời” mà gọi đó là phí dịch vụ” - TS Lê Viết Khuyến nói.

Lo ngại việc đổi “học phí” thành “giá dịch vụ đào tạo” sẽ tạo điều kiện cho các trường tận thu, GS.TS Phạm Tất Dong - Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - cho rằng: Không nên thay thế “học phí” thành “giá dịch vụ đào tạo”.

Ông Phạm Tất Dong lý giải, từ “phí” là chi phí, là hao tổn trong tiêu dùng. Nếu cắt nghĩa từ “học phí” thì có thể hiểu đơn giản là tiền sinh viên nộp cho nhà trường trong khoảng thời gian nhất định về việc học tập. Số tiền này đương nhiên là đã được Nhà nước quy định trong một khung nhất định. Còn “giá” là giá trị của một vật, được quy định bằng tiền. “Giá dịch vụ đào tạo” là tiền mà các trường có thể tự ý đưa ra tùy theo dịch vụ mà nhà trường cung cấp cho sinh viên. Vì thế, nhà trường có thể tăng cũng có thể giảm “giá dịch vụ đào tạo”. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các trường có thể thay đổi giá tùy thích, đồng nghĩa với việc sẽ tạo điều kiện cho các trường lạm thu.

“Cứ cho rằng việc này phù hợp với xu hướng giao quyền tự chủ cho các trường. Nhưng tôi thấy rằng, sự thay đổi chỉ nhăm nhe vào việc thu tiền. Tại sao chúng ta không hướng tới một nền giáo dục phi lợi nhuận như các nước có nền giáo dục phát triển khác? Một nền giáo dục văn minh là nền giáo dục hạ học phí, thậm chí là miễn phí học phí cho học sinh chứ không phải nghĩ thu phí làm sao cho đủ” - GS.TS Phạm Tất Dong nói.

Huyền Anh