Mềm mại sâu lắng một giọng thơ

18:56 | 25/01/2021

275 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đọc tập thơ “Khép vội gió heo may” của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hà (NXB Hội nhà văn) ta thấy hiển hiện một kỳ nữ hòa quyện cùng vẻ đẹp đất trời non sông, một người say đắm với từng ngọn cỏ, tình yêu trai gái đương thì, với hoa xuân, với sông núi, với heo may gió thu về. Bất chợt một cựa mình của trời đất, đều làm nổi thi hứng ào ạt như suối nguồn không bao giờ cạn nơi nữ thi sĩ.
Mềm mại sâu lắng một giọng thơ
Tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hà

Thơ của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hà đậm đà tính nữ. Cái tình của người nữ làm mềm lả cỏ cây, làm ướt rượi hoa lá và cả đất trời vần vũ mướt mát trong cơn say đắm yêu đương. Với nữ sĩ này, bất kể sự cựa động nhỏ nhoi nào của cây lá, cỏ hoa, dường như cũng là biểu hiện của tình tự, của thế thái nhân tình, của khát khao tận hiến và nỗi đau còn hôi hổi. Con người và thiên nhiên không còn khoảng cách, không còn phân biệt, và cảm xúc, tinh thần của người, của cây, của hoa cũng hòa quyện làm một.

“ta bước qua tấm thân trần tục của mình

để ngả vào sự tinh khiết của hoa

nhờ hương thơm

thuần hóa nỗi đau không chịu cũ

hoa rực rỡ

cho đất trời say lả gió

cho cỏ cây mây mưa

cho nụ hôn chếnh choáng phút giao mùa

người có hay

ta ngát buồn

trong hoa ngát hương”

(Bài thơ “Trong hoa ngát hương”)

Câu chữ trong thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà dường như mềm mại, lẳng lặng chảy trên từng trang giấy, nhưng sức mạnh của suy tưởng, của tình cảm lại như sóng ngầm trong từng khổ thơ, và bùng lên ở cuối bài. Sâu lắng, da diết, day dứt, từng câu thơ, từng ý thơ lặn vào tận trong ruột người đọc. Thơ chị dễ làm người đọc xúc động, cũng dễ khiến được sự cảm thông. Người đọc thấy được mình trong đó, từ những đam mê, khát khao, từ những nỗi buồn đẹp đẽ, hay cả nỗi tuyệt vọng trong đợi chờ cũng đẹp đẽ, cũng đáng để ta cất giữ, nâng niu trong tim, mỗi lần hửng trời, trái tim muốn hát ca, thì lại đem hong cho tâm tư được giải khát.

Mềm mại sâu lắng một giọng thơ
Bìa tập thơ

“thôi đừng gọi chị bằng em

để lời mưa gió ướt đêm hội làng

thôi đừng lối dọc tình ngang

để cho hờn dỗi đa mang dỗi hờn

chị ôm đầy ắp trăng tròn

chờ đến mỏi mòn em có lớn đâu

ngày chị buộc phải làm dâu

mắt em một thoáng chị đau cả đời

ngược xuôi trên cánh đồng người

cái thuở chín mười ấm ngọt khó quên…”

(Bài thơ “Miền trinh nguyên”)

Dữ dội bão táp nhất trong tập thơ, có lẽ là nỗi đồng cảm đàn bà trong bài “Lội qua vùng khát”. Bóng ma của chiến tranh hiển hiện, trong sự mất mát không thể bù đắp, và nó không chỉ kéo dài suốt đời người phụ nữ, nó ám ảnh trong thói quen, trong văn hóa, trong căn cốt con người cả một thế hệ. Chỉ cần bốn khổ thơ không dài, bài thơ này của tác giả đã vẽ nên toàn cảnh thời hậu chiến, trong cơn khát yêu của người đàn bà, vẽ nên mất mát đau thương của cả một dân tộc, có lẽ khó có thể chấp nhận, dù chúng ta là người chiến thắng.

Cái tài của Nguyễn Thị Ngọc Hà, đó là nâng “vùng khát” lên thành biểu tượng của nỗi đau thế hệ phụ nữ đi qua chiến tranh, còn sống trở về nhưng cuộc chiến trong lòng thì không thể chấm dứt và không thể có thắng - thua. Cũng chính vì ám ảnh của “vùng khát”, mà bài thơ này đã được phổ nhạc thành một bài hát tuyệt hay, do ca sĩ Thái Bảo thể hiện thành công.

“em khát anh

hơn trời âm u khát nắng

khát anh

hơn ruộng khô cạn khát mưa

khát anh

hơn giáp hạt khát ngày mùa

anh ở đâu

tận ngoài vùng khát

ngày không anh

mâm cơm vẫn một bát

đũa một đôi một bóng một đèn

đêm không anh

đêm vỡ

em gỡ gió lội qua vùng khát

cởi mong manh khỏa trần ngà ngọc

dâng đất trời

tròn vạnh trinh nguyên

đất trời tặng em đứa con không cha

em

thành người đàn bà thả trôi mười hai bến nước

nuôi con một mình

bằng dòng sữa chắt ra từ năm tháng chiến tranh

từ hương hoa nơi anh ngã xuống

từ giông tố trong em

thuở vợi xuân thì”

(Bài thơ “Lội qua vùng khát”)

Chiến tranh đi qua, nhưng giông tố trong lòng người đàn bà thì ở lại. Mãi mãi, chúng ta cần nhớ và trân trọng điều này, người đàn bà can đảm đêm đêm vực mình “lội qua vùng khát”.

Kiều Mai