MB kinh doanh ra sao trong quý đầu năm 2023?
Vụ thế chấp 25 ngàn thẻ cào giả: Ngân hàng MB nhận trách nhiệm |
MB đang đổ tiền vào ngành nào nhiều nhất? |
Lợi nhuận tại ngân hàng MB được “cứu cánh” nhờ chi phí dự phòng/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Trong khi các ngân hàng ghi nhận lãi lớn từ nhiều mảng như từ thu nhập lãi thuần đến lãi từ dịch vụ, kinh doanh ngoại hối thì ngân hàng TMCP Quân đội (MB, HOSE: MBB) cho kết quả ảm đạm ở các mảng kinh doanh chính và “cứu cánh” nhờ cắt giảm chi phí dự phòng.
Theo đó, tại quý I/2023, ngân hàng MB ghi nhận hoạt động chính là thu nhập lãi thuần đạt hơn 10.227 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là nguồn thu duy nhất tăng trưởng trong quý đầu năm tại ngân hàng này.
Trong khi đó, lãi từ hoạt động dịch vụ tại MB giảm 38% so với cùng kỳ, chỉ còn gần 690 tỷ đồng, do giảm thu từ dịch vụ tư vấn còn 3,8 tỷ đồng, giảm 89%, giảm thu từ xử lý nợ, thẩm định giá và khai thác tài sản còn 69 tỷ đồng, giảm 84% và giảm thu từ môi giới chứng khoán còn 93 tỷ đồng, giảm 63%.
Các mảng kinh doanh khác như ngoại hối đạt hơn 370 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ do tăng chi về các công cụ tài chính phái sinh tiền tệ 844 tỷ đồng cao gấp 2,6 lần.
Lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh cũng giảm 63%, còn 37 tỷ đồng và lãi từ chứng khoán đầu tư giảm 87%, còn 135 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 4%, đạt gần 8,362 tỷ đồng. Tuy nhiên trong kỳ, ngân hàng MB trích gần 1.850 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, giảm 13% . Do đó MB vẫn ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 6.512 tỷ đồng.
Đáng chú ý, mảng kinh doanh bảo hiểm vốn là “con gà đẻ trứng vàng” và mang về hàng nghìn tỷ đồng, đóng góp lớn vào cơ cấu doanh thu của MB trong vài năm trở lại đây. Bởi lợi thế vận hành hai công ty bảo hiểm gồm MIC và MB Ageas Life, MB trở thành gương mặt nổi trội, có bước nhảy vọt về doanh thu bảo hiểm. Năm 2022, ngân hàng này ghi nhận doanh thu 10.185 tỷ đồng từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm, chiếm tới 71,5% tổng doanh thu từ mảng dịch vụ (năm 2021 là 68%).
Tuy nhiên, sau hàng loạt lùm xùm về hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance), kết thúc quý 1/2023, thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm tại ngân hàng MB có xu hướng giảm 11% so với cùng kỳ, ghi nhận hơn 2.086 tỷ đồng, song vẫn chiếm tới 73% doanh thu từ mảng dịch vụ.
“Gồng mình” trả lãi tiền gửi
Năm 2022, cuộc đua tăng lãi suất huy động để hút tiền gửi của người dân liên tiếp lập đỉnh mới. Theo thống kê, lãi suất huy động đã tăng khoảng 3-4%/năm tại nhiều ngân hàng kể từ đầu năm đến cuối năm. Chẳng hạn như thời điểm từ tháng 10, 11, 12/2022, lãi suất huy động tại MB lên mức cao nhất là 7,4%/năm rồi leo lên mức 8,6/năm với kỳ hạn dài nhất 60 tháng.
Theo các chuyên gia, việc huy động với mức lãi suất cao có thể khiến cho chi phí đầu vào của các ngân hàng tăng lên. Các hệ quả của cuộc đua lãi suất có thể được nhìn thấy trong quý I/2023.
Thực tế cho thấy, báo cáo tài chính quý I/2023 của các ngân hàng nói chung và của riêng ngân hàng MB nói riêng đều ghi nhận chi phí trả lãi tiền gửi tăng đột biến so với giai đoạn trước từ đó bào mòn lợi nhuận.
Nguồn: BCTC quý 1/2023 tại ngân hàng MB |
Tại ngân hàng MB, năm 2022, trả lãi tiền gửi chỉ tăng 21% lên hơn 10.889 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết thúc 3 tháng đầu năm 2022, phí trả lãi tiền gửi đã tăng vọt 126% so với cùng kỳ 2022, lên mức 5.186 tỷ đồng, chiếm 50% tổng chi phí lãi và các chi phí tương tự.
Đặc biệt, trong quý đầu năm 2023, chi phí lãi phát hành giấy tờ có giá tại ngân hàng MB cũng tăng mạnh 105% so với cùng kỳ, lên hơn 1.384 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí lãi tiền vay tăng 104% lên gần 536 tỷ đồng và chi phí các hoạt động tín dụng khác cũng tăng khiến tỏng chi phí lãi và các chi phí tương tự tăng vọt 118% so với cùng kỳ, ghi nhận gần 7.156 tỷ đồng.
Việc chi phí lãi tiền gửi tại ngân hàng này gia tăng đột biến là hệ quả của “cuộc đua” tăng lãi suất huy động trong quý cuối năm ngoái.
Ngoài chi phí trả lãi tiền gửi, nhiều loại chi phí khác như trả lãi tiền vay, trả lãi phát hành giấy tờ có giá, hoạt động tín dụng khác cũng tăng lên ở đa số các ngân hàng là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận ngành ngân hàng giảm tốc trong quý đầu năm 2023 (tại MB, lợi nhuận quý I/2023 chỉ tăng nhẹ 10% so với cùng kỳ).
Áp lực nợ xấu và lãi dự thu bắt đầu hiển hiện, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm mạnh
Tuy ghi nhận lãi trong 3 tháng đầu năm, song chất lượng tài sản của ngân hàng MB đang có dấu hiệu suy giảm khi nợ xấu và lãi dự thu đều tăng. Con số này thể hiện khá rõ nét trong báo cáo tài chính quý I/2023 vừa được nhiều ngân hàng công bố.
Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm nay, lãi dự thu tại MB tăng tới 22% so với đầu năm, từ 6.786 tỷ đồng lên gần 8.270 tỷ đồng.
Lãi dự thu (các khoản lãi và phí phải thu) là khoản lãi dự kiến sẽ thu được trong tương lai và là một phương thức hạch toán trong bảng cân đối kế toán của ngân hàng, Tuy nhiên, nếu lãi dự thu không thể thu hồi trong thời gian dài có thể do nợ xấu hoặc bên phải trả mất khả năng thanh toán thì sẽ có những rủi ro nhất định. Con số lãi dự thu càng lớn, khả năng tác động đến lợi nhuận của ngân hàng càng cao.
Nợ xấu tại MB tính đến 31/3/2023 tăng tới 68% so với đầu năm, ghi nhận hơn 8.453 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất, từ 1.517 tỷ đồng hồi đầu năm lên hơn 3.455 tỷ đồng, tương đương tăng tới 128% so với đầu năm. Nợ nghi ngờ cũng tăng tới 33% lên hơn 1.622 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn tăng tới 47% lên hơn 3.375 tỷ đồng.
Do đó, đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 1,09% đầu năm lên 1,76%.
Đáng nói, nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) tại ngân hàng MB tính đến cuối quý 1/2023 tăng tới 114% so với đầu năm, từ 7.809 tỷ đồng leo lên 16.675 tỷ đồng. Tuy chưa được xếp vào nhóm nợ xấu nhưng việc nợ cần chú ý nhảy vọt cho thấy khả năng tiềm ẩn nợ xấu của ngân hàng đang ở mức khá cao.
Chi tiết nợ xấu (Nguồn: BCTC quý I/2023 tại ngân hàng MB) |
Không những nợ xấu và lãi dự thu tăng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng cũng đột ngột giảm mạnh do nhà băng này giảm chi phí dự phòng rủi ro so với cùng kỳ.
Theo đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng MB giảm từ 238% hồi đầu năm xuống còn 138% tính đến 31/3/2023, tương đương giảm 99,8%. Đây được coi là mức giảm mạnh nhất trong hệ thống.
Rủi ro nợ xấu là một trong những thách thức lớn với ngành ngân hàng trong năm 2023, khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn khiến khả năng chống chịu của các doanh nghiệp giảm sút, cùng với sự trầm lắng của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp. Trên thực tế, số dư nợ xấu của nhiều ngân hàng đã tăng mạnh trong quý đầu năm.
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) được dùng để đánh giá khả năng phòng thủ của ngân hàng trước những rủi ro liên quan đến nợ xấu. Với tỷ lệ trích lập dự phòng lớn, ngân hàng càng có khả năng ứng phó với những rủi ro bất thường liên quan đến nợ xấu nhưng đồng thời cũng sẽ làm sụt giảm lợi nhuận của ngân hàng.
Khả năng phòng thủ của các ngân hàng về nợ xấu được thể hiện qua tỷ lệ bao phủ nợ xấu được tính bằng Số dư dự phòng nợ xấu/Tổng dư nợ xấu. Các ngân hàng không phải bắt buộc trích lập 100% với tất cả khoản nợ xấu của mình, đây có thể là lý do khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu quý I/2023 tại ngân hàng MB đột ngột giảm mạnh.
Huy Tùng - Hoàng Long
-
WGC: Giá vàng sẽ “giằng co” vào năm 2025
-
Luật thuế thu nhập cá nhân cần phải sớm thay đổi tiêu chí giảm trừ gia cảnh
-
Đồng chí Phạm Đức Ấn - Chủ tịch HĐTV Agribank được chỉ định Phó Bí thư Tỉnh ủy và giới thiệu bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
-
Giá vàng hôm nay (10/12): Thị trường thế giới tiếp tục tăng
-
Thuế thu nhập cá nhân 11 tháng vượt dự toán cả năm hơn 10.000 tỷ đồng