Mão & Mẹo

10:12 | 10/07/2013

|
Bạn đọc: Xin ông cho biết tại sao năm Mão cũng gọi là năm Mẹo. Đây là năm Thỏ hay năm Mèo, thưa ông? Nguyễn Thụy Dân

Học giả An Chi: Sở dĩ năm Mão cũng còn gọi là năm Mẹo là vì mẹo là âm Hán Việt xưa của chữ mão 卯, tên của chi thứ tư trong mười hai (địa) chi, mà ngoài Bắc gọi là một giáp còn trong Nam thì kêu là con giáp.

Về mối quan hệ ngữ âm -ao ~ -eo giữa mão và mẹo, ta có nhiều thí dụ để dẫn chứng:

- Báo  có âm xưa là beo (trong hùm beo);
- Háo  (hao hụt) có âm xưa là héo;
- Lao  (trong Ai Lao) có âm xưa là Lèo;
- Trạo  có âm xưa là chèo.

Đặc biệt là chính chữ mão 卯, với nghĩa là lỗ mộng, vẫn còn giữ được âm xưa của nó là mẹo, nay vẫn còn hiện diện trong danh ngữ đẳng lập mộng mẹo. Nghĩa này đã được Mathews Chinese English Dictionary đối dịch là “a mortise”. Tiếng Hán có thành ngữ duẫn đầu mão nhãn, có nghĩa là mộng và lỗ mộng, mà thực ra ta đã có sẵn danh ngữ đẳng lập mộng mẹo để đối dịch. Chẳng qua bây giờ mẹo đã trở thành một từ cổ.

Năm Mão ở Việt Nam là năm con Mèo nhưng ở Trung Quốc và một vài nước Đông Á khác thì lại là năm con Thỏ. Còn tại sao lại như thế thì trước nhất xin giới thiệu lời giải thích của Philippe Papin, nhà sử học người Pháp của EPHE (Ecole Pratique des Hautes Etudes), đã được nhiều người, nguồn dẫn lại trên mạng. Theo Radio-Canada.ca ngày 3-2-2011, thì Papin đã giải thích nguyên văn như sau:

“Mão en chinois (lapin) se rapproche de mèo en vietnamien (chat). Il s'agit d'un glissement du sens en suivant la pente du son, comme souvent”.

(Mão (thỏ) trong tiếng Hán gần (âm) với mèo trong tiếng Việt. Ở đây, do cái đà (trớn) của âm thanh mà ta có một sự trượt nghĩa, như vẫn thường thấy).

Thế có nghĩa là, theo Papin, thì vì mèo (của tiếng Việt) gần âm với mão là thỏ (của tiếng Hán) nên năm Mão mới trở thành năm con mèo. Về âm thì đúng như thế và thực ra nếu nhà sử học người Pháp này biết đến âm Hán Việt xưa của chữ Mão 卯 là Mẹo thì có lẽ ông sẽ thấy cái dốc (pente) kia càng “đứng” hơn, nghĩa là cái đà kia càng làm cho người ta dễ trượt hơn. Nhưng về nghĩa  ông lại sai ngay từ đầu vì đã khẳng định rằng, trong tiếng Hán thì Mão 卯 có nghĩa là “thỏ”. Không, Mão 卯 không có nghĩa là “thỏ” vì thỏ chỉ là sinh tiếu 生肖, nghĩa là con vật cầm tinh của chi Mão mà thôi. Cái mà hiện nay một số nhà khoa học đang muốn chứng minh về mặt ngữ nghĩa thì lại là: Mão có nghĩa là mèo (chứ không phải thỏ). Đây là một trường hợp sinh động gợi ý cho ta rằng một sự nghiên cứu liên ngành bao giờ cũng hữu ích: nhà sử học đâu có nhất thiết cũng là một nhà ngữ học, càng khó là một nhà ngữ học cừ khôi!

Đối với người Trung Hoa thì ứng với chi Mẹo lại là con thỏ chứ không phải con mèo. Những tộc người nói các ngôn ngữ Tày - Thái chịu ảnh hưởng văn hóa của người Trung Hoa từ xa xưa cũng đã theo họ mà xem con vật ứng với chi Mẹo là con thỏ. Trong ngôn ngữ hàng ngày và ngôn ngữ văn học của tiếng Lào, con thỏ gọi là ka tài. Nhưng ứng với chi Mẹo, thì con vật đó lại không được gọi là ka tài mà lại được gọi là thó. Và pi thó là năm con Thỏ (pi là năm). Trong tiếng Xiêm, tức tiếng Thái Lan, con thỏ gọi là kra tài nhưng năm con thỏ thì cũng là pi thó như trong tiếng Lào.

Thó của tiếng Lào và tiếng Xiêm bắt nguồn ở một từ tiếng Hán ghi bằng chữ 兔 mà âm Hán Việt xưa là thỏ còn âm nay là thố (Marc Reinhorn trong Dictionnaire laotien-français, Paris, 1979, đã nhầm khi cho rằng thó của tiếng Lào bắt nguồn từ tiếng Việt). Các ngôn ngữ Miêu - Dao cũng có chịu ảnh hưởng của tiếng Hán và văn hóa Hán nên cũng có hệ thống năm, tháng, ngày, giờ tính theo thập can và thập nhị chi. Chẳng hạn, trong tiếng Dao ở Việt Nam thì tên của chi Mẹo là Mão và ứng với chi này cũng là con thỏ mà tiếng Dao gọi là thù (Dẫn theo Bế Viết Đẳng và các tác giả khác, Người Dao ở Việt Nam, Hà Nội, 1971, tr.321-322). Đây cũng là một từ Dao bắt nguồn từ tiếng Hán đã nói trên đây.

Nhưng trên đây chỉ là xét theo hiện đại chứ nếu xét theo lịch đại thì rất có thể là thoạt kỳ thủy, trong tâm thức của người Trung Hoa, con mèo mới đúng là con vật ứng với chi Mão (Mẹo) vì:

– Mèo chính là âm xưa nhất của chữ Mão, xưa hơn cả Mẹo;
– Thập nhị chi chính là tên của mười hai con vật tương ứng (sinh tiếu) với từng chi chứ không phải là gì khác.

A.C