Lực lượng vũ trang lâu đời nhất thế giới tái khởi động cuộc chiến với các công ty dầu mỏ

10:59 | 13/09/2024

2,012 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Lực lượng vũ trang Colombia đã mở lại cuộc chiến với ngành công nghiệp dầu mỏ bằng loạt tấn công vào đường ống, làm dầu tràn ra sông và khói đen bao phủ bầu trời.
Lực lượng vũ trang lâu đời nhất thế giới tái khởi động cuộc chiến với các công ty dầu mỏ
Du kích ELN tuần tra trên một dòng sông. (Ảnh: Ivan Valencia/Bloomberg)

Lực lượng vũ trang Quân đội Giải phóng Quốc gia Colombia (ELN) đang tái khởi động chiến dịch phá hoại kéo dài 6 thập kỷ sau khi các cuộc đàm phán hòa bình với chính phủ thất bại. Điều này tạo thêm áp lực cho Tổng thống Colombia Gustavo Petro khi nhóm phiến quân này tấn công vào ngành dầu mỏ, nguồn xuất khẩu chính của Colombia. Nhóm này cũng đã gia tăng xung đột với lực lượng an ninh, tấn công các căn cứ cảnh sát và phục kích binh sĩ.

Bao gồm ít nhất 19 vụ tấn công vào đường ống dẫn dầu kể từ cuối tháng 8. Điều này đang làm trầm trọng thêm vấn đề an ninh và sự bất mãn ở các thành phố. Tuần trước, chính phủ đã phải nhượng bộ yêu cầu của các tài xế xe tải vì cuộc đình công của họ khiến các trường học và giao thông công cộng bị tê liệt.

Ngành dầu mỏ Colombia cũng đang gặp khó khăn với việc giảm trữ lượng, thuế cao và sự phản đối từ Tổng thống Petro, vì ông muốn loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và từ chối cấp giấy phép thăm dò mới để bảo vệ môi trường.

Các cuộc tấn công gần đây cho thấy ELN vẫn nhắm vào ngành dầu mỏ và chưa có dấu hiệu dừng lại. Hành vi tống tiền tinh vi của lực lượng này cũng đang nhắm vào các doanh nghiệp hoạt động trong địa bàn của họ.

ELN từ lâu đã coi ngành công nghiệp dầu mỏ là mục tiêu quân sự cũng như là nguồn tài chính. Theo người đứng đầu Đài quan sát hòa bình tại Đại học Quốc gia Colombia ở Bogota cũng là cựu chỉ huy cấp cao của nhóm Carlos Velandia, ELN tin rằng Colombia phải có chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên của mình, thay vì bán quyền cho các công ty tư nhân, bởi vì các công ty dầu mỏ đã ký hợp đồng có lợi cho chính họ nhưng không tốt cho đất nước.

Dù các gián đoạn từ Colombia không đủ lớn để làm rung chuyển thị trường toàn cầu, thì cuộc xung đột này là một ví dụ về tình trạng bạo lực ở các khu vực khai thác dầu thô trên thế giới.

Công ty Dầu khí Quốc gia Ecopetrol SA của Colombia cho biết các cuộc tấn công và đình công của tài xế đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của công ty.

Công ty chưa cung cấp ước tính về mức sản lượng đã bị cắt giảm kể từ khi các cuộc tấn công tái diễn.

Tính đến ngày 6/9, đường ống Caño Limon-Coveñas vẫn bị hư hại, trong khi đường ống Bicentenario đã hoạt động trở lại. Sau khi đặt thuốc nổ, ELN thường triển khai mìn và lính bắn tỉa để khiến quân đội và đội sửa chữa khó vào khu vực này hơn.

Hầu hết các cuộc tấn công gần đây diễn ra ở tỉnh Arauca, thành trì lớn nhất của ELN. Hai đường ống dẫn dầu kết nối Arauca, nơi khai thác khoảng 58.000 thùng dầu/ngày (tương đương 7% sản lượng của quốc gia).

Tổng thống Petro đã hứa mang lại hòa bình thông qua đàm phán với các nhóm phiến quân, nhưng các cuộc đàm phán với ELN đã thất bại vào tháng 5. Một trong những lí do là vì chính phủ từ chối xóa tên nhóm này khỏi danh sách các tổ chức tội phạm có tổ chức, mặc dù lệnh ngừng bắn vẫn được duy trì cho đến tháng 8.

Mạng lưới tống tiền

Công ty điện Grupo Energia Bogota SA đã gặp phải mạng lưới tống tiền của ELN khi nghiên cứu xây dựng đường dây điện nối Arauca với lưới điện quốc gia. Các cuộc tống tiền từ ELN đã làm tăng chi phí kinh doanh ở Arauca.

Theo Giám đốc điều hành của Công ty Juan Ricardo Ortega, các cuộc trấn áp của ELN đã biến Arauca thành một trong những nơi kinh doanh đắt đỏ nhất ở Colombia.

Theo ông Velandia, các công ty phải đối mặt với việc tăng giá dịch vụ và hàng hóa do yêu cầu của ELN. Việc trả tiền cho một nhóm vũ trang bất hợp pháp có thể bị Mỹ buộc tội tài trợ cho khủng bố, nhưng lại không có cách nào để tránh sự đe dọa từ ELN.

Ông Velandia nói thêm: “Không thể tránh khỏi việc giao dịch với họ, nhưng không nhất thiết phải giao dịch trực tiếp”. Một phương pháp phổ biến là các tổ chức xã hội tổ chức đình công để buộc công ty phải chi tiền cho các dự án xã hội như mở đường hoặc xây dựng phòng khám sức khỏe. Qua đó nhóm du kích nhận được phần lợi ích.

Theo Rodrigo Villamizar, cựu Bộ trưởng Năng lượng Colombia và hiện là người đứng đầu Electra, một tổ chức tư vấn về lĩnh vực điện lực, các công ty thường phải đối mặt với một quyết định khó khăn. Họ thấy rằng việc trả tiền cho quân du kích và chấp nhận rủi ro bị Mỹ trừng phạt còn rẻ hơn so với việc từ chối các yêu cầu của quân du kích. Vì điều này có thể dẫn đến việc các công ty có thể phải dừng hoạt động.

Tại Arauca, ELN đã trở nên giàu có từ việc tống tiền các doanh nghiệp và nhà thầu của chính phủ đến mức nhóm này quyết định không còn muốn hoặc cần sản xuất cocaine trong lãnh thổ của mình và đã cấm nó trên toàn tỉnh rộng 24.000 km².

Tổng thư ký LHQ kêu gọi đánh thuế lợi tức đối với các công ty dầu mỏTổng thư ký LHQ kêu gọi đánh thuế lợi tức đối với các công ty dầu mỏ
Các công ty dầu mỏ tăng cường đốt khí đốt trong khi khoan lên mức cao nhất 5 nămCác công ty dầu mỏ tăng cường đốt khí đốt trong khi khoan lên mức cao nhất 5 năm
Các công ty dầu mỏ quốc tế vướng vào mạng lưới buôn lậu dầu của người KurdCác công ty dầu mỏ quốc tế vướng vào mạng lưới buôn lậu dầu của người Kurd

Nh.Thạch

AFP