Các công ty dầu mỏ quốc tế vướng vào mạng lưới buôn lậu dầu của người Kurd

09:59 | 15/07/2024

3,152 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Người Kurd đã không thể xuất khẩu dầu qua đường ống trong hơn một năm nay do những xung đột lợi ích với Baghdad, nhưng dầu thô vẫn tiếp tục chảy ra khỏi khu vực bán tự trị của Iraq bằng xe bồn đến biên giới với Iran.
Ảnh: OP
Ảnh: OP

Ước tính hơn 1.000 xe bồn sẽ vận chuyển ít nhất 200.000 thùng dầu mỗi ngày từ khu vực của người Kurd tới Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, theo một cuộc điều tra của Reuters.

Mặc dù giá dầu thô được buôn lậu ra khỏi khu vực bán tự trị phía bắc được báo cáo là khoảng 40 USD/thùng trong các giao dịch mờ ám này, nhưng giao dịch vẫn sinh lợi, đặc biệt là so với những khó khăn mà chính quyền khu vực Kurdistan phải đối mặt khi không có doanh thu từ dầu mỏ trong năm qua.

Theo Reuters, hoạt động buôn lậu ước tính mang lại khoảng 200 triệu USD mỗi tháng. Một số nguồn tin nói rằng hoạt động buôn lậu dầu có thể đã xảy ra mà chính quyền khu vực và liên bang đã biết. Các nguồn tin công nghiệp, chính trị và ngoại giao tiết lộ rằng, khi đến Iran, dầu sẽ được chất lên tàu tại các cảng Iran ở vùng Vịnh tại Bandar Imam Khomeini và Bandar Abbas, hoặc vận chuyển bằng đường bộ đến Afghanistan và Pakistan.

Các nguồn khác cho biết không ai thực sự biết điều gì sẽ xảy ra với doanh thu 200 triệu USD hằng tháng từ các hoạt động này.

Hoạt động kinh doanh buôn lậu đã phát triển mạnh kể từ khi đóng cửa tuyến đường ống dẫn tới cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ, khu vực bán tự trị của thành viên lớn thứ hai trong khối OPEC từng vận chuyển dầu ra nước ngoài cho đến tháng 3/2023.

Hoạt động xuất khẩu qua đường ống tới Thổ Nhĩ Kỳ, với công suất khoảng 450.000 thùng/ngày, đã bị đình chỉ vào năm ngoái do tranh chấp về việc ai ủy quyền xuất khẩu cho người Kurd.

Tình trạng bế tắc xảy ra sau phán quyết của Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) vào tháng 3 năm 2023 về tranh chấp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq liên quan đến dầu mỏ của người Kurd. ICC ra phán quyết có lợi cho Iraq, nước đã lập luận rằng Thổ Nhĩ Kỳ không nên cho phép xuất khẩu dầu của người Kurd qua đường ống Iraq-Thổ Nhĩ Kỳ và cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ mà không có sự chấp thuận của Chính phủ liên bang Iraq.

Thời điểm hiện tại, chỉ có công ty tiếp thị dầu mỏ nhà nước SOMO của Iraq mới có quyền bán dầu thô được khai thác tại Iraq. Và dường như việc mở lại đường ống dẫn dầu đến Ceyhan trên bờ biển Địa Trung Hải của Thổ Nhĩ Kỳ không phải là ưu tiên của các chính quyền Baghdad.

Vào tháng 11 năm 2023, công ty DNO của Na Uy, một trong sáu thành viên của Hiệp hội Công nghiệp Dầu mỏ Kurdistan (APIKUR), cho biết các công ty dầu khí quốc tế hoạt động ở Kurdistan sẽ không khai thác dầu để xuất khẩu, cho đến khi họ hiểu rõ về thời hạn và điều khoản thanh toán tương lai và bán hàng, trong khi một số công ty vẫn tiếp tục khai thác dầu cho thị trường nội địa.

Trên thực tế, việc buôn lậu làm tăng thêm từ 200.000 đến hơn 300.000 thùng/ngày vào nguồn cung của Iraq, theo ước tính của Reuters. Các quan chức Iraq đã coi hoạt động thương mại này là một trong những lý do khiến Iraq cho đến nay vẫn chưa hạn chế được sản lượng của mình theo thỏa thuận OPEC+.

Iraq đã không tuân thủ các mức cắt giảm hiện tại mặc dù liên tục cam kết sẽ có trách nhiệm thực hiện điều này hơn trong tương lai.

Các kế hoạch bù đắp đã được chuẩn bị cho Iraq, cũng như Kazakhstan, thành viên ngoài OPEC, thuộc nhóm OPEC+ nhưng cũng không tuân thủ hạn ngạch của mình. Chỉ riêng từ tháng 1 đến tháng 3/2024, sản lượng vượt hạn mức cộng dồn của Iraq ở mức 602.000 thùng/ngày, theo ước tính của OPEC.

Iraq có giới hạn sản lượng 4 triệu thùng/ngày. Nhưng họ đã bơm 4,189 triệu thùng/ngày trong tháng 6 – giảm 25.000 thùng/ngày so với tháng 5. Tuy nhiên, con số đó cao hơn gần 200.000 thùng/ngày so với thỏa thuận OPEC+.

Bình An

OP