Xử phúc thẩm Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm:

Luật sư của Lý Xuân Hải đề nghị hủy một phần án sơ thẩm

16:10 | 09/12/2014

752 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 9/12, HĐXX Tòa án Nhân dân Tối cao tiếp tục xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm. Trong phần tranh tụng bào chữa cho thân chủ là bị cáo Lý Xuân Hải, Luật sư Nguyễn Đình Hưng đề nghị HĐXX tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm quy kết bị cáo Lý Xuân Hải phạm tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” vì lý do chưa có hồi kết trong vụ Huỳnh Thị Huyền Như.

Mở đầu phiên làm việc, Luật sư Nguyễn Đình Hưng đề nghị HĐXX xem xét lại việc viện dẫn và áp dụng Luật Các tổ chức tín dụng 2010, tại bản án sơ thẩm khi quy kết bị cáo Lý Xuân Hải phạm tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, bởi luật này có hiệu lực vào ngày 1/1/2011.

Theo Luật sư Nguyễn Đình Hưng, Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB ra chủ trương ủy thác cho nhân viên mang tiền đi gửi là ngày 22/3/2010. Nhưng khi Luật Các Tổ chức tín dụng có hiệu lực thì việc gửi tiền vẫn được thực hiện. Hành vi này đúng hay sai thì vẫn còn chưa rõ. Hơn nữa, giai đoạn này nếu có sai thì là sai của những người thực hiện chứ không phải sai ở những người ra chủ trương.

Trong thực tế, khi luật đã được ban hành và có hiệu lực nhưng vẫn phải chờ Nghị định, Thông tư hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền thì mới thực thi. Mặt khác, quan điểm này rất nửa vời trong giai đoạn sơ thẩm. Vì hồ sơ vụ án cho thấy năm 2011, Ngân hàng ACB còn ủy thác cho nhân viên gửi tiền tại nhiều ngân hàng khác. Tuy nhiên, do việc gửi tiền ấy có lãi nên không bị xử lý.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên và Lý Xuân Hải.

Bên cạnh đó, hiện hồ sơ vụ án còn thiếu một chứng cứ rất quan trọng đó chính là bản án đối với Huỳnh Thị Huyền Như. Vì theo bản án sơ thẩm của Tòa án Nhân dân TP Hà Nội quy kết thì số tiền gần 719 tỉ đồng của Ngân hàng ACB đã bị lừa đảo chiếm đoạt. Thực tế vẫn còn rất nhiều tranh cãi, chưa có hồi kết. Cơ quan chức năng chưa có kết luận cuối cùng về số tiền gần 719 tỉ đồng có bị mất hay không. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm vẫn lấy đó làm hậu quả vụ án và làm căn cứ để xác định Lý Xuân Hải phạm tội là không thỏa đáng. Điều này chẳng khác nào dùng một chứng cứ chưa ổn định để làm căn cứ cho một chứng cứ ổn định và có tính pháp lý cao.

Từ những phân tích của mình, Luật sư Nguyễn Đình Hưng đề nghị HĐXX tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm quy kết bị cáo Lý Xuân Hải phạm tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Còn Luật sư Lưu Văn Tám (một trong ba người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo Lý Xuân Hải) cho rằng, thân chủ của mình không thể là chủ thể của hành vi cố ý làm trái. Vì Ngân hàng ACB không có một đồng vốn nào của Nhà nước. Tất cả đều được hình thành từ vốn góp của tư nhân, do đó ACB chỉ phải hoạt động theo Luật Doanh nghiệp như với công ty cổ phần.

Mặt khác, chức danh Tổng Giám đốc của bị cáo Lý Xuân Hải là do Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB bầu ra. Vì thế, bị cáo chỉ phải chịu trách nhiệm trước thường trực HĐQT và trước Đại hội cổ đông của ngân hàng ACB. Cũng chính vì không có sở hữu công nên chủ sở hữu tư được quyền tự định đoạt tài sản và hướng kinh doanh của mình. Nếu bị cáo Lý Xuân Hải vi phạm pháp luật và gây thất thoát tài sản của ACB thì các cổ đông có quyền miễn trừ trách nhiệm đối với bị cáo.

Ngoài ra, bị cáo Lý Xuân Hải không phải là người để xuất chủ trương cho nhân viên mang tiền đi gửi. Vì hồ sơ vụ án cũng như nhiều lời khai tại cả 2 cấp tòa đều cho thấy, việc ủy thác cho nhân viên gửi tiền vốn có từ năm 2005. Sau đó chủ trương này lại được Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB quyết định tại cuộc họp ngày 22/3/2010. Khi ra văn bản báo cáo HĐQT, bị cáo Lý Xuân Hải chỉ là người tập hợp ý kiến trong Ban điều hành Ngân hàng ACB.

Thiên Minh