Luật Báo chí - “chiếc áo đã chật”

07:00 | 15/11/2014

844 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Qua 15 năm thi hành Luật Báo chí, lãnh đạo nhiều cơ quan báo chí đề nghị xem xét sửa đổi một số điều luật không còn phù hợp với thực tế. Cụ thể, nhiều ý kiến kiến nghị giảm thuế với báo chí điện tử thấp hơn báo in do đang gặp khó hơn cả báo in, chưa kể áp lực cạnh tranh ngày càng lớn; xây dựng tập đoàn truyền thông hay có quy định cụ thể đối với cơ quan báo chí đa phương tiện.

Năng lượng Mới số 374

Nên thành lập tập đoàn báo chí?

Tại Hội nghị Tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí do Bộ Thông tin Truyền thông vừa tổ chức ở Hà Nội, Tổng biên tập Báo Đầu tư Nguyễn Anh Tuấn đặt vấn đề là nước ta có quá nhiều cơ quan báo chí, vừa lãng phí vừa dẫn tới những tiêu cực, vì thành lập ra nhưng cơ quan chủ quản không lo được kinh phí cho cơ quan báo chí. Luật lần này cần có nghiên cứu để đưa ra những quy định về vấn đề tài chính đối với cơ quan báo chí.

Theo ông Tuấn, Luật Báo chí được ban hành từ năm 1999, khi đó tư duy vẫn còn theo hướng báo chí bao cấp. Nay báo chí đã có bước phát triển vượt bậc, phần lớn cơ quan báo chí đã tự chủ tài chính nên cần phải nghiên cứu sửa đổi tổng thể. Một tờ báo giấy phát hành vài vạn bản ở ta đã là lớn, nhưng có khi một bài trên facebook, blog có cả chục vạn người đọc. Chưa kể các hình thức truyền thông mới ngày càng phát triển. Vì vậy nên sửa Luật Báo chí hay làm luôn luật truyền thông thay thế.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị Tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí

“Trước đây từng đề cập đến thành lập tập đoàn báo chí, nhưng lại chưa làm được. Đây là xu hướng tất yếu của thế giới, vì thế nên có quy định về tập đoàn báo chí và cơ quan báo chí đa phương tiện. Hiện tình trạng ăn cắp bản quyền thông tin tràn lan, luật làm thế nào để xử lý triệt để tình trạng này”, ông Tuấn nói. Đồng thời ông cũng đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung một số tổng biên tập vào ban soạn thảo, vì họ chính là người chịu sự điều chỉnh của luật.

Phó tổng biên tập Báo Lao động Nguyễn Đình Chúc cũng nêu vấn đề: “Không thể ngăn cản mà cần chấp nhận sự tồn tại của những cơ quan báo chí đa phương tiện. Đối với những cơ quan báo có khả năng và tiềm lực tài chính thì việc cho ra đời nhiều loại hình báo chí là điều bình thường và là tất yếu khách quan”.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến công bố một số thông tin về kết quả giám sát của ủy ban. Báo cáo chỉ ra nhiều bất cập hiện nay như: tình trạng thương mại hóa báo chí gia tăng, những vi phạm đời tư cá nhân, tình trạng trùng lặp thông tin diễn ra phổ biến... Đáng lưu ý, tình trạng tư nhân đầu tư chui, núp bóng tại nhiều tờ báo đang tồn tại. Bên cạnh đó, tình trạng thực thi pháp luật về báo chí của các cơ quan, tổ chức chưa nghiêm, dẫn tới nhiều nhà báo bị cản trở, hành hung khi tác nghiệp, tình trạng không cung cấp thông tin cho báo chí diễn ra phổ biến.

Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn nhận định, việc một số cơ quan báo chí đã không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin giật gân, câu khách. Nhiều ấn phẩm phụ của báo in, báo điện tử đưa nhiều tin tiêu cực, giật gân câu khách, trái thuần phong mỹ tục…

Từ thực tế này, báo cáo cho rằng Luật Báo chí sửa đổi lần này cần phải điều chỉnh thế nào với blog cá nhân, trang tin điện tử. Vì hiện chưa điều chỉnh trong Luật Báo chí. Luật cũng cần có quy định riêng với từng loại hình báo chí. Có quy định về truyền dẫn phát sóng, các đài chỉ nên sản xuất nội dung, còn việc truyền dẫn phát sóng có thể để bộ phận khác.

Xin mức thuế 0% với báo điện tử

Theo Phó tổng biên tập Báo Lao động, báo chí hiện tại có hai nguồn thu chính từ quảng cáo và phát hành, nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn nói chung, hai nguồn thu này đang bị giảm đáng kể. Ông đề xuất luật sửa đổi cần mở rộng thêm các loại hình hoạt động tài chính khác liên quan để trợ giúp các cơ quan báo chí như in ấn, xuất bản, truyền thông.

Về mức thuế với báo chí, dù Chính phủ đã có nhiều ưu ái và hỗ trợ nhưng vẫn chưa đủ khi mức thuế áp với báo in đã giảm, nhưng báo điện tử và các loại hình báo chí khác vẫn chưa thay đổi khiến các cơ quan gặp nhiều khó khăn. Ông kiến nghị: “Đề nghị xem xét giảm thuế với báo chí điện tử thấp hơn cả báo in, ví dụ ở mức 0%, bởi thực tế báo điện tử thậm chí còn đang khó khăn hơn cả báo in, áp lực cạnh tranh ngày càng lớn”.

Phóng viên tác nghiệp tại Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

Thiếu tướng Phạm Văn Miên - Tổng biên tập Báo Công an Nhân dân cũng nêu ý kiến, hiện nay chi phí đầu vào của các cơ quan báo chí ngày một tăng, trong khi nguồn thu lại giảm mạnh, Chính phủ và các cơ quan liên quan cần xem xét biện pháp hỗ trợ cụ thể cho hoạt động kinh tế của báo chí.

Tổng biên tập Báo Đầu tư Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, Chính phủ đã thấy những khó khăn của báo in và có biện pháp hỗ trợ như giảm thuế. Tuy nhiên, còn nhiều loại hình báo chí khác cũng cần hỗ trợ này. Thực tế có nghị định, thông tư trái ngược quy định về chi phí hạch toán lương với cơ quan báo chí, gây ra sự khó khăn trong áp dụng với báo chí. Ông kiến nghị: “Cần đánh giá sâu sắc và toàn diện về cơ chế tài chính của cơ quan báo chí. Cần có chương riêng về tài chính của cơ quan báo chí trong luật sửa đổi”.

Các đại biểu cũng nêu ra những bất cập của luật hiện hành và yêu cầu sửa đổi, bổ sung với Luật Báo chí để luật mới nhanh chóng điều chỉnh kịp thời những vấn đề mới nảy sinh, phù hợp với thực tiễn đời sống báo chí trong giai đoạn hiện nay.

Theo ông Lê Như Tiến, nên có quy định riêng về thuế với báo chí. Báo nào phục vụ nhiệm vụ chính trị thì thuế giảm tối đa, còn với những báo phục vụ giải trí thì thuế phải khác, đồng thời có cơ chế tài chính hỗ trợ cho các báo làm nhiệm vụ chính trị. Hiện mới chỉ có báo in được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp còn 10%, còn những loại hình khác thì thuế suất vẫn cao.

Ông Nguyễn Đình Chúc cũng bày tỏ quan điểm: “Cần chuẩn hóa chức danh trong cơ quan báo chí, đặc biệt là phóng viên và biên tập viên, đồng thời cũng cần tăng cường giáo dục, nâng cao kiến thức, trách nhiệm cho đội ngũ này. Bởi một bác sĩ dốt có thể giết chết 1 người, nhưng một phóng viên, biên tập viên tồi có thể giết chết nhiều người”.

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Luật Báo chí đã được sửa đổi hai lần (năm 1989 và 1999), lần này chúng ta cố gắng không có luật “khung”, luật “ống” nhưng cần lưu ý để bộ luật có tuổi thọ dài, đáp ứng được sự thay đổi của công nghệ và của báo chí. Để Luật Báo chí mới phát huy hiệu quả, ngay trong quá trình soạn thảo Dự thảo luật, bản thân những người làm báo cần có những đóng góp, ý kiến cho cơ quan soạn thảo một cách kịp thời và đúng mực.

Tính đến ngày 31/12/2013, có 838 cơ quan báo chí với 1.111 ấn phẩm. Trong đó có 199 cơ quan báo chí in chiếm 24% (86 báo Trung ương và các bộ, ngành, đoàn thể; 113 báo địa phương) và 639 tạp chí chiếm 76% (507 tạp chí Trung ương, các bộ, ngành, các trường đại học và các viện nghiên cứu...,132 tạp chí địa phương).

Có 90 cơ quan báo điện tử, 207 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí. Trong đó có 40 cơ quan báo chí điện tử thuộc cơ quan Trung ương và các bộ, ngành; 26 cơ quan báo chí điện tử trực thuộc địa phương và 26 cơ quan báo chí điện tử trực thuộc các cơ quan đoàn thể.

Có 67 đài phát thanh - truyền hình, bao gồm 2 đài trực thuộc Trung ương (Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam); 1 đài thuộc bộ (Đài truyền hình kỹ thuật số VTC) 64 đài phát thanh - truyền hình địa phương (gồm 62 đài phát Thanh - truyền hình của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; riêng TP HCM có 2 đài: Đài Truyền hình TP HCM và Đài Tiếng nói nhân dân TP HCM)

Có 179 kênh, trong đó có 104 kênh chương trình truyền hình quảng bá, 75 kênh chương trình phát thanh quảng bá.


Vương Tâm

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc