Luận bàn chuyện từ chức

06:00 | 06/05/2014

1,660 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thời gian gần đây người ta lại hay nói nhiều đến chuyện từ chức. Và để minh chứng cho chuyện này, báo chí thường hay dẫn ra những “gương” từ chức ở nhiều nước trên thế giới và rồi so sánh với văn hóa từ chức ở Việt Nam, thậm chí còn cho rằng, chúng ta phải “làm quen” dần với “văn hóa từ chức”.

Năng lượng Mới số 319

Nói như vậy thì có nghĩa rằng, người ta gắn liền đạo đức, nhân cách của người lãnh đạo với chuyện từ chức hay giữ chức. Hoặc nói một cách giản dị, dễ hiểu thì ai thấy không làm được việc hoặc có điều này, điều khác, chưa xứng tầm là người lãnh đạo ở vị trí được giao, nên… từ chức, nhường chỗ cho người khác.

Nghĩ như thế bảo rằng đúng thì cũng là đúng, mà bảo rằng không đúng, đặc biệt là áp dụng vào trong bối cảnh cơ chế quản lý cán bộ của nước ta thì cũng lại chẳng đúng chút nào.

Mỗi quốc gia có một cơ chế tuyển dụng cũng như xử lý cán bộ lãnh đạo khác nhau và những cơ chế này được xây dựng trên nhiều nguyên tắc của thể chế chính trị, của Đảng cầm quyền và đặc biệt là phải phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế văn hóa xã hội của quốc gia đó.

Không thể lấy nguyên mẫu của nước này mà áp dụng cho nước khác, cũng giống như không thể bắt người Việt Nam phải ăn rau muống bằng dĩa hay bắt người phương Tây ăn thịt bò bít tết bằng đũa. Đừng thấy tưởng rằng cái gì của “Tây” cũng là nhất, cũng là ưu việt và nhắm mắt áp dụng, làm bừa.

Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn

Ở Việt Nam ta hiện nay, đúng là trong công tác tuyển chọn, đề bạt, quản lý và sử dụng cán bộ vẫn còn nhiều bất cập, nhất là trong hoàn cảnh nền kinh tế đang có những sự phát triển mà nhiều khi cơ chế cũ, cách làm cũ, cách ứng xử cũ, tồn tại suốt hàng chục năm của thời chiến tranh, rồi thời bao cấp không còn phù hợp. Để thay đổi được một quan niệm, cách nghĩ, một thói quen thì rõ là không đơn giản. Cần phải có thời gian và có những bước đi thích hợp.

 Việc tuyển dụng cán bộ ở nước ta cơ bản là vẫn phải theo một quy luật bất di bất dịch đó là “tuần tự nhi tiến”.

Một cá nhân muốn lên được một chức vụ nào đó là phải trải qua từ thấp đến cao; phải có một quá trình rèn luyện, học tập, lao động; phải được đào tạo theo những quy chuẩn đã được đặt ra đó là chưa kể còn phải có lý lịch trong sạch để đảm bảo rằng người ấy có được những phẩm chất đạo đức cách mạng cần thiết. Hầu như những chuyện một cán bộ nhảy vọt cách quãng hai, ba cấp là không có hoặc cực kỳ hãn hữu. Để lên được một chức vụ cao, thậm chí như là “tư lệnh của một ngành” thì người cán bộ đó phải trải qua một quá trình phấn đấu rèn luyện bền bỉ, lâu dài. Hơn nữa khi được đề bạt lên một chức vụ nào đó thì sẽ kèm theo nhiều quyền lợi mà chỉ có chức vụ đấy mới có được.

Rồi việc đề bạt phải tuân thủ theo những quy định cực kỳ khắt khe, từ khâu quy hoạch, từ “đối tượng nguồn”, rồi được thử thách ở các vị trí khác nhau, được rèn luyện, được học tập kiến thức chính trị, văn hóa, chuyên môn cần thiết.

Và khi được đề bạt thì người được giữ chức vụ cao sẽ là niềm tự hào và mang lại vinh quang không những chỉ cho gia đình bạn bè mà còn cho cả dòng tộc, thậm chí cả một vùng miền…

Như vậy sẽ có rất nhiều ràng buộc đối với một người cán bộ và nhiều khi, sự tồn tại của họ ở chức vụ được giao, không chỉ là uy tín, danh dự của họ mà còn của nhiều người.

Một người từ chức, với cá nhân, chưa hẳn là nặng nề… Mà cái chính là đằng sau lưng họ còn bao nhiêu mối quan hệ ràng buộc khác: Anh em, bè bạn, đệ tử, cộng sự… Ai dám đảm bảo rằng, một người mới được thay thế, sẽ không thực hiện “tân quan, tân chính sách”, họ thẳng tay gạt những người “thuộc kíp cũ” và đưa “kíp” của mình vào?

Đây mới chính là rào cản lớn nhất cho ai đó “muốn từ chức”.

Với đặc tính sống duy tình của người Việt, với cách nghĩ như vậy mà đòi hỏi một người cán bộ sẵn sàng từ chức ngay một khi có chuyện không hay xảy ra trong lĩnh vực họ phụ trách thì quả là không đơn giản.

Một vấn đề nữa cũng không thể không xem xét đến đó là cơ chế lãnh đạo của nước ta là theo chế độ tập trung dân chủ - có nghĩa là tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách. Một quyết sách nào đó thì thường là được thông qua bởi tập thể lãnh đạo. Sau khi đã thống nhất ý chí rồi thì người thủ trưởng cứ việc thế mà thực hiện. Trong quá trình triển khai nếu như người lãnh đạo quyết đoán dám nghĩ dám làm; lại có một tập thể lãnh đạo và đội ngũ cộng sự đoàn kết, thạo việc thì dĩ nhiên mọi việc sẽ được tiến hành suôn sẻ. Còn trong trường hợp bản thân người lãnh đạo cũng không có quyền lựa chọn cán bộ giúp việc cho mình và nội bộ phức tạp, năm bè bảy mối thì thật là khó. Biết cấp dưới không làm được việc; biết họ cố tình phá đám; biết họ ngấm ngầm làm những chuyện không hay sau lưng mình, nhưng để tìm cho ra được chứng cứ cụ thể rồi có biện pháp xử lý thì thật là “thiên nan vạn nan”. 

Thời gian gần đây chúng ta nói nhiều đến tình trạng “trên bảo dưới không nghe”; về chuyện “nói một đằng làm một nẻo”; “làm láo báo cáo hay”, hoặc “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”… nhưng để xử lý được những tiêu cực đấy là vô cùng khó khăn.

Một khi người lãnh đạo không được tự quyền quyết định chọn cán bộ giúp việc cho mình, không được tự mình xử lý những cán bộ cấp dưới thiếu năng lực, kém về phẩm chất… thì việc đòi hỏi một cách tuyệt đối về trách nhiệm của người đứng đầu có thể nói đó là điều không tưởng. Trong lúc chúng ta luôn đặt vấn đề phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu và phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu, thậm chí mong muốn họ sẵn sàng từ chức ngay thì rõ ràng là không hợp lý.

Vậy là có một vòng luẩn quẩn ở đây.

Vừa muốn người đứng đầu phải nêu cao trách nhiệm tuyệt đối của mình nhưng lại không trao quyền tuyệt đối cho họ thế thì làm sao đây. Người viết bài này đã từng biết có những Bộ mà Thứ trưởng coi Bộ trưởng chả là cái đinh gì rồi đến khi có việc xảy ra thì chính vị Bộ trưởng này lại phải chịu trách nhiệm.

Còn muốn để cho người cán bộ lãnh đạo sẵn sàng từ chức thì cũng cần phải có một cơ chế nào đó để đảm bảo người cán bộ đó không quá bị thiệt thòi khi rời chức vụ bởi lẽ người ta phấn đấu cả đời mới được nhìn nhận, cất nhắc. Và việc người cán bộ đó không hoàn thành nhiệm vụ đâu đã phải hoàn toàn do lỗi người đó gây nên.

Như Thổ

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc