Lời thỉnh cầu của một ông giáo già

06:32 | 29/09/2013

780 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhà giáo Hoàng Minh, 78 tuổi, nghỉ hưu ở thị trấn Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội. Ông tham gia dạy bình dân học vụ từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945, sau đó làm cán bộ giảng dạy ở Trường Kỹ thuật 3 Nam Định rồi được điều về Bộ Công nghiệp nhẹ theo dõi công tác giáo dục đào tạo. Tâm huyết với nghề, ông vẫn quan tâm theo dõi và cảm thấy bức xúc với những nghịch lý lâu nay về chất lượng dạy và học. Dưới đây là bài viết của ông thể hiện những suy nghĩ chân tình đó.

Nhiều năm qua, sau mỗi mùa thi lại rộ lên nhiều ý kiến về chất lượng giáo dục. Năm nay, sự chỉ trích lại hướng vào chương trình học và sách giáo khoa (SGK) bậc phổ thông và dường như đó là cội nguồn của chất lượng giáo dục thấp. Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Thanh - Thiếu niên và Nhi đồng đã thực hiện giám sát về giáo dục và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trên một tờ báo có đăng “SGK phổ thông bất cập từ khâu biên soạn”. Bài báo đã dẫn ra một số nội dung của báo cáo đánh giá mặt được và chưa được của SGK phổ thông.

Bài báo dẫn lời ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: “Để không giẫm lên vết xe đổ của những lần biên soạn SGK (trước)… cần mạnh dạn xóa bỏ quy trình biên soạn chương trình SGK hiện nay… Minh họa ý kiến trên, nhà báo Nguyễn Đức viết trong mục Luận bàn và Hành động bài “Đổi mới ngay trong cách làm” đã phê phán nhiều khuyết điểm của SGK và cách thức tổ chức biên soạn trước đây và khẳng định “không thể liên tục đưa học sinh ra làm “chuột bạch” để tránh những hậu quả khôn lường”.

Không rõ những lời nói trên là của đoàn giám sát giáo dục hay sáng tạo của ông Phúc, ông Đức? Ông Đức cổ vũ cho sự đổi mới, nhưng trong bài viết của mình, ông viết: “Chương trình học và SGK của ta chẳng giống ai”. Vậy, ông muốn ta giống ai? Mỹ, Nga, Trung Quốc hay Nhật? Nếu phải giống ai thì bỏ công bỏ của ra biên soạn SGK làm gì? Và xin hỏi quý ông: Trẻ em nước ta giống ai?!

SGK có vị trí rất quan trọng trong quá trình dạy và học. Song, tự nó không tạo ra trí tuệ, đức độ và năng lực hành động của học sinh. SGK dù hay mấy đi nữa cũng chỉ dùng được một thời gian là lạc hậu, phải bổ sung, chỉnh sửa. Bởi lẽ khoa học và công nghệ thế giới càng ngày càng phát triển rất nhanh, làm thay đổi tư duy và hành vi của con người. Muốn tránh cho đất nước bớt tụt hậu hơn thì phải gắng sức nắm bắt và tìm cách diễn giải thích hợp để đưa vào dạy cho học sinh càng sớm càng tốt.

Để biến những lời vàng ý ngọc của SGK thành kiến thức, đạo đức và năng lực hoạt động của học sinh phải trải qua một quá trình dẫn dắt, truyền thụ rất công phu, kiên nhẫn và đầy lòng nhân ái của thầy, cô giáo, nhà trường, gia đình và xã hội; đồng thời phải có sự hợp tác tích cực và chủ động của chính người học. Sách có hay là mấy, người dạy có tài giỏi là mấy, nhưng người học để ngoài tai, ham chơi, không chịu học thì làm sao có kết quả được. Hơn nữa, trong cả cuộc đời một con người, việc học trong nhà trường chỉ là bước tạo dựng nền móng ban đầu, nhờ đó người ta có thể học tiếp, học mãi, học trong công việc, trong sách, báo, học thầy, học bạn và học được từ những thành công và thất bại của bản thân mình và con cháu mình. 

Đạo học, đạo làm người ở nước ta hiện nay xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều mối quan hệ trong nhà trường, quan hệ giữa người dạy và người học bị đồng tiền làm cho băng hoại, nhất là những nơi có nhiều người thừa tiền của, nhiều tham vọng, nhưng lại nghèo phẩm giá, mang đồng tiền ra làm lung lạc, mong chi phối các quan hệ này. Nhiều năm gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin rất nhiều người không học mua bằng giả, học giả dối, đút lót lấy bằng thật để thăng quan tiến chức. Ai là người tiếp tay, dung túng và bao che cho những hành vi phạm pháp này?

 Việc tranh luận về SGK hay, dở, nặng, nhẹ đã diễn ra nhiều lần. Chuyện học thuật mất ai chịu ai. Rồi cấp nào có quyền quyết định thì theo. Tôi cũng không dám tranh cãi, chỉ xin dẫn ra đây một số chuyện, một số việc:

Trên báo điện tử Petrotimes có bài “Sức học của trẻ em Việt Nam rất khá” đưa tin: Nhân ngày 12-8, ngày trẻ em thế giới, dự án nghiên cứu sự thay đổi của trẻ em nghèo do Giáo sư Boyden, Trường đại học Oxford chủ trì đã công bố một báo cáo về việc thực hiện nghiên cứu 12.000 trẻ em nghèo ở 4 quốc gia đại diện cho một số châu lục trên thế giới là Ethiopia, Ấn Độ, Peru và Việt Nam. Ở Việt Nam, dự án đã thực hiện nghiên cứu 3.000 trẻ em nghèo ở hơn một chục tỉnh nghèo ở nước ta.

Theo báo cáo của dự án này, 95% trẻ em lên 10 (khoảng lớp 4) ở Việt Nam có thể làm được tính cộng 4 con số, 85% có thể được toán trừ số lẻ và 81% có thể tìm được ẩn số x trong một phương trình một ẩn số đơn giản. Trong khi đó ở Ấn Độ, cuộc thăm dò trên toàn quốc cho kết quả 47% trẻ 10 tuổi không thể làm được bài toán cộng 2 con số, 68% học sinh lớp 3 không đọc được bài trắc nghiệm dành cho các em lớp 1…

Chúng ta cảm phục cách làm việc cẩn trọng của Giáo sư Boyden và có thể yên tâm rằng, việc dạy và học ở các tỉnh nghèo nước ta tạm được và SGK, chương trình học ở đây phù hợp với sức tiếp thu của các em và trình độ giảng dạy của các cô giáo, thầy giáo chưa có vấn đề gì nổi cộm.

“Vì sao trường làng lại có thủ khoa?” - Đó là tiêu đề bài báo của tác giả Thống Nhất trên Báo Hà Nội Mới ngày 14/8/2013. Theo bài báo thì mùa thi năm nay có tới hơn 200 học sinh các trường trên địa bàn Hà Nội đỗ thủ khoa vào các trường đại học danh tiếng như Học viện Bưu chính Viễn thông, Học viện Tài chính, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Ngoại thương, ĐH Ngoại giao, ĐH Y, ĐH Dược Hà Nội… Hầu hết các thủ khoa đều học ở trường làng thuộc các huyện ngoại thành Hà Nội như Đông Anh, Phúc Xuyên, Ứng Hòa… Có một lớp 12 Trường THPT Cổ Loa (Đông Anh) có 49 em đều đỗ đại học nguyện vọng 1, trong đó có 3 thủ khoa, 3 á khoa.

Bài báo dẫn lời thầy hiệu trưởng Ngô Đắc Năm (Trường THPT Cổ Loa), thầy Nguyễn Minh Thông, Hiệu trưởng Trường THPT Ứng Hòa rằng, hầu hết các em là con em nông dân, đời sống khó khăn, không có điều kiện học thêm hay ôn thi tại các “lò” Hà Nội. Kết quả trên một phần do những nỗ lực rèn luyện kỷ cương, nề nếp dạy và học trong nhà trường, một phần do bản thân các em tự giác học tập phấn đấu. Thầy giáo tận tụy từ khâu chuẩn bị giáo án, đến lúc đứng trên bục giảng, giáo viên hết sức chú trọng dẫn dắt học sinh chủ động, tự giác tiếp thu bài, hướng dẫn các em rèn luyện phương pháp học tập sao cho hiểu nhanh, nhớ lâu, biết vận dụng lý thuyết vào thực tế và giải các bài tập.

Theo tin tức từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong kỳ thi đại học vừa qua có hơn 60% thủ khoa là học sinh các trường làng. Đọc dòng tin này, một ông bạn già nói: người ta đã tổng kết rồi, từ thời phong kiến đến thời đề quốc thực dân, con em các nhà bình dân, lao động mới chăm học và đỗ cao, chứ con quan, con nhà giàu hiếm có người chăm học và đỗ đạt cao.

Các nhà khoa học nói: Con người là một loài động vật cao cấp, có đặc tính người và đặc tính dã thú. Đặc tính động vật - dã thú là bản năng ăn uống, sinh lý và tìm mọi cách thỏa mãn nhu cầu của mình. Cho nên, trong con người luôn có hai mặt thiện và ác. Mặt nào phát triển tốt, nổi trội tùy thuộc vào việc dạy dỗ và tác động của môi trường sống vào trẻ em.

Trong quá trình nuôi nấng, cha mẹ và mọi người thân xung quanh phải dạy bé cách ăn, cách ngủ, cách chơi, dạy bé biết giữ vệ sinh, biết lễ phép, biết vâng lời, biết nhường nhịn, không tranh giành với anh, chị em và bạn bè, biết yêu thương, biết nhận lỗi khi phạm lỗi, biết tự làm những công việc vừa sức của mình và giúp đỡ cha mẹ. Qua việc chơi mà học, học mà chơi dạy cho bé các kiến thức về tự nhiên và xã hội. Trong quá trình nuôi dạy đó, hành vi của cha mẹ và những người xung quanh có tác động rất lớn đến bé. Nhân cách và bản lĩnh của trẻ hình thành từ gia đình và phần quan trọng khác từ nhà trường, chủ yếu là cấp tiểu học. Đi sâu vào xem xét các trẻ ở nông thôn và thành thị, ta thấy có sự khác biệt. Trẻ em ở nông thôn và con nhà bình dân ở thành thị 4-5 tuổi đã biết tự xúc cơm ăn, biết tự vào nhà vệ sinh đi tiểu, đại tiện; 7-8 tuổi đã biết trông em, bón cho em ăn, biết tự giác giúp đỡ bố mẹ trong một số việc nhà… Còn trẻ em nhà giàu có, 6-7 tuổi vẫn phải có người bón cơm và hầu như không biết làm gì ngoài việc ham chơi và đòi hỏi. Nếu các em lớn lên trong một gia đình nề nếp, mọi người cư xử với nhau lễ độ, không nói tục, chửi thề thì các em không dám đua theo bạn nói tục chửi thề.

Những điều tối thiểu về nguyên lý giáo dục này hầu như ai cũng biết. Nhưng người ta dễ dàng quên, mải lo công việc, lo kiếm tiền người ta phó thác nghĩa vụ thiêng liêng làm cha mẹ cho người giúp việc.

Còn trong nhà trường, từ khi Nhà nước chủ trương học sinh tiểu học học bán trú ở những nơi có điều kiện, việc này cha mẹ trẻ rất mừng để yên tâm đi làm. Nhưng đã có nhà lãnh đạo nào kiểm tra hoạt động của cô giáo và học trò trong những giờ bán trú buổi chiều ra sao? Các em học bán trú cả ngày, vậy mà thứ Bảy, Chủ nhật vẫn phải đi học thêm. Em nào không “tự nguyện” học thêm sẽ nhận được điểm thấp dài dài cho đến khi “tự nguyện” mới thôi? Dịp trước các em học thêm ngay tại trường. Gần đây, các cô giáo không dạy thêm tại trường nữa, mà đưa về nhà riêng hoặc thuê một nơi nào đó xa trường.

Vào đầu năm học, cô giáo đưa cho các em mang về cho cha mẹ nhiều giấy báo thu tiền. Ngoài các khoản thu theo quy định, các em phải thúc ép cha mẹ nộp tiền lắp điều hòa nhiệt độ. Lớp 1 lắp điều hòa, lên lớp 2, lớp 3, lớp 4, lớp 5 vẫn nộp tiền lắp điều hòa. Đầu năm lắp điều hòa, cuối năm học lại tháo điều hòa mang đi. Nhà trường bảo việc đó là do phụ huynh học sinh làm, không phải tài sản nhà trường nên nhà trường không quản lý, không biết!

Những việc này không phải tất cả các trường tiểu học ở thành phố làm, nhưng đó là số đáng kể. Những tấm gương mờ ấy chiếu rọi ngày này qua ngày khác, làm sao không tác động tới học sinh?

Sự học luôn là một việc rất khó, chẳng những với các em nhỏ mà cả với người lớn, càng lên lớp cao càng khó; phải cố gắng nỗ lực thường xuyên; mải chơi, ngủ gật, xao nhãng một lát là không nắm được bài, tích cóp dần thành ra kém. Để tránh sự trừng phạt của cha mẹ, các em đâu dám nói với bố mẹ do mải chơi, do ngại học… mà phải kêu to rằng bài rất khó. Thế là bố mẹ phải “chạy”: chạy xin điểm, chạy thầy dạy thêm. Thầy dạy thêm muốn tránh tai tiếng và giữ được học trò phải la thật to rằng chương trình quá nặng, quá tải… Một số nhà thông thái cũng hòa vào bản đồng ca này và minh oanh cho việc dạy thêm vi phạm lệnh cấm của Nhà nước, rằng lương giáo viên tiểu học quá thấp, không đủ sống. Các vị quên rằng trong điều kiện suy thoái kinh tế, cùng trong mặt bằng lương ấy, hàng vạn, hàng chục vạn giáo viên ở các vùng nông thôn, miền núi… không làm những việc “bẩn” như vậy mà vẫn dạy dỗ các em nên người.

Trước những thực trạng trên, tôi tha thiết thỉnh cầu các nhà lãnh đạo, các vị học giả đạo cao đức trọng, các chuyên gia hãy nghiên cứu kỹ từng khâu trong quá trình dạy và học, quá trình đào tạo và sử dụng nhân lực để có quyết sách đúng đắn nhằm đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước ta như kết luận của Hội nghị lần thứ VI Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI vừa qua.

Tôi cũng đề nghị ngành giáo dục phải rà soát lại đội ngũ cán bộ từ cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo xuống đến cơ sở, cần loại bỏ những cán bộ có năng lực trình độ quản lý lãnh đạo yếu kém, những cán bộ và giáo viên có hành vi tiêu cực ra khỏi ngành. Nếu công tác tổ chức cán bộ còn lỏng lẻo, bao che và không làm trong sạch được đội ngũ thì khó đổi mới được nền giáo dục.

Là giáo viên đã nghỉ hưu gần 20 năm nay, quá bức xúc trước thực tế của ngành giáo dục và lo cho tương lai của con cháu nên tôi muốn giãi bày những suy nghĩ của mình như vậy.

Hoàng Minh

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.