Liệu có hay không một khu vực đồng euro nhỏ hơn?

16:08 | 11/11/2011

463 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo các nguồn tin từ Liên minh châu Âu (EU), các quan chức Đức và Pháp đã thảo luận kế hoạch cải cách triệt để EU, liên quan tới việc hình thành một khu vực đồng tiền chung châu Âu nhỏ hơn song hợp nhất hơn.

Một quan chức cấp cao của EU giấu tên cho hay: “Hai nước đã có các cuộc trao đổi về vấn đề này trong vài tháng qua, ở mọi cấp. Chúng ta cần tiến hành việc này một cách rất cẩn trọng. Sự thực là chúng ta cần lập chính xác danh sách các nước không muốn và các nước đơn giản không thể tham gia khu vực đồng tiền chung này”. Các cuộc thảo luận giữa các nhà hoạch định chính sách cấp cao tại Pháp, Đức và Bỉ đã làm dấy lên khả năng về một hay nhiều nước thành viên rút khỏi khu vực đồng euro hiện nay, trong khi những thành viên nòng cốt còn lại sẽ thúc đẩy hội nhập kinh tế hơn nữa, trong đó có chính sách thuế và tài chính.

Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Tài chính Pháp đã bác bỏ bất kỳ kế hoạch nào làm giảm số nước thành viên trong khu vực đồng euro. Ông khẳng định: “Không có cuộc đối thoại nào giữa các quan chức Pháp và Đức ở bất kỳ cấp độ nào về việc thu nhỏ khu vực đồng euro”.

Việc cải cách triệt để EU sẽ vấp phải sự phản đối của nhiều nước thành viên trong liên minh. Một nhà ngoại giao EU nói: “Việc này sẽ ‘sổ toẹt’ bao công sức mà cha ông ta đã dầy công gây dựng và phủ nhận mọi thành quả đạt được trong những năm qua cũng như khiến chúng ta phải vẽ lại bản đồ địa chính trị và làm xuất hiện những căng thẳng mới. Đó có thể thực sự là dấu chấm hết cho châu Âu”.

Trong bài phát biểu tại Berlin, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso đã cảnh báo rằng bất kỳ sự chia cắt nào trong khu vực đồng euro sẽ gây thiệt hại về kinh tế, làm Tổng Sản phẩm Quốc nội của Đức giảm và nền kinh tế nước này mất 1 triệu việc làm. Theo ông Barroso, không nên tiến hành bất kỳ cú huých nào nhằm hợp nhất kinh tế hơn bằng cách tạo ra sự chia rẽ mới giữa các thành viên EU. Ông nói: “Không thể có hòa bình và thịnh vượng ở Bắc hay Tây Âu nếu không có hòa bình và thịnh vượng ở Nam và Đông Âu”.

Những cấm kỵ về việc đề cập tới một nước rút khỏi khu vực đồng euro trong chừng mực nào đó đã bị phá vỡ khi Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp N. Sarkozy đều cho rằng Hy Lạp nên rút khỏi khu vực này nếu việc đó có thể duy trì được sự ổn định lâu dài của khu vực đồng euro. Tuy nhiên, trong các cuộc thảo luận mới nhất, các quan chức EU chỉ đề cập đến việc đánh giá lại về cơ bản hoạt động của khu vực đồng euro trong 12 năm qua, xem xem nước nào và chính sách nào là cần thiết để giữ cho khu vực này ổn định và mạnh mẽ trước khi cuộc khủng hoảng nợ công phá vỡ khu vực này. Mục tiêu chính là định hình lại khu vực đồng euro, theo phương châm ban đầu là các nước giàu có và hội nhập về kinh tế sử dụng một đồng tiền chung.

Phát biểu tại Berlin, Thủ tướng Merkel đã nhắc lại lời kêu gọi cần tiến hành thay đổi hiệp ước EU (các đạo luật quản lý EU) khi cho rằng tình hình hiện nay xấu tới mức cần nhanh chóng có một bước đột phá. Theo quan điểm của Đức, sửa đổi hiệp ước EU sẽ là cơ hội để tăng cường hội nhập trong khu vực đồng euro và mở ra cơ hội để tiến hành thay đổi cơ cấu của tổ chức này. Các quan chức EU cho biết vấn đề sửa đổi hiệp ước EU sẽ chính thức được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels ngày 9/12 tới.

Tổng thống Pháp Sarkozy xem ra ủng hộ ý tưởng về một châu Âu phát triển theo hai tốc độ, theo đó, khu vực đồng euro sẽ đẩy nhanh hội nhập kể cả trong các lĩnh vực nhạy cảm như thuế doanh nghiệp và thuế cá nhân, trong khi số nước EU còn lại sẽ hợp thành một “liên bang”. Trong khu vực đồng euro, các nước thành viên chủ chốt sẽ cần phải nhanh chóng phối hợp các chính sách kinh tế để tạo dựng “hàng phòng thủ” trước các cuộc khủng hoảng nợ công. Phát biểu tại thành phố Strasbourg ngày 8/11, ông Sarkozy cho biết một châu Âu tiến theo hai tốc độ – khu vực đồng euro phát triển nhanh hơn so với các nước còn lại trong EU – là mô hình duy nhất cho tương lai của khối này.

Vân Chi (Theo Reuters)