Libya thời hậu Kaddafi: Hòa giải hay hận thù?

07:57 | 28/10/2011

573 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cái chết của nhà lãnh đạo Libya Kaddafi đã khép lại một trang sử đẫm máu tại quốc gia Bắc Phi này? Giới quan sát không quá lạc quan rằng sự khép lại sẽ mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho người dân Libya. Trong khuôn khổ bài viết này chỉ xin đề cập tới câu hỏi liệu người Libya sẽ hòa giải hay trả thù lẫn nhau sau cái chết của Đại tá Kaddafi.

Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc?

Sau cái chết thê thảm của Muanmar Kaddafi, một trong những vấn đề được dư luận quan tâm chính là số phận của những nhân vật còn lại trong gia đình của nhà độc tài này. Liên quan đến chủ đề này, chính quyền Algeria khẳng định sẽ không bàn giao những thành viên còn lại của gia tộc Kaddafi đang ẩn náu trên lãnh thổ của mình. Một số quan chức cao cấp trong chính phủ nước này còn nhấn mạnh, số phận của họ chỉ có thể được giải quyết ở cấp độ quốc tế, cụ thể là Liên Hiệp Quốc. Hiện giờ, bà vợ góa Safia Farkash cùng hai con trai và một con gái của ông ta đang được chính quyền Algeria tăng cường bảo vệ tại một nơi trú ẩn bí mật.

"53 thi thể của những người ủng hộ Kaddafi được tìm thấy tại Sirte đang dấy lên những lo ngại về làn sóng thanh trừng theo luật rừng tại Libya”.

“Algeria sẽ không trao họ hàng của Kaddafi cho Libya hay bất cứ một quốc gia nào khác. Họ đã được đón nhận vì những lý do nhân đạo và cũng vì nguyên nhân này, số phận của họ cũng sẽ không có gì thay đổi – Một quan chức cao cấp của Algeria tuyên bố với tư cách là câu trả lời chính thức cho những yêu cầu từ phía chính quyền mới của Libya – Algeria là một đất nước có nhiều truyền thống, nên chúng tôi luôn quý trọng mạng sống của con người. Việc bảo đảm an ninh cho các thành viên của gia đình Kaddafi là vấn đề danh dự đối với chúng tôi”.

Gia đình Đại tá Kaddafi

Hôm 24/10, nguồn tin của tờ Le soir d’Algerie cũng nhấn mạnh, bà vợ góa của Kaddafi, cô con gái Ayesha, hai con trai Hannibal và Muhammad đang được tăng cường bảo vệ tại một nơi trú ẩn bí mật. Giới chức Algeria tin rằng, số phận những người họ hàng thân thích của Kaddafi chỉ có quyền được giải quyết mức độ quốc tế, cụ thể là trong khuôn khổ của LHQ.

Trước đó vào ngày 22/10 từng xuất hiện thông tin cho rằng, Ayesha sẽ bị tước quy chế cư trú chính trị tại Algeria vì những lời đe dọa tiếp tục cuộc đấu tranh chống lại chính quyền mới tại Libya. Còn có khẳng định rằng, cô con gái này cùng với mẹ mình sẽ được chuyển tới một quốc gia tại vùng vịnh Pecxích, nơi đã chấp thuận việc đón tiếp gia đình còn lại của Kaddafi. Cũng có thông tin nói thêm, quốc gia chưa tiết lộ danh tính này chỉ đồng ý đón nhận những phụ nữ trong gia đình Kaddafi, chứ không chứa chấp những người con trai.

Còn nhớ những thành viên trên trong gia đình Kaddafi đã chạy khỏi Libya tới Algeria từ ngày 29/8. Chính quyền Algeria đón nhận những người tị nạn đặc biệt này vì lý do nhân đạo, đồng thời cũng báo trước về quyết định của mình cho Tổng thư ký LHQ và Hội đồng Bảo an.

Thanh trừng theo luật rừng?

Bàn cờ Libya coi như đã ngã ngũ, tân chính quyền Tripoli đang ráo riết tiến hành những bước đi đầu tiên trong việc thành lập chính phủ cũng như khẳng định vai trò quốc tế. Song, cũng như Iraq thời hậu Saddam Hussein, việc xử lý thế nào đối với hơn 750.000 công chức từng làm việc cho chế độ Kaddafi đang là thách thức lớn đối với tân chính quyền Libya trong giai đoạn này.

Ai là người từng ủng hộ chế độ Kaddafi? Ai là người còn ủng hộ ông Kaddafi? Câu hỏi này luôn ám ảnh người Libya trong hiện tại. Báo Le Monde của Pháp cho hay, một thái độ “thức thời” đang ngự trị tại Tripoli, ai cũng cam kết rằng mình rất ghét chế độ Kaddafi, đến nỗi người ta có cảm giác rằng tại Libya, đã không có người nào từng làm việc cho chính quyền Kaddafi!

Aisha Gaddafi, người con gái duy nhất của ông Kaddafi, vẫn là một người đàn bà đầy bí ẩn trong mắt thế giới, đặc biệt là phương Tây

Những người trung thành với ông Kaddafi đã tẩu tán tứ phương, ra nước ngoài, đến Niger, Algeria và Tunisia, thế còn những người ở lại, họ cũng từng là công chức làm việc dưới thời Kaddafi, phải thanh lọc họ thế nào khi ai cũng bảo mình chưa từng ủng hộ Kaddafi? Nói về tư pháp tại Libya, hệ thống này đã từng phục vụ cho Kaddafi suốt 42 năm, liệu có thể sẽ xét xử công bằng những người bị cho là làm việc dưới chế độ cũ? Trong khi đó, theo Le Monde, hiện tại, đã có hàng trăm người, trong đó có nhiều người đến từ nam Sahara đã bị bắt giam do bị nghi ngờ là lính đánh thuê cho ông Kaddafi! Tờ báo đặt câu hỏi: liệu trong số đó có bao nhiêu trường hợp là chính xác?

Các nhà báo ở Tripoli cũng lao vào công tác thanh lọc thời hậu Kaddafi. Không cần đợi lệnh cấp trên, họ tự thành lập một ủy ban xem xét quyết định những người có thể tiếp tục làm việc, những người phải ngưng làm việc. Một lãnh đạo mới của các nhà báo tại Tripoli cho biết: “Chúng tôi chỉ loại bỏ những ai trước đây tuyên truyền quá tích cực cho Kaddafi, những ai đã từng tố cáo đồng nghiệp của mình với chính quyền Kaddafi và những ai biển thủ tiền bạc, còn những người khác chỉ đơn giản là làm công việc của mình. Chúng tôi cũng cần phải làm việc để kiếm cái ăn như tất cả những người Libya khác”. Trong tổng số 500 nhân viên của 3 tờ nhật báo chính thức của chế độ Kaddafi (Al-Jamahiriya, Chams, Fajr Jedid), đã có khoảng 100 người trở lại làm việc mặc dù chưa nhận được đảm bảo nào về tiền lương. Họ đã thành lập một tờ báo mới tên là Febrayir để ca ngợi cuộc nổi dậy, số đầu tiên phát hành vào ngày 10/9 vừa qua.

Còn ở Bộ Ngoại giao, sự thanh lọc cũng được tiến hành. Theo lãnh đạo của bộ này, bộ đã lập danh sách những người cần phải bắt giữ, theo đó chỉ có từ 50 đến 60 trường hợp bị bắt trên tổng số 3.800 nhân viên. Đa số các viên chức của bộ này đã làm việc trở lại.

Trong khi đó, Mamoud Jibril, nhân vật số hai của NTC (đứng sau Chủ tịch NTC Mustafa Abdul-Jalil) đã bị các tướng lĩnh quân nổi dậy và một bộ phận trong NTC cáo buộc là quá dễ dãi với người của chế độ cũ. Ông này trước kia từng làm việc cho người con trai được xem là nhân vật kế thừa của ông Kaddafi là Al-Islam.

Các đại diện của tổ chức Human Rights Watch hôm 24/10 tuyên bố, họ đã phát hiện tại khách sạn Mahari ở thành phố Sirte 53 thi thể của những người ủng hộ cho nhà cựu độc tài tại Libya, tất cả đều bị trói tay trước khi bị bắn chết. Những chuyên gia của tổ chức này khẳng định, dựa trên tình trạng của những thi thể, các nạn nhân ước đoán đã bị sát hại trong khoảng thời gian từ 13 đến 19/10, khi khách sạn này đã nằm dưới quyền kiểm soát của các lực lượng nổi dậy. Thông tin này làm dấy lên những quan điểm lo ngại về làn sóng thanh trừng theo luật rừng tại Libya.

Ngoài ra, một người con trai còn sống khác của Kaddafi là Saif al-Islam đã tuyên bố, bản thân anh ta vẫn đang ở tại Libya để trả thù cho cha mình. Saif al-Islam nhiều khả năng đang nằm dưới sự bảo vệ của thủ lĩnh Ibrahim Khalil trong nhóm ly khai có tên “Phong trào vì công bằng và bình đẳng” tại Darfur (Sudan). Một tờ báo tại Sudan dựa trên các nguồn tin thân cận cho biết, Saif al-Islam đã rời khỏi Sirte từ ngày 27/8 trong thành phần một nhóm hộ tống đi trên 6 chiếc xe hơi bọc thép và đã tới được Chad. Tay thủ lĩnh Ibrahim Khalil được cho là đã được gia đình Kaddafi trả rất nhiều tiền vàng để che chở cho Saif al-Islam.

Nồi da xáo thịt?

Câu hỏi lớn cuối cùng, đó là sau cái chết của Kaddafi, người dân Libya sẽ hòa giải hay trả đũa lẫn nhau? Các nhà phân tích cho rằng sự phấn khích trước cái chết của nhà lãnh đạo độc tài này không thể che giấu được những vấn đề mà chính phủ mới ở Libya đang phải đối mặt trong việc kiến tạo hòa bình, tái thiết và điều hành đất nước Bắc Phi này. Và cái cách mà ông Kaddafi bị tiêu diệt có nguy cơ biến một nhà lãnh đạo độc tài thành một “chiến sĩ tử vì đạo”.

Axel Poniatowski, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Pháp, nói: “Đây là một sự kiện đánh dấu sự kết thúc của sứ mệnh ủng hộ phe nổi dậy ở Libya của NATO. Vấn đề cấp thiết hiện nay ở Libya là phải giải quyết các phe nhóm khác nhau và thực hiện tiến trình dân chủ”. Larbi Sadiki, chuyên gia về chính trị khu vực Bắc Phi của Trường đại học Exeter, nói: “Cuộc chiến đấu thực sự bây giờ mới bắt đầu để "ghìm cương” cái gọi là "phe nổi dậy” và đưa họ hòa nhập với các tổ chức hành chính, quân đội hoặc cảnh sát. Thách thức lớn nhất vẫn là tái thiết và cuộc chiến đấu để thành lập một chính phủ hữu ích, tạo ra một sự phát triển hợp lý và ổn định”.

Saif al-Islam, con trai cả của Kaddafi đã tuyên bố, bản thân anh ta vẫn đang ở tại Libya để trả thù cho cha mình

Tình trạng lan tràn vũ khí ở Libya là một vấn đề lớn đối với chính phủ mới. Cách cư xử của họ đối với lực lượng ủng hộ Kaddafi (đã bị đánh bại) sẽ ảnh hưởng lớn tới sự phục hồi và nền hòa bình tại Libya. Còn Ali Abdullatif Ahmida, thuộc Trường đại học New England, nói: “Đây là sự kết thúc của một kỷ nguyên, song cuộc chiến đấu để thành lập chính phủ mới cũng đã bắt đầu. Việc này hoàn toàn phụ thuộc vào ban lãnh đạo NTC hàn gắn và hòa giải đất nước… hoặc thực hiện trả thù. Đây có lẽ là một con đường đầy nguy hiểm”.

Hầu hết các nhà phân tích đều nhận định tình hình hỗn loạn ở Libya hiện nay cho thấy còn quá sớm để kết luận đất nước này có hướng tới sự ổn định(?!). Daniel Kohane, thuộc Viện Nghiên cứu An ninh châu Âu, nói: “Đây là một thành công lớn về mặt chiến thuật, song cũng có một câu hỏi lớn về mặt chiến lược được đặt ra là liệu Libya có trở thành một nước dân chủ hay không? Đến nay, câu hỏi này vẫn chưa có lời giải đáp rõ ràng”.

Có lẽ, không ai có đủ lạc quan để nói rằng tương lai của Libya sẽ tiến triển êm ả. Phần lớn mọi người đều cho rằng con đường phía trước của Libya sẽ đầy thách thức khó khăn.

Thách thức tiếp theo tới từ quá trình tái thiết đất nước. Mặc dù phương Tây hy vọng rằng Libya chủ yếu sẽ tự tài trợ cho công cuộc tái thiết của mình dựa vì chính phủ lâm thời Libya được tiếp cận tới các quỹ bị phong tỏa của nước này, và nối lại xuất khẩu dầu mỏ, nhưng nước này vẫn đối mặt với một loạt thách thức tức thời khác.

Đối với nhiều nhà lập kế hoạch thời hậu chiến, với bài học Irắc vẫn còn đó, thì việc khôi phục an ninh tại Libya được coi là ưu tiên cấp bách nhất. Tuy nhiên, cả người Libya lẫn các nước can thiệp đều không muốn triển khai quân nước ngoài tại nước này, ngoại trừ có lẽ chỉ một số ít nước Arập là mong muốn như vậy.

Lực lượng nổi dậy cho biết họ đang đào tạo hàng nghìn nhân viên an ninh ở thành phố Benghazi thuộc miền Đông để sẵn sàng tới Tripoli thực hiện nhiệm vụ khôi phục trật tự đầy khó khăn. Tuy nhiên, các nhà phân tích nghi ngờ về tính sẵn sàng hoặc thậm chí sự tồn tại của lực lượng này. NATO có thể đề nghị giúp chuyển họ tới miền Tây Libya bằng đường biển hoặc đường không, nhưng chưa rõ liệu đề nghị này có được hoan nghênh hay không. Nikolas Gvosdev, Giáo sư nghiên cứu về an ninh quốc gia tại Đại học Chiến tranh hải quân Mỹ nói: “Giải ngũ các nhóm nổi dậy có vũ trang sẽ là việc quan trọng, có thể bắt đầu bằng việc thu hồi các loại vũ khí từng được các nước trong NATO cung cấp. Một Libya đầy vũ khí sẽ không giúp ổn định nước này”.

Ngoài ra, hạ tầng cơ sở chung của Libya cũng cần được tu sửa, ngoài việc sửa chữa hư hại do các vụ không kích gây ra. Mặc dù Kaddafi đã bỏ hàng triệu USD vào xây dựng đường sá, khách sạn và các dự án khác, nhưng phần lớn hạ tầng cơ sở của Libya vẫn chưa phát triển. Nhanh chóng khôi phục hoạt động xuất khẩu dầu mỏ sẽ giúp tài trợ cho hoạt động tái thiết và thúc đẩy nền kinh tế Libya. Đây là những nhiệm vụ cấp thiết nếu ban lãnh đạo lực lượng nổi dậy muốn duy trì tính hợp pháp của mình và để tránh xảy ra những bất ổn mới.

Hải An – Hồng Sơn – Giang Khuê