Lenovo làm gián điệp như thế nào? (Bài 4)

22:24 | 10/01/2016

1,092 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Gần 3 tháng trước (26-10-2015), lễ khởi động dự án đào tạo "Hạt giống tương lai Philippines” do Tập đoàn viễn thông Hoa Vi tổ chức đã diễn ra tại Bắc Kinh. 10 học sinh, một giáo viên đến từ Philippines và Đại sứ Philippines tại Trung Quốc đã tham dự buổi lễ này.
lenovo lam gian diep nhu the nao bai 4 Lenovo làm gián điệp như thế nào? (Bài 3)
lenovo lam gian diep nhu the nao bai 4 Lenovo làm gián điệp như thế nào? (Bài 2)
lenovo lam gian diep nhu the nao bai 4 Lenovo làm gián điệp như thế nào? (Bài 1)

Bài 4: Hoa Vi và Trung Hưng

Dự án "Hạt giống tương lai Philippines" là một phần của dự án mang tên "Hạt giống tương lai" do Tập đoàn viễn thông Hoa Vi triển khai trên phạm vi thế giới.

Theo báo cáo phát triển bền vững được công bố trước đó, Tập đoàn viễn thông Hoa Vi cho biết, sẽ tuyển chọn hơn 1.000 học sinh nước ngoài tham gia dự án "Hạt giống tương lai" trong năm 2016.

Trong khi đó, nhiều chính trị gia Mỹ khẳng định, Hoa Vi gây mối đe dọa an ninh vì các mối liên hệ của tập đoàn này với chính phủ và quân đội Trung Quốc. Ngày 8-10-2012, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ công bố báo cáo cho biết, có bằng chứng cho thấy Tập đoàn viễn thông Hoa Vi và Trung Hưng Thông Tấn (ZTE Corp) đang trở thành hiểm họa an ninh đối với Mỹ. 

Khi trả lời phỏng vấn chương trình 60 Minutes của Đài truyền hình CBS hôm 6-10-2012, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mike Rogers đã kêu gọi các công ty Mỹ ngừng làm ăn với Hoa Vi. 

lenovo lam gian diep nhu the nao bai 4
Trụ sở Tập đoàn Hoa Vi tại Thâm Quyến, Quảng Đông

Bởi theo Nghị sĩ Mike Rogers, các công ty Mỹ không nên tìm đến Hoa Vi nếu họ “quan tâm đến quyền sở hữu trí tuệ, đến bảo mật thông tin cho khách hàng và an ninh quốc gia của nước Mỹ”. Ngày 24-10-2012, Hoa Vi đã cáo buộc Mỹ thực hiện chủ nghĩa bảo hộ, sau khi Quốc hội Mỹ đánh giá tập đoàn này mang tới các mối đe dọa gián điệp.

Theo thống kê, Hoa Vi là nhà cung cấp lớn thứ hai thế giới về thiết bị-kỹ thuật viễn thông, hoạt động tại hơn 140 quốc gia, sử dụng 1.700 nhân viên tại Mỹ, với doanh số tại nước này lên đến 1,3 tỉ USD năm 2011 so với 765 triệu USD năm 2010.

Mặc dù chiếm đáng kể thị phần viễn thông thế giới với vô số hợp đồng béo bở tại nhiều nước nhưng đến nay Hoa Vi vẫn không thể ký được hợp đồng nào, dù đơn lẻ, với các hãng viễn thông khổng lồ của Mỹ, từ AT&T, Sprint, T-Mobile đến Verizon.

Tập đoàn viễn thông Hoa Vi từng nhiều lần tuyên bố không liên quan đến chính phủ hay quân đội Trung Quốc và cũng không nhận tiền tài trợ từ Bắc Kinh, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh chủ đề này. Nguyên Bộ trưởng Thương mại Gary Locke là một trong những người vận động quyết liệt chống lại sự thâm nhập của Hoa Vi vào Mỹ.

Tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 13-9-2012, đại diện Trung Hưng Thông Tấn (ZTE Corp) cho biết, doanh số thiết bị hạ tầng viễn thông của họ cung cấp cho Mỹ năm 2011 chưa đến 30 triệu USD, trong khi chỉ riêng hai nhà cung cấp lớn của phương Tây (Nokia Siemens Networks và Alcatel Lucent) đã chiếm tới 14 tỉ USD. FBI từng xem xét cáo buộc ZTE Corp bán thiết bị máy tính cho Iran (vi phạm luật cấm vận của Mỹ).

ZTE Corp là nhà sản xuất điện thoại di động lớn thứ tư thế giới với 90.000 công nhân rải rác thế giới. Ngày 9-10-2012, Canada đã dẫn “lý do an ninh quốc gia” để loại Hoa Vi trong việc giúp xây dựng mạng thông tin siêu bảo mật của chính quyền nước này.

Sau khi Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đưa ra cảnh báo (8-10-2012): các thiết bị do Hoa Vi và ZTE Corp cung cấp có thể được dùng cho mục đích gián điệp, Chính phủ của Thủ tướng Stephen Harper buộc phải lựa chọn cẩn thận trong việc xây dựng mạng lưới này.

Trước đó, Hoa Vi đã cung cấp dịch vụ mạng tốc độ cao cho các công ty tư nhân Canada như Bell Canada, Telus, SaskTel và Wind Mobile. Năm 2011, doanh thu của Hoa Vi và ZTE Corp tại Ấn Độ đều sụt giảm khi sau khi Chính phủ Ấn Độ lập nhiều hàng rào khống chế.

Ngày 18-5-2013, ông Karel De Gucht, Ủy viên phụ trách Ngoại thương của EU cáo buộc Hoa Vi và ZTE Corp bán phá giá, vi phạm các quy định về cạnh tranh. Lời cáo buộc này dựa trên thông tin từ các nhà sản xuất thiết bị viễn thông nổi tiếng của EU như Ericsson, Alcatel-Lucent và Nokia Siemens Network.

Theo đó, 2 tập đoàn kể trên đã xuất vào thị trường châu Âu những sản phẩm với giá quá rẻ nhờ sự trợ giúp của Chính phủ Trung Quốc. Việc EU mở điều tra nhắm vào 2 tập đoàn kể trên khiến dư luận quan tâm bởi là lần đầu tiên khối này có hành động như vậy. Trong số những người nước ngoài được Hoa Vi thuê và tin cậy phải kể đến William Plummer, là Phó chủ tịch kiêm phát ngôn viên của Hoa Vi tại khu vực Bắc Mỹ.

Tính đến nay, Hoa Vi là một trong những nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Hoa Vi là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn thứ 2 và là nhà sản xuất smartphone lớn thứ 5 thế giới. Ngoài thị trường linh kiện, cung cấp cho khoảng 50 công ty điện thoại lớn trên thế giới, Hoa Vi có tham vọng sánh vai với Samsung của Hàn Quốc và Apple của Mỹ.

Theo thống kê, Hạn mức doanh thu trong năm 2012 của Hoa Vi đạt 220,2 tỷ NDT, trong đó lãi ròng khoảng 15,04 tỷ NDT. Theo Tổng Giám đốc Hoa Vi Tôn Á Phương, số lượng nhân viên tính đến hết năm 2012 của Hoa Vi là 140.000 người, hiện diện tại 140 quốc gia.

Đại tá quân đội nghỉ hưu Nhậm Chính Phi đã sáng lập Tập đoàn viễn thông Hoa Vi vào tháng 9-1987 với số vốn 21.000 USD cùng 14 nhân viên. Tên tiếng Anh của Hoa Vi là Huawei Technologies Co., Ltd.

Khi mới thành lập Hoa Vi được gọi với tên đầy đủ là Công ty trách nhiệm hữu hạn kỹ thuật Hoa Vi. Khẩu hiệu của Hoa Vi: Làm giàu cuộc sống và thông tin liên lạc cho mọi người (Enrich life through communication). Địa chỉ trang web: www.huawei.com.

Trụ sở của Hoa Vi đặt tại khu Long Cương, thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông. Số bưu chính: 518129. Số máy điện thoại: +86 755 2878-0808

(Còn tiếp) 

Đông Ngàn -Từ Sơn