Hải chiến Trường Sa 1988:

Lệnh “không được nổ súng” - Có hay không?

07:00 | 11/03/2016

12,153 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cuộc tấn công xâm lược của Hải quân Trung Quốc đánh chiếm các bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xảy ra cách đây 28 năm. Có những vấn đề vẫn gây tranh cãi xung quanh sự kiện này, trong đó có ý kiến cho rằng, bộ đội ta “có lệnh không được nổ súng” khi đụng độ với Hải quân Trung Quốc. Và có ý kiến nói rằng, thông tin về vụ Gạc Ma đã bị bưng bít. Vậy thực hư của những vấn đề này thế nào?

Thực trạng Trường Sa đầu năm 1988

Ngay từ năm 1984, phát hiện những dấu hiệu bất thường của Trung Quốc trên vùng biển Trường Sa, Trung tướng Giáp Văn Cương, Tư lệnh Hải quân Việt Nam đã nhận định: "Trong tương lai gần, vùng biển khu vực Trường Sa không được bình yên và sẽ là chiến trường chính của hải quân Việt Nam". Trong hai năm 1986-1987, một mặt ông yêu cầu bộ phận tác chiến soạn thảo gấp kế hoạch và phương án phòng thủ Trường Sa; mặt khác, ông chủ động và kiên trì đề xuất với Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chấp thuận kế hoạch bảo vệ chủ quyền Việt Nam ở Trường Sa và thềm lục địa phía Nam.

Kế hoạch bảo vệ Trường Sa của ông được cấp trên chấp thuận. Ông ra lệnh nhanh chóng dốc toàn lực, đặc biệt là công binh, ra Trường Sa để tăng cường, củng cố tất cả đảo nổi, đảo chìm mà quân dân Việt Nam đang đồn trú và sinh sống bao đời nay. Đối với những đảo chìm thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng chưa có quân đồn trú, ông yêu cầu "kiên quyết đóng nhanh, đóng đồng thời tất cả các đảo, nếu cần có thể dùng mọi loại tàu để ủi bãi".

Đầu tháng 3-1988, Trung Quốc huy động lực lượng của 2 hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa, tăng số tàu hoạt động ở đây thường xuyên lên 9 đến 12 tàu chiến gồm: 1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ vệ pháo, 2 tàu đổ bộ, 3 tàu vận tải hỗ trợ LSM, tàu đo đạc, tàu kéo và 1 pông tông lớn.

Ngay sau đó, Hải quân Trung Quốc cho quân chiếm đóng một số bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa: chiếm giữ đá Chữ Thập (31-1), đá Châu Viên (18-2), đá Ga Ven (26-2), đá Tư Nghĩa (Huy Gơ, 28-2), Xu Bi (23-3). Các bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa được gọi là đảo chìm, đều có chữ đầu là “đá”.

Cùng thời điểm này, Hải quân Việt Nam đưa vũ khí, khí tài ra đóng giữ tại các đá Tiên Lữ (26-1), đá Lát (5-2), đá Lớn (6-2), đá Đông (18-2), đá Tốc Tan (27-2), đá Núi Le (2-3), bước đầu ngăn chặn được hành động mở rộng phạm vi chiếm đóng của Hải quân Trung Quốc ra các đảo lân cận. Phía Việt Nam dự kiến Trung Quốc có thể chiếm thêm một số bãi cạn xung quanh cụm đảo Sinh Tồn, Nam Yết và phía đông kinh tuyến 115°.

Nhân chứng sống của sự kiện Gạc Ma khẳng định

Cựu chiến binh Lê Hữu Thảo, khi đó là trung sĩ, tiểu đội trưởng thuộc phòng tham mưu lữ đoàn 146 ở trên tàu HQ - 604 của lữ đoàn 125, nhân chứng sống của sự kiện Gạc Ma, khẳng định: “Tôi chưa từng nghe ai lệnh cho tôi là không được nổ súng, và tôi không hề phát biểu về có lệnh hay không có lệnh nổ súng...”.

Ông Thảo kể lại: “cuối tháng 3 đầu tháng 4-1988, ông đi cùng đơn vị trên tàu HQ-604 ra phối hợp với Trung đoàn công binh 83 hải quân để xây dựng công trình phòng thủ tại nhóm đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa.

Sáng 14-3, tôi đang cùng một nhóm 5 anh em cắm cờ Tổ quốc và cảnh giới để lực lượng công binh 83 đưa vật liệu lên đảo Gạc Ma thì bất ngờ khoảng 50 lính Trung Quốc với súng ống đầy mình từ ba chiếc tàu chiến tràn lên đảo, bao vây anh em.

Thực tế lúc đó, phương tiện thông tin liên lạc rất khó khăn, chúng tôi làm nhiệm vụ cách tàu một khoảng xa nên không có mệnh lệnh nào là không được nổ súng cả. Ở đây, nếu có thì chỉ là “không nổ súng trước”, bởi mình không bao giờ khiêu khích. Nhưng khi địch đã nổ súng vào đồng đội mình mà lại nói là không cho nổ súng thì không đúng. Không có bất cứ ông chỉ huy nào lại để lính mình làm bia cho quân địch bắn cả. Tôi mong rằng, những ai còn đưa thông tin này hãy suy nghĩ lại.

Lúc chúng tôi rời tàu vào đảo khoảng 5 giờ sáng, thì đồng chí thiếu tá Trần Đức Thông đang hô hào các đơn vị thức dậy để ăn sáng và chuyển vũ khí dưới hầm tàu lên lau chùi và chuẩn bị.

Còn khi ở trên đảo, tôi là tiểu đội trưởng được giao nhiệm vụ chỉ huy tổ cắm cờ và giữ cờ. Chúng tôi có 2 khẩu AK 47, trong giây phút căng thẳng, tôi và anh Nguyễn Mậu Phong, trung đội trưởng và anh Trần Văn Phương, trung đội phó phó đã hội ý chớp nhoáng. Hai anh đã nhất trí một số điểm và dặn dò tôi chuẩn bị tinh thần, quan sát thật kỹ mọi hành động của kẻ địch, bình tĩnh không được manh động, tùy cơ ứng biến, xử lý chuẩn mực kẻo mắc mưu kẻ thù, đó là không nổ súng trước. Với mệnh lệnh này, tôi đã truyền đạt lại cho chiến sĩ Đậu Xuân Tư.

Sáng sớm ngày 14-3, khi tổ cắm cờ và giữ cờ chúng tôi gồm 5 người và khoảng 20 chiến sĩ công binh đang làm nhiệm vụ trên đảo Gạc Ma thì bất ngờ 4 tàu khu trục và hộ vệ tên lửa ập đến.

Trung Quốc để 1 tàu đậu ở xa, còn 3 tàu áp sát chừng 200-300m, chúng dùng xuồng máy đổ bộ vào 50 tên có trang bị súng AK (48 tên mang AK, 1 tên mang điện đàm, 1 tên mang súng ngắn) chúng áp sát và bao vây và uy hiếp, buộc chúng tôi rút lui. Chúng cho xuồng máy chạy quanh tàu ta HQ604 chĩa súng lên khiêu khích.

Khi chúng yêu cầu chúng tôi rút lui không được, chúng xông vào cướp lá cờ Tổ quốc trên tay chúng tôi. Với nhiệm vụ xây dựng đảo nên chúng tôi chỉ có 2 khẩu AK 47, một số dụng cụ như xà beng, cuốc xẻng nhưng với tinh thần đoàn kết, dũng cảm, chúng tôi đã đánh bật những tên lính Trung Quốc.

Tuy có một số anh em bị thương nhưng chúng tôi đã bảo vệ được lá cờ Tổ quốc và với quyết tâm “Người còn thì đảo còn, Người còn thì cờ Tổ quốc vẫn còn”.

Nhưng với sự xảo quyệt và dã man, khi rút ra xa, bất ngờ lính Trung Quốc quay lại nổ súng vào đội hình bộ đội ta, nhiều đồng đội của tôi đã hy sinh ngay loạt đạn đầu nhưng lá cờ của Tổ quốc vẫn giữ vững và tiếp tục chuyền tay nhau cho đến lúc hy sinh gần hết. Khi lính Trung Quốc bắn trung úy Trần Văn Phương, bộ đội Hải quân nhân dân Việt Nam mới nổ súng. Và 6 lính Trung Quốc chết, 18 tên khác bị thương!

Trên 3 chiếc tàu khu trục và hộ vệ tên lửa, lính Trung Quốc đồng thời nhả đạn 12,7 ly, 37 ly, 76,2 ly, 100 ly, có cả dàn ống phóng 12 nòng bắn vào tàu HQ 604 và cả đội hình dưới đảo, chúng bắn cháy tàu HQ 505 bên đảo Cô Lin và HQ 605 bên đảo Len Đao.

Trước hỏa lực áp đảo của địch, một số đồng đội tôi trước lúc hy sinh đã kịp bắn vài quả B40 1 băng hoặc 1 loạt AK rồi họ hy sinh và chìm theo con tàu HQ 604.

Máu đồng đội nhuộm đỏ cả một vùng, chỉ còn sống sót được mấy người, chúng tôi cùng nhau bơi lặn tìm vớt những đồng chí bị thương và thi thể nhưng đồng đội hy sinh; còn lính Trung Quốc thì tràn lên chiếm đảo…”

Như vậy là người lính trực tiếp chiến đấu tại Gạc Ma đã khẳng định rằng, Không có chỉ huy nào ra lệnh “không được nổ súng” cả!

lenh khong duoc no sung co hay khong
Cựu chiến binh Lê Hữu Thảo

Tối ngày 16-3-1988, chúng tôi gặp Trung tướng Giáp Văn Cương tại Sở chỉ huy tiền phương của Bộ tư lệnh hải quân đóng ở Cam Ranh. Ông cũng không nói có lệnh nào “không được nổ súng”.

Thực tế thì “Bình tĩnh, kiên quyết, khôn khéo xử lý, không nổ súng trước, không mắc mưu khiêu khích của đối phương” là nguyên tắc ứng xử của ta trước các hành động gây hấn của Trung Quốc năm 1988 và các năm sau, cho đến ngày nay. “Không nổ súng trước” khác hẳn “không được nổ súng”. Điều đó đã rõ ràng!

Còn ý kiến cho rằng, sự kiện Gạc Ma đã bị bưng bít thì cần phải nhớ lại: ngay trong ngày 14-3-1988 sự kiện hải chiến xảy ra, Bộ ngoại giao Việt Nam đã ra tuyên bố tố cáo Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm chủ quyền và đánh chiếm một số đảo của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa. Đồng thời, các cơ quan truyền thông của Việt Nam đã lên tiếng rất mạnh mẽ. Trước đó, từ tháng 1-1988, khi Trung Quốc chiếm đóng đá Chữ Thập, đá Châu Viên và sau ngày 14-3, báo chí liên tục tố cáo và người dân Việt Nam đã có nhiều hoạt động thể hiện lòng yêu nước và lên án hành động xâm lược của Trung Quốc.

Nhờ có tuyên bố của nhà nước và sự tuyên truyền rầm rộ của các cơ quan thông tin báo chí thì nhân dân trong nước và thế giới mới biết rõ âm mưu nham hiểm và hành động xâm lược trắng trợn của Trung Quốc qua sự kiện 14-3-1988. Và cũng chính từ công tác tuyên truyền như thế, phong trào sôi động “Cả nước vì Trường Sa thân yêu” được biến thành những hành động thiết thực, lan rộng ra cả nước cho đến nhiều năm sau.

Đức Toàn