Lao động tha hương nơi tâm dịch

07:04 | 29/08/2020

257 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đà Nẵng bùng phát dịch Covid-19, nhiều lao động tự do bị mắc kẹt ở đây. Họ bỏ quê hương đến thành phố miền Trung này để mưu sinh, nhưng dịch bệnh khiến họ lâm vào cảnh túng quẫn, ở lại Đà Nẵng thì không có việc làm, hết tiền, muốn về quê cũng không được cho phép, hướng nào cũng... tắc.

Quyết đi bộ hơn 500km về quê

Cường quê ở một huyện miền núi Nghệ An. Anh vào Đà Nẵng làm phụ hồ từ cuối tháng 6. Trước đó, Cường bươn trải trong TP HCM để kiếm tiền gửi về quê nuôi vợ con. Cường làm việc ở Đà Nẵng được gần 1 tháng thì xảy ra dịch Covid-19, Đà Nẵng cách ly, các công trình xây dựng “bất động”, chủ thầu cũng đang bị cách ly, nhóm Cường và những người thợ không có tiền ăn, đành ăn mỳ tôm, rau mua quanh phòng trọ. Tiền cạn dần, Cường và 4 người bàn nhau, quyết về quê, vì ở lại Đà Nẵng không có việc làm, chẳng có tiền ăn.

lao dong tha huong noi tam dich
Cường và nhóm bạn sau khi được cơ quan chức năng áp tải trở lại đèo Hải Vân

8 giờ sáng, họ xuất phát từ Ngũ Hành Sơn, nhằm hướng đèo Hải Vân đi tới, đây là hướng đường bộ duy nhất đi ra phía Bắc. Đêm hôm trước, họ đã trả phòng trọ vì không có tiền thuê tiếp. Nhóm của Cường mang theo áo quần, nước uống, phải đi bộ vì toàn Đà Nẵng đang cách ly, các phương tiện vận tải không được phép hoạt động. Quê của họ cách Đà Nẵng hơn 500km. Họ chọn vượt đèo Hải Vân bằng cách men theo tuyến đường sắt dưới chân đèo, dài 28km, một bên là vách núi, một bên là biển và vực sâu, muốn vượt đèo phải đi qua 6 hầm, 18 cầu, trong đó có hầm số 14 là hầm đường sắt dài thứ 2 Việt Nam (946m).

Đà Nẵng giữa tháng 8 nắng gắt, nhóm người cứ lầm lũi đi, bóng hắt xiêu vẹo trên những thanh tà vẹt. Đến 20 giờ cùng ngày, họ vượt đèo thành công. Đi thêm một đoạn nữa, họ gặp trạm kiểm soát. Vì họ không mang theo những loại giấy tờ theo quy định, biết là những người lao động từ vùng dịch Đà Nẵng bỏ về quê, nên lực lượng chức năng của tỉnh Thừa Thiên - Huế giữ lại, bố trí cho ăn, nghỉ tại trạm. Sáng hôm sau, lực lượng chức năng đưa 5 người quay trở lại Đà Nẵng.

Sau đó, nhờ sự kết nối, Cường và 4 người bạn được Hội Sông Lam ở Đà Nẵng đón về, lo chỗ ăn ở và chờ những quyết sách của chính quyền Đà Nẵng về việc cho người ngoại tỉnh về quê theo nguyện vọng.

Nguyện vọng chính đáng

Quân là một thiếu niên học lớp 9 ở Diễn Châu, Nghệ An. Thi THPT xong, cậu thiếu niên này vào chơi với bố mẹ đang làm chủ thầu xây dựng ở Đà Nẵng, cũng để phụ giúp những việc vặt kiếm tiền mua đồ dùng học tập cho năm học mới. Quân vào Đà Nẵng được 4 ngày, vừa thạo việc xếp gạch thì Đà Nẵng xảy ra dịch bệnh. Chị Xoan, mẹ Quân kể: Tiếng là chủ thầu, nhưng hai vợ chồng từ quê vào Đà Nẵng làm mới được hơn 1 năm, tiền mua máy móc còn chưa thu hồi lại được thì gặp dịch bệnh, đành phải đi xoay tiền để nuôi thợ cơm nước qua ngày. Trường của Quân chuẩn bị bước vào năm học mới, những ngày qua, bạn bè, thầy cô gọi điện giục cậu nhanh trở về để kịp đi học. Ông nội của Quân đã cao tuổi, lại bị ung thư gan hơn 1 năm nay. Người nhà gọi điện vào bảo ông đang yếu, vợ chồng chị Xoan rất muốn về quê để thăm bố, nhưng không có phương tiện để về. Tất cả đều đang trông chờ vào một quyết sách thỏa đáng, hợp lý, hợp tình của chính quyền thành phố.

lao dong tha huong noi tam dich
Một thợ hồ ngồi trong lán trại chờ ngày được về quê

Ngày 16-8-2020, UBND thành phố Đà Nẵng đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép các công dân các địa phương đang tạm trú trên địa bàn Đà Nẵng được về quê theo nguyện vọng. Tờ trình nêu rõ, tất cả phương tiện giao thông đi, đến Đà Nẵng đã dừng hoạt động, dẫn đến một số lượng lớn người lao động, học sinh, sinh viên, người dân ngoài thành phố đến làm việc, học tập, thăm người thân chưa kịp rời Đà Nẵng trở về nơi cư trú. Hiện nay, nhiều người có nguyện vọng về nơi cư trú để tiếp tục ổn định cuộc sống và phòng, chống dịch trong bối cảnh dịch Covid-19 ở Đà Nẵng diễn biến rất phức tạp.

Xét tình hình thực tế tại địa phương và nguyện vọng chính đáng của người dân ngoài thành phố, UBND thành phố Đà Nẵng đề xuất Thủ tướng Chính phủ có chủ trương cho phép người lao động, học sinh, sinh viên và người dân ở các địa phương khác đang tạm trú ở Đà Nẵng được rời Đà Nẵng về lại nơi cư trú theo nguyện vọng.

Bà Phan Thị Thúy Linh - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thành phố Đà Nẵng - cho biết, hiện Sở LĐ-TB&XH đang tiếp tục khảo sát số lượng lao động đang làm việc tại doanh nghiệp và lao động tự do có nhu cầu trở về quê. Sở LĐ-TB&XH cũng đã thiết lập các kênh thông tin nóng với các tỉnh, thành phố có lao động tại Đà Nẵng để bàn phương án đưa lao động về địa phương. Theo bà Linh, qua khảo sát sơ bộ, ước chừng khoảng 10.000 người có nguyện vọng về quê, chủ yếu là người dân Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Bình Định, Phú Yên.

Những trường hợp như 5 thanh niên định đi bộ hơn 500km về quê không phải là hiếm. Những người lao động tự do làm việc để kiếm tiền sống qua ngày, “ráo mồ hôi là hết tiền”, không có tích lũy. Cả thành phố Đà Nẵng phải cách ly, việc làm không có, họ sống dựa vào lòng hảo tâm của những “Mạnh Thường Quân” làm thiện nguyện và chính quyền địa phương, nhưng cũng không thể quan tâm, chăm lo đầy đủ cho tất cả mọi người, sẽ có những phần hỗ trợ chưa đến được những người lao động tự do. Trong lúc túng quẫn, họ tìm mọi cách để trở về quê hương, với suy nghĩ “ở quê có gì ăn nấy”. Biết là họ chưa tuân thủ nghiêm quy tắc phòng, chống dịch, song những hoàn cảnh như thế đáng thương hơn đáng trách.

Rất cần một chủ trương hợp lý, hợp tình với những lao động tha hương ở Đà Nẵng đang trong hoàn cảnh khốn khó.

Thanh Hiếu