Lãng phí, không cần thiết khi thành lập “Phòng giám định kỹ thuật hình sự”?

14:41 | 25/11/2019

1,077 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đề nghị làm rõ, việc bổ sung việc bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao” có lãng phí, làm phân tán nguồn lực về con người và cơ sở vật chất và có trái với tinh thần với Nghị quyết về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy hay không?

Sáng 25/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Theo quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật là tập trung sửa đổi, bổ sung nhanh chóng, kịp thời những vấn đề mang tính cấp bách, cần thiết nhất để tháo gỡ vướng mắc, bất cập về thể chế, khắc phục ngay những tồn tại, khó khăn trong công tác giám định tư pháp phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế.

lang phi khong can thiet khi thanh lap phong giam dinh ky thuat hinh su
Đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa (Nam Định)

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về quan điểm chỉ đạo sửa đổi, bổ sung dự án Luật nhằm tháo gỡ vướng mắc, bất cập về thể chế, khắc phục ngay những tồn tại, khó khăn trong công tác giám định tư pháp phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế, không mở rộng sửa đổi sang các nội dung của Luật đã có tính ổn định, bền vững.

Trong dự thảo Luật có bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao” là một trong các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự, với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh.

Tuy nhiên, có ý kiến đại biểu cho rằng, đây là nội dung hoàn toàn mới, chưa được đặt ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật, hồ sơ dự án Luật chưa báo cáo, đánh giá đầy đủ về vấn đề này nên cần được nghiên cứu kỹ lưỡng.

Điều 12 Luật hiện hành quy định: Tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự bao gồm: Viện Khoa học hình sự (thuộc Bộ Công an), Phòng Kỹ thuật hình sự (thuộc Công an cấp tỉnh), Phòng Giám định kỹ thuật hình sự (thuộc Bộ Quốc phòng). Đến nay dự thảo luật bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao”. Các đại biểu băn khoăn, việc bổ sung cơ quan này vào luật có cần thiết không, có phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế hay không?”.

Phát biểu ý kiến về nội dung này, đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho biết, báo cáo của Bộ Tư pháp về giám định tư pháp một số nước trên thế giới cho thấy, hầu hết các nước trên thế giới giám định kỹ thuật hình sự giao cho Bộ Công an. Do đó, đề nghị làm rõ, việc bổ sung này có lãng phí, làm phân tán nguồn lực về con người và cơ sở vật chất và có trái với tinh thần với Nghị quyết về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy hay không?

Thực tế, từ năm 2017, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã thành lập Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Phòng này hiện nay chưa được giao nhiệm vụ thẩm định giám định tư pháp, chủ yếu thu thập chứng cứ, tài liệu. "Phải chăng việc quy định trong dự thảo luật là để hợp thức hóa việc thẩm định giám định tư pháp cho cơ quan này?" - đại biểu nêu câu hỏi.

Ngoài ra, đại biểu Hoa cũng cho hay năm 2019, cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao giải quyết được 41 vụ, 60 bị can, và không phải vụ nào cũng cần giám định về âm thanh, hình ảnh. Đại biểu băn khoăn rằng, với số lượng án này, có phải là quá lớn để thành lập riêng phòng kỹ thuật hình sự? Và đề nghị làm rõ nếu bổ sung quy định về cơ quan này vào luật thì sẽ làm cả 10 chuyên ngành giám định kỹ thuật hình sự hay chỉ làm giám định về âm thanh, hình ảnh? Cơ quan này sẽ xây dựng cơ sở hệ thống dữ liệu riêng hay sẽ sử dụng hệ thống hiện có của Bộ Công an? Đề nghị Chính phủ làm rõ nếu bổ sung cơ quan này vào luật sẽ làm tăng bao nhiêu biên chế, mất thời gian bao lâu để đào tạo giám định viên, tính hiệu quả hoạt động của cơ quan này?

Quan tâm đến nội dung về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước trong việc thực hiện giám định tư pháp, một số đại biểu Quốc hội tán thành với việc bổ sung vào dự thảo Luật quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước trong việc thực hiện giám định tư pháp khi được trưng cầu và công nhận, đăng tải danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc thuộc thẩm quyền quản lý.

Phát biểu ý kiến về nội dung này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho biết, trong thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng kinh tế cho thấy, mặc dù cơ quan giám định, người có thẩm quyền trưng cầu giám định nhưng giữa các cơ quan vẫn có sự đùn đẩy, né tránh. Báo cáo cho thấy từ năm 2013 đến 2018, trong lĩnh vực tài chính trưng cầu giám định 241 vụ việc, nhưng cũng có tình trạng chậm, né tránh, đùn đẩy. Nếu đề nghị kiểm toán tham gia giám định trong lĩnh vực tư pháp, tài chính thì sẽ có thêm một kênh để lựa chọn. Kiểm toán Nhà nước có đầy đủ các điều kiện để tham gia vào việc giám định này để cho một kết luận mang tính khách quan và chính xác.

Nêu ý kiến về nội dung đề nghị kiểm toán tham gia giám định trong lĩnh vực tư pháp, tài chính của đại biểu Nguyễn Thái Học, nhiều đại biểu cho rằng, việc bổ sung quy định trên là không cần thiết. Theo đó, nguồn nhân lực hiện nay đã đáp ứng tốt nhu cầu giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính. Nếu giao Kiểm toán Nhà nước tham gia hoạt động giám định tư pháp thì phạm vi thực hiện giám định rất hẹp, đồng thời, sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan này. Do đó, Kiểm toán Nhà nước đã có văn bản đề nghị không bổ sung quy định Kiểm toán Nhà nước tham gia hoạt động giám định tư pháp.

M.L

lang phi khong can thiet khi thanh lap phong giam dinh ky thuat hinh suHôm nay (25/11): Quốc hội bầu nhân sự giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật
lang phi khong can thiet khi thanh lap phong giam dinh ky thuat hinh suQuốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Y tế
lang phi khong can thiet khi thanh lap phong giam dinh ky thuat hinh suQuốc hội đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu nữ lên 60