Làng lụa nổi tiếng nhất Việt Nam đã "đầu độc" sông Nhuệ như thế nào?

11:25 | 07/09/2012

5,448 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Làng lụa Vạn Phúc Hà Đông nổi tiếng và lãng mạn trong câu hát "Nắng Sài gòn anh đi mà chợt mát, bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông"... Nhưng nếu người ta mà biết, làng nghề nổi tiếng này đã "đầu độc" sông Nhuệ như thế nào, thì...

>> Sông Nhuệ - dòng sông bị 'đầu độc'

Như trong bài viết trước, chúng tôi đề cập đến tình trạng sông Nhuệ - dòng sông chảy xuyên suốt quận Hà Đông, Hà Nội bị "đầu độc" nghiêm trọng. Một trong những thủ phạm gây ra hình ảnh phản cảm của con sông này chính lại là làng nghề nổi tiếng cả nước: Làng lụa Hà Đông.

Làng Vạn Phúc hiện có trên 700 cơ sở tham gia sản xuất lụa, trong đó hơn 22 cơ sở làm công việc nhuộm và tẩy rửa lụa chịu trách nhiệm tẩy, nhuộm cho toàn bộ số lụa của làng Vạn Phúc sản xuất ra mỗi ngày.

Ngày trước, các nghệ nhân của làng nghề thường dùng thuốc nhuộm màu hay tẩy trắng cho lụa là những nguồn nguyên liệu dân gian được lấy từ thực vật, lá cây hay các loại hoa, quả. Giờ đây người ta đã sử dụng hóa chất vào việc này. Điều đáng lo ngại hơn, các chất thải độc hại này đang được xả ra môi trường một cách trực tiếp và không qua bất cứ một biện pháp xử lý nào, kể cả là dùng các bể lắng lọc thô sơ.

 

Dùng hóa chất thay cho thuốc nhuộm từ thiên nhiên là nguyên nhân hủy hoại môi trường.

 

Theo ông Đỗ Văn Sinh, Chủ tịch hiệp hội làng nghề Vạn Phúc, thì mỗi ngày các cơ sở sản xuất của Vạn Phúc cho ra đời từ 4.000 - 5.000m lụa, tương đương với 400kg lụa. Mỗi năm, làng lụa Vạn Phúc sản xuất ra hơn 1 triệu mét lụa thành phẩm. Trong khi đó cứ mỗi kilôgam lụa thành phẩm phải mất tới 30 lít nước tẩy rửa, số hóa chất được đưa vào phục vụ cho quá trình nhuộm tạo màu cho lụa luôn chiếm một tỷ lệ cao, cứ 10kg lụa phải mất tới 300g hóa chất nhuộm. Tính ra, để tẩy và làm màu cho toàn bộ số lụa này thì phải dùng tới hàng trăm kilôgam hóa chất.

Tất cả khi sử dụng xong đều được thải trực tiếp ra môi trường, hoàn toàn không qua khâu xử lý chất thải

Bà Nguyễn Thị Lan, một người dân sống ở đây nói: “Ngày nào chẳng thế, nhất là ngày nắng gắt mùi hôi thối nồng nặc bốc lên gây ô nhiễm không khí, không thể thở nổi”. Sự ô nhiễm trầm trọng đang bao trùm nơi đây.

Theo kết quả xét nghiệm của Khoa Hóa học, trường Đại học Khoa học tự nhiên, cho thấy mẫu nước ngầm của địa phương này bị nhiễm quá nhiều các thành phần hóa chất. Trong đó nhiều nhất là các chất như N2CO3, CH3COOH, H2S, Na2S. Tất cả các thành phần này đã nhiễm xuống nguồn nước ăn của bà con, căn nguyên chính cũng chỉ do quá trình sản xuất lụa, đặc biệt là khâu tẩy và nhuộm lụa.

Theo Bác sĩ Phương, Trạm trưởng Trạm Y tế phường cho biết: Ngoài những người mắc phải các căn bệnh về đường hô hấp, mắt, viêm mũi, viêm xoang thì những người mắc phải các căn bệnh và tử vong do ung thư mà được trạm Y tế của địa phương biết tới thì trong vài năm trở lại đây khá cao. 

Trong năm 2011, phường có 463 người mắc bệnh viêm hô hấp trên, 36 người viên phế quản, 87 người mắc bệnh viêm phổi, 82 người mắc bệnh tiêu chảy... và đã xảy ra 15/42 ca tử vong do mắc phải căn bệnh ung thư. Phần lớn những người chết vì ung thư (chủ yếu là ung thư gan, ung thư vòng họng) ở độ tuổi trung bình từ 40 - 60, chiếm tới gần 40% số ca tử vong của Vạn Phúc. 

Phẩm màu và hóa chất đã giúp những thợ lụa nơi đây cho ra thị trường những thước lụa không mất quá nhiều công sức. Song, khi khâu xử lý nước thải chưa được đảm bảo thì chính sự phát triển như hiện này trong quá trình sản xuất lụa đã đe dọa tới cả tính mạng của những người dân nơi đây. 

 

Các thiết bị nhuộm đều thủ công, thô sơ như thế này.

Nồi áp suất.

Tơ lụa được nhúng vào các bể nhuộm.

Không ai có thói quen sử dụng phương tiện bảo hộ lao động khi làm việc.

Hóa chất nhuộm tác động trực tiếp vào tay là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư.

Đổ trực tiếp thuốc nhuộm ra nền xưởng.

 

Hoặc đổ trực tiếp xuống mương, rãnh mà hầu hết không hề qua xử lý.

Tất cả nước thải từ làng lụa Vạn Phúc đều đổ ra sông Nhuệ.

Sông Nhuệ gánh chịu nguồn nước thải ô nhiễm từ làng nghề đổ ra.

Dòng sông đã bị đổi màu đen bởi nước thải ô nhiễm từ làng lụa Vạn Phúc.

 

Nguyễn Hoan