Lần đối đầu giữa hai tiêm kích do Mỹ sản xuất năm 1987

08:08 | 14/11/2018

294 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hai tiêm kích F-4 Iran áp sát trinh sát cơ P-3C ở khoảng cách gần tại eo biển Hormuz, buộc biên đội F-14 Mỹ khai hỏa tên lửa.
lan doi dau giua hai tiem kich do my san xuat nam 1987
Tiêm kích F-14A xuất phát từ tàu USS Constellation năm 1987. Ảnh: US Navy.

Khi được đưa vào biên chế năm 1974, tiêm kích F-14 Tomcat là phương án thay thế dòng F-4 Phantom II của hải quân Mỹ trong những năm tiếp theo. Quá trình thay thế này được tiến thành từng bước một, đồng nghĩa với việc tiêm kích Phantom II và Tomcat vẫn tiếp tục bay cùng nhau trong nhiều nhiệm vụ của không quân Mỹ.

Điều tương tự cũng xảy ra với không quân Iran, lực lượng được hình thành từ thập niên 1970 nhờ nhiều tiêm kích mua của Mỹ. Cặp đôi F-4 và F-14 của không quân Iran đã nhiều lần phối hợp tác chiến đọ sức với các tiêm kích của Iraq trong cuộc chiến Iran - Iraq. Sau nhiều năm sát cánh cùng nhau, hai loại chiến đấu cơ này đã có màn đọ sức thực sự trong trận không chiến giữa Mỹ và Iran năm 1987, theo War Is Boring.

Ngày 24/7/1987, theo đề nghị của Kuwait, Mỹ phát động chiến dịch Ernest Will hộ tống tàu hàng của nước này khỏi bị Iran và Iraq tấn công khi đi qua vịnh Persian. Chiến dịch này đánh dấu việc Mỹ gia tăng đáng kể sự hiện diện của không quân và hải quân trong khu vực, bao gồm việc triển khai một nhóm tàu sân bay chiến đấu ở Vịnh Oman gần đó.

Kể từ đầu mùa hè năm 1987, nhóm tác chiến Delta với hạt nhân là hàng không mẫu hạm USS Constellation và Không đoàn tàu sân bay số 14 bắt đầu làm nhiệm vụ cảnh giới trên không cho chiến dịch Earnest Will.

Ngay từ đầu chiến dịch, Iran đã có hành vi khiêu khích với việc triển khai 4 tiêm kích F-4 tiếp cận đội hình chiến hạm Mỹ hộ tống tàu chở hàng Kuwait ở khoảng cách 24 km, buộc Mỹ triển khai các máy bay F-14 xua đuổi.

Sáng 8/8/1987, ba tàu chở dầu vượt eo biển Hormuz để đến Kuwait dưới sự hộ tống của khu trục hạm USS Kidd, tuần dương hạm USS Valley Forge, các khinh hạm USS Jarrett và USS Crommelin của Mỹ. Một trinh sát cơ P-3C Orion xuất phát từ Oman để cảnh giới cho biên đội hộ tống, giám sát hoạt động của Iran.

Khi đi qua eo biển Hormuz, tuần dương hạm Valley Forge và máy bay cảnh báo sớm E-2C Hawkeye phát hiện hai phi cơ cất cánh từ thành phố cảng Bandar Abbas, miền nam Iran. Dựa trên địa điểm xuất phát, tốc độ và độ cao, phía Mỹ tin rằng những máy bay này là tiêm kích F-4. Chúng dường như đang tiếp cận trinh sát cơ P-3C từ phía sau.

Tàu USS Valley Forge phát cảnh báo qua vô tuyến nhiều lần với biên đội tiêm kích Iran nhưng được hồi đáp. Dù chiếc P-3C được tiêm kích hộ tống, nó vẫn có nguy cơ bị tấn công và bắn hạ. Máy bay cảnh báo sớm E-2C yêu cầu hai tiêm kích F-14 đang tuần tra ở phía đông eo biển Hormuz đến ngăn chặn.

Hai tiêm kích F-14A thuộc Phi đoàn tiêm kích số 21 do thiếu tá Robert Clement và đại úy William Ferran điều khiển được triển khai tới khu vực. Sĩ quan điều khiển radar trên máy bay của Ferran phát hiện chiến đấu cơ Iran từ khoảng cách 56 km.

lan doi dau giua hai tiem kich do my san xuat nam 1987
Eo biển Hormuz tiếp giáp với Iran. Đồ họa: UN.

Biên đội F-4 Iran bay bám biển ở độ cao 215 m, trước khi vọt lên độ cao 610 m ở khoảng cách 45 km. Radar trên chiến đấu cơ F-14 của Ferran thu được tín hiệu phản hồi tốt hơn nên phi công này được giao quyền chỉ huy biên đội. Ferran cố gắng nhận dạng những chiếc F-4 Iran bằng hệ thống camera trên máy bay nhưng bất lực vì sương mù dày đặc.

Phi cơ hai bên tiếp cận nhau với tốc độ cao. Theo quy ước giao chiến, tiêm kích Mỹ phải đợi đối phương đến gần trong tầm 16 km mới được bắn. "Họ tiếp tục áp sát, khoảng cách ngày một gần. Điều đó buộc tôi phải hành động", Ferran hồi tưởng lại.

Tốp F-4 liên tục áp sát chiếc P-3 ở khoảng cách 16 km, khiến phi công Mỹ coi đó là mục tiêu thực sự, thay vì chỉ là mối đe dọa chưa xác định. Ferran phóng một tên lửa đối không tầm trung AIM-7 Sparrow vào chiếc F-4 Iran.

Tuy nhiên, quả đạn gặp trục trặc và rơi tự do xuống vùng biển bên dưới. Thiếu tá Clement lập tức phóng tiếp một tên lửa AIM-7, sau đó Ferran bồi thêm một quả khác. Cả hai tên lửa dường như đều lao tới mục tiêu.

Sau khi tin rằng quả đạn AIM-7 đã phát nổ, Clement ra lệnh ngoặt gấp và chuẩn bị thoát ly. Đây được đánh giá là hành động nguy hiểm, bởi biên đội F-14A Mỹ khi đó phơi lưng về phía đối phương khi chưa bảo đảm đã diệt mục tiêu. Hai tiêm kích Mỹ sau đó vừa hạ độ cao vừa phóng mồi bẫy và pháo sáng, đề phòng tiêm kích Iran tấn công.

Không có cuộc đụng độ nào xảy ra sau đó, tín hiệu từ các máy bay Iran cho thấy chúng đã trở về căn cứ. Trinh sát cơ P-3C tiếp tục làm nhiệm vụ, trong khi biên đội F-14A hạ cánh xuống tàu sân bay Constellation.

Cho đến nay, vẫn chưa rõ hai quả tên lửa AIM-7 phóng ra từ tiêm kích F-14 Mỹ có đánh trúng chiến đấu cơ F-4 do Mỹ sản xuất nhưng trong biên chế không quân Iran hay không. Việc biên đội Mỹ quay đầu và thoát ly ngay sau khi khai hỏa khiến họ không có cách nào để xác định chúng có tìm tới mục tiêu hay không.

lan doi dau giua hai tiem kich do my san xuat nam 1987
Tiêm kích F-4 Iran sau một chuyến huấn luyện hồi năm 2013. Ảnh: Aviationist.

Gần 20 năm sau, cuộc đối đầu trên eo biển Hormuz vẫn không được làm sáng tỏ hoàn toàn, bởi Iran không bình luận về sự cố này, trong khi chính quyền cựu tổng thống Mỹ Ronald Reagan cũng không xác nhận sự việc để tránh leo thang căng thẳng.

Theo VnExpress.net

lan doi dau giua hai tiem kich do my san xuat nam 1987

Xem siêu tiêm kích Mỹ so tài cùng Sukhoi T-50

Trang mạng Topwar của Nga vừa có bài phân tích cho rằng, máy bay tiêm kích tương lai F-35 của Mỹ sẽ trở thành “mồi ngon” cho máy bay tàng hình thế hệ thứ năm T-50 của Nga. Tuy nhiên, thực tế có như vậy trong cuộc so tài giữa Sukhoi T-50 và F-35?

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc