Làm sạch kênh rạch Sài Gòn bằng hệ thống máy cắt lục bình

06:44 | 01/07/2013

2,061 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hằng năm TP HCM có 700 km kênh rạch bị lục bình tấn công gây cản trở giao thông đường thủy. Trước tình hình này, UBND TP đã quyết định đưa vào sử dụng hệ thống máy cắt lục bình nhằm xử lý lục bình và rác thải.

Theo thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM, hiện nay TP HCM có 170 tuyến kênh rạch với chiều dài gần 700 km bị lục bình, cỏ dại phát triển, ngăn dòng chảy làm dịch bệnh phát triển và cản trở giao thông thủy. Mặc dù thành phố đã chỉ đạo cho các quận huyện ra quân diệt lục bình nhưng phương án này vẫn không khả thi và tốn kém khá nhiều kinh phí.

https://cdn-petrotimes.mastercms.vn/stores/news_dataimages/dothuytrang/062013/30/08/IMG_1999.jpg

Kênh rạch ở TP HCM sẽ được làm sạch nhờ hệ thống máy cắt lục bình

Chỉ tính riêng đầu tháng 4 vừa qua, riêng kinh phí dành cho các quận, huyện tổ chức vớt lục bình trên 29 tuyến kênh đã chiếm hơn 2,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay hoạt động này vẫn diễn ra khá chậm do thực hiện thủ công. Lục bình sau khi vớt chủ yếu được mang đi chôn lấp tại các bãi rác ngoại thành chứ không tận dụng được.

Trước tình trạng này, Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu và đưa vào sử dụng hệ thống máy cắt lục bình do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ - máy công nghiệp (thuộc Đại học Công nghiệp TP HCM) chế tạo vào sử dụng và tìm hiểu công nghệ ủ lục bình thành phân vi sinh tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP (P.Trung Mỹ Tây, Q. 12).

Theo đó, việc trục vớt lục bình sẽ được hạn chế kinh phí và nhân lực nhờ hệ thống máy cắt này. Bên cạnh đó, lục bình sau khi cắt xong sẽ được dùng làm nguồn nguyên liệu để chế biến thành phân bón phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Dự kiến, hệ thống máy cắt lục bình này sẽ được các Sở kiểm định và đưa vào ứng dụng trong năm nay để xử lý lục bình và rác thải.

Nếu đạt kết quả tốt sẽ sản xuất nhiều hệ thống máy cắt tương tự để ứng dụng đại trà. Việc cắt lục bình trên sông, kênh rạch không chỉ khai thông dòng chảy, giảm ngập úng mà còn phục vụ công tác phát triển du lịch, cải thiện vệ sinh môi trường, giảm dịch bệnh, cải tạo đất canh tác… Lục bình sau khi vớt lên bờ được cho các đơn vị có khả năng xử lý, sản xuất thành phân vi sinh hữu ích.

Thùy Trang

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc