Lại ồn ào bàn xử lý tiêu cực biểu diễn

10:15 | 07/06/2012

897 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hội nghị triển khai Chỉ thị 65 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) mới đây lại tiếp tục như một cuộc khảo sát, đề xuất về giải pháp xung quanh thực trạng tiêu cực tràn lan trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Thực tế lại được bàn luận, mổ xẻ, còn những hành động thực thi có tính pháp lý và sự quyết tâm đẩy lùi tiêu cực thì vẫn tiếp tục trong thời kỳ “nạp đạn”.

Vẫn là chuyện… kín, hở

Nhiều vấn đề nóng lại xới xáo lên tại Bộ VH-TT&DL trong hội nghị triển khai thực hiện Chỉ thị số 65/CT-BHVTTDL về chấn chỉnh hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang sáng ngày 1/6. Đại diện các cơ quan quản lý văn hóa, các đơn vị nghệ thuật và công ty tổ chức sự kiện, tổ chức biểu diễn nghệ thuật đã tham dự và tiếp tục trao đổi xung quanh những bất cập của văn bản quản lý nhà nước, những vi phạm trắng trợn của một số ca sĩ trong ăn mặc khi biểu diễn, thực trạng hát nhép, tình trạng quảng cáo tràn lan, sai trái, mạo danh nhằm “treo đầu dê bán thịt chó”, sự trốn tránh, lách luật của một số nhà tổ chức biểu diễn và cả sự yếu kém, buông lỏng của các cơ quan chức năng…

Ca sĩ Ngọc Sơn

Nhiều ý kiến tích cực, nhiều quan điểm thẳng thắn, cũng giống như những đề xuất, kiến nghị mạnh mẽ được thể hiện trong các kỳ cuộc trước, cũng như trên báo chí thời gian qua. Trong đó, có những cọ xát, trái chiều khá… ly kỳ! NSND Trần Bình cho rằng, quanh đi quẩn lại chỉ chưa đến chục ca sĩ ăn mặc phản cảm, trong khi cả nước có tới 130 đơn vị nghệ thuật, hoạt động nghệ thuật diễn ra liên tục. Về việc hát nhép thì thực sự có những cái bất khả kháng, nhất là những chương trình lớn, truyền hình trực tiếp… Nên cứ xoáy vào chuyện hở hang, hát nhép như một vấn nạn của cả ngành biểu diễn thì thật chưa công bằng! Giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông đa phương tiện Nguyễn Quỳnh Trang đặt vấn đề ngoài việc cấm biểu diễn thì phải phạt thật nặng với các ca sĩ ăn mặc phản cảm, chứ nếu chỉ hai đến ba triệu thì chắc chắn vi phạm vẫn còn tái diễn.

Ngược lại, Phó chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL Phạm Xuân Phúc thì cho rằng, đã bị phạt là nhục nhã lắm rồi! Khung phạt hiện nay tính trên mặt bằng chung, không thể tăng quá mức lên được. Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Hoàng Minh Chính cho rằng, phạt nhiều hay ít không quan trọng, quan trọng là phải loại khỏi đời sống những biểu hiện đó, bởi “con sâu làm rầu nồi canh”. Còn Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Đăng Chương thì kêu gọi báo chí cực lực lên án các hành vi sai phạm trong biểu diễn. Ông Chương chỉ ra, ngay cả trong nhiều phim truyền hình, nhiều chương trình truyền hình trực tiếp, các diễn viên, MC cũng ăn mặc lõa lồ! Ngành VH-TT&DL và thông tin truyền thông cần phối hợp, kiên quyết cấm những chương trình đó.

Nhà quản lý, anh là ai và ở đâu?

Sự yếu kém, buông lỏng và chồng chéo của các cơ quan quản lý cũng là đề tài được nhiều người mổ xẻ. Không phải ngẫu nhiên mà thực trạng biểu diễn nghệ thuật ngoài những cái hay lại có những sự bung bét, biến chất như thời gian qua. Ngoài tính vụ lợi, lập lờ đánh lận con đen, cố ý làm trái của nhiều nhà tổ chức, đương nhiên phải kể đến sự mất cảnh giác cũng như xuôi chiều, thả nổi, không kịp thời quản lý, kiểm soát và xử lý của các nhà chức năng. Ông Đăng Chương thẳng thắn: Quản lý vô cảm trước tiêu cực! Ông Hoàng Minh Chính cho rằng, đang có vấn đề trong phân cấp về cấp phép biểu diễn. Đơn cử như trường hợp biểu diễn của ca sĩ hải ngoại Chế Linh, đều liên quan đến việc cấp phép của Sở VH-TT&DL Hà Nội lẫn Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Một số người mẫu ca sĩ ăn mặc phản cảm

Và khi chưa ngã ngũ thì cơ quan quản lý nhà nước đã thiệt hại về mặt uy tín trước đã! NSND Vũ Ngoạn Hợp – Giám đốc Liên đoàn xiếc Việt Nam nêu ra sự khó khăn của các đơn vị nghệ thuật công lập khi xây dựng các chương trình biểu diễn, được cấp kinh phí để dàn dựng với tinh thần phục vụ cao, nhưng điều kiện để làm công tác quan hệ công chúng, truyền thông, quảng cáo thì thật như muối bỏ bể. Băng rôn được treo quá ít, nếu chẳng may bị mạo danh thì chỉ mình chịu thiệt. Nhà quản lý dường như chưa thấu hiểu nỗi khổ đó! Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận thì cho rằng, chưa có sự phối hợp giữa nhà quản lý văn hóa và doanh nghiệp khiến cho việc xin phép biểu diễn quá dễ dãi.

Và thực tế là nhiều chương trình đã xin phép ở địa phương này nhưng biểu diễn ở địa phương khác và có những vi phạm. Không cẩn thận, Hà Nội sẽ thành nơi đổ bộ của các chương trình như thế. Ông Nhuận cũng nhận xét, nhiều hội đồng nghệ thuật ở các Sở VH-TT&DL còn nể nang và nương tay, duyệt chương trình thì còn lơ là và công tác hậu kiểm thì gần như để ngỏ. NSND Trần Bình còn cho rằng, nhiều khi cơ quan quản lý cấp phép nhưng chẳng thấy người đến để giám sát, kiểm tra các chương trình.

Chính một phần bởi những nguyên nhân trên mà sai phạm vẫn đầy rẫy. Và công tác quản lý phải chăng trong suy nghĩ của những người vi phạm chỉ là chuyện hình thức, nực cười! Các cơ quan chức năng đang khẩn trương… trong thời gian dài để xây dựng nghị định mới về hoạt động biểu diễn nhằm quản lý tốt hơn các hiện tượng tiêu cực, cũng như rồi sẽ có những văn bản dưới nghị định để hướng dẫn thực hiện, xiết chặt hơn, mạnh tay hơn trong xử lý… Nhưng nếu đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa, thanh tra các cấp không được chú trọng về nghiệp vụ và không ngừng nâng cao chuyên môn nghệ thuật thì sẽ còn nhiều lúng túng và chậm trễ trước những biến hóa khôn lường của tiêu cực biểu diễn trong tương lai.

Theo PGS.TS Phạm Quang Long – Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội, Hà Nội hiện có 370 điểm treo băng rôn. Số điểm có hạn, nên đề nghị các đơn vị tổ chức biểu diễn tăng cường treo banner dọc, tuy không bằng băng rôn nhưng góp phần giải quyết được nhu cầu quảng bá chương trình. Trước thực trạng nhiều đơn vị xin giấy phép ở địa phương khác nhưng mang về Hà Nội biểu diễn, ông Long nhấn mạnh: Cái gì xứng đáng hãy đưa về! Chúng tôi sẽ tiếp nhận biểu diễn nhưng sẽ phải duyệt kỹ.Còn với “Những nơi tổ chức vi phạm quy định, để nghệ sĩ, người mẫu biểu diễn phản cảm tôi đề nghị phải phạt mạnh tay từ 1 đến 2 tỉ đồng.

NSND Thanh Hoa:

Chúng ta đang đi quyền được giáo dục thẩm mỹ, đạo đức của các nghệ sĩ. Các đơn vị công lập thì quản lý nghệ sĩ của mình tốt. Còn các nghệ sĩ tự do? Hàng năm Cục nghệ thuật biểu diễn nên có tập huấn cho tất cả các nghệ sĩ tự do, góp phần giáo dục các em, bởi lên sân khấu mỗi người đều góp phần truyền tải văn hóa Việt. Chứ không thì kể cả hát ca ngợi quê hương đất nước nhưng vì không có ý thức nên vẫn cứ hở lung tung!

Người mẫu Thúy Hằng – Giám đốc điều hành Công ty Elite:

Đề nghị các văn bản quản lý hoạt động biểu diễn bổ sung đối tượng “nhà thiết kế”. Đó là người quan trọng trong các cuộc biểu diễn, nhất là thời trang vì trang phục được thể hiện trên sân khấu đều do nhà thiết kế tạo ra. Hiện có nhiều yếu tố văn hóa bên ngoài tràn vào Việt Nam nhưng không phù hợp với văn hóa dân tộc, phải có quy định với các đơn vị đào tạo nhà thiết kế nhằm đảm bảo trong sáng tạo của họ phải sự hài hòa văn hóa Việt Nam và nước ngoài.

Hằng Nga

Năng lượng Mới số 125, ra thứ Ba ngày 5/6/2012